Tuần 10 - Ngày 07/10/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin, Đức
13/11/2022
 

Thông tin chung:
Công trình: Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin (Palaces and Parks of Potsdam and Berlin)
Địa điểm: Bang Brandenburg và Berlin, Đức (N52 23 60 E13 1 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Khu vực Di sản 2.064 ha
Năm hình thành: 
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1990; sửa đổi ranh giới năm 1992, 1999; hạng mục i, ii , iv) 

Đức (Deutschland) là một quốc gia nằm tại miền Trung Tây Âu, có diện tích 357.588 km2, dân số khoảng 83 triệu người (năm 2021). Thủ đô là thành phố Berlin.
Từ thời Cổ đại, phần phía Bắc nước Đức đã có nhiều bộ tộc người Đức sinh sống. Theo thời gian, các bộ tộc Đức mở rộng về phía Nam. Vào những năm 100 sau Công nguyên, đã tồn tại một khu vực có tên là " Germania” tại phía bắc miền trung châu Âu với đa số là người Đức.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, tại vùng lãnh thổ nước Đức đã dần hình thành một phần trung tâm của Đế quốc La Mã Thần thánh hay Thánh chế La Mã (tiếng Latinh: Sacrum Romanum Imperium; tiếng Đức: Heiliges Römisches Reich; tiếng Ý: Sacro Romano Impero; tiếng Anh: Holy Roman Empire). Đây là một phức hợp lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc, trong đó chủ yếu là người Đức, tồn tại từ năm 962 – 1806. Tên của Đế quốc bắt nguồn từ yêu sách của Hoàng đế La Mã Đức vào thời Trung cổ, muốn tiếp tục truyền thống của Đế chế La Mã cổ và hợp pháp hóa quyền cai trị như là thánh ý của Thiên Chúa.
Vào thời kì thịnh vượng trong thế kỷ 12, Đế quốc La Mã Thần thánh bao trùm một vùng lãnh thổ rộng lớn, gồm nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền Đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền Tây Ba Lan, Cộng hòa Séc và Ý hiện nay.
Vào thế kỷ 15 – 16, Đế quốc này trở thành Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức (Heiliges Römisches Reich Deutscher Nationen).
Đế quốc La Mã Thần thánh là một dạng siêu quốc gia. Quyền lực cai trị của Đế quốc không nằm hoàn toàn trong tay Hoàng đế hay Hội đồng hầu tước (Kurfürst/Prince-Elector- những người trong Hội đồng bầu ra Hoàng đế của Đế quốc), mà còn nằm trong tay các lãnh chúa (với các tước hiệu như quốc vương, phó vương, công tước, hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước…được thừa kế, cai trị các công quốc hay các vùng lãnh thổ nhỏ, to khác nhau. Trong một số giai đoạn, Hoàng đế La Mã Thần thánh còn kiêm nhiệm vai trò Đại công tước Áo, Quốc vương của 
Bohemia và Hungary).
Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức tan vỡ khi Hoàng đế Franz II (trị vì năm 1792-1806) từ bỏ Đế miện vào ngày 6/8/1806 để trở thành Hoàng đế của Đế quốc Áo (trị vì năm 1804- 1835).
Dưới triều đại của các dòng họ Habsburg (nắm quyền từ năm 1276 đến năm 1918), thủ đô của Đế chế là thành phố Viên (thủ đô của nước Áo hiện nay).
Trong thế kỷ 16, các vùng phía bắc nước Đức đã trở thành trung tâm của Cải cách Tin lành, được khởi xướng bởi nhà thần học người Đức Martin Luther (năm 1483 – 1546).
Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, năm 1815, Liên bang Đức được thành lập. Năm 1871, Đức trở thành một quốc gia trong Đế quốc Đức - Phổ (Phổ - Preussen, là một quốc gia trong lịch sử Cận đại phát sinh từ vùng Brandenburg, một lãnh thổ trong suốt nhiều thế kỉ đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Đức và châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Kinh đô cuối cùng của vương quốc Phổ là Berlin).
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Cách mạng Đức 1918-1919, Đế quốc Đức - Phổ bị thay thế bằng Cộng hòa Weimar theo chế độ nghị viện. Chế độ độc tài Quốc xã được hình thành vào năm 1933, dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai và nạn diệt chủng.
Sau giai đoạn Đồng Minh chiếm đóng, nước Đức phân thành Đông Đức và Tây Đức.
Ngày 3/10/1990, Đức tái thống nhất.
Đức hiện được chia thành 16 bang. Mỗi bang có hiến pháp riêng và phần lớn được tự trị về vấn đề tổ chức nội bộ.
Từ khi thống nhất đến nay, Đức luôn duy trì vị thế là một Đại cường quốc. 


