Thông tin chung:
Công trình: Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang Địa điểm: Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam (10°15′17″B 105°9′6″Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm thực hiện:
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, năm 2012).
Vương quốc Phù Nam
Phù Nam là tên gọi của một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện vào năm 68 sau Công nguyên tại vùng hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, ngày nay thuộc một phần Campuchia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nhiều thư tịch cổ, trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này, về phía Đông, đã kiểm soát vùng đất phía Nam Trung Bộ, Việt Nam; về phía Tây, đến Thung lũng sông Mê Nam,Thái Lan; về phía Nam, đến phía Bắc bán đảo Mã Lai (gồm một phần của Myanma, Thái Lan và Malaysia).
Vương quốc Phù Nam hưng thịnh đến năm 550, dần bị thu hẹp, đến năm 628 bị vương quốc Chân Lạp tại phía Tây và Dvaravati tại phía Nam thôn tính. (Vương quốc Chân Lạp là nhà nước đầu tiên của người Khmer, tồn tại năm 550 - 802 trên phần phía Nam bán đảo Đông Dương; Vương quốc Dvaravati tồn tại từ thế kỷ thứ 6 - thế kỷ 11, là một tập hợp các thị quốc của người Môn ở dọc sông Chao Phraya, Thái Lan).
Kinh đô của vương quốc Phù Nam, ban đầu là đô thị Vyadhapura (nay là huyện Ba Phnum, tỉnh Prey Veng, Campuchia, hoặc đô thị Angkor Borei (nay là huyện Angkor Borei, tỉnh Takéo, Campuchia); Từ thế kỷ thứ 2 - 7, kinh đô dịch chuyển về đô thị Kottinagar tại phía Đông (nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam). Nguyên nhân dời đô được cho là tránh hiểm nguy từ vương quốc Chân Lạp láng giếng, hoặc chuyển tới vùng đất thịnh vượng hơn nhờ kinh tế thương mại gắn với biển.
Người Phù Nam có nước da đen, búi tóc, đi chân đất; thích chọi gà…
Ngôn ngữ thông dụng là tiếng Khmer cổ và tiếng Phạn (Sanskrit).
Tôn giáo chính là Ấn Độ giáo (Hindu giáo) và Phật giáo. Shiva là vị thần tối cao được tôn thờ, tiếp đó là thần Vishnu và Đức Phật. Về sau, Hindu giao thay thế hoàn toàn Phật giáo.
Về chính thể, chế độ phong kiến tập quyền (chính quyền tập trung ở trung ương do nhà vua nắm giữ) thay thế chế độ phong kiến phân quyền (do các lãnh chúa cát cứ tại các địa phương). Lúc vua ra ngoài thì cưỡi voi thể hiện uy quyền.
Về kinh tế, ngoài nông nghiệp, sản xuất dựa vào khai thác và chế tác đá quý, vàng bạc, đồng, thiếc, trầm hương, mộc hương, ngà voi, lông chim. Người dân dùng vàng, đá quý, hương liệu để nộp thuế. Thời kỳ huy hoàng của vương quốc gắn liền với hoạt động giao thương ven biển - Con đường Tơ lụa (Silk Road) trên biển, giữa một đầu là bán đảo Mã Lai cùng Ấn Độ và đầu kia là Trung Quốc. Thuyền đi lại trên biển có kích thước khá lớn, dài tới 30m.
Về xây dựng, vua và hoàng gia ở nhà lầu nhiều tầng bằng gỗ, có thành lũy bao quanh; dân dùng lá dừa nước để lợp nhà.
Từ giữa thế kỷ 3 đến đầu thế kỷ 6, Phù Nam khống chế nền thương mại hàng hải ở Đông Nam Á, bành trướng lãnh thổ ra các nước láng giềng, trong đó có cả Lâm Ấp (Chiêm Thành).
Từ cuối thế kỷ 6, Phù Nam dần suy yếu và thường xuyên bị Chân Lạp tấn công; cầm cự một thời gian, đến đầu thế kỷ 7 thì sụp đổ. Sau khi vương quốc Phù Nam tàn lụi, cư dân cổ tại đây vẫn tiếp tục tranh đấu cho đến thế kỷ 12, mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là thời kỳ Hậu Phù Nam.
