Tuần -14 - Ngày 25/04/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Phần 2
28/08/2021

Thông tin chung:
Công trình: Khu vực lịch sử của Istanbul (Historic Areas of Istanbul)
Địa điểm: Thành phố và tỉnh Istanbul, Turkey (N41 0 30.492 E28 58 47.748)
Thiết kế kiến trúc: 
Quy mô: Diện tích di sản 765,5 ha
Năm hoàn thành: 
Giá trị : Di sản thế giới (1985; Sửa đổi ranh giới nhỏ năm 2017, hạng mục i, ii, iii, iv)
 

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia xuyên lục địa Á - Âu, nằm chủ yếu trên bán đảo Anatilian ở Tây Á, với một phần nhỏ hơn trên bán đảo Balkan ở Đông Nam Âu. 
Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp ở phía Tây; Gruzia ở phía Đông Bắc; Armenia, Iran và Azerbaijan ở phía Đông; Iraq và Syria ở phía Đông Nam; Địa Trung Hải ở phía Nam; biển Aegea ở phía Tây; và biển Đen ở phía Bắc. 
Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích 783.356 km2; dân số khoảng 83,2 triệu người (năm 2019).
Khoảng trên 70 - 80% dân số là người Thổ Nhĩ Kỳ; người Kurd là thiểu số lớn nhất, chiếm từ 15 - 20% dân số.
Thành phố lớn nhất là Istanbul, thành phố thủ đô là Ankara. Về mặt hành chính, Thổ Nhĩ Kỳ chia thành 81 tỉnh.  

Thổ Nhĩ Kỳ là vùng đất có người cư trú từ thời đại Đồ đá cũ và trải qua nhiều nền văn minh của các dân tộc khác nhau, gồm Anatilian, Assyria, Hy Lạp, Thracian, Phrygian, Urartian và Armenia. 
Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenization/ Hellenism) tại vùng đất này bắt đầu vào thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN) với sự cai trị của Vương quốc Macedon (tồn tại năm 808 TCN - 168 TCN).
Thời kỳ Hy Lạp hóa tiếp tục vào thời đại Byzantine (Byzantine Empire), còn gọi là Đế chế Đông La Mã (Eastern Roman Empire, tồn tại năm 395- 1453).


Vào thế kỷ 11, Đế chế Seljuk Turks (Seljuk Empire, tồn tại 1037 - 1194) đánh bại Vương triều Byzantine, khởi đầu quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa (Turkish Nationalists) tại khu vực.
Vào thế kỷ 12, Vương quốc Hồi giáo Rum (Sultanate of Rum, tồn tại 1077 - 1308) tách ra từ Đế chế Seljuk Turks đã thống nhất vùng Tiểu Á (Anatolia, chiếm phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại). Vương quốc này thất bại trước các cuộc tấn công của Đế chế Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại 1206–1368) vào năm 1234 và tan rã thành các tiểu quốc nhỏ (Anatolian Beyliks).
Cuối thế kỷ 13, Vương triều Ottoman (Ottoman Dynasty, tồn tại 1299 đến 1922) đã thống nhất các tiểu quốc Beyliks và chinh phục vùng Balkan. Vùng đất của người Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng trong thời kỳ Vương triều Ottoman.
Đế chế Ottoman bao trùm phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi và trở thành một cường quốc thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 18, sức mạnh của Đế chế Ottoman suy giảm và mất dần các vùng lãnh thổ do chiến tranh.
Năm 1923, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. 
 


Bản đồ Thổ Nhĩ Kỳ và vị trí của thành phố Istanbul
 

Nằm ở vị trí chiến lược trên bán đảo Bosphorus giữa Balkan và Anatolia, Biển Đen và Địa Trung Hải, Istanbul là thủ đô của Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire) và Đế chế Ottoman (Ottoman Dynasty), gắn liền với những  sự kiện lớn trong lịch sử chính trị, tôn giáo và nghệ thuật trong hơn 2.000 năm. Thành phố có tên ban đầu là Byzantium (vào năm 658 TCN), tiếp đó đổi thành Constantinopolis (vào năm 330) và Istanbul (vào năm 1930).

Thành phố nằm trên một bán đảo, được bao quanh bởi vịnh Golden Horn (Haliç), một bến cảng tự nhiên ở phía bắc, eo biển Bosphorus ở phía đông và biển Marmara ở phía nam. 

Bán đảo Lịch sử Istanbul được bao quanh bởi những bức tường cổ, được xây dựng chủ yếu vào đầu thế kỷ 5 bởi Hoàng đế Đế chế Đông La Mã Theodosius (trị vì năm 379 – 395).

 

Giá trị phổ quát nổi bật của Istanbul nằm ở sự kết hợp độc đáo những công trình kiến ​​trúc phản ánh sự gặp gỡ của châu Âu và châu Á qua nhiều thế kỷ. Trong đường chân trời có một không hai của nó được hình thành bởi các kiệt tác của kiến ​​trúc sư Byzantine và Ottoman.

Hình ảnh đường chân trời của Istanbul được xây dựng trong nhiều thế kỷ, nổi bật với mái vòm lớn phản ánh kiến ​​trúc và trang trí thế kỷ 6 của Nhà thờ Hagia Sophia; Khu phức hợp Fatih (Fatih Complex) được xây dựng vào thế kỷ 15 và Cung điện Topkapi Topkapi Palace, liên tục được mở rộng cho đến thế kỷ 19; Phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye (Süleymaniye Mosque Complex) và Nhà thờ Hồi giáo Sehzade (Sehzade Mosque Complex), công trình do kiến ​​trúc sư trưởng Mimar Sinan (kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ, năm 1490 – 1588) thiết kế, phản ánh đỉnh cao của kiến ​​trúc Ottoman vào thế kỷ 16; Nhà thờ Hồi giáo Xanh (Blue Mosque) thế kỷ 17 và các tháp nhỏ mảnh mai của Nhà thờ Hồi giáo Mới (New Mosque) được hoàn thành vào năm 1664.