Bản đồ nước Đức và vị trí thành phố
Potsdam, Berlin   

Potsdam là thủ phủ của bang Brandenburg và là thành phố đông dân cư nhất của bang, có ranh giới chung với thủ đô Berlin về phía đông bắc.

Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin là một nhóm các khu phức hợp cung điện và vườn cảnh quan  nằm trong vùng Havelland xung quanh Potsdam và Berlin. 

Với 500 ha công viên và 150 tòa nhà được xây dựng từ năm 1730 - 1916, khu phức hợp cung điện và công viên Potsdam hợp thành một tổng thể nghệ thuật, mà bản chất chiết trung đã tạo ra sự độc đáo của nó. (Triết trung là cách tiếp cận mà không tuân thủ theo một mẫu hình hoặc giả định; thay vào đó rút ra từ nhiều lý thuyết, phong cách, ý tưởng để đạt hiểu biết về một chủ đề, hoặc áp dụng lý thuyết khác nhau vào những trường hợp cụ thể). Khu phức hợp kéo dài đến quận Berlin-Zehlendorf với các cung điện và công viên dọc theo bờ sông Havel (River Havel) và hồ Glienicke (Lake Glienicke). 

Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin đại diện cho một quần thể khép kín của kiến ​​trúc và vườn cảnh quan thế kỷ 18 và 19. Quần thể này với một thứ hạng nghệ thuật đặc sắc, là thiết kế của những kiến ​​trúc sư và người làm vườn cảnh quan quan trọng nhất trong thời đại của họ ở miền Bắc nước Đức như: Georg Wenzeslaus von Knobelsdorff (kiến trúc sư người Phổ, năm 1699-1753); Carl Philipp Christian von Gontard ​(kiến trúc sư người Đức, năm 1731-1791); Johann August Eyerbeck (nhà làm vườn người Đức, năm 1762- 1801); Carl Gotthard Langhans (kiến trúc sư người Đức, năm 1732-1808); Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781-1841); Peter Joseph Lenné (nhà làm vườn và kiến trúc sư người Phổ, năm 1789-1866) và các đồng nghiệp. 

Cùng với kiến trúc sư và người làm vườn, các nhà điêu khắc, họa sĩ, thợ thủ công và công nhân xây dựng đã tạo ra Công viên Sanssouci, Khu vườn MớI (New Garden), Công viên Babelsberg (Park of Babelsberg) và những khu vườn khác ở khu vực xung quanh Potsdam như một tác phẩm nghệ thuật tổng thể có chất lượng cao tại Châu Âu.

Quần thể Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin bao gồm các tòa nhà, công viên và không gian được thiết kế, liên kết trực quan về lãnh thổ và lịch sử với Cung điện và Công viên Sacrow (Sacrow Castle and Park) và Nhà thờ Sauveur (Sauveur Church).

Cảnh quan văn hóa với các công viên và tòa nhà được thiết kế, xây dựng trên một vùng sông, hồ và đồi tuyệt đẹp. Ý tưởng cơ bản của Cung điện và Công viên tại Potsdam được thực hiện bởi nhà làm vườn và kiến trúc sư Peter Joseph Lenné. Ông đã biến cảnh quan sông Havel thành cảnh quan văn hóa như ngày nay. Thiết kế này vẫn tiếp tục định hình bố cục của cảnh quan văn hóa Potsdam. Quần thể các công viên của Potsdam là một tài sản văn hóa có chất lượng đặc biệt.

Tại Potsdam, Quần thể di tích bao gồm: Công viên Sanssouci (Sanssouci Park); Đại lộ Lindenallee (Lindenallee Avenue) ở phía tây Cung điện Mới (New Palace); Trường Đào tạo người làm vườn (Former Gardener’s Training School); Nhà ga (Railway Station) và khu vực xung quanh; Cung điện Lindstedt (Lindstedt Palace) và khu vực trũng thấp xung quanh; Cánh đồng Seekoppel (Seekoppel paddock); Đại lộ đến Sanssouci (Avenue to Sanssouci); Đại lộ Voltaireweg (Voltaireweg Avenue) như một kết nối giữa Công viên Sanssouci và Khu vườn Mới (New Garden); Một khu vườn còn được gọi là Mirbach Wäldchen Grove, liên kết giữa Đồi Pfingstberg (Pfingstberg Hill) và Khu vườn mới; Biệt thự Henkel (Villa Henkel) với Đồi Pfingstberg (Pfingstberg Hill); Khu vườn tại Villa Alexander; Công viên Babelsberg (Babelsberg Park) và xung quanh; Đài quan sát Babelsberg (Babelsberg Observatory); Công viên Sacrow (Sacrow Park); Rừng Hoàng gia (Royal Forest) xung quanh làng Sacrow; Khu làng Alexandrowka của người Nga; Khu làng Bornstedt của người Ý và Khu làng Klein-Glienicke của người Thụy Sĩ.