Sự tan rã vương triều Phù Nam bắt nguồn từ một số nguyên nhân:
- Chế độ phong kiến tập quyền đã hình thành song chưa định hình được văn hóa bản địa, phụ thuộc quá nhiều vào đức tin ngoại nhập (đầu tiên là Phật giáo, tiếp đến là Hindu giáo), dẫn đến không tập trung được sức mạnh dân tộc trong việc bảo vệ nền độc lập;
- Từ thế kỷ thứ 6, do sự phát triển của nghề hàng hải, tuyến vận tải trên biển dần thay thế tuyến vận tải ven bờ; Hải trình qua eo biển Kra (Thái Lan) chuyển dần xuống phía Nam qua eo biển Malacca (Malaysia) và Sunda (Indonesia). Càng về sau, hải trình này càng giữ vai trò chi phối giao thương từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, từ Trung Quốc qua Đông Nam Á sang Ấn Độ. Ngoại thương của Phù Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm suy yếu nền kinh tế của vương quốc;
- Vào khoảng thế kỷ thứ 7, xuất hiện một đợt biển tiến với mực nước biển dâng cao trung bình là 0,8m, ảnh hưởng lớn đến hoạt động canh tác nông nghiệp của vương quốc.
Vào thế kỷ 17, một phần lãnh thổ được coi là trung tâm của Phù Nam xưa, trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay.
Vị trí của đô thị Óc Eo tại Tuyến đường Tơ lụa trên biển vào thế kỷ 1 sau Công nguyên
Sự dịch chuyển tuyến đường Tơ lụa trên biển xuống phía Nam, một trong nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của vương quốc Phù Nam
Phù Nam và Chăm Pa khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên.
Mối quan hệ giữa vương quốc Phù Nam (Hậu Phù Nam) với các vương quôc tại phía Nam Đông Nam  vào thế kỷ 7 - 11.
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê
Giới thiệu chung
Óc Eo là một thị trấn thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Giữa vùng đồng bằng ven biển rộng lớn nhô lên một cụm núi có tên gọi Ba Thê gồm: núi Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221m, chu vi khoảng 4.220m.
Thị trấn Óc Eo nằm cách vịnh Thái Lan 26km, về phía Tây Nam.
Núi Ba Thê nổi bật trên nền phẳng của khu vực đồng bằng tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Ranh giới thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Vào năm 1942- 1945, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret (1901- 1970) đã tiến hành đào các hố khai quật tại Óc Eo và đã phát hiện được nhiều di vật (trong đó có 1311 hiện vật bằng vàng, 918 hạt trang sức bằng đá quý, một số đồng tiền vàng…) và nền móng của các công trình. Các di vật này trở thành minh chứng cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn, rộng chừng 450ha, mà các thư tịch xưa đã từng miêu tả về vương quốc Phù Nam. Louis Malleret là người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu Óc Eo và văn hóa Óc Eo. Những thành tựu này thể hiện trong bộ sách 4 tập của ông về khảo cổ học tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tên gọi Óc Eo ban đầu dùng để chỉ cấu trúc hình chữ nhật bên trong khu vực khai quật, nhưng sau đó được nhà khảo cổ Malleret dùng để chỉ toàn bộ khu vực khai quật.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu về Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Những di tích và hiện vật tìm được chứng tỏ Óc Eo – Ba Thê là một đô thị cổ, một cảng thị lớn nhất của vương quốc Phù Nam.
Theo thời gian, không gian khảo cổ ban đầu mở rộng thêm ra thành khu Óc Eo – Ba Thê, (An Giang) và xuất hiện nhiều khu vực khảo cổ mới như: khu Nền Chùa (Kiên Giang); khu Gò Tháp (Đồng Tháp); khu Đá Nổi (An Giang); khu Cây Gáo (Đồng Nai); khu Lưu Cừ (Trà Vinh); Gò Thành (Tiền Giang)…
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có tổng diện tích quy hoạch và bảo tồn khoảng 433,2ha, gồm: Di tích Óc Eo và Di tích Ba Thê.
Phạm vi Khu di tích Ốc Eo và Khu di tích Ba Thê, tại thị trấn Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Di tích Óc Eo có diện tích khoảng 143,9ha, nằm tại phía Đông núi Ba Thê.
Di tích Ba Thê có diện tích khoảng 289,3ha, nằm tại phía Đông Nam núi Ba Thê, cách khu di tích Óc Eo 1500m về phía Đông Nam.
