Tuần 37 - Ngày 20/04/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam |
27/02/2020 |

Thông tin chung:
Công trình: Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường
Địa điểm: Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Quy mô:
Năm hình thành: thế kỷ 17
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2018)
Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.
Thổ Tang (đất Tơ Tằm), Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc trước kia vốn là một vùng đất thuần nông, chuyên "trồng dâu, nuôi tằm". Ngoài nông nghiệp, người dân Thổ Tang con giỏi giao thương buôn bán.
Đình Thổ Tang thờ danh tướng Phùng Lân Hổ. Tương truyền, Phùng Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là thị xã Sơn Tây - Hà Nội). Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung (Dong), một lần vào rừng kiếm củi, vì mệt mà ngủ thiếp đi bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé tuấn tú khôi ngô. Có người đến xem và bảo rằng: Cậu bé này “phi lân, tắc hổ”, nghĩa là không phải kỳ lân thì cũng là mãnh hổ. Nghe vậy, bà liền đặt tên con là Phùng Lân Hổ. Lớn lên, Phùng Lân Hổ to lớn, võ nghệ cao cường và có tài thao lược. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược, vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc. Phùng Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc. Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc – Phú Thọ) bày binh bố trận, tiêu diệt nhiều cường địch. Triều đình luận công ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và cho làm quan trong triều nhưng ông từ chối xin về quê phụng dưỡng mẹ già.
Suốt một dải từ Dục Mỹ- Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) người dân tôn vinh công tích của Lân Hổ Hầu hay Lân Hổ Đô Thống Đại Vương và xây dựng nhiều đình, đền thờ ông, trong đó có đình Thổ Tang tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sơ đồ vị trí đình Thổ Tang, Vĩnh Tường
Đình Thổ Tang ngày nay là hình ảnh của ngôi đền được tạo dựng từ thế kỷ 16- 17.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, về cơ bản ngôi đền vẫn giữ được nguyên vẹn kiểu kiến trúc thời Hậu lê.
Đình xây dựng hướng về Đông, bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Sân đình, Đại đình.
Nghi môn
Nghi môn của đình có hình thức rất phổ biến của các ngôi đình, đền vùng đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo thành tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch vữa. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa trụ biểu cao và trụ biểu thấp có một cổng nhỏ có mái phía trện với 2 tầng mái, 8 mái. Xung quanh đình có tường bao thấp, mới được xây dựng bổ sung.

Nghi môn đình Thổ Tang, Vĩnh Tường; nhìn từ trong ra
Sân đình
Sân đình rộng, lát gạch đỏ. Trong sân có 3 cây đa tía cổ thụ, đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Cây đa tía cổ thụ trong sân đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Nghêu đá trên sân đình, phía trước Đại đình, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường
Đại đình
Đại đình ban đầu có dạng chữ “nhất” sau bổ sung thêm phần Hậu cung tạo thành hình chữ “đinh” hay chữ T.
Tòa Đại đình hay Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ, 4 mái. Hậu cung 2 gian, 2 mái.
Nền đình dài 25,8m, rộng 14,2m, bó đá xanh xung quanh, có diện tích khoảng 400m2.
Kết cấu vì kèo chính của đình Thổ Tang theo kiểu “chồng rường, giá chiêng” với 60 cột bằng gỗ lim và gỗ xoan. Cột cái có đường kính 0,8m, cột con đường kính 0,6m.
Bên trong Đại đình có bức hoành phi treo ở chính giữa mang 3 chữ đại tự “Hòa vi quý”. Tương truyền, dân Thổ Tang đất chật, người đông, hay nảy sinh nhiều chuyện tranh chấp đất đai. Năm 1778, vị Tổng đốc Sơn Tây đi qua, dân làng xin chữ để thờ ở đình nhân tiện đình đang tu sửa. Quan Tổng đốc đã viết tặng ba chữ này. Từ đó trở đi, mọi việc trong làng trở nên thuận hòa, yên ổn.
Trước ban thờ, một bên treo chuông, một bên treo chiêng đồng.
Phía trước ban thờ có cửa võng chạm trổ rất tinh tế với hình tượng rồng, tiên.
Đình Thổ Tang có sàn gỗ tương tự như các ngôi đình truyền thống khác trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau do bị hư hỏng, năm 1959 bỏ sàn gỗ mà lát gạch.

Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Đầu hồi tòa Đại đình, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Hậu cung đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bên trong gian giữa tòa Đại đình, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bên trong gian đầu hồi tòa Đại đình, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Kết cấu chồng rường, giá chiêng và đầu dư tại đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Kết cấu tại phần đầu hồi đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Ban thờ với bức đại tự Thượng đẳng tối linh thần tại đình Thổ Tang, Vĩnh Tường
Nghệ thuật chạm khắc
Đình Thổ Tang, nằm trong hệ thống các ngôi đình xứ Đoài (vùng đất phía Tây đồng bằng sông Hồng ) nổi tiếng, tuy không to lớn, bề thế song lại có những mảng chạm khắc dân gian rất đặc sắc thế kỷ 17.
Đình Thổ Tang hiện còn lưu giữ được hơn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc như đầu dư, xà, bẩy, rường…
Các mảng chạm khắc như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc và trở thành bảo tàng sống động, lưu giữ các hình tượng thể hiện theo 2 nội dung: Tôn vinh công tích đánh giặc của Lân Hổ Hầu, tập trung tại gian thờ; Miêu tả từ quan niệm tín ngưỡng, tự nhiên đến hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống thường nhật của cư dân thời bấy giờ, tập trung tại không gian hai bên gian thờ, phần hiên.
Về tôn vinh Lân Hổ Hầu: Tại đây có các bức chạm miêu tả sự tích ra đời và công tích đánh giặc của Lân Hổ Hầu. Về cảnh cõi trần và cõi tiên: Tại đây có các chạm khắc phản ảnh con người và tự nhiên là một, cõi trần và cõi tiên là một, ví như "Bát tiên quá hải"; “Tiên cưỡi rồng”…
Về tự nhiên: Tại đây có vô số các chạm khắc từ các loài linh vật như: Long, ly, quy, phụng, đến các con vật gắn với chiến binh như ngựa chiến; các loài vật gần gũi với người như trâu, chim, cá… Rồng là linh vật được chạm khắc nhiều với hình tượng như: “Cửu long tranh châu”, “Đầu rồng”, “Ổ rồng”…
Về cảnh sinh hoạt đời thường với nhiều bức chạm khắc như: Lễ hội có "Ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền)…; bảo vệ mùa màng có: "Bắn hổ"; cảnh vui chơi giải trí có: "Chơi cờ", "Tứ tửu", “Đá cầu”, "Người múa"…; cảnh sinh hoạt đời thường có: "Trai gái", "Gia đình hạnh phúc"; "Đánh ghen", "Vợ chồng lười"….
Nhiều bức chạm đã trở nên nổi tiếng, ví dụ như “Ngày hội xuống đồng” trên một kẻ nghé, dài 1,35m, rộng 0,7m. Bức chạm có tới 20 người với mọi thành phần xã hội, đều được chạm bóng; có người đang đi cày với con trâu; xung quanh có người cầm đàn, thổi tù và; bên trên có viên quan đội mũ cánh chuồn với hai người hầu; người cưỡi ngựa đi xem hội…
Bức chạm “Bắn hổ” miêu tả một người và một con hổ trên một vách đá treo leo. Người là một lực sĩ, tay cầm súng ghì trước ngực. Con hổ đang ở tư thế dõi nhìn, một chân giơ lên gãi tai…
Bức chạm “Đá cầu” miêu tả hai người giơ chân, giơ tay; quả cầu tròn nằm ở lòng bàn chân. Giữa hai người có một con nghê nhô đầu ra….
Ngoài ra, đình Thổ Tang còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như: đại tự, án thư, lư hương, hoành phi, sắc phong, kiệu thờ…

Bức đại tự "Hòa vi quý" trên và bức chạm rồng phía dưới, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm “Bát tiên quá hải”, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm "Đầu rồng" trên đầu dư của kết cấu mái, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm "Mây cuộn" tại đầu bẩy, của kết cấu mái, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm “Ngày hội xuống đồng", đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm "Thường nhật", đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm "Tứ tửu" (bốn người uống rượu, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm “Bắn hổ”, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm “Đá cầu”, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường

Bức chạm “Trai gái”, đình Thổ Tang, Vĩnh Tường
Lễ hội đình làng Thổ Tang được tổ chức vào mùa xuân từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm.
Đình Thổ Tang là một trong số các ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc bộ (thế kỷ thứ 17) cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài khác như đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội; đình Tường Phiêu, Phúc Thọ Hà Nội; Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội…
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%
BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%95_Tang
https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/dukhach/Lists/DiTichDanhThang/View_Detail.aspx?ItemID=137
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/835
http://www.vietnam-tourism.com/index.php/news/items/21431
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 27/02/2020 )
|
Tin mới đưa:- Quần thể Tu viện Novodevichy, Moscow, Nga
- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
Tin đã đưa:- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
- Đền thờ Lê Hoàn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam
- Tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, Việt Nam
- Đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và Đình Phú Điền tại Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam
- Đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam
- Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương, Việt Nam
- Đền Trần Thương, Lý Nhân, Hà Nam
- Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định
- Đền Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên, Quảng Ninh, Việt Nam
- Đền Hùng, Phú Thọ, Việt Nam
- Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Sông Lô, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương, Việt Nam
|