Tại Berlin, Quần thể di tích bao gồm: Công viên Glienicke (Glienicke Park); Đồi Böttcherberg (Böttcherberg Hill) với Loggia Alexandra, Glienicke Hunting Lodge; Đảo Peacock (Peacock Island). 

Cung điện và Công viên của Potsdam và Berlin, tại bang Brandenburg và Berlin, Đức được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1990; sửa đổi ranh giới năm 1992, 1999) với tiêu chí: 

Tiêu chí (i): Quần thể Cung điện và Công viên Potsdam là một thành tựu nghệ thuật đặc biệt, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người; có các đặc điểm chiết trung và tiến hóa củng cố tính độc đáo của nó: Từ kiến trúc sư Georg Wenzeslaus von Knobelsdorff đến kiến trúc sư Karl Friedrich Schinke; Từ nhà làm vườn Johann August Eyerbeck đến nhà làm vườn Peter Joseph Lenné; Một loạt các kiệt tác kiến ​​trúc và cảnh quan đã được xây dựng trong một không gian duy nhất, minh họa các phong cách đối lập, không thể dung hòa mà vẫn không làm giảm đi sự hài hòa của một bố cục chung được hình thành dần theo thời gian. 

Sự khởi đầu của việc xây dựng Nhà thờ Hòa Bình (Friedenskirche) vào năm 1845 là một biểu tượng của chủ nghĩa lịch sử có chủ ý: Viên đá móng đầu tiên của Nhà thờ được đặt vào ngày 14/4/1845 (trong khi mãi đến năm 1848 mới triển khai xây dựng) trùng với việc đặt viên đá móng đầu tiên vào ngày 14/4/1745 của Cung điện Sanssouci.

 

Tiêu chí (ii):  Potsdam - Sanssouci, còn được gọi là "Cung điện Versailles của Phổ" (Prussian Versailles), là kết tinh của rất nhiều ảnh hưởng từ Ý, Anh, Flanders (Bỉ), Paris (Pháp) và Dresden (Đức). 

Là sự tổng hợp của những xu hướng nghệ thuật đô thị và vườn cảnh quan châu Âu trong thế kỷ 18, Cung điện và Công viên tại đây đã đưa ra những mô hình mới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc  và tổ chức không gian phía đông sông Oder.

 

Tiêu chí (iv): Potsdam - Sanssouci là một ví dụ nổi bật về sáng tạo kiến ​​trúc và phát triển cảnh quan gắn liền với khái niệm quyền lực của chế độ quân chủ Châu Âu. Theo quy mô dự kiến, những quần thể cung điện hoàng gia này thuộc về loại công trình rất riêng biệt, tương tự như Dinh thự Würzburg (Würzburg Residence, Bayern, Đức; Di sản thế giới năm 1981) và Cung điện Blenheim (Blenheim Palace, Oxford, Anh; Di sản thế giới năm 1987).

Potsdam - Sanssouci được Frederick William I (vua Phổ, trị vì năm 1713- 1740, kế vị là Frederick Đại đế) phát triển trong hai giai đoạn: "Thị trấn mới đầu tiên" (First new town), từ năm 1721 đến năm 1725, và "Thị trấn mới thứ hai" (Second new town), bắt đầu vào năm 1733. Trận đánh bom ngày 14/4/1945 (Thế chiến thứ II) đã khiến các quần thể đô thị này bị hủy hoại, chỉ còn lại một phần.

 


Sơ đồ phạm vi Di sản
Cung điện và Công viên của Potsdam và Berlin, Đức

 


Sơ đồ vị trí các công trình chính trong
Quần thể Cung điện và Công viên ở Potsdam và Berlin, Đức

 

Ban đầu, Khu vực di sản rộng 500 ha, bao gồm 150 tòa nhà, xây dựng chủ yếu vào năm 1730 đến 1916. Năm 1989, khi Bức tường Berlin, chia cắt giữa Potsdam và Tây Berlin đã bị dỡ bỏ, Khu vực Di sản được sửa đổi ranh giới (vào năm 1992 và 1999) với diện tích lên đến 2064ha.

Các hạng mục chính trong Khu vực Di sản gồm:

 

Công viên và Cung điện Sanssouci

Công viên Sanssouci (Park of Sanssouci) nằm tại phía tây Khu vực Di sản, thuộc thành phố Potsdam. Đây là  một công viên rộng khoảng 300ha bao quanh Cung điện Sanssouci, chạy dọc theo một đại lộ (hướng đông - tây) dài 2,5 km; phía đông là Nhà thờ Frieden (Friedenskirche), phía tây là Cung điện mới (Neues Palais), phía bắc là gò núi Ruinenberg, phía nam là Lâu đài Charlottenhof (Schloss Charlottenhof).

