Tuần 18 - Ngày 05/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng, Việt Nam |
28/03/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Thái miếu nhà Mạc, Hải Phòng
Địa điểm: xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng
Quy mô: Diện tích đất 2,5ha
Năm hình thành: 2010
Giá trị:
Nhà Mạc là một vương triều trong lịch sử Việt Nam, tồn tại từ năm 1527 - 1592, gần 66 năm. Hậu duệ nhà Mạc sau đó chạy lên khu vực Cao Bằng, tiếp tục chống lại nhà Hậu Lê (thời Lê Trung Hưng) đến tận năm 1677.
Thời kỳ 1533–1592 trong lịch sử Việt Nam còn được gọi là thời kỳ Nam – Bắc triều. Phía Bắc, từ địa phận Ninh Bình trở ra do chính quyền nhà Mạc trị vì. Phía Nam, từ Thanh Hóa trở vào do chính quyền của các thế lực (họ Trịnh, họ Nguyễn) lấy danh nghĩa gây dựng lại nhà Hậu Lê trị vì.
Thời bấy giờ, nhà Hậu Lê suy thoái, triều chính rối ren đánh giết lẫn nhau, các vị vua kế tiếp nhau không đủ tạo niềm tin cho thiên hạ. Dân gọi vua Lê Uy Mục (hoàng đế thứ 8 của nhà Hậu Lê, trị vì năm 1504- 1509) là vua quỷ, vua Lê Tương Dực (hoàng đế thứ 9 nhà Hậu Lê, trị vì năm 1509- 1516) là vua dâm loạn, vua Lê Chiêu Tông (hoàng đế thứ 10 nhà Hậu Lê, cuối cùng của nhà Lê Sơ, trị vì năm 1516 - 1527) là vua con trẻ (lên ngôi năm 11 tuổi, mọi việc đều do quận công Trịnh Duy Sản sắp đặt). Các quyền thần họ Trịnh, họ Nguyễn đều chứa chấp mưu đồ riêng, nông dân khắp nơi nổi dậy khởi nghĩa. Mạc Đăng Dung đã xuất hiện trong bối cảnh đó và chỉ trong chưa đầy 10 năm ông đã làm yên nước Đại Việt. Việc nhà Mạc thay thế một nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ khác cũng làm điều tương tự.
Mạc Đăng Dung thi đậu Võ trạng nguyên dưới triều Lê Uy Mục. Nhờ tài thao lược và mưu trí, năm 1527 ông được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoàng.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế bỏ vương quyền nhà Hậu Lê, lập ra vương triều họ Mạc, nước Đại Việt, trị vì từ năm 1527 - 1529.
Mạc Thái Tổ là người có công đầu trong việc tạo lập lại thế ổn định và đà phát triển của xã hội cũng như chính trường Đại Việt sau hơn 20 năm hỗn loạn đầu thế kỷ 16. Song việc quá nhu nhược trước nhà Minh, coi Đại Việt chỉ như một tỉnh của Trung Quốc, đã khiến ông bị các nhà sử gia và hiền tài Việt Nam chỉ trích.
Nhà Mạc tồn tại trong một thời gian ngắn, song có vai trò tích cực nhất định trong lịch sử Việt Nam.
Nhà Mạc có tư duy kinh tế cởi mở, khác hẳn với chính sách bảo thủ của giai đoạn trước đó. Nhà Mạc cai trị trong 65 năm đã đưa vùng Đông Bắc giàu mạnh lên; đưa ngoại thương vươn tới thị trường các nước châu Á.
Nhà Mạc rất coi trọng việc phát hiện nhân tài. Dù chiến tranh liên miên nhưng các kỳ thi vẫn tổ chức khá đều đặn. Từ năm 1529 thời Mạc Thái Tổ đến năm 1592 thời Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên.
Nghệ thuật kiến trúc và trang trí thời Mạc được đánh giá là đã tạo một bước ngoặt lớn trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, thể hiện ở số lượng và chất lượng của những công trình cung điện, chùa và đình tại các làng xã.
Cung điện quan trọng thời Mạc được xây dựng chủ yếu ở Dương Kinh (Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), quê hương nhà Mạc, như điện Tường Quan, điện Hưng Quốc, điện Phúc Huy, điện Sùng Đức…
Nhiều chùa đã được xây dựng: Hải Phòng 27 chùa; Hải Dương và Hưng Yên 36 chùa; Hà Tây 28 chùa…
Từ thời Mạc, đình làng được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Hai ngôi đình nổi tiếng nhất thời kỳ này là đình Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) và đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội).