 

Khu vực lịch sử của Istanbul gồm 4 khu: Công viên Khảo cổ học (Archaeological Park), ở mũi của bán đảo Lịch sử; Khu phố Suleymaniye (Suleymaniye Quarter) với Khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, các khu chợ và khu định cư bản địa xung quanh; Khu định cư Zeyrek xung quanh Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek (Zeyrek Mosque), trước đây là Nhà thờ Pantocrator (Church of the Pantocrator) và Khu vực dọc theo hai bên của bức tường trên đất liền Theodosian (Theodosian land walls), bao gồm phần còn lại của Cung điện Blachernae (Blachernae Palace).

4 khu này phản ánh những thành tựu kiến ​​trúc nổi bật của các thời kỳ đế quốc liên tiếp bao gồm Nhà thờ Hồi giáo Xanh thế kỷ 17, Nhà thờ Hồi giáo Sokollu Mehmet Pasha (Sokollu Mehmet Pasha Mosque), Quần thể Nhà thờ Hồi giáo Şehzade thế kỷ 16, Cung điện Topkapi thế kỷ 15; Sân vận động để đua ngựa và xe ngựa (Hippodrome) thời Constantine; Cầu dẫn nước Valens (hệ thống dẫn nước của người La Mã được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 4 để cấp nước cho Constantine); Nhà thờ Hagia Sophia, Nhà thờ Küçük Ayasofya (Küçük Ayasofya Mosque); Tu viện Pantocrator được thành lập dưới thời hoàng đế Byzantine John II Comnene (trị vì năm 1118- 1143) với những bức tranh khảm và tranh có niên đại từ thế kỷ 14, 15 và nhiều ví dụ đặc biệt khác về những dạng công trình khác nhau như nhà tắm, bể chứa và lăng mộ.  

Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1985) với tiêu chí: 

Tiêu chí (i): Khu vực Lịch sử của Istanbul bao gồm các di tích được công nhận là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, những kiến ​​trúc độc đáo của thời kỳ Byzantine và Ottoman như Nhà thờ Hagia Sophia, được thiết kế bởi Anthemios (kiến trúc sư đến từ Tralles, Hy Lạp, năm 474- 534) và Isidoros (kiến trúc sư đến từ Miletus, Hy Lạp, năm 442- 537) vào năm 532-537 và khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye do kiến ​​trúc sư Mimar Sinan thiết kế vào năm 1550-1557.  

Tiêu chí (ii): Trong suốt quá trình lịch sử, các di tích ở Istanbul đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của kiến ​​trúc, nghệ thuật tượng đài và tổ chức không gian, ở cả Châu Âu và Cận Đông. Bức tường trên đất liền dài 6.650m của Theodosius II với tuyến phòng thủ thứ hai, được tạo ra vào năm 447, là một trong những tài liệu tham khảo hàng đầu cho kiến ​​trúc quân sự; Nhà thờ Hagia Sophia đã trở thành hình mẫu cho thế hệ các nhà thờ và sau này là các  nhà thờ Hồi giáo; Những bức tranh khảm tại cung điện và nhà thờ ở Constantinople đã ảnh hưởng đến cả nghệ thuật phương Đông và phương Tây. 

Tiêu chí (iii): Istanbul là một bằng chứng độc đáo cho nền văn minh Byzantine và Ottoman thông qua số lượng lớn những ví dụ chất lượng cao về nhiều loại hình công trình, cũng như tác phẩm nghệ thuật liên quan. Chúng bao gồm công sự, nhà thờ, cung điện với tranh khảm và bích họa, bể chứa nước đồ sộ, lăng mộ, nhà thờ Hồi giáo, trường học tôn giáo và nhà tắm. Nhà ở bản địa xung quanh các di tích tôn giáo lớn trong khu Süleymaniye và Zeyrek cung cấp bằng chứng đặc biệt về mô hình đô thị cuối thời Ottoman. 

Tiêu chí (iv): Thành phố là một tập hợp các di tích, quần thể kiến ​​trúc và kỹ thuật nổi bật minh họa cho những  giai đoạn rất đặc sắc của lịch sử nhân loại. Đặc biệt, Cung điện Topkapi và khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, gồm cả nơi lưu trú cho khách lữ hành, trường học, trạm y tế, thư viện, nhà tắm, nhà tế bần và lăng mộ hoàng gia, đã cung cấp những minh chứng tuyệt vời về quần thể cung điện và quần thể tôn giáo thời kỳ Ottoman. 

Di sản bao gồm 4 khu vực: Khu đô thị cổ Sultanahmet; Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye và Khu vực lliên quan; Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek (Pantocrator) và Khu vực liên quan; Di tích Tường trên đất liền Istanbul.  

Khu đô thị cổ Sultanahmet – P1

Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye và Khu vực lliên quan
Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye và Khu vực lliên quan (Suleymaniye Mosque and its Associated Component Area of World Heritage Site) nằm trên một ngọn đồi tại trung tâm Khu vực Di sản (N41 0 60 E28 57 40); diện tích Di sản 54 ha.


Vị trí và phạm vi Di sản Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye và Khu vực lliên quan, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Tổng mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye và Khu vực lliên quan, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye
Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye là một nhà thờ Hồi giáo hoàng gia của Đế chế Ottoman. Nhà thờ được xây dựng dưới thời vua (Sultan) Suleiman I (trị vì từ năm 1520 – 1566) và được thiết kế bởi kiến trúc sư hoàng gia Mimar Sinan (năm 1490- 1588)
theo phong cách kiến trúc Ottoman. Công trình được xây dựng vào năm 1550 – 1557.
Công trình bị hư hại trong trận hỏa hoạn lớn năm 1660 và được phục hồi ngay sau đó.
Một phần mái vòm bị sụp đổ trong trận động đất năm 1766. Việc sửa chữa sau đó đã làm thay đổi những trang trí ban đầu, ví dụ như màu xanh chủ đạo của mái vòm đã chuyển thành màu đỏ.
Trong Chiến tranh thế giới 1, sân nhà thờ được sử dụng làm kho vũ khí. Đã xảy ra một vụ nổ làm nhà thờ bị hư hại nặng. Trong Chiến tranh thế giới 2, vụ cháy kho vũ khí trong kho nhà thờ khiến nhà thờ bị thiêu rụi, trong đó các chi tiết trang trí ban đầu hoàn toàn biến mất.
Mãi đến năm 1956, công trình mới được khôi phục lại hoàn toàn.
Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye được đánh giá là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất thế giới và là một điểm thu hút khách du lịch.
Công trình được cho là lấy cảm hứng từ Nhà thờ Hagia Sophia, là một nhà thờ Thiên chúa giáo của Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire) được chuyển đổi thành một nhà thờ Hồi giáo sau sự sụp đổ trước Đế chế Ottoman.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Sơ đồ mặt cắt Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Lối vào Nhà thờ từ phía đông bắc,
Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Lối vào Nhà thờ từ phía tây nam, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Lối vào Sân trong từ phía tây bắc, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye nằm chếch theo hướng tây bắc – đông nam, bao gồm hai khối: Khối nhà thờ (Mosque) và Khối sân trong (Court).

