Thông tin chung:
Công trình: Samarkand – Ngã tư văn hóa (Samarkand – Crossroad of Cultures)
Địa điểm: Vùng Samarkand, Uzbekistan (N39 40 6.996 E67 0 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1123ha; Diện tích Vùng đệm 1369 ha
Năm hình thành: Thế kỷ 7 TCN
Giá trị: Di sản thế giới (2001; hạng mục i, ii, iv)
Uzbekistan là một quốc gia ở Trung Á, không giáp biển, được bao quanh bởi 5 quốc gia: Kazakhstan ở phía Bắc; Kyrgyzstan đến phía Đông Bắc; Tajikistan về phía Đông Nam; Afghanistan ở phía Nam và Turkmenistan ở phía Tây Nam.
Uzbekistan có diện tích 448.978 km2, dân số khoảng 34 triệu người (năm 2020).
Ngôn ngữ chính là tiếng Uzbek.
Thủ đô và thành phố lớn nhất là Tashkent. Người theo Hồi giáo chiếm 88% dân số.
Uzbekistan ngày nay phân thành 12 tỉnh (vilayats) và một nước cộng hòa tự trị.
Cư dân đầu tiên tại Uzbekistan được ghi nhận là những người du mục Đông Iran, được gọi là Scythian, đã thành lập vương quốc Khwarazm (thế kỷ thứ 8 - 6 trước Công nguyên). Tiếp đến là những người Bactria (thế kỷ thứ 8 TCN), Sogdia (thế kỷ thứ 8 TCN), Fergana và Margiana (thế kỷ thứ 3 TCN - thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên).
Khu vực này được sáp nhập vào Đế quốc Achaemenid (Achaemenid Empire, Đế chế Ba Tư – Iran, năm 550 – 330 TCN). Sau một thời gian dưới sự cai trị của người người Macedonia, Hy Lạp (Greco-Bactrian Kingdom, năm 256 –125 TCN), vùng này thuộc Đế quốc Parthia (Parthian Empire của người Iran, năm 247 TCN - 224 sau Công nguyên); tiếp đó là Đế quốc Sasanian (Sasanian Empire của người Iran, năm 224- 651). Khi người Hồi giáo xâm chiếm Ba Tư (Iran) vào thế kỷ thứ 7 đã chuyển đổi phần lớn dân cư tại đây thành tín đồ đạo Hồi.
Trong thời kỳ này, các thành phố như Samarkand, Khiva và Bukhara bắt đầu trở nên giàu có từ Con đường tơ lụa (Silk Road, tuyến đường bộ nối liền Đông Á và Đông Nam Á với Nam Á, Ba Tư, Bán đảo Ả Rập, Đông Phi và Nam Âu. Đây là mạng lưới các tuyến đường thương mại kết nối Đông và Tây và là trung tâm của sự tương tác kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo giữa các khu vực này từ thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ thứ 18).
Vào thế kỷ 13, Uzbekistan thuộc vương triều Hồi giáo Khwarazmian (Khwarazmian Dynasty, năm 1077 - 1231) và bị tàn phá bởi cuộc xâm lược của người Mông Cổ (Mongol Conquests). Sau cuộc chinh phạt của người Mông Cổ, vùng đất này rơi vào sự thống trị bởi các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkic peoples).
Vào thế kỷ 14, nơi đây thuộc quyền cai trị của Đế chế Timurid (Timurid Empire, năm 1370–1507, trên một vùng lãnh thổ gồm Uzbekistan, Iran, miền Nam Caucasus, Mesopotamia, Afghanistan, khu vực Trung Á ngày nay, cũng như một phần của Ấn Độ, Pakistan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ). Thủ đô của Đế chế là thành phố Samarkand (1370 - 1405) và Herat (1405 - 1507).
Vào thế kỷ 16, một phần lãnh thổ của triều đại Timurid đã bị chinh phục bởi triều đại Shaybanids (Shaybanid dynasty) của người Uzbekistan. Trung tâm quyền lực từ thành phố Samarkand chuyển đến thành phố Bukhara.
Vương quốc Shaybanids dần bị phân chia thành 3 tiểu bang: Khanate of Khiva (năm 1511 – 1920); Khanate of Kokand (năm 1709 – 1876); Emirate of Bukhara (năm 1785–1920) và được sát nhập vào Đế quốc Nga (Russian Empire, tồn tại 1721–1917).
Năm 1924, Uzbekistan trở thành một quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết.
Ngày 31/8/1991, Uzbekistan tuyên bố độc lập.
Thị trấn lịch sử Samarkand nằm trong một ốc đảo lớn ở thung lũng sông Zerafshan, đông bắc Uzbekistan, được coi là ngã tư của các nền văn hóa thế giới với lịch sử hơn hai thiên niên kỷ rưỡi. Bằng chứng về những khu định cư trong khu vực có từ năm 1500 TCN. Samarkand có sự phát triển đáng kể nhất trong triều đại Temurid, từ thế kỷ 14 - 15, khi nơi đây là thủ đô của Vương quốc Temurid hùng mạnh.
Thị trấn lịch sử Samarkand bao gồm khu vực chính:
Về phía đông bắc Samarkand, có khu phố cổ Afrosiab, được thành lập vào thế kỷ thứ 7 TCN và bị Thành Cát Tư Hãn (Thủ lĩnh Mông Cổ, năm 1162 – 1227) phá hủy vào thế kỷ 13, được bảo tồn như một khu khảo cổ. Các cuộc khai quật đã phát hiện ra thành cổ và công sự, cung điện (được xây dựng vào thế kỷ thứ 7), khu dân cư và thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, còn có tàn tích của một nhà thờ Hồi giáo lớn được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 - 12.
Về phía nam Samarkand, có khu phố cổ vào thời kỳ Temurid thế kỷ 14 và 15, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quy hoạch đô thị, kiến trúc và nghệ thuật trong khu vực. Phố cổ tại đây vẫn còn chứa những không gian lịch sử với những con đường hẹp điển hình, được chia thành khu phố với các trung tâm xã hội, nhà thờ Hồi giáo, học viện (madrassah) và nhà ở. Những ngôi nhà truyền thống của người Uzbek có 1 hoặc 2 tầng với không gian được nhóm lại xung quanh sân trong có vườn. Công trình được xây dựng bằng gạch bùn, trần gỗ sơn và đồ trang trí tường.
Sự đóng góp của những bậc thầy Temurid trong việc thiết kế và xây dựng Samarkand có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của kiến trúc và nghệ thuật Hồi giáo; có ảnh hưởng lớn đến các quốc gia xung quanh, dẫn đến những thành tựu của người Safavid ở Ba Tư, người Moghul ở Ấn Độ và thậm chí cả người Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía tây Samarkand, có khu vực là phần mở rộng vào thế kỷ 19 và 20, được người Nga xây dựng theo phong cách châu Âu. Khu vực thời hiện đại này trải dài xung quanh khu vực lịch sử, đại diện cho sự kết nối liên tục truyền thống và văn hóa, được phản ánh trong cấu trúc khu phố, các trung tâm xã hội, nhà thờ Hồi giáo, học viện (madrassah) và nhà ở. Nhiều ngôi nhà vẫn giữ được nội thất được sơn và trang trí, tập trung xung quanh sân trong và vườn.
Các di tích chính trong Thị trấn lịch sử Samarkand bao gồm: Nhà thờ Hồi giáo Registan và các học viện (madrasah), được xây dựng bằng gạch bùn và phủ bằng gạch men trang trí; Nhà thờ Hồi giáo và Lăng mộ Bibi-Khanum (Bibi-Khanum Mosque and Mausoleum); Khu phức hợp Shakhi-Zinda (Shakhi-Zinda compound), nơi có một loạt các nhà thờ Hồi giáo, học viện, lăng mộ và quần thể Gur-Emir và Rukhabad; Tàn tích của Đài thiên văn Ulugh-Bek (Ulugh-Bek’s Observatory).
Thị trấn lịch sử Samarkand, Uzbekistan được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2001) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Kiến trúc và cảnh quan đô thị của Samarkand, nằm ở ngã tư của các nền văn hóa cổ đại, là tuyệt tác về sự sáng tạo văn hóa Hồi giáo.