Vào thời thịnh trị, năng lực trị nước của nhà Mạc không kém nhà Hậu Lê thời kỳ đầu. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn như khi nhà Hồ thay thế nhà Trần. Những lực lượng chống đối nhà Mạc chỉ là những thế lực thân nhà Hậu Lê. Thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Thời bấy giờ: "Đêm ngủ không đóng cửa; Ngoài đường không ai nhặt của rơi".
Chính sách ngày càng lệ thuộc vào thế lực phương Bắc mới làm Dân và Tiền nhân mất dần niềm tin, dẫn đến nhà Mạc bị diệt vong bởi nhà Lê Trung Hưng.
Thái miếu nhà Mạc là một phần trong Khu tưởng niệm Vương triều Mạc thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng với quy mô khoảng 10,5ha. Khu tưởng niệm bao gồm nhiều hạng mục công trình như Thái miếu và các di tích sử gắn với vùng đất Dương Kinh xưa: khu Giếng Bò, là nhà ở của thân phụ vua Mạc Đăng Dung; bến Tường, là nơi dựng điện Tường Quan; gò Gạo, là nơi dựng điện Hưng Quốc; từ đường họ Mạc tại xóm Kiều Thôn, xã Ngũ Đoan…
Vị trí Thái miếu nhà Mạc trong quy hoạch tổng thể Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng
Thái miếu nhà Mạc hay công trình tưởng niệm các vị vua nhà Mạc, là một quần thể kiến trúc được tạo dựng vào năm 2010, trên nền của cung điện Tường Quan xưa. Đây là nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long: Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung, hoàng đế sáng lập nhà Mạc, trị vì 1527- 1529); Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh, hoàng đế thứ 2 nhà Mạc, trị vì 1530 – 1540); Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải, hoàng đế thứ 3 nhà Mạc, trị vì 1540 – 1546); Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên, hoàng đế thứ 4 nhà Mạc, trị vì 1546 – 1561); Mạc Anh Tổ (Mạc Mậu Hợp, hoàng đế thứ 5 nhà Mạc, trị vì năm 1562- 1592).
Thái miếu nhà Mạc rộng 2,5 ha, mặt bằng hình chữ nhật quay về hướng Đông. Thái miếu, từ ngoài vào trong chia thành 3 bậc thềm sân và các công trình: Nghi môn ngoại, Sân ngoài, Nghi môn nội, Sân trong, Chính điện và các công trình phụ trợ khác.
Tổng mặt bằng Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Phối cảnh tổng thể Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại Thái miếu bao gồm 4 trụ biểu bằng đá xanh. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu đều có thân trụ phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí hoa văn, đế trụ thắt dạng cổ bồng. Phía sau trụ biểu là tường rào chạy bao quanh khu Thái Miếu. Tường rào thấp, bằng đá xanh, mang tính trang trí.
Nghi môn ngoại Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Sân ngoài
Sân ngoài Thái miếu là bậc thềm sân thứ nhất, lát đá.
Trong sân có một hồ cảnh quan hình chữ nhật và một cây cầu đá bắc ngang qua hồ.
Hồ nước tại Sân ngoài, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Cầu đá bắc qua hồ nước tại Sân ngoài, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Nghi môn nội
Nghi môn nội Thái miếu nằm trên bậc thềm sân thứ hai, cao 3 bậc so với bậc thềm sân thứ nhất.
Công trình là một tam quan gồm 3 khối cổng. Khối cổng chính giữa như một tòa nhà, 3 gian, mái chồng diêm, 2 tầng 8 mái. Trên đỉnh mái có Lưỡng long chầu nguyệt. Hai khối cổng phụ hai bên, dưới là cổng vòm, trên là mái kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Phía trước mỗi cổng phụ có 2 con nghê đá ngồi chầu.
Nghi môn nội, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Sân trong
Sân trong Thái miếu chia thành hai phần: Sân sau Nghi môn nội và sân trước Chính điện.
Sân trước chính điện là bậc thềm sân thứ ba, cao hơn sân sau Nghi môn nội 5 bậc.
Dọc theo trục chính của sân cũng như của quần thể Thái miếu là một con đường, lát đá màu vàng, cao hơn so với mặt sân xung quanh.
Hai bên sân sau Nghi môn có hai nhà bia.
Hai bên sân trước Chính điện có hai nhà Giải vũ, dài 7 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Hai tòa Giả vũ là nhà truyền thống, nơi trưng bày các hiện vật có liên quan đến vương triều nhà Mạc.
Nhà bia tại sân trong phía sau Nghi môn nội, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Sân trong phía trước Chính điện, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Chính điện
Chính điện Thái miếu là tòa nhà hình chữ “công” hay chữ H, gồm Tiền đường, Thiêu hương và Hậu đường.