Lối vào Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye tại phía tây bắc. Từ đây dẫn vào một sân trong với một đài phun nước (Sadivan).
Sân của nhà thờ rất hoành tráng, có mặt bằng hình chữ nhật với hàng 24 cột bao quanh hành lang, được làm bằng đá cẩm thạchgranit và porphyry (mácma). Hệ cột  cùng với tường bao xung quanh đỡ 28 vòm nhỏ trên mái của hành lang.
4 góc của sân là 4 ngọn Tháp giáo đường hay Tháp cầu nguyện (Minaret). Hai tháp cao và hai tháp thấp.
Hai tháp cao có 3 tầng ban công, cao 63,8m không kể chóp tháp và 76m nếu tính cả chóp tháp.
Hai tháp nhỏ hơn có chiều cao 56m. 4 tháp có tổng cộng 10 tầng ban công, được cho là biểu tượng của  Suleiman I (trị vì năm 1520- 1566), là vị vua thứ 10 của triều đại Ottoman.



Sân trong, phía tây bắc Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ 

Khối nhà thờ có mặt bằng gần vuông với kích thước 58m x 59m. Chính giữa khối nhà thờ là 4 cột trụ lớn, đỡ mái vòm có đường kính 26,5m, chính xác bằng một nửa chiều cao của nhà là 53m. Vào thời điểm xây dựng, đây là một trong những mái vòm cao nhất thời Đế chế Ottoman.
Các bức tường 4 phía đều có các trụ tường. Riêng bức tường tại phía tây, các trụ tường quay vào phía bên trong nhà nhằm không làm ảnh hưởng đến hành lang xung quanh sân trong.
Mặt tiền phía tây, hướng chính của nhà thờ Hồi giáo, được trang trí các lỗ cửa sổ hình chữ nhật bằng gốm sứ Iznik (được đặt theo tên của thị trấn İznik ở phía tây Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thị trấn sản xuất một loại gốm trang trí từ cuối của thế kỷ 15 cho đến cuối thế kỷ 17, được cho là sự kết hợp hoa văn nghệ thuật Hồi giáo truyền thống của Ottoman với các yếu tố Trung Quốc. Đây là tòa nhà đầu tiên sử dụng gốm Iznik có màu đỏ cà chua rực rỡ được tráng men.
Bên trong nhà thờ, quanh vòm chính là các bán vòm.
Trang trí hạn chế trên các bức tường, chủ yếu là tại các cửa sổ kính màu, riềm tường tiếp xúc với trần và trên Bức tường cầu nguyện (Qibla, hướng về Thánh địa Mecca). Hai bên của các Hốc cầu nguyện (Mihrab) trang trí những mảnh gốm Iznik với các vòng tròn thư pháp được lấy từ kinh Quran. Các Hốc cầu nguyện và Bục giảng kinh (Mimbar) bằng đá cẩm thạch trắng cũng có thiết kế đơn giản, hạn chế đồ gỗ, chủ yếu bằng ngà voi và gỗ xà cừ.


Nội thất nhìn về phía Hốc cầu nguyện, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Trang trí trên các ô cửa, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Lăng mộ của Süleyman, Roxelana và Sinan 
Lăng mộ của Süleyman, Roxelana và Sinan (Tombs of Süleyman, Roxelana and Sinan) nằm phía sau Bức tường cầu nguyện (Qibla), tại phía đông nam của Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye. Đây là lăng mộ của vua Süleyman I, hoàng hậu Roxelana (Hurrem Sultan) và gia đình.

Lăng mộ vua Suleiman I lớn hơn so với mộ của hoàng hậu, được hoàn thành vào năm 1566, năm mất của ông.
Lăng mộ hình bát giác, được bao quanh bởi một mái hiên được đỡ bởi 24 cột và có lối vào từ phía đông bắc. Dưới mái hiên, ở hai bên lối vào là các tấm lát bằng gạch Iznik. Đây được cho là những viên gạch lát sớm nhất được trang trí bằng màu xanh lục, trở thành đặc điểm chung của gốm sứ Iznik. Bên trong lăng mộ có một mái vòm, được đỡ trên 8 cột. Có 14 cửa sổ được đặt ở tầng trệt và thêm 24 cửa sổ bằng kính màu được đặt trong mảng tường trên cửa, phía dưới vòm. Các bức tường được ốp bằng gạch Iznik đa sắc. Xung quanh căn phòng, phía trên cửa sổ là một dải trang trí bằng các tấm lát gạch khắc chữ. 


Bên ngoài Lăng mộ vua Suleiman I, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Bên trong Lăng mộ vua Suleiman I, Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Lăng mộ Hurrem Sultan có niên đại 1558, năm bà mất. Lăng mộ hình bát giác. Nội thất 16 mặt được trang trí bằng gạch Iznik. Bảy cửa sổ hình chữ nhật được bao bọc bởi các tấm lát gạch Iznik đa sắc và khắc chữ.
Giữa các cửa sổ là tám hốc có mái vòm giống Hốc cầu nguyện (Mihrab). Trần nhà hiện đã được quét vôi trắng nhưng có lẽ đã từng được sơn màu sáng.


Ngoài lăng mộ của Sultan Suleiman I, tại đây còn có mộ của con gái ông là Mihrimah Sultan và của hai vị vua sau này: Suleiman II (trị vì năm 1687–1691) và Ahmed II (trị vì năm trị 1691–1695).
 

