Tuần -19 - Ngày 19/03/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Khu kinh tế cửa khẩu
Hoàn thiện hành lang pháp lý về ưu đãi đầu tư để phát triển nhanh, bền vững các KKT
28/12/2010

15 năm qua (1996-2010) pháp luật về ưu đãi đầu tư (ƯĐĐT) tại các KKT (bao gồm KKT ven biển và KKT cửa khẩu) của Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, góp phần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư đặc biệt thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư đến với các KKT. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về ưu đãi đầu tư tại các KKT đang tồn tại những bất cập và hạn chế. Để góp phần tạo “môi trường kinh doanh và đầu tư đặc biệt thuận lợi” cho các KKT là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, nhất thiết phải xây dựng một hệ thống các chính sách, ƯĐĐT vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế, với từng giai đoạn phát triển của từng KKT từ Trung ương và tạo sự mềm dẻo, linh hoạt cho chính quyền địa phương, cho từng KKT trong việc thực thi và đề xuất các chính sách ƯĐĐT đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư.

 
I. Những ưu điểm và hạn chế của pháp luật về ƯĐĐT tại KKT
Trước khi Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành, các quy định về ƯĐĐT cho KKT chỉ tồn tại trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một số Thông tư của Bộ Tài chính. Văn bản được xem là văn bản pháp quy đầu tiên có quy định riêng, chuyên biệt về những chính sách, nội dung các ƯĐĐT tại KKT là Quyết định số 675/QĐ-TTg ngày 18/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thí điểm một số chính sách tại Khu vực cửa khẩu Móng Cái. Tại quyết định này quy định một số ưu đãi về giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước để triển khai thực hiện dự án; giảm thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư tại phạm vi Khu vực cửa khẩu Móng Cái. Tiếp đó, đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg về chính sách đối với KKT cửa khẩu biên giới nhằm chuyển từ giai đoạn thí điểm sang giai đoạn thực hiện chính thức. Quyết định 53/2001/QĐ-TTg tiếp tục kế thừa và thống nhất các quy định về ƯĐĐT trong các quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ về những ưu đãi riêng cho từng KKT cửa khẩu đã được thành lập.
Đối với KKT ven biển, ngày 05/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định này 108/2003/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của KKT mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Các quy định tại Quyết định số 108/2003 tạo cơ sở cho việc áp dụng các chính sách “thoáng mở”, với các ƯĐĐT có thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành có thể nói đã luật hóa một số quy định về ƯĐĐT tại KKT, đồng thời quy định về việc giao Chính phủ quy định cụ thể những ƯĐĐT áp dụng đối với KKT.
Trên cơ sở Luật Đầu tư năm 2005, ngày 14/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX, KKT. Nghị định số 29/2008/NĐ-CP đã quy định những nội dung chủ yếu trên các lĩnh vực quy hoạch, thành lập, hoạt động, cơ chế vận hành, đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng và quản lý nhà nước đối với các loại khu trong đó có KKT. Với việc ban hành Nghị định này, các văn bản pháp quy về KKT đã được nâng tầm cao hơn. Tinh thần nội dung của Nghị định 29/2008/NĐ-CP hướng tới việc thống nhất cơ chế, chính sách ƯĐĐT, cơ bản hạn chế được sự phân biệt đối xử, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và sân chơi bình đẳng đối với các hoạt động đầu tư trong việc đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ trong KKT; mặt khác, Nghị định cũng đã có các quy định nhằm hoàn thiện mô hình, cơ chế và chức năng quản lý nhà nước đối với KKT, chuyển từ cơ chế “ủy quyền” sang cơ chế “phân cấp và giao nhiệm vụ trực tiếp” cho các Ban quản lý KKT một cách toàn diện hơn.
Trong thời gian 2009-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định chính sách ƯĐĐT cho KKT, như các quyết định số 33/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu; số 100/2009/QĐ-TTg về quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong KKT, KKT cửa khẩu; số 126/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KKT ven biển... Bên cạnh đó, các quy định về ƯĐĐT ngày càng hướng tới việc thống nhất cơ chế, chính sách ƯĐĐT tại các loại hình KKT (KKT cửa khẩu, KKT ven biển) và giữa các KKT cụ thể trong từng loại hình.