Xung quanh Khu di tích Óc Eo – Ba Thê còn có 6 di tích: i) Di tích Lung Giếng Đá và Tà Kêv (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang); ii) Di tích Lung Lỗ - Mô (xã Mỹ Tú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang); iii) Di tích Lung Mốp Văn (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang);iv) Di tích Tráp Đá (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); v) Di tích Định Mỹ (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); vi) Di tích Lung Giầy Mé (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Trong đó, Di tích Ta Kêv là điểm đầu tuyến đường thủy nối thành phố Óc Eo với thành phố cổ Angkor Borei (Takéo, Campuchia), là cảng biển xưa.
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê là địa điểm khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất, tập trung nhiều di tích nhất, di tích đa dạng nhất về chủng loại, cao nhất về trình độ kỹ thuật và nghệ thuật tại vương quốc Phù Nam xưa. Những hiện vật khảo cổ tìm được không chỉ giúp xác định niên đại của vương quốc Phù Nam, mà còn cho thấy, nơi đây không chỉ là chốn đô hội lớn, một cảng thị, mà còn là một trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của vương quốc Phù Nam; khẳng định vị trí và vai trò cảng thị Óc Eo trong quan hệ giao lưu rộng rãi với Đông Á, Nam Á và Tây Á.
Những di vật khai quật được tại di tích Óc Eo – Ba Thê có thể phân thành các nhóm: Cổ vật tôn giáo; Di vật liên quan đến nghề tiểu thủ công nghiệp; Di vật điêu khắc; Di vật xây dựng; Di vật liên quan đến thương mại và giao lưu văn hóa.
Cổ vật tôn giáo
Những di vật tôn giáo quan trọng được phát hiện tại Óc Eo – Ba Thê: Biểu tượng Mukha – Linga (tượng Linga có gắn mặt vua) và Yoni; Tượng thần Mặt Trời Surya bằng đồng (Gò Cây Thị); Tượng thần Vishnu bằng đá (chùa Linh Sơn); Tượng đầu thần Vishnu bằng đá (Nam Linh Sơn Tự)…
Di vật liên quan đến nghề tiểu thủ công nghiệp
Di vật liên quan đến nghề tiểu thủ công nghiệp tại đây hết sức đa dạng, phong phú về đề tài trang trí, về kỹ thuật và số lượng hơn hẳn so các hiện vật phát hiện tại Angkor Borei và các nơi khác
Các đồ trang sức bằng vàng ở đây là minh chứng về một nền văn minh vật chất khá cao, là cơ sở cho phát triển kinh tế cũng như văn hóa và nghệ thuật.
Các di vật khảo cổ cũng cũng cho thấy nhiều ngành nghề đã được phát triển như: Chế tác đồ kim khí như đồng, sắt; thiếc; nghề kim hoàn và đúc tiền bằng bạc; nghề làm đá quý và thủy tinh (trang sức thủy tinh Óc Eo, trong đó có nhẫn và các hạt chuỗi luôn được đánh giá cao về thẩm mỹ); nghề chạm khắc đá; nghề đồ gốm (gốm gia dụng, gốm xây dựng và trang trí kiến trúc). Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều di vật liên quan đền nghề làm muối.
Di vật điêu khắc
Di vật điêu khắc tìm thấy khu vực văn hóa Óc Eo – Ba Thê gồm tượng, chạm khắc trên đá và kim loại quý; những con dấu, nhẫn bằng vàng, bạc, lá vàng… bề mặt khắc hình người, động vật. Ngoài ra, còn phát hiện được một số bia đá chạm khắc dạng chữ Phạn cổ (Sanskrit)... Các di vật điêu khắc tại đây thể hiện giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Phù Nam là từ thế kỷ 5- 7, xu hướng bản địa hóa các hình tượng thánh thần, linh thú, thần thoại tôn giáo, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ.
Di vật xây dựng
Một kênh đào chính dài 90km, nối Óc Eo với thành phố cổ Angkor Borei (Takéo, Campuchia) đã được phát hiện.
Từ đường nước chính này hình thành một mạng lưới nhánh đan xen, lan tỏa, nối liền khu vực này với biển (vịnh Thái Lan), với khu vực núi và giữa các khu vực cư trú với nhau. Mạng lưới đường nước, ngoài chức năng giao thông, còn mang chức năng thủy lợi tiêu thóat nước.