Tiêu chí (ii): Các quần thể ở Samarkand như Nhà thờ Hồi giáo Bibi Khanum và Quảng trường Registan đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kiến trúc Hồi giáo trên toàn bộ khu vực, từ Địa Trung Hải đến tiểu lục địa Ấn Độ.
Tiêu chí (iv): Thị trấn lịch sử Samarkand với nghệ thuật, kiến trúc và cấu trúc đô thị minh họa những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử văn hóa và chính trị Trung Á từ thế kỷ 13 đến nay.
Samarkand là một thành phố ở đông nam Uzbekistan và là một trong những thành phố liên tục có người sinh sống lâu đời nhất ở Trung Á. Samarkand là thủ phủ của Vùng Samarqand, có diện tích 120km2, dân số khoảng 513 ngàn người (2019), nằm trên độ cao 705m so với mực nước biển.
Thành phố trải qua nhiều thời kỳ:
Thời kỳ ban đầu:
Samarkand là nơi sinh sống của con người từ cuối Thời kỳ Đồ đá cũ (Paleolithic, khoảng 3,3 triệu năm trước).
Một số giả thuyết cho rằng, thị trấn Samarkand được được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 8 - 7 TCN và phát triển thịnh vượng nhờ vị trí nằm trên Con đường Tơ Lụa giữa Trung Quốc, Ba Tư và Châu Âu.
Vào thời Đế chế Achaemenid của người Ba Tư (Achaemenid Empire, tồn tại năm 550 TCN–330 TCN), thành phố Samarkand, có tên là Maracanda, là kinh đô của tiểu vương quốc Sogdian (satrap Sogdian). Thành phố được bao quanh bởi một bức tường phòng thủ cao và dày, bên trong có lâu đài, đền thờ, nhà và xưởng. Đây là nơi thu hút những người buôn bán dọc theo thung lũng sông Zerafshan và xa hơn, dọc theo Con đường Tơ Lụa, trở thành một trong những trung tâm mua sắm và văn hóa lớn nhất Trung Á.
Thời kỳ Hy Lạp hóa:
Vào năm 329 TCN, Alexander Đại đế (Alexander the Great, vua vương quốc Macedon của Hy Lạp cổ đại, trị vì năm 336–323 TCN) đã chinh phục Samarkand (Maracanda). Thành phố đã phát triển thịnh vượng dưới ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp với những kỹ thuật xây dựng mới. Gạch hình chữ nhật được thay thế bằng gạch hình vuông và các phương pháp xây dựng và trát tường ưu việt…Nơi đây thực sự trở thành điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ Lụa. Ngôn ngữ Sogdian được nhiều người biết đến.
Sau cái chết của Alexander Đại đế, Samarkand trở thành một phần của Đế chế Seleucid (Seleucid Empire, năm 312 – 63 TCN), Vương quốc Hy Lạp-Bactria (Greco-Bactrian Kingdom, năm 256 – khoảng 120 TCN) và Đế chế Kushan (Kushan Empire, năm 30–375).
Sau khi Đế chế Kushan suy tàn, Samarkand đã mất dần vai trò của một trung tâm quyền lực kinh tế, văn hóa và chính trị. Thành phố không hồi sinh đáng kể cho đến thế kỷ thứ 5.
Tường thành cổ của Samarkand, thế kỷ thứ 4 TCN
Thời kỳ Sassanid:
Vào khoảng năm 260 sau Công nguyên, Samarkand đã bị người Sassanid Ba Tư (Sasanian dynasty, tồn tại năm 224 - năm 651) chinh phục. Dưới sự cai trị của người Sassanid, khu vực này đã trở thành một địa điểm thiết yếu cho Mani giáo Manichaeism) và tạo điều kiện cho việc truyền bá tôn giáo này trên khắp Trung Á.
Thời kỳ Xiônit đến Khaganate Turkic:
Trong khoảng thời gian từ năm 350 đến năm 375 sau Công nguyên, Samarkand đã bị các bộ lạc du mục của người Xiônit chinh phục.
Trong khoảng thời gian từ năm 457 đến năm 509, Samarkand là một phần của Nhà nước Kidarite (năm 320 – 467). Tiếp sau đó là người Hephtalites (khoảng năm 440 –560) và người Göktürks chiếm giữ cho đến năm 560.
Vào giữa thế kỷ thứ 6, Samarkand nằm dưới quyền cai trị của Vương quốc Khaganate Turkic (First Turkic, năm 552- 603).
Thời kỳ đầu Hồi giáo:
Đế chế Umayyad (Umayyad Caliphate, năm 661–750) đã chiếm được thành phố từ triều đại nhà Đường (Trung Quốc) vào khoảng năm 710. Trong thời kỳ này, Samarkand là một cộng đồng tôn giáo đa dạng và là nơi sinh sống của một số tôn giáo, bao gồm Hỏa giáo (Zoroastrianism, tôn giáo của người Iran), Phật giáo (Buddhism), Ấn Độ giáo (Hinduism), Mani giáo (Manichaeism), Do Thái giáo (Judaism) và Cơ đốc giáo (Nestorian Christianity), với phần lớn dân số theo Hỏa giáo.
Trong giai đoạn tiếp theo, đền thờ Hỏa giáo bị san bằng và nhà thờ Hồi giáo đã được xây dựng. Phần lớn dân số của thành phố dần cải sang đạo Hồi. Samarkand phát triển thành một trung tâm học thuật Hồi giáo và tiếng Ả Rập.
Vào cuối những năm 740, Đế chế Umayyad sụp đổ. Samarkand nằm dưới quyền thống trị của Vương triều Abbasid Abu Muslim (Abbasid Caliphate, năm 750–1258). Trong thời kỳ này, nhà máy sản xuất giấy (bắt nguồn từ Trung Quốc) đầu tiên ở thế giới Hồi giáo được thành lập tại Samarkand. Công nghệ này sau đó đã lan rộng ra các quốc gia khác xung quanh.
Những bức tường của cung điện, học viện, dinh thự trong giai đoạn này đã được được trang trí bằng những bức tranh nghệ thuật hoành tráng, được làm bằng thạch cao kết dính đất sét màu sáng.
Quyền kiểm soát của Vương triều Abbasid Abu Muslim được thay thế bằng Vương triều Samanid (Samanid Empire, năm 819- 999) vào năm 875.
Dưới sự cai trị của Vương triều Samanid, Samarkand trở thành kinh đô và là một điểm nút quan trọng của nhiều tuyến đường thương mại và trở thành một trong những trung tâm văn hóa của phương Đông Hồi giáo.
Đến thế kỷ 10, diện tích nội thành Samarkand đạt 220 ha. Phía tây nam của thành phố được mở rộng với chợ, nhà thờ Hồi giáo, phòng tắm và nhà trọ. Thành phố xuất hiện những đường ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất giấy.
Thời kỳ Qarakhanid:
Vương quốc Samanid sụp đổ vào năm 999, được thay thế bằng Vương quốc Qarakhanid (Ilek-Khanid, thế kỷ 11–12). Sau đó Vương quốc Qarakhanid bị chia thành hai phần, Samarkand trở thành một phần của Kara-Khanid Khanate và từ năm 1040 - 1212 trở thành kinh đô. Trong giai đoạn này, nhiều trường học, bệnh viện công đã được xây dựng. Di tích nổi bật nhất của thời đại Qarakhanid là cung điện của Ibrahim ibn Hussein (người cai trị Kara-Khanid Khanate giai đoạn 1178–1202). Trong quá trình khai quật di tích, người ta đã phát hiện ra những mảnh vỡ của bức tranh hoành tráng trên bức tường phía đông. Bức tranh miêu tả một chiến binh người Turk mặc áo khoác màu vàng và cầm cung. Ngựa, chó săn, chim và phụ nữ thời đó cũng được miêu tả ở đây.