Ngay bên ngoài các bức tường của nhà thờ Hồi giáo, về phía bắc là lăng mộ của kiến trúc sư Mimar Sinan. Công trình được khôi phục hoàn toàn vào năm 1922. 

Các công trình khác
Cũng như các nhà thờ Hồi giáo hoàng gia khác ở Istanbul, Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye được thiết kế như một tổ hợp (Külliye) gồm các tòa nhà được quản lý trong một tổ chức duy nhất, thường dựa trên một quỹ từ thiện (Waqf) gồm: Trường học tôn giáo (Madrasa), Bệnh viện (Dar al-Shifa/ Maristan), Nhà ăn (Imaret), Tiệm bánh, Nhà trọ (Caravanserai) và Nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ (Hamam).
Nhiều công trình còn tồn tại cho đến ngày nay.  

Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek (Pantocrator) và Khu vực liên quan
Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek (Pantocrator) và Khu vực liên quan (Zeyrek Mosque/Pantocrator Church and its Associated Component Area of World Heritage Site) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, phía tây của Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye (N41 1 10 E28 57 25); diện tích Di sản 10,5 ha.

Vị trí và phạm vi Di sản Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek và Khu vực lliên quan, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Tổng mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek và Khu vực lliên quan, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek (Zeyrek Mosque) hay Tu viện Pantocrato (Monastery of the Pantocrator) là một nhà thờ Hồi giáo quan trọng tại Istanbul. Tổ hợp bao gồm 2 nhà thờ Chính thống giáo phương Đông trước đây và một nhà nguyện. Công trình là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến trúc thời kỳ Byzantine ở Constantinople. Đây là công trình tôn giáo lớn thứ hai sau Nhà thờ Hagia Sophia do người Byzantine xây dựng vẫn còn tồn tại ở Istanbul.
Giữa năm 1118 và 1124, hoàng hậu của vua John II Komnenos (hoàng đế Byzantine, trị vì năm 1118 - 1143) là Irene (người Hungary, năm 1088- 1134, được tôn sùng như một vị thánh) đã xây dựng một tu viện trên địa điểm này.
Tu viện bao gồm một nhà thờ chính dành riêng cho Chúa Kitô Pantocrator ("Chúa Kitô toàn năng"), một thư viện và một bệnh viện. 
Ngay sau cái chết của hoàng hậu, năm 1134, vua John II Komnenos đã xây dựng một nhà thờ khác ở phía bắc của nhà thờ đầu tiên, dành riêng cho Theotokos Eleousa ("Mẹ nhân từ của Chúa"). Nhà thờ này mở cửa cho dân cư và được phục vụ bởi một giáo sĩ. 
Vào năm 1136, quần thể được bổ sung Sân phía nam, Sảnh phụ trước Sảnh hiên (Exonarthex) và một Nhà nguyện dành riêng cho Thánh Michael, kết nối hai nhà thờ. Nhà nguyện cũng là nơi đặt lăng mộ vương triều Komnenos và Palaiologos.

Sau khi Constantinople thất thủ, Công trình đã được chuyển đổi thành một nhà thờ Hồi giáo. Tu viện được chuyển đổi thành trường học Hồi giáo (Medrese). Người Ottoman đặt tên cho công trình là Molla Zeyrek, theo tên của một học giả.
Công trình được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật xây dựng theo kiểu lớp vữa dày (độ dày lớp vữa lớn hơn khoảng 3 lần so với các lớp gạch), điển hình của kiến trúc Byzantine.
 

Tu viện Pantocrator, sau này là Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, bao gồm ba tòa nhà riêng biệt nằm liền kề nhau. Các cấu trúc được xây dựng vào các thời điểm khác nhau và không đối xứng. Tuy nhiên, Tổ hợp công trình là sự kết hợp hài hòa của ba nhà thờ, vẫn rất ấn tượng.


Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek và Khu vực lliên quan, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ




Phối cảnh mặt đứng hướng đông Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Phối cảnh mặt đứng hướng nam Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Nhà thờ phía Nam
Nhà thờ hay Công trình phía Nam (South Building) là nhà thờ lớn nhất và được xây dựng đầu tiên, dành riêng cho Đức Chúa Giêsu.
Phía tây của công trình có một sảnh hiên (Narthex). Lối vào nhà thờ tại phía nam. Sau này, Sảnh hiên này kéo dài về phía bắc đến hết Công trình phía Bắc. Sảnh hiên cao hai tầng. (Tầng trên riêng biệt dành cho phụ nữ, khi công trình chuyển thành nhà thờ Hồi giáo).
Tại phía tây của Sảnh hiên, sau này bổ sung thêm một Sảnh phụ (Esonarthex).
Gian giữa của Nhà thờ phía Nam có mặt bằng hình vuông. Chính giữa là 4 cột tròn đỡ mái vòm lớn. Xung quanh vòm chính có 4 vòm nhỏ.
Phía đông của Gian giữa (Nave) là một dãy gồm 3 hốc hình hình bán nguyệt (Apse). Hốc chính giữa rộng, hai hốc  hai bên hẹp. Phía nam của Gian giữa là một dãy nhà nguyện (Parecclesion) gồm 3 phòng.
Công trình được bao bọc bởi hai mái vòm, một trên Gian giữa và một trên Sảnh hiên.
Các trang trí phong phú của nhà thờ xưa đã hầu như biến mất hoàn toàn. Các tàn tích mảnh kính màu cho thấy cửa sổ của nhà thờ  từng được trang trí với hình ảnh các vị Thánh. Một số bức tranh khảm bên trong miêu tả cuộc đời của Chúa Kitô và tông đồ vẫn còn được nhìn thấy, mặc dù bị xóa mờ vào thế kỷ 18. 