Trong thành phố cổ, hệ thống kênh đào nhánh tạo thành các ô đất hình chữ nhật đều đặn. Bên trong các ô đất này, ngoài di tích sản xuất tiểu thủ công nghiệp, còn phát hiện các di tích cư trú, kiến trúc đền tháp, giếng và mộ táng.
Di tích cư trú được làm bằng gỗ hay bằng gạch trên một nền móng vững chắc. Các toà nhà rộng thường xây bằng gạch. Tại khu vực đất thấp, sử dụng kiểu nhà sàn bằng gỗ đặt trên hệ thống cọc.
Đền tháp được xây dựng bằng gỗ, đá và gạch. Gỗ và đá là nguyên vật liệu có từ thời tiền sử, còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật của Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước lớn, là cấu trúc xây dựng chứ không chỉ là các chi tiết để trang trí, được lắp ghép bằng kỹ thuật chốt mộng.
Nền móng dày đến hơn 1m, xây bằng đất sét nện chặt, gia cố bằng đá và gạch, để có thể chịu lực của công trình đồ sộ bên trên.
Tại đây đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng của Hindu giáo hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tùy táng khác.
Kênh nối Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang, Việt Nam với thành phố cổ Angkor Borei (Takéo, Campuchia)
Di vật liên quan đến thương mại và giao lưu văn hóa
Tại Óc Eo – Ba Thê cũng đã phát hiện các loại tiền nước ngoài, thể hiện mối quan hệ giao thương của vương quốc Phù Nam với các quốc gia bên ngoài; Qua kiến trúc, hệ thống tượng thờ, đồ trang sức, chạm khắc hoa văn, chữ viết, cho thấy nền văn hóa Óc Eo chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa, tôn giáo Ấn Độ (Hinhdu giáo, Phật giáo).
Tại đây cũng tìm thấy các di vật huy chương, tượng đồng, chuỗi hạt …đến từ La Mã, Ba Tư, Trung Hoa…
Một số công trình nổi bật tại Khu di tích Óc Eo
Di tích Óc Eo nằm phía Đông, Đông Nam núi Ba Thê. Một số di tích tiêu biểu được khai quật và bảo tồn tại đây như: Linh Sơn tự, Nam Linh Sơn Tự, Linh Sơn Bắc, Gò Cây Me, Gò Út Trạnh, Gò Sáu Thàng…
Linh Sơn tự
Chùa Linh Sơn hay còn gọi là Linh Sơn Cổ tự, “Chùa Phật 4 tay”.
Chùa được xây dựng vào năm 1913, là ngôi chùa cổ nhất của huyện Thoại Sơn.
Trong chùa đang lưu giữ 2 loại hiện vật khá độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là 2 bia đá có khắc văn bia bằng tiếng Phạn cổ (Sanskrit) và tượng thần Vishnu. Cả hai hiện vật này có có niên đại vào khoảng thế kỷ 2 – thế kỷ 6 sau Công nguyên.
Vào năm 1913, dân địa phương phát hiện một pho tượng Phật 4 tay, cao 1,7m, nằm sâu trong lòng đất khoảng 2m, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê. Trước đó, năm 1912, người dân cũng đã tìm thấy hai tấm bia được làm bằng đá sa thạch cao khoảng 1,8 m, dày khoảng 0,22 m, khắc chữ cổ của dân tộc Phù Nam xưa. Dân quanh vùng khi ấy bèn góp công, góp của dựng lên một ngôi chùa đặt tên là Linh Sơn Tự để tôn thờ tượng Phật, gìn giữ bia cổ và nhiều hiện vật có giá trị khác.
Tương Phật 4 tay thực chất là bức tượng thần Vishnu của Hindu giáo với hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau. Ban đầu tượng có màu đen của đá sa thạch cổ. Sau khi khai quật, người ta cho đắp thêm phần chân để pho tượng có dáng ngồi theo tư thế kiết già, rồi còn sơn phủ màu bên ngoài.
Chùa Linh Sơn nằm trên sườn núi, có kiến trúc và trang trí đơn giản, bố cục hướng về phía Đông Nam, gồm Nghi môn, Chính điện và một số công trình phụ trợ.
Các công trình trong chùa nằm trên các bệ nền cao dần lên.
Nghi môn của chùa gồm hai trụ biểu hai bên, giữa là khối cổng cao 2 tầng, mái tầng trên 4 mái. Trên bề mặt Nghi môn đắp nhiều câu đối và bài văn ca ngợi cảnh chùa và truyền bá triết lý nhà Phật.