Thời kỳ Mông Cổ:
Người Mông Cổ chinh phục Samarkand vào năm 1220. Thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Samarkand trở thành một phần của Hãn quốc Chagatai (Chagatai Khanate, một trong bốn vương quốc kế thừa của người Mông Cổ, tồn tại năm 1266- 1374) cho đến năm 1370.
Tàn tích của Afrasiab – thành phố Samarkand cổ đại bị Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ) phá hủy.
Thời kỳ Vương triều Timur:
Năm 1370, nhà chinh phạt Timur (Tamerlane, người Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ, năm 1336- 1405) đã thành lập Đế chế Timurid (Timurid Empire, tồn tại năm 1370 – 1570, tồn tại ở và xung quanh Afghanistan, Iran và Trung Á ngày nay). Samarkand thành kinh đô của Vương quốc Timurd.
Đế chế này là sự tích hợp về văn hóa và văn minh của Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ - Ba Tư thời bấy giờ.
Timurid tự coi mình là người khôi phục vĩ đại Đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn.
Tiếng Ba Tư trở thành ngôn ngữ chính thức của Đế chế Timurid
Timur đã quy hoạch, xây dựng lại hầu hết kinh đô Samarkand và đưa những nghệ nhân và thợ thủ công vĩ đại từ khắp đế chế đến đây. Ông còn nổi tiếng là người bảo trợ nghệ thuật.
Thời kỳ hoàng kim của hội họa Ba Tư bắt đầu dưới thời trị vì của triều đại Timur. Trong giai đoạn này, nghệ thuật và nghệ sĩ Trung Quốc đã có ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật Ba Tư. Các nghệ sĩ Timur đã tinh chỉnh nghệ thuật sách Ba Tư, kết hợp với vật liệu giấy, thư pháp, minh họa và xuất bản sách trong một tổng thể rực rỡ và đầy màu sắc.
Vào thời điểm này, thành phố có dân số khoảng 150.000 người.
Thời kỳ Vương triều Ulugh Beg:
Từ năm 1417 đến năm 1420, Ulugh Beg (nhà thiên văn học, toán học, đồng thời là vua Vương quốc Temurid, năm 1394- 1449) đã xây dựng một học viện Hồi giáo ở Samarkand, trở thành tòa nhà đầu tiên trong quần thể kiến trúc Registan, trung tâm Samarkand.
Dưới thời Ulugh Beg, Samarkand đã trở thành một trong những trung tâm khoa học tầm thế giới.
Nơi đây đã tập hợp được các nhà thiên văn học và toán học nổi tiếng. Mối quan tâm chính của Ulugh Beg đối với khoa học là thiên văn học. Năm 1428, ông đã xây dựng tại Samarkand một đài thiên văn (Ulugh-Bek’s Observatory).
Thế kỷ 16-18:
Năm 1501, Samarkand nằm dưới sự thống trị của triều đại Muhammad Shaybani (có nguồn gốc từ người Turko-Mông Cổ cai trị hầu hết Kazakhstan, Uzbekistan ngày nay và một số vùng của Nga vào thế kỷ 15; tồn tại năm 1428 – 1599). Samarkand được chọn làm thủ đô của nhà nước này, nơi Muhammad Shaybani Khan (trị vì năm 1500 – 1510) lên ngôi.
Trong giại đoạn này, một học viện Hồi giáo (madrasah) được hình thành; Cầu dẫn nước Zarafshan nằm trên bờ trái của sông Zarafshan, cách trung tâm Samarkand 7–8 km về phía đông bắc đã được xây dựng bằng gạch.
Thành phố bị bỏ hoang vào đầu những năm 1720 do các cuộc chiến tranh.
Nửa sau thế kỷ 18-19:
Từ năm 1756 đến năm 1868, thành phố được cai trị bởi Tiểu vương quốc Bukhara (Emirate of Bukhara, tồn tại năm 1785–1920) của người Manghud (một bộ tộc Mông Cổ, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ hóa).
Thời kỳ Đế chế Nga và Xô viết:
Năm 1868, thành phố nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Nga. Thành phố trở thành thủ phủ của tỉnh Samarkand, Turkestan thuộc Nga và lấy lại vị thế quan trọng khi tuyến đường sắt xuyên Caspi đi qua đây vào năm 1888.
Samarkand là thủ đô của Cộng hòa XHCN Xô viết Uzbekistan từ năm 1925 đến năm 1930, trước khi bị Tashkent thay thế.
Samarkand hiện đại được chia thành hai phần: Thành phố cổ (Khu vực Di sản), bao gồm các di tích lịch sử, cửa hàng và nhà nhà ở cũ; và Thành phố mới, được phát triển trong thời kỳ Đế quốc Nga và Xô viết, bao gồm các tòa nhà hành chính cùng trung tâm thương mại, văn hóa, cơ sở giáo dục và nhà ở.
Di sản Thị trấn lịch sử Samarkand, Uzbekistan được phân thành 5 khu vực:
Sơ đồ vị trí 5 khu vực di tích chính trong Khu Di sản Thị trấn lịch sử Samarkand, Uzbekistan
1. Khu vực khảo cổ Afrosiab
Khu vực khảo cổ Afrosiab (Afrosiab Archaeological Area, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía bắc Khu Di sản (N39 40 0 E66 58 60). Diện tích Di sản 229ha; Diện tích vùng đệm 1,369 ha.
Tên Afrosiab xuất hiện trong các nguồn tài liệu viết vào cuối thế kỷ 17, thường được liên tưởng đến Afrasiab, vị vua thần thoại và anh hùng của người Turan (một khu vực lịch sử tại Trung Á).
Khu vực khảo cổ là phần lâu đời nhất của thành phố Samarkand, nơi có người sinh sống từ khoảng năm 500 TCN đến năm 1220 sau Công nguyên, trước cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào thế kỷ 13.
Khu vực khảo cổ, nằm trên một gò đất cao, thuận tiện cho việc phòng thủ; gần Nhà thờ Hồi giáo Bibi Khanaum.
Các cuộc khai quật đã phát hiện ra những bức bích họa Afrosiab nổi tiếng, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Afrasiab của Samarkand (Afrasiab Museum of Samarkand), nằm cạnh địa điểm khảo cổ học.
Khu vực khảo cổ Afrosiab có độ dày của tầng khảo cổ đạt 8–12m.
Thị trấn cổ Afrosiab có hình dạng của một tam giác đều, mỗi cạnh dài khoảng 1,5km, được bao quanh bởi những bức tường cao. Tàn tích hiện trông giống như một công trình đất sét khổng lồ cao 40m. Thị trấn cổ có 3 lối vào. Lối vào chính nằm tại phía đông bắc tường thành.
Nước cho Thị trấn cổ được cấp từ các kênh nước, giếng, hồ chứa nước và bể chứa nước bằng đất nung.
Tại đây chỉ còn lại rất ít tàn tích của những tuyến phố. Các tòa nhà được xây dựng bằng gạch không nung kết hợp với khung gỗ.
Một số ngôi nhà có cửa sổ với lưới thạch cao được gắn những mảnh kính nhỏ.
Tại đây tìm thấy nhiều đồng xu cổ, được tiêu dùng vào thế kỷ 4 – 13.
Tại đây cũng tìm thấy tàn tích của 5 nhà tắm, được xây dựng vào thế kỷ 9-10. Nhà tắm bao gồm các bể chứa nước, bồn tắm, đường ống cung cấp nhiệt và nước, phòng thay đồ, phòng mát-xa, hành lang ấm và lạnh và sân trong mở. Một số phần của nhà tắm được trang trí bằng vữa trát và bích họa.
Trong quá trình khai quật di tích, người ta đã tìm thấy các bức bích họa Phật giáo, tấm thạch cao đúc khuôn; đồng xu thế kỷ 9- 10 và nhiều đồ vật cổ khác thể hiện nghệ thuật thời Trung cổ.
Tại đây người ta khai quật được tàn tích của một quần thể cung điện có dấu vết của những bức bích họa lộng lẫy liên quan đến thời kỳ Vương triều Qarakhanid (từ thế kỷ 11 - 12).