Mái vòm bên trong Nhà thờ phía Nam, Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Hốc cầu nguyện (Mihrab) và Bục giảng kinh (Mimbar), Nhà thờ phía Nam, Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà thờ phía Bắc
Nhà thờ hay Công trình phía Bắc (North Bulding) xây dựng sau Công trình phía Nam, dành riêng cho Đức Trinh nữ Maria.
Phía tây của Công trình cũng có một Sảnh hiên (Narthex), là sảnh kéo dài của Công trình phía Nam.
Gian giữa của Nhà thờ phía Bắc có mặt bằng hình vuông. Chính giữa là 4 cột vuông đỡ mái vòm lớn.  Xung quanh vòm chính có 4 vòm nhỏ.
Phía đông của Gian giữa (Nave) một dãy gồm 3 hốc hình hình bán nguyệt (Apse). Hốc chính giữa rộng, hai hốc  hai bên hẹp. 
Nột thất nhà thờ thay đổi nhiều sau quá trình chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo.


Bên trong Nhà thờ phía Bắc, Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà nguyện Hoàng gia.
Nhà nguyện Hoàng gia nằm giữa Nhà thờ phía Bắc và phía Nam.
Công trình nối thông với hai nhà thờ tại hai bên. Vòm chính Gian giữa của Nhà nguyện được tựa trên 4 trụ lớn của hai nhà thờ hai bên. Vòm có mặt bằng hình elip, cạnh dài 8m, cạnh ngắn 7m. Phía đông của Nhà nguyện có một hốc hình hình bán nguyệt (Apse). Phía trước của hốc hình bán nguyệt có một vòm nhỏ. 
Nội thất bên trong được bổ sung nhiều chi tiết trang trí sau này theo phong cách
Ottoman.


Mái vòm Nhà nguyện Hoàng gia, Nhà thờ Hồi giáo Zeyrek, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Gần Nhà thờ Hồi giáo có một công trình nhỏ mang tên Şeyh Süleyman Mescidi, một tòa nhà Byzantine thuộc Tu viện Pantokrator. Đây có thể là một lăng mộ hoặc thư viện.

Di tích Tường trên đất liền Istanbul
Di tích Tường trên đất liền Istanbul (Istanbul Land Walls Component Area of World Heritage Site) nằm tại phía tây Khu vực Di sản, chạy dài từ phía nam, tại biển Marmara lên phía bắc, tại vịnh Golden Horn (N41 1 30 E28 55 30); diện tích Di sản 561 ha.

Vị trí và phạm vi Di sản Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Di tích Tường trên đất liền Istanbul là một phần của Hệ thống tường thành Constantinople (Walls of Constantinople). Đây là một loạt các bức tường (gạch, đá) phòng thủ vây quanh và bảo vệ thành phố Constantinople (Istanbul), là thủ đô mới của Đế chế La Mã (Roman Empire) bởi Constantine Đại đế (Constantine the Great, trị vì năm 306 – 337).
Hệ thống Tường thành Constantinople là bức tường bao quanh thành phố ở tất cả các phía, bảo vệ thành phố trước sự tấn công từ biển và đất liền.
Hệ thống Tường thành Constantinople với nhiều bổ sung và sửa đổi trong lịch sử, là hệ thống cộng sự vĩ đại cuối cùng của thời Cổ đại và là một trong những hệ thống phức tạp, công phu nhất từng được xây dựng.
Ngoài Hệ thống Tường trên đất liền, trong Hệ thống Tường thành Constantinople còn có Hệ thống Tường ven biển (Sea Walls, hầu như bị phá bỏ phần lớn), Hệ thống Đồn trú của thành phố (Garrisons of the city) và Hệ thống Công sự bao ngoài thành phố Constantinople (Fortifications around Constantinople).
Mặc dù đã tồn tại trước nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài trong suốt hơn một ngàn năm, một phần nhờ Hệ thống Tường thành Constantinople, vào năm 1453, thành phố đã thất thủ trước sức tấn công của quân Ottoman (Ottoman Dynasty) sau một cuộc vây hãm kéo dài 6 tuần.
Các bức tường thành phần lớn được duy trì nguyên vẹn trong hầu hết thời kỳ Đế chế Ottoman cho đến khi bắt đầu bị tháo dỡ từng phần vào thế kỷ 19, khi thành phố mở rộng vượt ra khỏi ranh giới thời Trung cổ. Mặc dù không được bảo tồn, nhiều phần của bức tường vẫn tồn tại và đứng vững cho đến ngày nay. 
Từ năm 1980, tại đây bắt đầu một chương trình trùng tu Hệ thống Tường thành Constantinople với quy mô lớn.  


Di tích Tường thành Istanbul trên Bản đồ địa hình Constantinople trong thời kỳ Byzantine (Nguồn: R. Janin, Constantinople Byzantine). 


Bản đồ Constantinople của Vavassore (c.1520)


Tranh vẽ vua
Ottoman Mehmed II tiến vào thành Constantinople (Fausto Zonaro, 1854–1929)

Bức tường thời Byzantium
Ban đầu, thành phố Istanbul được thành lập vào khoảng năm 658 TCN với tên gọi Byzantium bởi những người Hy Lạp đến từ vùng Megara (phía tây Hy Lạp) gắn với người sáng lập huyền thoại có tên là Byzas.
Vào thời điểm đó, thành phố chỉ là một vùng đất nhỏ bao quanh một thị trấn nằm trên ngọn đồi (tương ứng với địa điểm hiện đại của Cung điện Topkapı). 
Byzantium cổ đại được bao bọc bởi một bức tường nhỏ trên đất liền và ven biển.
Byzantium tương đối không quan trọng trong thời kỳ đầu của La Mã. Dưới thời Septimius Severus (trị vì năm 193- 211), để trừng phạt những kẻ chống đối, Hoàng đế La Mã còn cho phá dỡ các đoạn tường thành kiên cố và biến nơi đây trở thành một ngôi làng phụ thuộc vào thị trấn Heraclea Perinthus.
Sau đó, với tầm quan trọng chiến lược, thành phố được phục hồi, trong đó có việc xây dựng một bức tường phòng thủ mới, nằm cách 300- 400m về phía tây của bức tường cũ. Bức tường cổ xưa được xây dựng dưới thời Vương triều Severan (Severan Dynasty, tồn tại năm 193- 235) hiện đã không còn.  