Tòa Tiền đường nằm trên một bệ cao đá cao 7 bậc so với mặt sân. Tại bậc lên có 4 lan can đá trang trí. 2 lan can phía trong có hình tượng rồng, 2 lan can phía ngoài có hình tượng mây cuốn.
Tiền đường là tòa nhà 7 gian, 2 chái, 4 mái. Nóc mái đắp lưỡng long chầu nguyệt. Tại 4 góc có 4 trụ bằng đá đỡ mái cong.
Tòa Tiền đường là nơi đặt bài vị thờ các vua nhà Mạc tiếp nối 5 vị vua đầu tiên.
Đây là nơi lưu giữ các câu đối, hoành phi ghi lại công tích của nhà Mạc. Tại các gian hai bên của Tiền đường còn đặt các nhạc khí như trống, chiêng.
Tòa Thiêu hương đặt dọc nối Tiền đường và Hậu đường, 2 gian. Đây là nơi thờ bài vị của 5 vị tiên đế.
Tòa Hậu đường 5 gian, 4 mái. Đây là nơi đặt ban thờ có tượng gỗ mít dát vàng 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long. Đây cũng là nơi lưu giữ thanh Định Nam Đao của Mạc Thái Tổ.
Tượng Mạc Thái Tổ trong tư thế ngồi, cao 1,33m; 4 tượng vua còn lại cao 1,27m.
Kết cấu chịu lực của Chính điện dạng chồng rường, giá chiêng truyền thống. Cột bằng gỗ lim, gồm 3 loại: Cột cái đường kính 0,45m; cột quân đường kính 0,36m; cột hiên đường kính 0,3m. Mái lợp ngói mũi hài. Các chi tiết trang trí trên nóc, bờ nóc phỏng theo kiến trúc thời nhà Mạc.
Mặt trước tòa Tiền đường, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Mặt bên tòa Tiền đường, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Bên trong tòa Tiền đường với các gian đặt bài vị thờ các vua nhà Mạc sau 5 vị Tiên đế, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Một trong những bài vị thờ các vua nhà Mạc sau 5 vị Tiên đế tại Tiền đường, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Bên trong tòa Thiêu hương đặt bài vị thờ 5 vị Tiên đế, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Tượng thờ Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung), một trong 5 tượng thờ các vị Tiên đế tại Hậu đường, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Thanh Định Nam Đao lưu giữ tại Hậu đường, Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng
Thái miếu là công trình kiến trúc có nhiều điêu khắc đá trên bia và tượng thờ. Các điêu khắc miêu tả hình tượng Tứ linh, Tứ quý; mặt trời, mặt trăng, bầu rượu, tượng vua, tượng Quan âm Nam Hải…Ngoài ra, đây cũng là nơi lưu giữ các sản phẩm đồ gốm thời nhà Mạc, thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam.
Thái miếu là lưu giữ nhiều di vật lịch sử liên quan đến nhà Mạc như chuông đồng nặng 1527kg, chiêng đồng, bình đồng… . Đặc biệt là Định Nam Đao của Mạc Thái tổ. Thanh long đao bằng sắt rỗng này được cho là lớn nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài 2,55m (lưỡi dao dài 0,95m, cán dao dài 1,6m), còn cân nặng 25,6kg với tuổi tồn tại gần 500 năm.
Thái miếu nhà Mạc cũng như Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu triều đại nhà Mạc, từ lĩnh vực quân sự, kinh tế, giao thương với nước ngoài, sự phục hưng của Phật giáo đến đào tạo hiền tài. Quần thể công trình cũng cho thấy lại những nét kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của cung điện, đền thờ tại vùng Đồng bằng Bắc bộ thế kỷ 16,17. Công trình còn là minh chứng thể hiện rõ truyền thống muôn đời của người Việt về sự bao dung.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_M%E1%BA%A1c
https://haiphong.gov.vn/di-tich-danh-thang-thanh-pho-hai-phong/Khu-tuong-niem-
Vuong-trieu-Mac-12964.html
https://sites.google.com/site/trieunhamac2013/v-tr--v-gii-thiu-v-vng-triu-mc
https://mactrieu.vn/video
- Xem video giới thiệu công trình tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 28/03/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Việt Nam
- Phủ Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Văn Miếu Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam
- Đình, đền tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Dương Long, Tây Sơn, Bình Định, Việt Nam
- Tháp Po Klong Garai, Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Đình So, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam
- Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
- Đền thờ Lê Hoàn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam
- Tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, Việt Nam
|