Tại phía tây của Khu khảo cổ Afrosiab, người ta đã khai quật được một nhà thờ Hồi giáo và một tháp nhỏ. Tháp nhỏ được ốp bằng những viên gạch có khắc chữ tiếng Ba Tư Ikhshid, tước hiệu của những người cai trị Samarkand cổ đại.
Nhà thờ Hồi giáo đã được xây dựng lại nhiều lần. Vào thế kỷ thứ 10, nhà thờ Hồi giáo có hình vuông, mỗi cạnh dài 78 x 78m. Vào thế kỷ 10 – 12, nhà thờ Hồi giáo có hình chữ nhật, 120 x 80m. Người ta tìm thấy 6 ô cửa, các chuỗi từ đèn chùm chiếu sáng hội trường có cột và được trang trí bằng vữa trát chạm khắc, tấm đất nung chạm khắc và gạch màu xanh nhạt.
Những bức tranh tường đáng chú ý tại đây có từ thế kỷ thứ 7. Trong đó có bức tranh tường mô tả một vị sứ quán Trung Quốc mang lụa và kén tằm đến cho người cai trị Sogdian địa phương.
Đồ gốm được sử dụng nhiều nhất ở Afrasiyab là đồ gốm tráng men, bao gồm các hình dạng phổ biến nhất như đĩa, bát và bình. Tại đây phát hiện nhiều phiến đất nung và bàn thờ thu nhỏ, được phủ bên trong và bên ngoài bằng đồ trang trí hoa dập đẹp mắt. Các bàn thờ có hình ảnh chim, cột và dòng chữ Ả Rập.
Ngoài ra, tại đây còn phát hiện được các di tích liên quan đến sản xuất thủy tinh; chế tác thủy tinh thành những chiếc bình, lọ, cốc, ca, ly, chai tinh xảo.
Người ta cũng đã tìm thấy những bia mộ bằng những phiến đá lớn dài tới 1m, có niên đại từ thế kỷ 12 - 14. Trên mặt bia có chữ khắc bằng hoa văn và tiếng Ả Rập.
Thành phố Afrosiab đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Mông Cổ và không thể phục hồi lại được như xưa.
Sơ đồ Khu vực khảo cổ Afrosiab, Samarkand, Uzbekistan
Tàn tích công trình tại Khu vực khảo cổ Afrosiab, Samarkand, Uzbekistan
Bàn thờ lửa của những người Hỏa giáo, thế kỷ thứ 2–3, Bảo tàng Afrasiyab, Samarkand, Uzbekistan
Hốc trang trí từ nhà thờ Hồi giáo Abbasid của Afrasiab, Samarkand, Uzbekistan
Tranh miêu tả nhân viên Sứ quán Trung Quốc mang theo lụa và một chuỗi kén tằm. Bên phải ảnh là nhân viên Sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, Samarkand, Uzbekistan
2. Thành phố Timurid thời Trung cổ và thành phố châu Âu
Thành phố Temurid thời Trung cổ và thành phố châu Âu (Medieval Timurid and European Cities, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản (N39 38 60 E66 58 0). Diện tích Di sản 841,5ha.
Thành phố Temurid thời Trung cổ nằm tại phía đông khu vực và thành phố theo phong cách châu Âu nằm tại phía tây khu vực.
Sơ đồ vị trí Thành phố Temurid thời Trung cổ và thành phố châu Âu, Samarkand, Uzbekistan
Thành phố Temurid thời Trung cổ
Thành phố Temurid thời Trung cổ, vào thế kỷ 14 và 15, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quy hoạch đô thị, kiến trúc và nghệ thuật tại Samarkand.
Tại đây đã hình thành phong cách kiến trúc Timur, được xây dựng dựa trên truyền thống kiến trúc Iran và Trung Á trước đó.
Phong cách Timur được phân biệt bởi: Các tòa nhà quy mô lớn; bố cục có tính đối xứng theo trục chính; mái vòm hai lớp có hình dạng phình ra; trang trí gạch bên ngoài phong phú; kỹ thuật khảm gạch và mái vòm bên trong tinh xảo.
Phong cách Timur bao gồm cả việc quy hoạch đô thị với những con đường hẹp điển hình, được chia thành khu vực với các trung tâm xã hội, nhà thờ Hồi giáo, học viện (madrassah) và nhà ở truyền thống.
Những ngôi nhà ở truyền thống của người Uzbek có một hoặc hai tầng với các không gian được nhóm lại xung quanh các sân trong có vườn; tường được xây dựng bằng gạch bùn; trần bằng gỗ và tường có nhiều trang trí.
Sự đóng góp của các bậc thầy Temurid vào việc thiết kế và xây dựng các quần thể Hồi giáo tại Samarkand là rất quan trọng đối với sự phát triển của kiến trúc và nghệ thuật Hồi giáo và có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ khu vực, dẫn đến những thành tựu của người Safavid ở Ba Tư, người Moghul ở Ấn Độ và thậm chí cả người Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số công trình tiêu biểu:
Quảng trường Registan (Registan Square):
Registan theo tiếng Uzbek là vùng cát. Vào thời cổ đại, địa điểm này được bao phủ bởi cát.
Samarkand đã trải qua nhiều nhà cai trị, song Quảng trường Registan luôn là trung tâm của đời sống xã hội thành phố.
Quảng trường là nơi chính quyền thành phố đã tập hợp người dân để công bố sắc lệnh của nhà cai trị, tổ chức lễ kỷ niệm, hành quyết công khai và tập hợp quân đội chuẩn bị ra trận. Xung quanh Quảng trường là chợ, cửa hàng, nơi các thương nhân và nông dân bán hàng hóa của họ.
Tất cả các con đường chính của Samarkand đều dẫn đến Quảng trường Registan.
Quảng trường Registan được nhấn mạnh bởi 3 học viện tôn giáo (madrassah): Ulugh Beg, Sherdor (Sher-Dor) và Tilla-Kori. Chúng được xây dựng bởi 2 nhà cai trị vào những thời điểm khác nhau.
Cổng của các học viện đều hướng ra trung tâm của Quảng trường. Cả 3 công trình đều có phong cách trang trí độc đáo riêng.
Quảng trường Registan trở thành một trong những tượng đài của kiến trúc phương Đông.
Tổng mặt bằng Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Phối cảnh nhìn từ phía nam Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekista; Học viện Ulugh Beg bên trái ảnh; Học viện Tilla-Kori chính giữa ảnh; Học viện Sher-Dor bên phải ảnh
Học viện Ulugh Beg (Ulugh Beg Madrassah): Công trình nằm tại phía tây của Quảng trường Registan. Vào năm 1417- 1420, Ulugh Beg (nhà thiên văn học, toán học, đồng thời là vua Vương quốc Temurid, năm 1394- 1449) đã ra lệnh xây dựng Học viện, mà sau này được đổi tên để vinh danh ông. Đây là công trình đầu tiên được xây dựng trên Quảng trường Registan. Từ "madrassah" bắt nguồn từ tiếng Ả Rập và theo nghĩa đen có nghĩa là "nơi giảng dạy và học tập".
Vào thời điểm đó, đây là cơ sở giáo dục khoa học lớn nhất ở Samarkand. Tại đây, sinh viên được dạy triết học, thiên văn học, toán học, thần học. Cùng với giảng đường, các công trình như nhà trọ (caravan-sarai), nhà thờ (khanqah/hanaqa) của Học viện Ulugh Beg cũng được xây dựng.
Học viện Ulugh Beg có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 56 x 81m, bao gồm các dãy phòng bao quanh một sân trong (Courtyard, hình vẽ ký hiệu D), kích thước 30 x 40m. Các không gian chính gồm:
Lối vào chính từ hướng đông (Main entrance, hình vẽ ký G), là một sảnh (iwan hoặc pishtaq, không gian hình chữ nhật có tường bao quanh 3 mặt, một mặt hở); phía trên là mái vòm muqarnas (mái vòm tổ ong hoặc mái vòm nhũ đá). Sảnh vào thường được trang trí bằng các dải thư pháp, gạch men và các thiết kế hình học) cao 2 tầng được trang trí lộng lẫy với các ngôi sao 10 cánh tượng trưng cho bầu trời và thiên văn học; 4 giảng đường (Domed lecture halls/Darskhans, hình vẽ ký hiệu A) nằm tại 4 góc nhà với mái vòm; Nhà thờ (Mosque, hình vẽ ký hiệu B) nằm tại phía tây với hàng 6 cột ở giữa; Sảnh hướng vào sân trong (Inward – facing iwans, hình vẽ ký hiệu C); Hành lang giữa ra sân trong (Passageways to courtyard, hình vẽ ký hiệu E); Ký túc xá (Dormitories/hujras, hình vẽ ký hiệu F); Tháp góc (Corner towers /guldastas, hình vẽ ký hiệu H).