Bức tường thời Constantinian
Trong thời gian 324–336, thành phố Byzantium đã được xây dựng lại toàn bộ và khánh thành vào năm 330 với tên gọi “La Mã Mới” (“New Rome”) hay “La Mã thứ hai” (“Second Rome”), trở thành kinh đô mới của Đế chế La Mã (Roman Empire). Thành phố được gọi là Constantinople theo tên của vị hoàng đế phục hưng cho nó là Constantine Đại đế (Constantine the Great, Hoàng đế La Mã từ năm 306 - 337 và là hoàng đế La Mã đầu tiên chuyển sang Cơ đốc giáo).
Thành phố Constantinople được bảo vệ bởi một bởi một bức tường mới cách bức tường thời Vương triều Severan khoảng 2,8 km về phía tây. 
Hệ thống tường thành mới bao gồm một bức tường duy nhất được gia cố bằng các tháp bố trí ở khoảng cách đều đặn, bắt đầu được xây dựng vào năm 324 và được hoàn thành dưới thời con trai Constantine Đại đế, (Constantius II, trị vì năm 337–361). 
Vào đầu thế kỷ thứ 5, Constantinople đã mở rộng ra bên ngoài Bức tường Constantinia. Bức tường này có thể bị phá hủy hoàn toàn trong các trận động đất vào năm 478, 557 và năm 867, chỉ để lại tàn tích móng.
Hiện tại, tên của một số cổng của Bức tường Constantinia vẫn còn lưu truyền ví dụ như: Cổng Vàng Cũ (Old Golden Gate/Porta Aurea); Cổng Thánh Aemilianus (Gate of Saint Aemilianus/ Davutpaşa Kapısı) nằm tiếp giáp với Bức tường ven biển; Cổng Prodromos Cũ (Old Gate of the Prodromos / Palaia Porta tou Prodromou ), được đặt theo tên của Nhà thờ Thánh John the Baptist gần đó; Cổng Melantias (Gate of Melantias/ Porta tēs Melantiados) với vị trí hiện còn đang tranh luận…   

Bức tường đôi thời Theodosian 
Bức tường đôi thời Theodosian (Double Theodosian Walls/ Teichos Theodosiakon), nằm cách khoảng 2 km về phía tây của Bức tường Constantinian, được dựng lên dưới thời trị vì của hoàng đế Theodosius II (Đế chế Đông La Mã, trị vì năm 402- 450). Bức tường được đặt theo tên của ông.
Bức tường được xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được hoàn thành vào năm 413, bao gồm một bức tường đơn với các tháp, tạo thành Tường phía trong của Bức tường đôi Theodosian.
Cả Bức tường thành Constantinian và Theodosian ban đầu đều bị hư hại nghiêm trọng trong hai trận động đất, vào năm 437, 447 và 448. Bức tường Theodosian được phục hồi ngay sau đó cùng với việc xây dựng bức tường thứ hai.
Trong suốt thời gian tồn tại, Bức tường đôi Theodosian phải sửa chữa nhiều lần do động đất, lũ lụt của sông Lycus và được nâng cấp nhiều lần bởi các vương triều.
Hiện tại, Bức tường Theodosian kéo dài khoảng 5,7 km từ nam đến bắc, từ "Tháp đá cẩm thạch" (Marble Tower/ Mermer Kule ), còn được gọi là "Tháp Basil và Constantine " (Tower of Basil and Constantine) trên bờ biển Propontis (Sea of Marmara) đến khu vực Cung điện Porphyrogenitus (Palace of the Porphyrogenitus) tại thị trấn cổ Blachernae.
Một phần của đoạn phía bắc Bức tường đôi chỉ còn lại phần tường phía trong. Bức tường phía ngoài được cho là di dời sang phía tây để bao phủ vùng ngoại ô của thị trấn cổ Blachernae. Hiện, bức tường này không thể xác định vì nằm dưới lòng đất của thành phố hiện đại.
Bức tường đôi Theodosianc, từ nam lên bắc, chạy chếch theo hướng đông bắc.
Về cao độ, bức tường có cao độ khoảng 14m so với mực nước biển tại Cổng vàng Golden Gate (điểm đầu phía nam), chạy tới Cổng Rhegion (Gate of Rhegion), lên tới Cổng Thánh Romanus (the Gate of St. Romanus) nằm gần đỉnh Đồi thứ bảy (Seventh Hill) với độ cao độ 68m, đi xuống thung lũng sông Lycus với cao độ 35m, leo lên dốc của Đồi thứ sáu (Sixth Hill) đến Cổng Charisius hoặc Cổng Adrianople (Gate of Charisius / Gate of Adrianople), ở cao độ khoảng 76 m. Từ Cổng Adrianople (Gate of Adrianople) tới thị trấn cổ Blachernae, cao độ của Bức tường đôi giảm xuống còn 60m. Từ đây Bức tường đôi tiếp nối với Bức tường Blachernae (Walls of Blachernae) và hướng tới Bức tường ven biển tại vịnh Golden Horn.  
Về mặt xây dựng, Bức tường đôi Theodosian bao gồm:  

Bức tường chính phía trong (Great Wall/ Inner Wall), ngăn cách với Bức tường phía nhỏ phía ngoài (Small Wall/ Outer Wall) bằng một Sân phía trên (Peribolos) rộng 20m. Bức tường phía trong là một một kết cấu vững chắc, dày 4,5–6 m và cao 12 - 16 m. Tường được ốp hai bên bằng các  khối đá vôi được đẽo cắt cẩn thận; Lõi bên trong tường được lấp đầy bởi hỗn hợp vữa vôi và gạch nghiền. Theo chiều cao, Tường có khoảng 7 – 11 dải gạch, dày khoảng 40 cm, không chỉ như một hình thức trang trí, mà như một hệ giằng tường liên kết lớp ốp đá bên ngoài với lõi vữa bên trong và tăng khả năng chịu đựng động đấtBức tường có 96 tháp canh. Tháp có mặt bằng chủ yếu là hình vuông nhưng cũng có một số tháp hình bát giác, ba tháp hình lục giác và một hình ngũ giác duy nhất. Tháp canh cao từ 15–20m và rộng 10–12m và đặt cách nhau từ 21 đến 77m, theo điều kiện địa hình. Đỉnh tháp phẳng, lát đá có bậc lên từ bên ngoài. Tháp cao 2 tầng, không thông với nhau. Tầng dưới có cửa mở ra Sân trên (Peribolos), được sử dụng để làm kho chứa. Tầng trên có lối đi từ mặt trên của Tường phía trong, có cửa sổ để ngắm và bắn đạn.  