 

Công viên Sanssouci được xây dựng dưới thời Frederick Đại đế (Frederick the Great / Frederick II, vua Phổ, trị vì năm 1740 – 1786), vào giữa những năm 1700, sau khi hoàn thành Cung điện Sanssouci, vườn nho bậc thang cũng như các vườn cây xung quanh được đưa vào cấu trúc.

Công viên hay Vườn bách thảo (Botanischer Garten) là một quần thể các khu vườn theo phong cách Baroque, gồm các khu vườn bậc thang, bãi cỏ, vườn hoa, hàng rào và rừng cây. 230.000 loài thực vật và 3.000 cây ăn quả đã được trồng trong Công viên. Các nhà kính cũng như vườn ươm được đặt ra để trồng camdưađào và chuối (cây đến từ phương Đông). Tại đây, những bức tượng và đài tưởng niệm cũng được dựng lên, với hình tượng đại diện của các nữ thần La Mã Flora (đại diện cho hoa và mùa xuân) và Pomona (đại diện cho khu vườn và cây ăn quả). 

Từ đại lộ chính của Công viên có những con đường nhánh dẫn tới các khu vườn và cụm công trình theo phong cách Rococo, như Cung điện Sanssouci. 

Trong Công viên có một số ngôi nhà nhỏ, là các phòng tiếp khách ngoài trời.

Công viên Sanssouci có một số đài phun nước, mô phỏng những khu vườn Baroque vĩ đại khác của châu Âu. Song do công nghệ về thủy lực trong giai đoạn này còn sơ khai nên đài phun nước không hoạt động. 100 năm sau, vào năm 1842, với việc sử dụng một máy bơm bằng động cơ hơi nước (công suất 81,4 mã lực), hệ thống này mới hoạt động. Đài phun nước tại đây có tia phun tới độ cao 38m. Trạm bơm trong công viên được xây dựng với hình thức bên ngoài như một nhà thờ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ống khói của Trạm bơm được trang trí thành một tháp nhỏ.

 


Sơ đồ mặt bằng Công viên và Cung điện Sanssouci,
Potsdam, Đức



Đại lộ cây xanh với hàng cây được cắt tỉa tại
Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Công viên Sanssouci có các công trình chính sau:

 

Cung điện Sanssouci

Cung điện Sanssouci (Palace of Sanssouci), là một tòa nhà lịch sử ở Potsdam, được xây dựng trên trên đỉnh của một ngọn đồi bậc thang trồng nho. Công trình được xây dựng bởi vua nước Phổ (Prussia/ Preussen, tồn tại năm 1525–1947) là Frederick Đại đế (Frederick the Great / Frederick II, trị vì năm 1740 – 1786), làm cung điện mùa hè.

Cung điện Sanssouci còn được so sánh với Cung điện Versailles (Palace of Versailles), được xây dựng bởi vua Pháp Louis XIV (Vua Mặt Trời, trị vì năm 1643- 1751), nằm khoảng 19km về phía tây của Paris, Pháp. 

Cung điện được xây dựng theo phong cách Rococo và nhỏ hơn nhiều so với Cung điện Versailles theo phong cách Baroque.

Cung điện Sanssouci được thiết kế và xây dựng bởi Georg Wenzeslaus von Knobelsdorff (kiến trúc sư, họa sĩ người Phổ, năm 1699 – 1753) vào giữa năm 1745 và 1747, đáp ứng nhu cầu của Frederick Đại đế về một nơi ở riêng, để ông có thể thoát khỏi sự hào nhoáng và lễ nghi của cung đình. Công trình được hoàn thiện bởi Jan Bouman (kiến trúc sư người Hà Lan, năm 1706- 1776).

Trong suốt thế kỷ 19, Cung điện trở thành nơi ở của Frederick William IV (vua Phổ, trị vì 1840 – 1861), được khôi phục và mở rộng.

Thành phố Potsdam với các cung điện, là nơi sinh sống ưa thích của hoàng gia Đức, suy tàn vào năm 1918.

Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, hài cốt của Frederick Đại đế được đưa về Cung điện và chôn cất trong một ngôi mộ nhìn ra khu vườn mà ông đã tạo ra. 

 

Vị trí và cách bố trí của Cung điện Sanssouci phía trên một vườn nho đã phản ánh lý tưởng thời kỳ tiền lãng mạn về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong một cảnh quan được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của con người. Trong đó, vườn nho (làm rượu vang) đã chiếm vị trí thứ hai so với cung điện và khu vườn giải trí. 

Cung điện Sanssouci nằm trên một ngọn đồi, quay mặt về phía nam, về phía thung lũng. Từ thung lũng lên đỉnh đồi gồm 6 bậc nền, phân cách bởi 6 hàng vườn nho cách đều nhau. Hàng vườn nho có bố cục cong lên phía trên. Chính giữa vườn nho là đường có bậc, hai bên là đường dốc thoải dẫn lên Cung điện.