Mặt tiền chính của Học viện Ulugh Beg nhìn ra Quảng trường, được nhấn mạnh bởi hai ngọn tháp cao ở hai góc. Tòa nhà có nội thất tinh tế với lớp gạch tráng men tạo nên những trang trí đẹp mắt trên lớp tường màu vàng.
Phối cảnh Học viện Ulugh Beg, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Mặt bằng Học viện Ulugh Beg, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Sảnh vào Học viện Ulugh Beg, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Sân trong Học viện Ulugh Beg, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Trang trí đầu tháp, Học viện Ulugh Beg, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Học viện Sher-Dor (Sher-Dor Madrassah): Công trình nằm tại phía đông của Quảng trường Registan. Năm 1612, Yalangtush Bahadur (thống đốc Samarkand, năm 1626–1656) đã quyết định xây dựng một học viện khác trên Quảng trường Registan, đối diện với học viện do vua Ulugh Beg dựng lên.
Cái tên Sher-Dor xuất phát từ hình ảnh trên sảnh vào Học viện: Hai con hổ vàng lớn mang mặt trời trên lưng. (Sher có nghĩa là hổ). Công trình có bố cục tương tự như Học viện Ulugh Beg, gồm các dãy phòng bao quanh sân trong. Sảnh chính hướng ra phía Quảng trường.
Mặc dù mặt tiền của tòa nhà hoàn toàn giống với Học viện Ulugh Beg (madrassah đầu tiên), song công trình đã áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến của thế kỷ 17 để đẩy nhanh tiến trình xây dựng.
Phối cảnh Học viện Sher-Dor, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Mặt bằng Học viện Sher-Dor, Sher-Dor, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Sảnh vào Học viện Sher-Dor, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Sân trong Học viện Sher-Dor, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Học viện Tilla-Kori (Tilla-Kori Madrassah): Công trình nằm tại phía bắc của Quảng trường Registan, được xây dựng vào năm 1646 - 1660. Cái tên “Tilla Kori” được đặt ra nhờ vào cách trang trí (Tilla Kori có nghĩa là “mạ vàng”).
Công trình có bố cục tương tự như hai học viện trước, gồm các phòng bao quanh một sân trong, một sảnh lớn tại phía nam, hướng ra Quảng trường và 2 lối vào sân trong. Công trình có một tòa tháp mái vòm màu xanh của nhà thờ Hồi giáo ở bên trái cổng và 2 ngọn tháp đứng ở cả hai bên của phần mặt tiền.
Công trình này cân bằng tuyệt đẹp giữa hai học viện ở hai bên Quảng trường mà không làm mất đi sự thống nhất của phong cách kiến trúc.
Học viện Tilla-Kori, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Mặt bằng Học viện Tilla-Kori, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Sân trong Học viện Tilla-Kori, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Bên trong Học viện Tilla-Kori, Quảng trường Registan, Samarkand, Uzbekistan
Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym (Bibi-Khanym Mosque): Thuộc Khu phức hợp Shakhi-Zinda (Shakhi-Zinda compound). Nhà thờ được đặt theo tên vợ của Hoàng đế Timur là Saray Mulk Khanum.
Công trình được hoàn thành vào năm 1405 và có kích thước nổi bật so với những nhà thờ khác. Vào thế kỷ 15, đây là một trong những di tích quan trọng nhất của Samarkand; một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và tráng lệ nhất trong thế giới Hồi giáo và được coi là một kiệt tác của thời kỳ Phục hưng Timur.
Những năm sau này, Nhà thờ dần xuống cấp. Mái vòm bên trong công trình bị sụp đổ do một trận động đất năm 1897. Nhà thờ bị phá để khai thác vật liệu xây dựng. Đến giữa thế kỷ 20, Nhà thờ chỉ còn lại như một tàn tích và hiện đang được khôi phục.
Nhà thờ có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 167m x 109m với một sân trong. 4 góc của Nhà thờ là 4 tháp nhỏ.
Nhà thờ có 4 không gian mái vòm (iwan) theo kiểu nhà thờ Hồi giáo có từ thế kỷ 12.
Sảnh chính (iwan/ pishtaq) của công trình bố trí tại phía đông với chiều cao khoảng 40m. Mái vòm của sảnh (muqarnas/ mái vòm tổ ong hoặc mái vòm nhũ đá) là mái vòm lớn nhất của nhà thờ Hồi giáo. 3 mái vòm (iwans) còn lại có 1 mái vòm lớn tại phía tây và 2 mái vòm nhỏ tại phía bắc và nam.
Không gian nghi lễ của Nhà thờ cao 7,2m với hệ thống khoảng 400 cột đỡ mái vòm bằng đá cẩm thạch. Đây là nơi được thiết kế để có thể chứa được gần 10 ngàn tín đồ.
Nội thất của Nhà thờ có dát vàng, mô phỏng các họa tiết thêu thổ cẩm địa phương.
Chính giữa sân trong là một bệ đá, giá đỡ Kinh Qur'an khổng lồ, được chế tác từ những khối đá cẩm thạch trang trí công phu.
Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Tàn tích sảnh chính với mái vòm tại phía đông, Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Mái vòm nhỏ tại phía nam, Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Bên trong Mái vòm nhỏ tại phía nam, Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Sân trong, nhìn về sảnh chính phía đông, Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Bệ đá đỡ Kinh tại Sân trong, Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Lăng Guri Amir (Gur-e Amir Complex / Tomb of the King): Là lăng mộ của hoàng đế Timur (Tamerlane, năm 1336- 1405). Lăng mộ này có một vai trò quan trọng trong lịch sử kiến trúc Trung Á và có ảnh hưởng đến các kiến trúc lăng mộ theo phong cách Mughal (kiến trúc Ấn Độ-Hồi giáo do người Mughal phát triển vào thế kỷ 16, 17 và 18 ở tiểu lục địa Ấn Độ).
Timur được chôn cất cùng với cháu trai Muhammad Sultan trong gian phòng trung tâm của ngôi đền. Theo thời gian, ngôi mộ của Timur đã được bao quanh bởi ba ngôi mộ khác: Cố vấn tinh thần của ông, Sayyid Baraka (1343-1403); cháu trai của ông là Ulugh Beg (1394-1449), vị vua thiên văn học nổi tiếng; và một trong những người con trai của ông, Shah Rukh Mirza (1377-1447), người cai trị thứ hai của đế chế Timur. Với những phần bổ sung này, cùng với các ngôi mộ của một số người thân khác, Quần thể Lăng Guri Amir được chuyển đổi thành lăng mộ của triều đại Timur.
Sơ đồ mặt bằng tàn tích Lăng Guri Amir, Samarkand, Uzbekistan
Quần thể bao gồm: Lăng mộ vua Timur (Timur's Tomb, hình vẽ ký hiệu A); Sảnh hiên dẫn đến Lăng mộ vua Timur (Iwan leading to Timur's Tomb, hình vẽ ký hiệu B); Lăng mộ vua Ulugh Beg( Ulugh Begh's Gallery, hình vẽ ký hiệu C); Học viện mang tên Muhammad Sultan (Madrasa of Muhammad Sultan, hình vẽ ký hiệu D); Sân trong (Front Courtyard, hình vẽ ký hiệu E); Lăng mộ của Muhammad Sultan (Khanqah of Muhammad Sultan, hình vẽ ký hiệu F); Sảnh vào chính (Entrance Portal, hình vẽ ký hiệu G); Tháp (Minarets, hình vẽ ký hiệu H).