Xu hướng thống nhất các ưu đãi ngày càng được thể hiện rõ hơn từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 quyết định sửa đổi, bổ sung và thay thế cho các quyết định về thành lập các KKT ven biển trước đây; đồng thời có Quyết định số 16/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các quy chế của KKT cửa khẩu.
Ưu điểm của pháp luật về ƯĐĐT tại các KKT
Thứ nhất, trong thời gian qua các quy định pháp luật về ƯĐĐT tại các KKT đã có bước phát triển nhất định cả về quy mô số lượng các văn bản pháp quy và tầm hiệu lực pháp lý (Luật Đầu tư năm 2005, Nghị định 29/2008/NĐ-CP) đã tạo thành một hành lang pháp lý cho việc áp dụng và thực thi các chính sách ƯĐĐT tại các KKT.
Thứ hai, các ưu đãi đầu vào về tài chính, đất đai, lao động nhìn chung có sự tương đồng với các mô hình KKT của các nước trong khu vực và trên thế giới, có sự phù hợp với thông lệ quốc tế; và được các nhà đầu tư quan tâm trực tiếp. Các ưu đãi về thuế đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp là tương đối thấp so với mặt bằng chung của các KKT ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, một số quy định của chính sách ƯĐĐT cũng đã có định hướng tới cơ cấu lĩnh vực ngành nghề; chú trọng đến ngành nghề lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích đầu tư theo quy hoạch chung và quy hoạch, định phướng phát triển của từng KKT.
Thứ tư, mức độ ƯĐĐT tại các KKT hiện nay được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất theo các quy định của pháp luật về ƯĐĐT hiện hành; các ƯĐĐT áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư được áp dụng cho các dự án đầu tư ở các KKT.
Thứ năm, các chính sách ƯĐĐT tại các KKT ngày càng có sự thống nhất mặt bằng ưu đãi chung tại các KKT, (như các quy định của Nghị định 29/2008/NDD-CP của Chính phủ) trong phạm vi cả nước, loại bỏ “cơ chế xin - cho”. Bên cạnh đó, do tính chất, vai trò đặc thù, một số KKT vẫn được hưởng những quy chế đặc biệt với một số ƯĐĐT cao hơn.
Thứ sáu, các quy định của pháp luật về ƯĐĐT đều hướng đến việc đơn giản các thủ tục hành chính cho hoạt động đầu tư tại các KKT. Thủ tục hành chính về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng tại KKT đều được áp dụng theo cơ chế “một cửa” hoặc “một cửa liên thông”, ISO 9001:2008; Nghị định 29/2008/NĐ-CP tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho các Ban quản lý KKT, đảm bảo sự công khai, minh bạch, thực hiện thuận tiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Những hạn chế của pháp luật về ƯĐĐT tại KKT
Thứ nhất, các quy định về ƯĐĐT còn nằm “tản mát” trong nhiều văn bản pháp luật ở nhiều cấp độ với hiệu lực pháp lý khác nhau, gây khó khăn cho nhà đầu tư và cả cơ quan, cán bộ thực thi công vụ trong việc tìm hiểu, thực hiện các quy định này. Mặc dù thời gian gần đây, Chính phủ đã có sự cố gắng trong việc tập hợp hóa, nâng tầm pháp lý các quy định về ƯĐĐT tại các KKT trong Nghị định số 29/2008 nhưng sự cố gắng này là chưa đủ. Thực tế các quy định về ƯĐĐT tai các KKT tồn tại ở các văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các Luật chuyên ngành về thuế; mặc khác, một số quy định ưu đãi có tính đặc thù của từng KKT chỉ tồn tại trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, cơ chế pháp lý cho việc xây dựng chính sách ƯĐĐT còn thiếu vắng sự tham gia của nhà đầu tư - đối tượng chịu tác động của chính sách này. Các ƯĐĐT hiện tại chưa được nhà đầu tư quan tâm nhiều.