Bức tường nhỏ phía ngoài (Small Wall/ Outer Wall) cao 8,5- 9m, dày 2m tại chân tường. Bức tường có trụ vòm đỡ Sân trên (Peribolos) bên trên. Chân của Bức tường phía ngoài là Sân phía dưới (Paratechion) với chiều rộng 17m. Tương tự như Bức tường chính, Bức tường phía ngoài cũng có các Tháp canh, nằm ở khoảng giữa của các Tháp canh thuộc Bức tường chính phía trong và đóng vai trò hỗ trợ. Tháp canh tại Bức tường phía ngoài cách nhau trung bình khoảng 50 – 66m. Hiện chỉ còn 62 tháp canh. Tháp có mặt bằng hình vuông hoặc lưỡi liềm, cao 12- 14m và rộng 4m. Lối vào Tháp từ Sân dưới (Paratechion). Tháp có một phòng với cửa sổ. Đỉnh là tháp là một sân phẳng lát đá có bậc thang xuống Sân phía trên (Peribolos).

Con hào (Moat) nằm ngoài cùng, cách Bức tường phía ngoài khoảng 20m. Hào rộng hơn 20m và sâu tới 10m. Hai bên hào là tường chắn. Tường chắn phía trong cao 10m, có đỉnh tường tạo thành các lỗ châu mai cao 1,5 m, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên. Cắt ngang qua con hào có các bức tường đỡ hệ thống mương nước hẹp. Tuyến hào chỉ kéo dài từ phía nam đến Cổng St. Romanus.  




Sơ đồ mặt cắt ngang điển hình Bức tường Theodosian, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
 


Đoạn tường được phục hồi của Bức tường Theodosian tại Cổng Selymbria, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ
Kỳ


Tàn tích các Phù điêu với sư tử, động vật đánh nhau và các chi tiết đá tái sử dụng (Spolia) tại các tháp dọc theo Bức tường Theodosian, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ 

Bức tường đôi Theodosian có 9 cổng xuyên qua cả Bức tường bên trong và bên ngoài và một số cổng ngách nhỏ hơn (Posterns). Ngoài ra, hệ thống cổng tại đây còn được chia thành Cổng quân sự (Military Gates, được đặt tên theo số) và Cổng công cộng (Public Gates).
Một số cổng chính trong khu vực Di sản gồm:
 

Cổng Quân sự thứ nhất (First Military Gate): Là một cổng nhỏ, nằm ở tháp đầu tiên của Bức tường trên đất liền, nơi giao nhau với Bức tường ven biển. Trên Cổng có một Biểu tượng Chi-Rhō Christogram (là một Monogram được tạo ra bằng cách chồng hoặc kết hợp hai hày nhiều chữ cái để tạo thành một biểu tượng) với các chữ cái tạo thành tên viết tắt của Chúa Giêsu Kitô, trở thành biểu tượng trong Giáo Hội Kitô giáo. Chi-Rhō là một trong hình thức sớm nhất của Christogram.
Chính vì biểu tượng này, mà Cổng còn gọi là Cổng Chúa Kitô (Gate of Christ).  


Cổng Quân sự thứ nhất, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Vàng (Golden Gate, khác với Cổng Vàng cũ đã bị phá hủy trước đó): Dọc theo Bức tường Theodosian, từ nam đến bắc, đây là Cổng công cộng đầu tiên. Cổng Vàng là cổng nghi lễ chính của thủ đô, được sử dụng cho các dịp khải hoàn của một vị hoàng đế nhân chiến thắng quân sự, lễ đăng quang và dịp đón tiếp Giáo hoàng. Sau này, với sự suy giảm về vị thế của vương triều Byzantine, Cổng Vàng được cải tạo lại với quy mô nhỏ hơn, là một cổng thành với vai trò phòng ngự. Cổng được xây dựng bởi Hoàng đế La Mã Theodosius I (trị vì năm 379- 395) và Theodosius II (trị vì năm 408 - 450) được tạo bằng những khối vuông lớn bằng đá cẩm thạch trắng bóng, theo kiểu ghép lại với nhau, không cần vữa. Cổng có dạng như một khải hoàn môn với 3 cổng vòm. Cổng chính lớn hơn so với hai cổng bên.
Cổng được bao bọc bởi các tháp vuông lớn, tạo thành Tháp thứ 9 và 10 của Bức tường chính phía trong.
Cổng Vàng được trang trí phong phú với nhiều bức tượng, bao gồm cả bức tượng Theodosius I . Cổng tồn tại cho đến khi bị sụp đổ trong trận động đất vào năm 740.
Năm 965, Cổng được dựng lại. Cổng được bao bởi một bức tường bên ngoài với các bức phù điêu bằng đá cẩm thạch được tái sử dụng. Những bức phù điêu này cũng bị thất lạc từ thế kỷ 17, chỉ còn một số mảnh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Istanbul (Istanbul Archaeological Museum).
Cổng Vàng không chỉ đóng vai trò nghi lễ mà còn là một vị trí phòng thủ vững chắc dọc theo Hệ thống tường thành. Vào thế kỷ 14, 15, Cổng Vàng tiếp tục được gia cố với việc mở rộng pháo đài và xây dựng thêm các pháp canh.
Cổng Vàng là một trong địa danh gắn liền với nhiều truyền thuyết liên quan đến tranh dành vị thế của người Byzantine và Ottoman tại vùng đất Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.  




Mặt phía trước và phía sau Cổng Vàng,
Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Cổng Vàng và Lâu đài Bảy Tháp, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Pháo đài Yedikule (Yedikule Fortress): Nằm ngay phía sau Cổng Vàng. Sau khi chinh phục Constantinople vào năm 1453, Sultan Mehmed II (vua Ottoman, trị vì năm 1444 - 1446, 1451- 1481. Ở tuổi 21, ông chinh phạt Constantinopolis, dẫn tới sự sụp đổ của Đế quốc Đông La Mã) đã xây dựng một pháo đài mới vào năm 1458, thêm 3 tháp lớn vào 4 tháp đã có từ trước (Tháp 8 – 11) tạo thành Pháo đài Bảy tòa tháp (Fortress of the Seven Towers). Trong phần lớn thời kỳ Ottoman, Pháo đài được sử dụng làm kho bạc, kho lưu trữ và nhà tù, Cuối cùng nó trở thành bảo tàng vào năm 1895.