Chỉ một phần Quần thể còn tồn tại. Một số khu vực hiện đang được phục hồi.
Sảnh chính (hình vẽ ký hiệu G) vào Quần thể Lăng Guri Amir hiện vẫn còn tồn tại, được trang trí lộng lẫy bằng gạch chạm khắc và nhiều bức tranh ghép. Từ đây qua một sân trong có mặt bằng hình vuông đến Lăng mộ vua Timur.
Lăng mộ vua Timur là phần hiện còn tồn tại của Quần thể. Đây là một tòa nhà hình bát giác được bao phủ bởi một mái vòm có khía màu xanh lam.
Trang trí bên ngoài của các bức tường bao gồm các viên gạch màu xanh lam, xanh nhạt và trắng được sắp xếp thành các đồ trang trí hình học và chữ viết trên nền gạch đất nung.
Mái vòm (Muqarnas, đường kính 15m, cao 12,5 m) là loại mái vòm 2 lớp (với các thanh giằng chéo để chuyển các tải trọng xiên thành thẳng đứng truyền xuống phần tường phía dưới. Mái vòm được trang trí các viên đá ốp có màu xanh lam tươi sáng với các hoa thị đậm và các đốm trắng.
Bên trong, lăng mộ trông giống như một căn phòng lớn, cao với các hốc sâu ở hai bên và mái vòm hình tổ ong (Muqarnas) đa dạng. Phần dưới của các bức tường được phủ bằng các tấm đá được trang trí bằng các bức tranh tinh xảo. Phía trên tấm đá có một gờ đá thạch anh. Các mảng tường rộng lớn được trang trí bằng thạch cao sơn; các mái vòm bên trong được trang trí bằng các khối vữa nổi cao, mạ vàng và sơn.
Những bia mộ chạm khắc tinh xảo trong phòng chính bên trong lăng mộ chỉ cho biết vị trí của những ngôi mộ đặt bên trong hầm mộ phía dưới.
Ở giữa hầm mộ là quan tài bằng đá của vua Temur. Xung quanh là các quan tài của những người thuộc gia đình Hoàng gia.
Sảnh chính Quần thể Lăng Guri Amir, Samarkand, Uzbekistan
Trang trí tường ngoài, Quần thể Lăng Guri Amir, Samarkand, Uzbekistan
Mặt cắt ngang qua Lăng mộ vua Timur với mái vòm 2 lớp.
Mặt trước Lăng vua Timur, Samarkand, Uzbekistan
Mặt sau Lăng vua Timur, Samarkand, Uzbekistan
Trang trí bên trong Phòng trung tâm Lăng vua Timur với các tấm bia đánh dấu vị trí mộ trong hầm mộ phía dưới, Samarkand, Uzbekistan; Chính giữa ảnh, trong hốc vòm là vị trí đặt mộ vua Timur
Trang trí vòm mái Phòng trung tâm Lăng vua Timur, Samarkand, Uzbekistan;
Hành lang tại Lăng mộ vua Ulugh Beg, Quần thể Lăng Guri Amir, Samarkand, Uzbekistan
Lăng mộ Bibi-Khanym (Bibi-Khanym Mausoleum): Cạnh Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym là lăng mộ của Sarai Mulk-Khanym, hoàng hậu của vua Timur (qua đời năm 1406 ở tuổi 63). Lăng mộ là một cấu trúc hình bát giác với một tháp hình trụ mái vòm 2 lớp được trang trí bằng dòng chữ Kufi chạy xung quanh. Bên trong có một phòng chôn cất ốp đá cẩm thạch.
Bệ cửa sổ được trang trí trang nhã bằng gạch vàng và trắng. Hầm mộ được ốp đá cẩm thạch, có 4 phòng nhỏ, chứa 7 chiếc quan tài.
Lăng mộ bị xuống cấp từ cuối thế kỷ 19 và được trùng tu vào cuối thế kỷ 20
Lăng mộ Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Sơ đồ mặt bằng Lăng mộ Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Bên trong hầm mộ, Lăng mộ Bibi-Khanym, Samarkand, Uzbekistan
Quần thể Ruhobad (Rukhobod): Tại đây, có một lăng mộ nhỏ (Rukhobod Mausoleum), được Hoàng đế Timur xây dựng cho một nhà lãnh đạo tinh thần vào năm 1380. Đó là nhà thần học Hồi giáo Sheikh Burhaneddin Sagaradzhi. Lăng mộ có ba lối vào từ phía bắc, phía tây và phía nam. Nội thất của lăng mộ khiêm tốn, chỉ được trang trí bằng gạch tráng men. Bên trong còn có mộ của vợ và 9 người con của ông.
Lăng mộ tại Quần thể Ruhobad, Samarkand, Uzbekistan
Thành phố theo phong cách Châu Âu
Sau khi sáp nhập Samarkand vào Đế quốc Nga năm 1868, nơi đây trở thành thủ phủ của vùng Samarkand của tiểu quốc (Krai) Turkestan thuộc Nga (Russian Turkestan).
Trung tâm thành phố mới được xây dựng bên cạch thành trì thời Trung cổ và lấy lại vị thế quan trọng khi tuyến đường sắt xuyên Caspi đi qua đây vào năm 1888.
Tại đây đã hình thành một loạt các đại lộ như: Đại lộ Abramovskiy (Abramovskiy Boulevard), Đại lộ Tashkentskiy và Đại lộ Kattakurganskiy.
Đại lộ Abramovskiy (nay được gọi là Đại lộ Đại học/ University Boulevard) rộng 128m và dài hơn 1 km, là giới hạn giữa phần cũ và mới của thành phố. Hầu hết các tòa nhà dọc theo Đại lộ còn tồn tại cho đến ngày nay. Điểm thu hút chính tại đây là Dinh thự của Thống đốc quân sự vùng Samarkand (Residence of the Military Governors of Samarkand region, xây dựng năm 1875, hiện là tòa nhà của chính quyền thành phố). Bên cạnh là tòa nhà 2 tầng của Trung tâm thể dục cho phụ nữ (Women Gymnasium, xây dựng năm 1904, hiện là khoa Sinh học của trường Đại học/ University Biological faculty) và dinh thự của Ngân hàng Nga-Trung (Russian-Chinese Bank, xây dựng năm 1896, là tòa nhà hành chính của trường Đại học), được cho là tòa nhà mới đẹp nhất của Samarkand.
Phố Kaufman (nay là Phố Independence/ Independence Street) là phố chính của Samarkand mới với cửa hàng, văn phòng, nhà hàng và khách sạn. Nằm dọc theo con phố này là: Vườn trung tâm thành phố (Central City Garden); Tòa nhà Hội đồng sĩ quan (Officers' Assembly building, xây dựng năm 1882); Nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên của Samarkand, Nhà thờ Thánh Georgiy (xây dựng năm 1882) với Tượng đài tự do (Freedom Monument) trên quảng trường (xây dựng năm 1919); Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Samarkand (Samarkand Division of the State Bank, xây dựng năm 1908) và Thư viện Công cộng (Public Library, xây dựng năm 1911). Cả 2 tòa nhà này đều được thiết kế bằng cách sử dụng các yếu tố của phong cách Pseudo-Russian (Pseudo-Russian style, Phong cách phục hưng Nga, là sự kết hợp triết trung giữa sự kết yếu tố Byzantine và kiến trúc tiền Petrine/Nga cổ) và là những ví dụ tuyệt vời về phong cách Turkestan.
Ngoài ra, trong khu vực còn có nhiều công trình văn hóa và công cộng nằm rải rác. Khu dân cư mới chủ yếu là các tòa nhà một tầng với sân trong, được làm từ gạch bùn. Mặt tiền công trình tại mặt những tuyến phố được làm từ gạch men với các thanh kim loại và các đồ trang trí khác.
Hầu hết các quần thể kiến trúc Turkestan của Samarkand mới từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn tồn tại và được bảo tồn tốt.