Thứ ba, các KKT đều sử dụng các chính sách ưu đãi về giá thuê đất và thuế quan tương tự như ưu đãi của những KKT tại các quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, kém hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với KKT còn bị khống chế bởi quy định khung của pháp luật, do vậy chính sách ưu đãi hiện hành chưa có tính vượt trội.
Thứ năm, các cơ chế, chính sách ưu đãi thường thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định lâu dài (vòng đời của chính sách ngắn).
Trước hết là chính sách ưu đãi về thuế. Các nhà đầu tư cho rằng chính sách ưu đãi về thuế là không bền vững.
Thứ sáu, các chính sách ƯĐĐT hiện hành không phát huy tác dụng trong điều kiện chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương có KKT không cao.
Thứ bảy, một số quy định pháp luật về các ưu đãi cụ thể còn bất cập, thiếu rõ ràng và còn có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài như:
* Về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân và về tình hình thức nhận quyền sử dụng đất, v.v..
 
II. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện ƯĐĐT tại KKT
 
Từ việc xem xét tình hình thực hiện những quy định pháp luật về ƯĐĐT tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, theo chúng tôi các cơ quan chức năng xây dựng và thực hiện chính sách ƯĐĐT tại KKT theo ba định hướng dưới đây:
(i) Nghiên cứu phát triển mô hình KKT mới gắn với cơ chế chính sách đặc thù theo hướng mở về thể chế hành chính, kinh tế để tạo bước đột phá phát triển cho các KKT. Trước mắt, lựa chọn một vài KKT ven biển có đủ điều kiện và vị trí địa lý hợp lý, có khả năng tạo sức phát triển lan toả mạnh để thí điểm sau đó nhân rộng mô hình. Đối với các KKT cửa khẩu nên tập trung ưu tiên vào phát triển 9 KKT cửa khẩu đã được quy hoạch theo Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Trong giai đoạn đầu chúng ta cũng tiếp tục duy trì những chính sách ưu đãi đầu vào nhưng cần kết hợp với định hướng ưu đãi theo hướng phát huy lợi thế so sánh kinh tế, từng bước chuyển dần những ưu đãi đầu vào như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tài chính trực tiếp... sang các ưu đãi mang tính gián tiếp như: giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại, tăng chất lượng, giảm chi phí các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...; đồng thời, kết hợp chính sách thuế quan linh hoạt. Các ưu đãi phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của KKT với các quy hoạch cụ thể khoa học. Đối với những KKT đã có những thành công bước đầu, đã qua giai đoạn phát triển về số lượng nên có chính sách ƯĐĐT định hướng chuyển dần sang các lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Nội dung các biện pháp đầu tư phải đảm bảo đáp ứng với quá trình thực hiện các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam.
(iii) Trong cơ chế xây dựng chính sách, pháp luật về ƯĐĐT tại các KKT nên tạo cơ chế để nhà đầu tư được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách này. Đặc biệt là đối với nhà đầu tư các dự án động lực, có tính chất quan trọng của từng KKT. Nhà đầu tư được tham gia đề xuất chính sách ưu đãi cho dự án đầu tư, Ban quản lý KKT, Chính quyền địa phương xem xét, kiến nghị Chính phủ, Quốc Hội quyết định nhằm đảm bảo thật sự đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Về các giải pháp cụ thể
Một, cần xúc tiến xây dựng Luật KKT đặc biệt để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn cho việc phát triển các loại khu, trong đó có KKT trên cơ sở luật hóa các quy định của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 100/2009/QĐ-TTg và các quyết định về quy chế hoạt động của các KKT. Trong văn bản luật này có một nhóm các quy định về chính sách ƯĐĐT đối với KKT, bao gồm các nội dung ưu đãi về đất đai, về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và các ưu đãi khác.