Cung điện cao 1 tầng, gồm dãy nhà chính hẹp với 10 phòng. Chính giữa nhà và hai đầu hồi được nhấn mạnh bởi khối nhà có mặt bằng hình tròn.

Hai bên của dãy nhà chính là hai cánh nhà phụ (Wing) .

Cánh phía đông có phòng cho thư ký, người làm vườn và người hầu.

Cánh phía tây (còn có tên là "The Ladies 'Wing") có nhà bếp của Cung điện, chuồng ngựa và nhà chứa xe ngựa, nhà sửa chữa (Carriage house).

Phía bắc của Cung điện là một hành lang với mặt bằng dạng nửa đường tròn. Đỡ mái che hành lang là hàng cột kép gồm 88 cột Corinthian.

Diềm mái của dãy nhà chính và hàng lang phía bắc có một hàng lan can với lọ bằng đá sa thạch trang trí.

Những năm sau này, đã có một số thay đổi trong bố cục tại hai cánh Cung điện, ví dụ như: Nhà bếp được chuyển vào cách phía đông; bổ sung thêm các tầng trên để cung cấp phòng ngủ cho nhân viên; cánh phía tây trở thành nơi tiếp đón khách và phòng khách…


Phối cảnh tổng thể Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức

 


Sơ đồ mặt bằng Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức

1) Tiền sảnh; 2) Phòng khiêu vũ (bằng đá cẩm thạch); 3) Phòng khán giả và Phòng ăn; 4) Phòng hòa nhạc; 5) Căn hộ hoàng gia có phòng làm việc và phòng ngủ; 6) Thư viện; 7) Phòng trưng bày nhỏ; 8- 12) Các phòng khách trong đó có phòng mang tên “Voltairezimmer” (11) và “Rothenburgzimmer (12); 13) Phòng phục vụ.

 

Tiền sảnh của Cung điện nằm tại phía nam. Các bức tường của căn phòng hình chữ nhật được chia nhỏ bởi 10  cặp cột Corinthian bằng đá cẩm thạch trắng trát vữa với các đầu cột mạ vàng. 3 bức phù điêu trên cửa miêu tả  thần rượu vang Bacchus (Dionysus, theo thần thoại Hy Lạp), phản ánh chủ đề vườn nho bên ngoài.

Phòng khiêu vũ hình bầu dục, bằng đá cẩm thạch màu trắng và vàng (Marmorsaal) là phòng tiếp khách chính và nơi tổ chức lễ kỷ niệm trong cung điện. Trần của phòng là một mái vòm màu trắng với đồ trang trí mạ vàng. Đá cẩm thạch màu trắng được sử dụng cho các cột. Sàn nhà được khảm bằng đá cẩm thạch Ý. Phòng có 3 cửa sổ hướng ra vườn. Hai bên cửa ra vào có các hốc đặt tượng nữ thần tự nhiên và Apollo, vị thần của nghệ thuật.

Kề liền Phòng khiêu vũ là Phòng ăn. Bên trong trang trí các bức tranh của các nghệ sĩ Pháp thế kỷ 18. Trên trần nhà, phía trên cửa ra vào là các tác phẩm mang phong cách Rococo.

Phòng hòa nhạc là một trong những phòng đẹp nhất Cung điện Sanssouci. Bên trong phòng được trang trí bởi các tấm gương và các bức tranh, tác phẩm điêu khắc và đồ thủ công mỹ nghệ.

Căn hộ hoàng gia với phòng làm việc và phòng ngủ là trung tâm quyền lực quan trọng trong thời Friedrich Đại đế. Tại đây, ông đã họp với hội đồng nội các và các bộ trưởng của mình, ban hành các sắc lệnh. Đây cũng là căn phòng mà ông qua đời trên chiếc ghế bành vào năm 1786. Sau này, Căn hộ đã được sửa sang lại.

Thư viện chứa khoảng 2.100 tập sách và sử học Hy Lạp, La Mã, cùng một sưu tập văn học Pháp thế kỷ 17, 18. Sách được đóng bìa da dê màu nâu hoặc đỏ và được mạ vàng sang trọng. Chỉ Frederick Đại đế được phép vào phòng.

Phòng trưng bày nhỏ nằm cạnh Tiền sảnh. Dọc theo Phòng có các hốc chứa các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch miêu tả các vị thần Hy Lạp, La Mã và các bức tranh treo trên tường. Đây cũng là một trong những phòng riêng của Frederick Đại đế.

Tại cánh phía tây của Cung điện Sanssouci có một số phòng nghỉ dành cho khách đặc biệt của nhà vua. Hai trong số các vị khách đến đây đã được đặt tên cho phòng: Phòng Rothenburg (Rothenburgzimmer, đặt theo tên Bá tước Rothenburg, người đã sống trong căn phòng hình tròn cho đến khi qua đời vào năm 1751); Phòng Voltare (Voltairezimmer, đặt theo tên triết học Voltare, đã ở trong thời gian ông tới Potsdam từ năm 1750 – 1753.