Đại lộ Đại học (Đại lộ Abramovskiy), Samarkand, Uzbekistan
Ngân hàng Nga-Trung (Nhà hành chính của Đại học Tổng hợp) Samarkand, Uzbekistan
3. Đài thiên văn Ulugh-Bek
Đài thiên văn Ulugh-Beg (Ulugh-Bek’s Observatory, hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía đông bắc Khu Di sản (N39 40 30.583 E67 0 20.268). Diện tích Di sản 19,5ha.
Đài thiên văn được xây dựng vào những năm 1420 bởi Ulugh Beg (nhà thiên văn học, toán học, đồng thời là vua Vương quốc Temurid, năm 1394- 1449). Sau cái chết của vua Ulugh Beg, Đài quan sát bị phá hủy vào năm 1449. Di tích được phát hiện lại vào năm 1908.
Đài thiên văn mang tên Ulugh-Beg không cao nhưng cho phép chứa được thiết bị cung tròn một phần tư lớn nhất.
Thiết bị này được định hướng cẩn thận và cung tròn được chia tỷ lệ rất chính xác.
Đài thiên văn Ulugh-Beg có thể đo chính xác mặt trời từ đường chân trời, nhật thực, độ dài của năm, độ cao và chu kỳ của các hành tinh. Kết quả đo tại các đài thiên văn hiện đại ngày nay đã cho thấy độ chính xác phi thường của thiết bị đo tại Đài thiên văn này.
Ngày nay, Đài thiên văn Ulugh-Beg chỉ còn lại di tích móng.
Đài thiên văn Ulugh Beg được đánh giá là đài quan sát thiên văn tốt nhất, lớn nhất tại Trung Á và quan trọng nhất từ thế kỷ 15. Ngoài ra, Đài thiên văn Ulugh Beg đã tạo dựng một môi trường thu hút được nhiều nhà toán học, thiên văn học giỏi nhất thời bấy giờ, trong đó có nhà thiên văn Hồi giáo nổi tiếng Ali Qushji (Ala al-Dīn Ali ibn Muhammed (năm 1403 – 1474) và là điểm nhấn biến thành phố Samarkand trở thành trung tâm văn hóa học thuật ở Trung Á.
Đài thiên văn Ulugh Beg được xây dựng trên một ngọn đồi cao 21m so với mặt đất. Đài quan sát là một tòa nhà có mặt bằng hình trụ với đường kính 46m và cao từ 30 đến 33m. Ống đo góc nằm ở giữa hình trụ này.
Tòa nhà được xây bằng gạch. Bán kính của thước đó góc (sextant) là 40,04m, khiến nó trở thành công cụ thiên văn lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Với bán kính này, chiều cao của tòa nhà chứa thiết bị phải có chiều cao lớn, khó xây dựng. Vấn đề này đã được giải quyết bằng cách xây dựng một phần của sextant nằm dưới lòng đất, trong một con mương rộng khoảng 2m. Con mương này được ốp bằng đá cẩm thạch.
Thước đo góc (sextant) của Đài thiên văn Ulugh Beg có các vạch chia cách nhau 70,2 cm biểu thị một độ, vạch chia cách nhau 11,7 mm để biểu thị một phút và vạch chia 1 mm biểu thị năm giây. Các vạch chia này cực kỳ chính xác, cho phép tính toán được các kết quả tương ứng với các cách đo hiện đại ngày nay.
Đài thiên văn Ulugh Beg cao 3 tầng, tầng 1 là nơi ở của nhân viên. Tất cả các quan sát đều được thực hiện từ tầng thứ 2 và 3, có nhiều cửa vòm để ánh sáng xuyên qua. Mái của đài quan sát phẳng, cho phép sử dụng các dụng cụ trên đỉnh tòa nhà.
Tác phẩm chính của Ulugh Beg là Bảng thiên văn Zij-i Sultani, được viết vào năm 1437, bằng tiếng Ba Tư.
Bảng thiên văn Zij-i Sultani được tạo từ các bảng số, cho phép các nhà thiên văn học tính toán bất kỳ vấn đề nào họ gặp phải. Bảng cung cấp thông tin để các nhà thiên văn hiểu cách đo thời gian và cách tính vị trí của các hành tinh và ngôi sao.
Một trong những phần quan trọng nhất của Bảng thiên văn Zij-I Sultani là Bảng sin. Bảng này dài 18 trang và có các giá trị sin đến 9 chữ số thập phân cho góc từ 0 đến 87 độ và chứa giá trị sin đến 11 chữ số thập phân cho góc từ 87 đến 90 độ.
Đài thiên văn Ulugh Beg đã xác định độ dài của năm nhiệt đới là 365 ngày 5 giờ 49 phút 15 giây với sai số là +25 giây, khiến nó chính xác hơn ước tính của Nicolaus Copernicus (nhà thiên văn học, toán học nổi tiếng người Ba Lan, năm 1473- 1543) với sai số là +30 giây.
Ulugh Beg cũng xác định độ nghiêng trục của Trái Đất (Axial tilt) là 23,5047 độ theo ký hiệu thập phân (Trái đất có độ nghiêng trục khoảng 23,44°).
Bảng thiên văn Zij-i Sultani còn liệt kê được khoảng 1.000 ngôi sao và phải mất 17 năm, từ năm 1420, để có số liệu này.
Bảng thiên văn Zij-i Sultani có ảnh hưởng và được sử dụng liên tục cho đến thế kỷ 19 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Hiện tại, các bản sao chép bản thảo tiếng Ả Rập của Đài thiên văn Ulug Beg, Biểu đồ sao Zij-i Sultani, mô hình thu nhỏ Đài thiên văn và các máy móc, thiết bị của di tích được trưng bày tại Bảo tàng Đài quan sát Ulug Beg (Ulug Beg Observatory Museum, xây dựng vào năm 1970).
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt (năm 1420) Đài thiên văn Ulugh Beg, Samarkand, Uzbekistan
Phối cảnh phục hồi một phần Di tích Đài thiên văn Ulugh Beg (năm 2023), Samarkand, Uzbekistan
Di tích thước đo góc (sextant), Đài thiên văn Ulugh Beg, Samarkand, Uzbekistan
Bảo tàng Đài thiên văn Ulugh Beg, Samarkand, Uzbekistan
Mô hình Đài thiên văn Ulugh Beg, Bảo tàng Đài thiên văn Ulugh Beg, Samarkand, Uzbekistan
Mô hình mặt cắt thước đó góc (sextant), Bảo tàng Đài thiên văn Ulugh Beg, Samarkand, Uzbekistan
4. Quần thể Abdi-Darun và Ishrat-khona
Quần thể Abdi-Darun và Ishrat-khona (The Ensembles of Abdi-Darun and Ishrat-khona, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại đông nam Khu Di sản (N39 38 29.49 E66 59 28.129). Diện tích Di sản 26,3 ha.
Quần thể Abdi-Darun
Quần thể Abdidarun được đặt theo tên của luật gia Hồi giáo Abd-al Maziddin (mất năm 861). Ông là một trong những thẩm phán được kính trọng ở Samarkand. Ban đầu đây là nơi đặt lăng mộ của ông.
Vào nửa đầu thế kỷ 12, một lăng nhỏ hình khối bát giác đã được xây dựng trên mộ của Abd-al Maziddin. Vào thời điểm này, có những ngôi mộ khác xuất hiện xung quanh lăng mộ.
Vào thế kỷ 15, nhà thờ Hồi giáo đầu tiên và một số tòa nhà khác đã xuất hiện trong Quần thể lăng mộ, một phần trong số đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Vào năm 1633, Quần thể được cải tạo lại và được xây dựng bổ sung nhiều hạng mục công trình vào những năm tiếp theo.
Vào nửa đầu thế kỷ 19, một nhà thờ Hồi giáo mới đã được xây dựng trên nền móng cổ ở phía tây của Quần thể, nhưng nó đã không được bảo tồn sau khi tái thiết vào đầu thế kỷ 20. Cùng lúc đó, một cánh cổng được xây dựng ở góc tây bắc của nhà thờ Hồi giáo và một hành lang được xây dựng từ bên ngoài qua nghĩa trang đến đó. Năm 1905, một học viện (madrasa) nhỏ được xây dựng ở phía bắc của Quần thể. Năm 1909, một tòa nhà hình chữ L lớn hơn được xây dựng thay thế cho nhà thờ Hồi giáo cũ ở phía tây.