Hai, các luật chuyên ngành có quy định về ưu đãi trên lĩnh vực mà luật điều chỉnh cần có quy định loại trừ theo hướng viện dẫn áp dụng Luật KKT đặc biệt như: “ƯĐĐT đối với dự án đầu tư tại các KKT thực hiện theo quy định của Luật KKT đặc biệt”. Việc quy định theo hướng này hạn chế tình trạng khi luật chuyên ngành có liên quan thay đổi, phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung với những bất cập như đã phân tích trong thời gian vừa qua. Điều này là nguyên nhân dẫn đến mất đi tính ổn định của chính sách ƯĐĐT, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư nói chung và môi trường đầu tư tại các KKT nói riêng.
Ba, cần rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 29/2008/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đảm bảo cam kết ưu đãi vượt trội của các KKT.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khoản 1, khoản 2, Điều 15 và khoản 5, Điều 19 Nghị định 124/2008/NĐ-CP cho phù hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật Đầu tư và khoản 3, Điều 16 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về việc ƯĐĐT được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng (quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường).
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 15 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP theo hướng mở rộng lĩnh vực, loại dự án được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 16 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP. Theo đó mở rộng các dự án đầu tư tại các KKT được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động của dự án.
- Nghị định số 124/2008/NĐ-CP nên có hướng dẫn về việc kh u trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp trong KKT để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc này hiện nay.
- Điều 5, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007; Điều 5 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; mục IV, phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP nên quy định đối tượng thuộc diện miễn thuế theo quy định tại khoản 5, Điều 16 Nghị định 29/2008/NĐ-CP.
Bốn, về cơ chế giao đất: Nên sửa đổi các quy định của Luật Đất đai năm 2003 theo hướng thực hiện cơ chế giao đất đảm bảo các nhà đầu tư được quyền chọn lựa hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo cơ chế bình đẳng về nghĩa vụ tài chính. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất của nhà nước nhưng thu hẹp chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trả hàng năm và sửa đổi chính sách ƯĐĐT về đất đai cho phù hợp để đảm bảo nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng trong quan hệ tài chính đất đai với Nhà nước.
Năm, xem xét việc rút ngắn thời hạn thực hiện chính sách bán hàng miễn thuế đối với các KKT cửa khẩu theo khoản 4, Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10/7/2009) và Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về kinh doanh hàng miễn thuế. Có thể xem xét kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các dự án ở đây thu hồi vốn và có lãi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hoạt động thương mại tại các các KKT cửa khẩu.
Sáu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa - tại chổ” và giảm tối đa các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng tại KKT. Tiến hành phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa cho Ban quản lý các KKT theo hướng là cơ quan quản lý hành chính - kinh tế như một cấp chính quyền đặc biệt để thực hiện việc quản lý toàn bộ các hoạt động trên địa bàn KKT.
Bảy, đối với nguồn phân bổ từ ngân sách Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các KKT nên có cơ chế tài chính về việc ưu tiên phân bổ lại nguồn thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKT hàng năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo thế chủ động đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho từng KKT theo hướng hiện đại.
Nội dung ƯĐĐT theo quy định pháp luật
1. Ưu đãi về đất đai
- Toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch của KKT được UBND cấp tỉnh nơi có KKT giao đất một lần cho Ban quản lý KKT. Nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất tại KKT được Ban quản lý KKT giao lại đất hoặc cho thuê đất. Đối với nhà đầu tư (trừ đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư) có khả năng về tài chính và kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư được thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa cho thuê tại KKT để đầu tư và cho thuê lại đất.
- Thời hạn sử dụng đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KKT của các nhà đầu tư tối đa là 70 năm. Sau thời hạn này, nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất nếu chấp hành đúng pháp luật đất đai và có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất.
- Nhà đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, giá thuê đất.
Riêng đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư tại 9 KKT cửa khẩu (quốc tế Lào Cai, quốc tế Cầu Treo, thương mại đặc biệt Lao Bảo, An Giang, Mộc Bài, quốc tế Bờ Y, Đồng Đăng - Lạng Sơn, Móng Cái và Đồng Tháp) khi thuê đất, thuê mặt nước, ngoài việc được hưởng các ưu đãi trên còn được áp dụng mức giá thuê đất, thuê mặt nước bằng 30% giá thuê đất, thuê mặt nước áp dụng tại huyện có mức giá thuê đất, thuê mặt nước thấp nhất trong địa bàn tỉnh theo quy định của ủy ban nhân dân tỉnh nơi có KKT cửa khẩu tính từ năm nhà đầu tư hết thời gian được hưởng ưu đãi trở đi.