 


Mặt tiền phía nam, Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức



Cánh phía đông Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng trưng bày nhỏ tại lối vào phía tây, Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng hòa nhạc của Frederick Đại đế,
Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng khiêu vũ bằng đá cẩm thạch, Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng ngủ và Phòng làm việc của Frederick Đại đế,
Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức

 


Thư viện của Frederick Đại đế, Cung điện Sanssouci, Potsdam, Đức

Phía dưới Cung điện là một khu vườn được xây dựng theo triết lý của Frederick Đại đế: Nghệ thuật và Thiên nhiên nên được thống nhất.

Khu vườn mang phong cách Baroque, được xây dựng vào năm 1745 theo mô hình vườn Parterre ở Cung điện Versailles, Pháp (Parterre là một phần của một khu vườn chính, có bố cục hình học, được phân chia bởi đường viền các luống cây, hàng rào cây thấp hoặc sỏi màu; bên trong các đường viền là cây xanh được cắt tỉa) là một không gian mở để có thể quan sát.

Trung tâm của Khu vườn là một bể nước hình tròn với vòi phun nước, được xây dựng vào năm 1748. Xung quanh bể nước là tượng, cũng được sao chép từ Cung điện Versailles, thể hiện các vị thần đại diện cho sao Kim, sao Thủy, Mặt trời (Apollo), Mặt trăng (Diana) sao Mộc, sao Hỏa và nữ thần Minerva, cũng như miêu tả ngụ ngôn về 4 nguyên tố: Lửa, Nước, Không khí và Đất.

 

Cung điện mới

Cung điện mới (Neues Palais) nằm tại phía tây Công viên Sanssouci, là điểm kết thúc phía tây của đại lộ chính chạy dài theo hướng đông tây của Công viên Sanssouci. Tòa nhà được khởi công vào năm 1763, dưới thời Frederick Đại đế và được hoàn thành vào năm 1769; được coi là cung điện Baroque vĩ đại cuối cùng của Phổ.

Cung điện mới được xây dựng để tiếp đón các hoàng gia và chức sắc quan trọng. Trong số hơn 200 phòng có 4 phòng hội họp chính và một nhà hát dành cho các sự kiện hoàng gia, vũ hội và các dịp lễ của nhà nước. 

Trong thời gian ở lại Cung điện, Frederick Đại đế ở tại dãy phòng ở cuối phía nam của tòa nhà, bao gồm 2  phòng làm việc, 1 phòng hòa nhạc, 1 phòng ăn và 1 phòng ngủ.

Cung điện được xây dựng theo phong cách Rococo và Baroque theo thiết kế của các kiến trúc sư Đức: Johann Gottfried Büring (năm 1723- 1788); Heinrich Ludwig Manger (năm 1728 – 1790); Carl von Gontard (năm 1731 – 1791).

Sau cái chết của Frederick Đại đế vào năm 1786, Cung điện mới rơi vào tình trạng bỏ hoang.

Từ năm 1859, Công trình trở thành dinh thự mùa hè của Hoàng đế Đức Frederick III (trị vì tháng 3- 6/1888). 

Vào thời Wilhelm II (hoàng đế cuối cùng của Đức, trị vì năm 1888 – 1918), Công trình được bổ sung thêm hệ thống sưởi bằng hơi nước, phòng tắm, sử dụng điện cho các đèn chùm.

Sau đó, Cung điện trở thành một viện bảo tàng. Một số kho báu trong Cung điện đã bị cướp phá trong Chiến tranh thế giới II.

 

Công trình có bố cục đối xứng kiểu Baroque, mặt bằng hình chữ U với hai cánh tại phía bắc và nam; chạy dài theo hướng bắc – nam, mặt chính quay về phía tây và đông, dài 220m với 25 bước gian; cao 2 tầng và 1 tầng lửng. Tầng chính và tầng lửng được kết hợp với nhau bằng các cột Corinthian. 

Lối vào chính tòa nhà tại nằm tại trung tâm công trình, hướng về cả hai phía tây và đông, được nhấn mạnh bởi một mái dạng tam giác đầu hồi và một khối mái vòm phía trên.

Tại hai cánh lại có thêm cánh phụ, hình chữ L, cao 1 tầng. Giao của chữ L là một mái vòm tròn nhỏ.

Tầng mái có một lan can bao quanh. Mỗi trụ lan can đặt một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp (Attica)

Có hơn 400 bức tượng thần thoại Hy Lạp và nhân vật lịch sử bằng đá sa thạch trang trí cho công trình và các tòa nhà phụ trợ.

Để đảm bảo tiến độ xây dựng, mặt tiền công trình dự kiến ban đầu xây dựng bằng gạch đỏ, đã được thay thế bằng gạch thường sơn đỏ.