Sau Nghi môn của chùa là một sân ngoài rộng. Trong sân, phía sau Nghi môn là một ngôi điện thờ Bà Chúa Xứ.
Sân trong của chùa nằm trên một bệ nền cao hơn sân ngoài.
Chính điện chùa có mặt bằng hình vuông, 3 gian, mái lớp ngói kiểu chống diêm; phần dưới 4 mái, phần trên 2 mái. 3 phía có mái nhẹ (tôn) đua ra tạo thành hành lang bao quanh 3 mặt của chính điện. Bên trong gian chính là ban thờ đặt tượng Phật 4 tay (hay tượng thần Vishnu)
Phía sau Chính điện là Thiền viện, Nhà tăng và các công trình phụ trợ, lợp tôn.
Nghi môn chùa Linh Sơn, Khu di tích Ốc Eo, thị trấn Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Sân ngoài, phía sau Nghi môn, chùa Linh Sơn, Khu di tích Ốc Eo, thị trấn Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Chính điện chùa Linh Sơn, Khu di tích Ốc Eo, thị trấn Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Tượng Phật 4 tay (tượng thần Vishnu); hai bên tượng là hai tấm bia đá cổ (một tấm bia còn rõ chữ), Chính điện chùa Linh Sơn, Khu di tích Ốc Eo, thị trấn Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Vào tháng 1/2018, khu vực Nền Chùa - Linh Sơn Tự đã được chính quyền địa phương cùng các nhà khoa học tổ chức khai quật. Các nhà khảo cổ đã tìm được số lượng lớn di vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sinh hoạt, mảnh tượng… có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 1 – thế kỷ 7.
Nam Linh Sơn Tự
Nam Linh Sơn Tự là một di tích kiến trúc và mộ táng nằm trong quần thể Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê. Khu vực di tích đã được người Pháp khảo sát và đến những năm 1993 – 1994; 1998 –1999, các nhà khảo cổ (chủ yếu là người Việt) lại tổ chức các cuộc khai quật.
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự rộng 350m2 (dài khoảng 22m, rộng khoảng 17m), nằm trên sườn phía Đông của núi Ba Thê, ở độ cao khoảng 30m so với mặt nước biển, nằm về phía Nam chùa Linh Sơn (Ba Thê), cách khoảng 60m.
Nam Linh Sơn Tự có thể là một thiền viện (Vihara) với không gian hành lễ ở giữa và xung quanh là các phòng ở cho tu sĩ và người phục vụ. Công trình cao 1 – 2 tầng, có hệ thống dẫn nước, cống ngầm bằng đá và gạch phức tạp…thể hiện kỹ thuật xây dựng trình độ cao của cư dân Phù Nam xưa.
Đặc biệt, tại đây đã phát hiện mộ chum cải táng. Chum được chôn trong lớp cát phân hủy từ đá hoa cương. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ chum trong một di chỉ Óc Eo.
Vị trí của Nam Linh Sơn Tự, Khu di tích Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự, nằm cạnh hàng rào chùa Linh Sơn, Khu di tích Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Các tàn tích bên trong Khu Di tích khảo cổ Nam Linh Sơn, Khu di tích Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Hố khai quật mới những năm gần đây (1/2018) tại Nam Linh Sơn Tự , Khu di tích Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Các phần tượng đầu người, đầu thần Vishnu tìm thấy tại di tích Nam Linh Sơn Tự và Gò Cây Trôm, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Các loại nồi, bình, đĩa đèn, đất nung ở thế kỷ thứ 6- 7 tìm thấy tại di tích Nam Linh Sơn Tự vào các năm 1993 - 1999, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Một số công trình nổi bật tại Khu di tích Ba Thê
Di tích Ba Thê nằm tại phía Đông Nam núi Ba Thê, nằm giữa cánh đồng lúa tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách khu di tích Óc Eo 1500m. Một số di tích tiêu biểu được khai quật và bảo tồn tại đây như: Gò Cây Thị A và B, Gò Óc Eo, Gò Giồng Cát…
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị thuộc cụm Di tích Ba Thê. Năm 1944, tại đây đã phát hiện một nền
móng kiến trúc có diện tích 488,88m2, cách di tích Nam Linh Sơn Tự trên triền núi Ba Thê khoảng 1.600 m. Di tích này được gọi là Di tích Gò Cây Thị A).