2. Các ưu đãi về thuế
Các quy định của Luật Đầu tư năm 2005, Nghị định 29/2008/NĐ-CP và các luật về thuế thì các ƯĐĐT tập trung vào những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
* Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Về áp dụng mức thuế su t ưu đãi:
+ Mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại KKT;
+ Mức thuế suất 10% trong thời hạn không quá 30 năm áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực: Công nghệ cao; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm có quy mô lớn, công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư.
* Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% quy định tại khoản này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
+ Mức thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động của dự án: Theo quy định tại Điều 15, Nghị định 124/2008/NĐ-CP thì mức thuế suất này áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa: giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường.
Riêng đối với KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo: Mức thuế suất 10% được áp dụng suốt thời gian chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (suốt đời dự án).
* Danh mục các hoạt động trong lĩnh vực xã hội hoá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
* Thời gian áp dụng các mức thuế suất ưu đãi nêu trên được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế.
- Về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp:
+ Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại KKT.
+ Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Trường hợp trong năm tính thuế đầu tiên mà doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn thuế, giảm thuế dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được hưởng miễn thuế, giảm thuế ngay năm đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được miễn thuế, giảm thuế từ năm tính thuế tiếp theo.
- Về khấu trừ chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp:
+ Theo quy định tại khoản 6, Điều 16 Nghị định số 29/2009/NĐ-CP: Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại KKT là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong KKT.
- Về chuyển lỗ:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư năm 2005, khoản 1, Điều 7, Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Điều 7 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP: Nhà đầu tư (doanh nghiệp) sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ (lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập chịu thuế được xác định theo quy định) thì được chuyển lỗ sang năm sau. Số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Đối với số lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải được hạch toán riêng và chỉ được bù trừ với thu nhập chịu thuế của hoạt động này.
* Thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định tại khoản 5, Điều 16 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập (bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT) được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong KKT còn được hưởng các ưu đãi về các loại thuế khác theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
* Những ưu đãi khác
- Về thủ tục hành chính: thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chổ” được áp dụng đối với các KKT. Sau khi có Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, mô hình, cơ chế và chức năng quản lý nhà nước đối với KKT được chuyển từ cơ chế “ủy quyền” sang cơ chế “phân cấp và giao nhiệm vụ trực tiếp” cho Ban quản lý KKT một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, Ban Quản lý KKT thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT.
- Về hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng của các KKT được ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư. Trước đây các KKT được Trung ương cho phép để lại nguồn thu phát sinh trên địa bàn KKT để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngày 10/9/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 185/2003/QĐ-TTg về việc bãi bỏ các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp lại, đầu tư trở lại từ các khoản thu của ngân sách nhà nước. Việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng tại các KKK đều phải chuyển sang cấp phát ngân sách theo danh mục dự án đầu tư được phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án. Theo Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KKT ven biển, các KKT ven biển được ngân sách trung ương hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu nhằm đảm bảo cho sự hoạt động và phát triển của các KKT ven biển.
- Về chính sách tiền tệ: Theo khoản 1, Điều 19 Nghị định 29/2008/NĐ-CP, việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại KKT cửa khẩu có thể thực hiện bằng Đồng Việt Nam, Đồng Nhân dân Tệ Trung Quốc, Kíp Lào, Riên Campuchia và các ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Chính sách đối với các cửa hàng miễn thuế trong KKT: Một số KKT cửa khẩu như Lao Bảo, Mộc Bài và Khu thương mại tự do thuộc KKT mở Chu Lai được kinh doanh cửa hàng miễn thuế cho khách xuất nhập cảnh và kể cả khách du lịch nội địa.

TRẦN HỮU QUANG
(theo khucongnghiep.com.vn)
Cập nhật ( 09/01/2015 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:
“Muốn cho người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”
 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com