Ở ta, thành lệ, khi bàn việc gì dính dáng đến tiêu cực thì người bàn luôn coi mình là “người ngoài cuộc”, vô can. Gần năm trăm vị đại biểu Quốc hội quên rằng, có hơn một phần ba của con số ấy là chuyên trách, tức là ăn lương của Nhà nước theo ngạch bậc “nhỉnh” hơn cả những chức vị tương đương của bên hành pháp. Số còn lại không chuyên trách thì phần đông là những cán bộ công chức từ cấp cao đến các cấp mang tính đại diện. Một số ít là doanh nghiệp tư nhân, chức sắc tôn giáo và hưu trí như tôi. Vậy mà không ai nghĩ đến việc kiểm chứng xem con số hữu hạn chưa đầy nửa ngàn này nằm ở đâu trong cái biển hàng triệu người ăn lương Nhà nước đang được bàn đến?

Có thể thấy, ngay trong một nội dung được xã hội quan tâm nhiều nhất trong mỗi kỳ họp, đó là phiên chất vấn Thủ tướng. Lịch làm việc dành cho một việc làm quan trọng như thế này mà chỉ có một nửa của buổi chiều theo giờ hành chính, tức là chỉ có một nửa của ba tiếng rưỡi đồng hồ (14h đến 17h30). Trong phần nửa ấy thì thời gian Thủ tướng giải trình cũng như các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cũng chiếm chừng một nửa...

Như thế, số thời gian còn lại chỉ trên dưới một phần tư của một buổi chiều vốn đã ngắn ngủi... Đương nhiên, với thời lượng ấy, Thủ tướng chỉ có thể trả lời chất vấn cho vài câu hỏi đầu tiên. Phần còn lại, người trả lời hứa sẽ thực hiện bằng văn bản và sẽ công bố trên trang điện tử của Chính phủ.

Rồi cũng vì sức ép thời gian mà chủ toạ phiên chất vấn luôn miệng phải nhắc các đại biểu hỏi cho ngắn và chỉ nên đặt một câu hỏi thôi. Vị chủ toạ đã quên rằng, đại biểu Quốc hội dù số đông vẫn là các công chức, nhưng họ do dân bầu ra chứ không phải do Quốc hội tuyển dụng... Do vậy, họ chỉ có trách nhiệm thực hiện các nội quy (ví như, đặt câu hỏi không được quá thời lượng quy định), còn họ nói gì thì chỉ có dân (cử tri) là có quyền phán xét mà thôi. Đúng là thời gian ít quá thì người được hỏi không thể trả lời hết nên phải khất...

Nhưng tại sao không họp luôn cả buổi tối cho đến khi Thủ tướng trả lời hết câu hỏi thì thôi? Trong các phiên chất vấn, cái mặc cảm bị hỏi lấn át cái cơ hội được trả lời, cơ hội để tranh thủ, thuyết phục nhân dân của các quan chức nếu sẵn lòng tự tin. Ở các nước, quốc hội họp thông tầm đến khuya để hoàn tất nội dung làm việc là sự bình thường. Không lẽ Quốc hội cũng lại “sớm cắp ô đi tối cắp về” như khi ta bình phẩm những công chức ít tinh thần... cán bộ.

Trong khi đó, bên ngoài Quốc hội có mấy cuộc sinh hoạt sôi động tôi được dự. Sớm thứ bảy, khi Quốc hội nghỉ họp, bay vào thành phố Hồ Chí Minh dự ngày hội cho giới trẻ được tổ chức tại Dinh Thống Nhất lấy chủ đề “Khởi nghiệp - kiến quốc”. Chiều chủ nhật lại bay ra Hà Nội dự một cuộc giao lưu khởi phát cuộc vận động “Toả sáng nghị lực Việt” được tổ chức tại một trường đại học ở Hà Nội.