Năm 1999, một cuộc khai quật khác lại được tiến hành ở khu vực này và đã tìm thấy một nền móng khác có diện tích là 194,55m2 (dài 16,7m x rộng 11,65 m), nằm cạnh Di tích Gò Cây Thị A. Di tích này được gọi là Di tích Gò Cây Thị B.
Cả hai di tích đều là thiền viện và có niên đại vào khoảng thế kỷ 6 – 7.
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị (màu mái đỏ - Khu A; màu mái trắng Khu B), Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị A (phía sau ảnh) và Gò Cây Thị B, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị A, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị B, Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Các địa điểm trưng bày văn hóa Óc Eo
Tại Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có nhiều địa điểm lưu giữ hiện vật văn hóa Óc Eo.
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo
Công trình nằm tại phía Đông Bắc núi Ba Thê, mới được xây dựng năm 2016. Đây là nơi lưu giữ quy mô lớn các hiện vật phát hiện được ở quần thể di tích rải rác trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo hay chùa Linh Sơn Tự. Trong Nhà trưng bày có không gian triển lãm rộng 400 m2, giới thiệu tổng hợp nhiều hiện vật gốc như tượng, phù điêu, bình gốm, ly gốm, diềm ngói, gạch trang trí, vòi ấm… thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Mặt trước Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Tượng thần Vishnu bên trong Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Hiện vật trung bày tại nhà Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang: Phù điêu tượng nữ thần
Hiện vật trung bày tại nhà Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang: Mảnh gốm đắp nổi hình thiếu nữ ngồi chơi đàn, bên cạnh một người đánh xập xõa. Hiện vật cho thấy, thi ca và âm nhạc cũng là loại hình nghệ thuật được ưa chuộng trong xã hội Phù Nam.
Hiện vật trung bày tại nhà Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang: Chóp ngói bằng đất nung xuất xứ từ An Giang và Bạc Liêu
Hiện vật trung bày tại nhà Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang: Những đồ dùng sinh hoạt bằng gốm với thiết kế tinh xảo của người Phù Nam
Hiện vật trung bày tại nhà Văn hóa Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang: Đồ trang sức bằng gốm của người Phù Nam.
Ngoài ra, tại phía sườn phía Tây núi Ba Thê, cạnh Sơn Tiên Tự cũng có một Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, An Giang, có hình tượng một linga. Hiện công trình không còn được sử dụng.
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang là minh chứng về hệ thống giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Phù Nam. Hệ thống văn hóa này được sáng tạo và tích lũy qua hoạt động thực tiễn, qua tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội trong quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Phù Nam, từ thế kỷ 1- thế kỷ 7. Đây là một trong những địa điểm có giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ quan trọng tại Việt Nam.
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê trở thành biểu tượng cho Văn hóa Óc Eo, là một trong những nền văn hóa tiêu biểu của Thời kỳ đồ sắt tại Việt Nam, cùng với Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đồng Nai.
Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang) cùng với Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) đang được nghiên cứu, hướng tới lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới Khu vực Văn hóa Óc Eo với tiêu chí: Thể hiện sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại (kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị, thiết kế cảnh quan), trong khoảng thời gian từ thế kỷ 1- 7, tại Đông Nam Á (Tiêu chí ii); Là bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đa phần đã biến mất (iii); một sự định cư của con người mang tính truyền thống (trung tâm chính trị, cư trú, tôn giáo, cảng thị) và tiêu biểu cho nền văn hóa của vương quốc Phù Nam (v).
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91
%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a_%C3%93c_Eo
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Vyadhapura
https://vi.wikipedia.org/wiki/Angkor_Borei
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3127/62106/khu-di-tich-ba-the-oc-eo-an-giang
-va-van-dje-bao-ton-di-tich-van-hoa-oc-eo-hien-nay.html
https://baoangiang.com.vn/gia-tri-khoa-hoc-cua-khu-di-tich-oc-eo-ba-the-nen-chua
-qua-cong-tac-khai-quat-va-nghien-cuu-a259259.html
http://vanhoaoceo.angiang.gov.vn
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Linh_S%C6%A1n_(Ba_Th%C3%AA)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_kh%E1%BA%A3o_c%E1%BB%95_
Nam_Linh_S%C6%A1n_T%E1%BB%B1
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_kh%E1%BA%A3o_c%E1%BB%95_
G%C3%B2_C%C3%A2y_Th%E1%BB%8B
https://www.youtube.com/watch?v=obPi--ArPP4
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|