 

Một số phòng nổi bật trong Cung điện gồm:

Sảnh Grotto Hall (Grottensaal): Nằm cạnh Sảnh tầng trệt (Unteres Vestibül), được trang trí bởi những bức tường nạm vỏ sò, đá, cẩm thạchthạch anh; Sàn lát đá cẩm thạch mô tả động vật và thực vật biển; Bức tranh trên trần miêu tả các vị thần Hy Lạp, được thực hiện vào năm 1806.

Phòng Marmorgalerie: Nằm tại tầng trệt, tiếp giáp với Sảnh Grotto Hall, được trang trí bằng đá hoa cương đỏ, đá cẩm thạch trắng và những tấm gương lớn hướng ra cửa sổ. Trần nhà là bức tranh miêu tả cảnh tự nhiên trong ngày.

Sảnh Marble Hall: Nằm tại tầng trên, ngay trên vị trí Sảnh Grotto Hall, là một trong những không gian lớn nhất cho lễ hội, khiêu vũ và như một phòng tiệc. Trần nhà uốn cong, được trang trí bằng bức tranh với bề mặt tới 240m2. Trong phòng có 12 bức tượng mô tả các vị hoàng đế và hoàng tử nổi tiếng. Ban công với lan can sắt mạ vàng tinh xảo nhìn ra sảnh từ tầng áp mái.

Phòng Oberen Galerie: Nằm tại tầng trên, ngay trên vị trí Phòng Marmorgalerie, tiếp giáp Sảnh Marble Hall. Trần nhà được sơn màu hồng, vàng cổ và trắng, nổi bật với đồ trang trí bằng vàng. Sáu bức tranh Baroque lớn của Ý được treo đối diện với các cửa sổ của phòng trưng bày. 

Nhà hát (Schlosstheater): Nằm tại tầng trên, cánh phía nam. Sân khấu được bao quanh bởi những cây cọ mạ vàng. Nhà hát không có các logia dành riêng cho khách quý (Frederick Đại đế ngồi giữa các vị khách ở hàng ghế thứ 3 từ sân khấu). Các hàng ghế bố trí hình bán nguyệt như trong một nhà hát cổ điển. Nhà hát mở cửa vào năm 1768, hiện vẫn đang được sử dụng.

Căn hộ của nhà vua (Königswohnung): Nằm tại tầng trệt, phía nam của Cung điện, gồm: Phòng xanh da trời và vàng nhạt  (Blauen- und Fleischfarbenen Kammer); Phòng hòa nhạc (Konzertzimmers); Phòng màu hồng (Rosa Kammer); Phòng ngủ (Schlafzimmer); Phòng làm việc (Arbeitszimmer), 9 bàn viết (Schreibkabinett); Phòng ăn (Speisezimmer). Đây là những phòng nguy nga nhất tại Cung điện. Nội thất được trang trí bởi tranh, đồ dệt, đồ sứ, gương, đèn pha lê và đồ nội thất mạ vàng và mạ bạc. Tường, sàn được trang trí với các màu sắc khác nhau phù hợp với tên của từng phòng. 


Sơ đồ mặt bằng Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 


Phối cảnh tổng thể Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức; Phía sau là 
Tòa nhà Communs



Mặt đứng phía nam Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức


Sảnh Grotto Hall,
Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng Marmorgalerie, 
Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức


Sảnh Marble Hall, Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức


Bên trong Nhà hát (Schlosstheater),
Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Phòng ngủ bên trong Căn hộ của nhà vua, Cung điện mới, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Phía tây của Cung điện mới có một tòa nhà mang tên Communs, kết nối với Cung điện mới bằng một lối đi ngầm.

Communs có hình thức kiến trúc như một Cung điện cổ điển. Công trình gồm hai khối có mặt bằng hình chữ thập, cao 3 tầng, có hình thức tương tự như nhau với một lối vào chính là một cầu thang ngoài trời từ tầng trệt lên tầng một. Mặt trước là các hàng cột Corinth cao suốt 2 tầng. Kết nối hai khối là một hàng hiên với cột Corinth hai bên. Chính giữa hàng hiên là một khối cổng vòm.

Công trình hiện do Đại học Tổng hợp Potsdam (University of Potsdam) sử dụng.

 

Ngôi nhà Trung Hoa

Ngôi nhà Trung Hoa (Chinesisches Haus) nằm tại phía nam Công viên Sanssouci, để tô điểm vườn hoa và vườn rau theo ý tưởng của Frederick Đại đế; được thiết kế bởi Johann Gottfried Büring (kiến trúc sư người Đức, năm 1723- 1788).

Công trình được xây dựng từ năm 1755 – 1764 theo phong cách Chinoiserie phổ biến lúc bấy giờ, một sự pha trộn giữa các yếu tố Rococo trang trí và các bộ phận của kiến ​​trúc Trung Quốc. 