Nhà tổ chức là Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên, còn hai nhà tài trợ là Càphê Trung Nguyên và Tôn Hoa Sen. Các cuộc vận động này chỉ nhằm khơi động thế hệ trẻ  vươn lên với những khát vọng lớn để Tổ quốc Việt Nam khỏi thẹn với chính quá khứ vẻ vang của mình cũng khỏi tụt hậu so với thiên hạ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, để khơi trào khát vọng Việt, Ban tổ chức mời nhiều học giả nước ngoài, nhất là những quốc gia đang tạo nên những kỳ tích ấn tượng cho thế giới hiện đại, nêu lên những bài học thành công từ xứ sở của mình. Một vị đại diện cho cơ quan “Uỷ ban tác động học thuật” của Liên Hợp Quốc nói đến cái thuật ngữ “khát vọng” (aspiration) lưu ý nguyên nghĩa của nó tựa như hơi thở của sự sống, khát vọng cần thiết và tự nhiên như chính sự sống của con người. Có lẽ vị diễn giả này muốn nói đến ý niệm “tham vọng” thường thấy ở những quốc gia muốn “đi tắt đón đầu”, đạt tới thành công chỉ bằng những nỗ lực “nín thở” hay “gồng mình”. Những tham vọng ấy nếu có thành công thì cũng chỉ là nhất thời và chẳng thể bền vững.
Cũng chính từ cương vị học thuật của mình mà vị diễn giả này đã đưa ra một nhận xét dễ làm chúng ta đỏ mặt là: Tại sao Việt Nam có số lượng giáo sư - tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng trong bảng xếp hạng của thế giới lại không có trường đại học nào của Việt Nam nằm trong “top 500”? Phải chăng những học hàm, học vị ấy đã trở nên kém phù hợp trong nhịp bước của thế kỷ XXI, trong khi Việt Nam cũng có những kỹ sư trẻ không có học hàm, học vị chế tạo được vệ tinh “Pico Dragon”, cho thấy những gì mà nền giáo dục thực thụ cần phải hướng tới...
Quốc đảo Singapore rất quen thuộc với người Việt Nam như biểu tượng của sức vươn lên đáng khâm phục, từ một không gian chỉ bằng đảo Phú Quốc và dân số không hơn một quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh và đã không có tài nguyên, lại thiếu cả nước ngọt, vậy mà chỉ vài thập kỷ đã trở thành “con đại bàng tài chính phương Đông”. Khát vọng làm nên kỳ tích ấy bắt nguồn từ cảm hứng, đúng ra là từ nỗi bức xúc mà vị tổng công trình sư những biến đổi của quốc gia này - ông Lý Quang Diệu - đã nói thay: “Thế giới này không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống”. Và chính quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và sức mạnh dân tộc đã tạo nên sức mạnh “hoá rồng” của Singapore.

Diễn giả từ Thuỵ Sĩ khiêm nhường nói đến những biểu tượng quốc gia của mình chỉ là những rặng núi phủ tuyết, những thỏi sôcôla hay phomát và... đồng hồ. Nhưng ai cũng biết đến vị thế của quốc gia không lớn này lại chính là sự “tin cậy” xác lập từ xa xưa, khi các giáo hoàng chỉ tuyển thanh niên Thuỵ Sĩ làm những công việc từ quản trị đến bảo đảm an ninh của Toà thánh. Để rồi sự khôn ngoan lựa chọn thái độ trung lập cho mọi sự xung đột quốc tế đã biến Thuỵ Sĩ là một trung tâm uỷ thác gìn giữ tài sản của toàn cầu và trở thành quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu trên thế giới.

Diễn giả Nhật Bản thì nhắc đến gốc gác sự thần kỳ vươn mình từ đổ nát chiến tranh thành một quốc gia tiên tiến hàng đầu - vẫn bắt nguồn từ cảm hứng “khuyến học” trong tác phẩm của Fukuzama Yukichi từ thuở Minh Trị xa xưa, coi việc khai mở dân trí là cánh cửa đầu tiên và không bao giờ là cuối cùng của đất nước này. Chính việc Nhật Bản đăng ký Olympic 1964 - không đầy 2 thập kỷ sau khi bại trận - là một thử thách chứa đựng một khát vọng để tụ tâm toàn thể dân tộc. Sau thảm họa sóng thần và hạt nhân mới đây, Nhật Bản lại đặt ra mục tiêu hướng tới một Olympic nữa... Trong khí đó, chỉ mới nhắc đến ASIAD 2019 mà Việt Nam đã đăng ký, đã tạo nên sự phân tâm khó tụ hội trong dân chúng nước ta mà trong tâm thức chỉ e ngại nó trở thành cơ hội cho sự thất thoát!...

Hàn Quốc cũng là một tấm gương tương tự Nhật Bản vươn lên sau một cuộc nội chiến tàn khốc, nhạy cảm với thay đổi của thế giới để chuyển mình theo kịp và luôn tạo ra hình ảnh sáng giá nhất cho dân tộc của mình. Gia đình - văn hoá có thể được coi là sức mạnh nền tảng, nhưng Hàn Quốc lại sớm mở cửa thúc đẩy thế hệ trẻ của mình hướng ra bên ngoài để học hỏi và đưa khát vọng của mình chinh phục thế  giới. Việc Hàn Quốc lựa chọn huấn luyện viên Hà Lan cho thắng lợi ở World Cup hay mới đây lựa chọn một người phụ nữ vào cương vị nguyên thủ quốc gia cũng chỉ nhằm đề cao hình ảnh của một quốc gia đầy khát vọng chinh phục sự trọng thị của thế giới. Năm 2012, đất nước này đưa 239 ngàn người ra nước ngoài và một phần tư số đó (63 ngàn) sang Trung Quốc - một quốc gia láng giềng khổng lồ, đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng cũng đầy tiềm năng - để Hàn Quốc chinh phục và khai thác cho những lợi ích của mình.