Nhờ công việc trùng tu được thực hiện vào đầu thế kỷ 20, Quần thể Abdidarun đã được bảo tồn tốt cho đến ngày nay.
Di tích Quần thể Abdi-Darun nằm trên diện tích 4000m2, bao gồm: Một nhà thờ Hồi giáo mùa hè (không có sưởi ấm trong mùa đông), một ngôi nhà và một nghĩa trang. Người ta phát hiện nhiều lối đi ngầm kết nối các công trình trong Quần thể.
Trung tâm của Quần thể là một sân lớn. Giữa sân là một ao nhỏ. Ao nằm trên một con suối nên mực nước của ao được giữ ổn định trong cả mùa đông và mùa hè.
Đi vào sân là một hiên mở. Mái hiên được đặt trên các cột gỗ.
Nhà thờ Hồi giáo (thế kỷ 15) nằm tại phía đông nam của Sân trong. Công trình có hội trường công cộng ở giữa, các phòng và cầu thang được xây dựng ở các góc. Mái vòm 2 lớp, bệ và tường được trang trí bằng gạch tráng men và hoa văn lát gạch. Cửa được mở từ ba phía. Hốc tường thờ (Mihrab) đơn giản và duyên dáng. Phía đông của Nhà thờ là nơi đặt mộ của một một vị thánh.
Các phòng xung quanh sân và nhà thờ Hồi giáo ở phía tây thuộc về thế kỷ 19.
Trong số các bức tranh của nhà thờ Hồi giáo, tên của các bậc thầy thế kỷ 20 là Sabir Nadjara, Siddiq, Abduzahid và Abdugani Hasankhan Tailoqi đã được bảo tồn.
Quần thể Abdidarun đã được bảo tồn tốt cho đến ngày nay.
Cùng lúc đó, một cánh cổng được xây dựng ở góc tây bắc của nhà thờ Hồi giáo, và một hành lang được xây dựng từ bên ngoài qua nghĩa trang đến đó. Năm 1905, một học viện (madrasa) nhỏ được xây dựng ở phía bắc của khu phức hợp, và năm 1909 , một tòa nhà hình chữ L lớn hơn được xây dựng thay thế cho nhà thờ Hồi giáo cũ ở phía tây.
Phần nghĩa trang nằm tại phía nam của Nhà thờ. Nhiều ngôi mộ được xây dựng công phu với hình dạng như sảnh hiên của Nhà thờ.
Sơ đồ mặt bằng Quần thể Abdi-Darun, Samarkand, Uzbekistan
Cổng vào Quần thể Abdi-Darun, Samarkand, Uzbekistan
Sân trong Quần thể Abdi-Darun, Samarkand, Uzbekistan
Một số ngôi mộ trong nghĩa trang tại Quần thể Abdi-Darun, Samarkand, Uzbekistan
Lăng mộ Ishratkhona
Lăng mộ Ishratkhona là một trong những di tích cuối cùng của thời kỳ Timur. Công trình được xây dựng dưới thời trị vì của Timurid Abu-Said (1451-1469). Đây là nơi chôn cất của gia đình hoàng gia, gồm 23 mộ của phụ nữ và trẻ em.
Lăng mộ được xây dựng bởi những người thợ thủ công bậc thầy nổi tiếng thời bấy giờ, hoàn thành vào năm 1463. Lăng mộ bị phá để lấy gạch và đá cẩm thạch trong một thời gian dài và đã bị đổ nát trong trận động đất năm 1903.
Lăng mộ được xây dựng trên một nền móng lớn có độ sâu gần 5m, có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 30x 22,4m, được bao quanh bởi một bức tường cao với các phòng 2 tầng.
Sảnh chính nằm tại phía tây nam, dài 8m và sâu 2,7m, tạo thành một hốc để trang trí.
Bên trong công trình bao gồm:
Phòng trung tâm (Cen tral hall) với kích thước 8x8m, bên trên là mái vòm hình đĩa và tháp tròn. Mái vòm hình đĩa của tòa nhà được thực hiện trên một loạt các hình tam giác và hình thoi, lần lượt nằm trên một mặt bằng giống như một hình vuông đặt trong một hình chữ thập. Qua đó cho phép có một không gian bên trong rộng rãi mà không cần các bức tường chống đỡ nặng nề, vì tải trọng chính của mái vòm hướng về tám trụ cột góc.
Phòng thờ Hồi giáo (Mosque) với nội thất sang trọng.
Phòng tổ chức tang lễ và 4 cầu thang dẫn xuống hầm mộ.
Mặt tiền được làm bằng đá, đồ trang trí được làm bằng gỗ chạm khắc.
Lăng mộ Ishratkhona được bao phủ bởi một mái vòm hai lớp, được gắn trên một chiếc trống hình trụ cao. Bề mặt trụ trống được trang trí bằng các họa tiết gạch hình học. Mái vòm được bao phủ hoàn toàn bằng gạch màu ngọc lam. Các họa tiết Hồi giáo và hình học, cũng như các đồ trang trí trên mái vòm, được coi là những viên ngọc độc đáo trong di sản kiến trúc Uzbekistan.
Sơ đồ mặt bằng Lăng mộ Ishratkhona, Samarkand, Uzbekistan
Tàn tích phía ngoài Lăng mộ Ishratkhona, Samarkand, Uzbekistan
Tàn tích phía trong Lăng mộ Ishratkhona, Samarkand, Uzbekistan
Phục dựng phía trong Lăng mộ Ishratkhona, Samarkand, Uzbekistan
5. Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh
Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh (Namazgoh Mosque, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía nam Khu Di sản (N39 37 50 E66 57 50). Diện tích Di sản 6,7ha.
Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh ban đầu được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ 11.
Nhà thờ được xây dựng lại bởi người Timur vào thế kỷ 15 và được xây dựng lại vào năm 1630.
Chính giữa mặt tiền chính của Nhà thờ là một khối sảnh hình vòm lớn (iwan, mái vòm, tường bao quanh ở ba mặt, một đầu mở; được trang trí bằng các dải thư pháp, gạch men và các chi tiết hình học).
Trung tâm Nhà thờ là một không gian lớn với một mái vòm cao, đặt trên một hình trụ.
Hai bên của không gian trung tâm là phòng 1 tầng thấp. Mỗi phòng có 6 mái vòm.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh, Samarkand, Uzbekistan
Mô hình 3 D Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh, Samarkand, Uzbekistan
Cổng vào Khu Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh, Samarkand, Uzbekistan
Mặt trước di tích Nhà thờ Hồi giáo Namazgoh, Samarkand, Uzbekistan
Samarkand là ngã tư và nơi giao thoa của các nền văn hóa thế giới. Thị trấn lịch sử Samarkand với nghệ thuật, kiến trúc và cấu trúc đô thị, là minh chứng nổi bật về những giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Trung Á từ thế kỷ 13 đến nay.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/603/
https://en.wikipedia.org/wiki/Uzbekistan
https://en.wikipedia.org/wiki/Samarkand
https://en.wikipedia.org/wiki/Manichaeism
https://en.wikipedia.org/wiki/Afrasiyab_(Samarkand)
https://en.wikipedia.org/wiki/Timurid_Empire
https://uzbek-travel.com/about-uzbekistan/facts/samarkand_afrosiab/
https://en.wikipedia.org/wiki/Gur-e-Amir
https://monkeystale.ca/2023/06/13/samarkand-amir-temur-mausoleum/
https://www.orexca.com/uzbekistan/samarkand/russian_samarkand.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Russian_Revival_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Bibi-Khanym_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/Ulugh_Beg_Observatory
https://en.wikipedia.org/wiki/Abdidarun_Complex
https://en.wikipedia.org/wiki/Abdiberun_Ensemble
https://en.wikipedia.org/wiki/Ishratkhana_Mausoleum
https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Namazga_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/Iwan
https://www.orientalarchitecture.com/sid/1409/uzbekistan/samarkand
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|