Sân trong Pháo đài Bảy Tháp, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Bên trong một tháp tại Pháo đài Bảy Tháp, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Xylokerkos (Xylokerkos Gate) hay Cổng Belgrade (Belgrat Kapısı): Nằm giữa các tháp 22 và 23. Cổng này gần với Cổng Quân sự thứ hai (Second Military Gate), nằm giữa tháp 30 và 31. Cổng bắt nguồn từ một rạp xiếc bằng gỗ bố trí đối diện bên ngoài bức tường. Quần thể cổng rộng 12m, cao gần 20m. Riêng cổng rộng 5m. Cổng bị xây tường bịt kín vào năm 1189, được mở trở lại vào năm 1346, lại bị đóng vào năm 1453, kéo dài cho đến năm 1886.




Mặt phía ngoài và phía trong Cổng Xylokerkos, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ


Cổng Quân sự thứ hai, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Mùa Xuân hay Cổng Pege (Gate of Pege): Cổng nằm giữa Tháp canh hình lục giác mang số 35 và 36. Cổng được sửa chữa lại vào năm 1439. Năm 1998, một tầng hầm dưới lòng đất với các bức phù điêu và lăng mộ thế kỷ 4 đã được phát hiện bên dưới cổng.


Cổng Mùa Xuân, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Quân sự thứ ba (Third Military Gate): Nằm ngay phía bắc của Cổng Pege, nằm giữa Tháp canh số 39 và 40.

Cổng Rhousios (Gate of Rhousios/ Yeni Mevlevihane Kapısı): Nằm giữa Tháp canh số 50 và 51. Đây là một Cổng được bảo tồn tốt nhất và giữ được diện mạo ban đầu từ thế kỷ thứ 5. Phía trên cổng có một biểu tượng Chi-Rhō Christogram, tương tự như Cổng Quân sự thứ nhất và tại nhiều cổng khác dọc theo thành cổ.


Cổng Rhousios, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng quân sự thứ tư (Fourth Military Gate): Nằm giữa Tháp canh số 59 và 60. Hiện cổng đã được xây tường bịt kín. Bức tường được xây dựng bằng đủ loại vật liệu, trong đó có các viên đá ghi dòng chữ phía trên cổng.


Bức tường bịt kín Cổng Quân sự thứ tư, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Thánh Romanus (Gate of Romanus): Được đặt theo tên của một nhà thờ gần đó và nằm giữa Tháp canh 65 và 66. Với chiều cao 26,5m, đây là cổng lớn thứ hai sau Cổng vàng. Theo truyền thuyết, vị hoàng đế Byzantine cuối cùng Constantine XI Palaiologos (trị vì năm 1404- 1453) đã bị giết vào năm 1453 tại Cổng này.


Cổng Thánh Romanus, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Quân sự thứ năm (Fifth Military Gate): Nằm giữa Tháp canh 77 và 78, hiện chỉ còn lại tàn tích tường.


Cổng Quân sự thứ 5, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Cổng Charisius (Gate of Charisius): Được đặt theo tên của tu viện gần đó. Cổng còn được gọi là  Cổng 
Adrianople (Edirnekapı) nơi Mehmed II (vua Ottoman, trị vì năm 1444 - 1446, 1451- 1481) khải hoàn tiến vào thành phố vào năm 1453. Cổng này nằm trên đỉnh Ngọn đồi Thứ sáu (Sixth Hill), là điểm cao nhất của thành phố cổ với độ cao 77m. 


Cổng Charisius, Di tích Tường trên đất liền, Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Bức tường Blachernae
Bức tường Blachernae (Walls of Blachernae) là đoạn tường phía bắc, kết nối các bức tường đôi Theodosian, kết thúc tại Cung điện Porphyrogenitus (Tekfur Sarayı) với Bức tường ven biển ở vịnh Golden Horn
Bức tường Blachernae bao gồm một loạt các đoạn tường đơn lẻ được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau, bao phủ vùng ngoại ô Blachernae
Tường có chiều dày khoảng 12–15m, dày hơn Bức tường Theodosian và có các tháp cách nhau gần hơn.
Tường nằm trên một sườn dốc, không có hào, ngoại trừ một đoạn tại đầu phía vịnh Golden Horn.
Một phần các bức tường này đã bị phá bỏ chỉ còn tàn tích móng.  


Bức tường của Blachernae, đoạn tiếp giáp với Bức tường đôi Theodosian, phía xa là tàn tích của Cung điện Porphyrogenitus;
Di tích Tường trên đất liền, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Di sản Khu vực lịch sử của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ truyền tải giá trị phổ quát nổi bật của thành phố Istanbul. Trong suốt quá trình lịch sử, các di tích ở Istanbul đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của kiến ​​trúc, nghệ thuật tượng đài và tổ chức không gian, ở cả Châu Âu và Cận Đông, là một bằng chứng độc đáo cho nền văn minh Byzantine và Ottoman, minh họa cho một giai đoạn rất đặc sắc của lịch sử nhân loại.  

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
https://whc.unesco.org/en/list/356/

https://en.wikipedia.org/wiki/Turkey

https://en.wikipedia.org/wiki/Historic_Areas_of_Istanbul

https://en.wikipedia.org/wiki/Walls_of_Constantinople

https://grandeflanerie.com/portfolio/byzantineistanbul/2/

https://en.wikipedia.org/wiki/Yedikule_Fortress

http://www.maquetland.com/article-932-byzance-walls-of-constantinople-1-partie--english-version

https://grandeflanerie.com/portfolio/byzantineistanbul/2/

https://www.thebyzantinelegacy.com/theodosian-walls


Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ         

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi







Cập nhật ( 29/08/2021 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:
“ Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.”
 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com