Và một diễn giả đến từ Dubai, thủ đô của một quốc gia sa mạc và dầu hoả, nhưng từ hai thập kỷ nay đã vươn tới mẫu hình của tương lai thế giới khi phải ứng phó không chỉ với biến đổi khí hậu (sa mạc hoá) mà còn là sự cạn kiệt tài nguyên (dầu hoả) đã lựa chọn mục tiêu cho khát vọng của mình. Nỗ lực xây dựng những đô thị sinh thái với những kỳ tích kiến trúc làm hạ tầng cho sự thu hút các nguồn lực tài chính và công nghệ của thế giới đã mang lại cho Dubai một mẫu hình của tương lai.

Quốc gia Arập này cũng có những thay đổi tiên tiến trong quan niệm về “chủ nghĩa dân tộc”. Dubai coi thu hút nhân tài từ mọi xứ sở đến và sẵn sàng giao phó những vị trí rất cao trong việc quản trị đất nước cho người nước ngoài, miễn sao làm sang và làm giàu cho quốc gia của mình. Lại cũng nên nhớ rằng ý niệm “dân tộc” không cần bề dày lịch sử phải vài ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà với Singapore chỉ là khối liên kết của những cộng đồng có trách nhiệm (gồm nhiều chủng tộc, văn hoá khác nhau) đối với nơi mình đã chọn làm tổ quốc.

Người dân xứ sở UAE này thường hay nhắc đến câu nói của một nhà lãnh đạo (Sheik Mohammed Rashid al Maktoum): “Tại đất nước này, chúng tôi không có từ “không thể”, nó không tồn tại trong từ điển của chúng tôi”.

Vậy mà, ngày hôm sau, ngay trong đêm giao lưu ở Đại học Giao thông Hà Nội, tôi lại nghe một câu đáp tương tự của Thu Thương - một cô gái với thân vóc nhỏ xíu, quặt quẹo vì căn bệnh “xương thuỷ tinh”, sau một bài hát đầy tự tin cô trả lời câu hỏi vì sao cô đã làm nên một kỳ tích khiến cho nhiều người lành lặn phải khâm phục. Kỳ tích của cô gái là đã vượt qua mặc cảm thân phận và sức khỏe mỏng manh của mình không những học được cách làm những món hàng thủ công đem bán để tự nuôi thân, mà còn tập hợp nhiều người cùng cảnh ngộ thành một công ty không chỉ để tồn tại mà còn để đưa ra thông điệp về khát vọng lớp người cùng cảnh ngộ. Câu đáp của Thu Thương khiến mọi người phải kính nể: “Không có việc gì là không làm được nếu ta có khát vọng”. Tựa như câu chuyện mà “người không chân tay” Nick Vujicic đã từng làm công chúng Việt Nam hiểu rằng cái đáng sợ nhất của con người không phải là sự khuyết tật về thể xác mà chính là sự khuyết tật về tinh thần, ý chí.

Thực ra, những triết lý ấy đã từng tồn tại rất lâu như một giá trị tiềm ẩn trong con người qua các thế hệ. Nói vậy vì tôi nhớ tới một bài báo, đúng hơn là một lời hiệu triệu cách nay đã bảy chục năm (1944). Tác giả là vị huynh trưởng hướng đạo sinh Việt Nam - cũng là một thầy giáo có tiếng là mẫu mực ở Hà Nội - cụ Hoàng Đạo Thuý. Vào thời điểm thời cuộc đất nước đang nhiều thay đổi, ông đã viết những lời sau đây cho các đồng nghiệp nhà giáo và các học trò của mình:

“Anh em ạ! Chúng ta mà muốn thì chúng ta có thể có một công nghiệp không rực rỡ lòe mắt, nhưng bền vững sâu xa. Chúng ta mà muốn, thì chúng ta bất tử, bất tử ở cái kết quả nó bền với non sông, bất tử vì chúng ta chết đi rồi, còn sống lại ở môn đệ, môn tôn, con cháu của tinh thần chúng ta.

Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể thay đổi tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tuỵ mười năm là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.

Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”.

Cái huy hiệu bao nhiêu vinh hạnh thanh cao. Nhưng nó chỉ có được, khi chúng ta biết cả cái trách nhiệm nặng nề cho mình quan hệ cho tổ quốc.

Chúng ta không phàn nàn vì người ta bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc của mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?...

Anh em ạ! Thanh niên hư hại, rồi quốc dân kém sút, chúng ta cùng suy xem đã, như thế thì nhà giáo có thể tránh được tội với tổ quốc không?”.

Mười năm sau khi viết bài báo này (1954), thế hệ của Hoàng Đạo Thuý đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp! Trích lại bài viết này cũng để gửi tới bạn đọc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam trong tuần vừa qua.

Dương Trung Quốc (theo laodong.com.vn)