Vào thế kỷ 17, các thương nhân Hà Lan đã mang đồ khảm ngọc trai, sơn mài, lụa và đồ sứ của Trung Quốc đến châu Âu. Trong các cung đình quý tộc thời đại Baroque, mối quan tâm đến nghệ thuật phương Đông đã phát triển trong thời kỳ Rococo thành Chinoiserie, một tên gọi cho tất cả mọi thứ đến từ Trung Quốc, biểu tượng cho lối sống vô tư (carefree living) của người Trung Quốc, phù hợp với lý tưởng về lối sống thoải mải trong các biệt thự hoàng gia châu Âu. Nhiều phòng trong các cung điện hoàng gia được trang trí bằng sứ, đồ nội thất nhỏ và tranh treo tường kiểu Trung Quốc (hoặc đến từ phương Đông).

Ngôi nhà được mô phỏng từ một ngôi nhà tương tự của Trung Quốc trong khuôn viên của Maison du Trefle ở Luneville, Pháp. Công trình có mặt bằng chia thành 3 nhánh, khối chính được bo tròn, cửa sổ vòm tròn đặt sát nền nhà và các cột tại sảnh vào mạ vàng có hình dáng như các cây cọ. Dưới chân cột là các tác phẩm điêu khắc mạ vàng. Trên đỉnh mái có một bức tượng người phương Đông mạ vàng.

Nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ tham gia vào việc tạo dựng các bức tượng, phù điêu và các bức tranh trên tường, và trần của ngôi nhà. Các bức tranh trên trần và tường miêu tả các câu chuyện của người phương Đông và các vị Phật. Bên trong phòng có cả các trang trí bằng các tấm lụa có hoa văn trang trí, được gọi là "Pekings". 

 


Ngôi nhà Trung Quốc, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Bên trong Ngôi nhà Trung Quốc, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Nhà tắm La Mã

Nhà tắm La Mã (Römische Bäder) nằm tại phía nam Công viên Sanssouci, được xây dựng vào năm 1834-1840, dưới thời Friedrich Wilhelm IV (vua nước Phổ, trị vì năm 1840 – 1861). Chịu trách nhiệm quản lý xây dựng là Ludwig Persius (kiến trúc sư người Phổ, năm 1803- 1845).

Nhà tắm La Mã là sự kết hợp giữa một biệt thự cổ kết hợp với bồn tắm nước nóng thiên nhiên kiểu La Mã, gồm: Sân trong và Phòng tiếp khách (Atrium); Bể thu gom nước mưa (Impluvium) tại giữa Sân trong; Phòng gửi quần áo (Apodyterium); Bồn tắm nước ấm (Caldarium); Nhà lạnh (Viridarium). Các công trình được kết nối với nhau bằng các giàn che, mái vòm.

Nhà tắm nằm cạnh một hồ nước nhân tạo.

 


Nhà tắm La Mã,
Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Trang trí bên trong
Nhà tắm La Mã, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Lâu đài Charlottenhof

Lâu đài Charlottenhof (Schloss Charlottenhof) nằm tại phía nam Công viên Sanssouci, là nơi ở mùa hè của Thái tử Frederick William (sau này là vua Frederick William IV của Phổ, trị vì năm 1840 – 1861).

Lâu đài theo phong cách Tân cổ điển, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Đức Karl Friedrich Schinkel (năm 1781- 1841) và Friedrich Ludwig Persius (năm 1803 – 1845). Công trình được đặt tên là Charlottenhof, để vinh Maria Charlotte von Gentzkow, người đã sở hữu tài sản từ năm 1790 - 1794.

Lâu đài có 10 phòng chính và phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Đồ nội thất, chủ yếu do chính Schinkel thiết kế, có  phong cách đơn giản và tinh tế. Bên trong Cung điện có một phòng bố cục như chiếc lều theo kiểu của Caesar (Gaius Julius Caesar, một vị tướng và chính khách người La Mã, năm 100 TCN – 44 TCN). Trong lều, trần, tường đều được trang trí bằng giấy dán tường sọc xanh trắng.

Xung quanh Lâu đài là một vườn cây, do Peter Joseph Lenné (kiến trúc sư cảnh quan người Phổ, năm 1789 – 1866) thiết kế. Ông đã tái tạo hoàn toàn khu vực bằng phẳng và một phần đầm lầy ban đầu thành một khu vườn kiểu Anh với các mảng cây, bãi cỏ, mặt nước và tổ chức liên kết khu vườn với các công viên cũ xung quanh.


 

Phối cảnh tổng thể Lâu đài Charlottenhof, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Mặt tiền phía đông Lâu đài Charlottenhof, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức


Nội thất Lâu đài Charlottenhof, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Nội thất Phòng Lều Caesar,
Lâu đài Charlottenhof, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Nhà thờ Frieden

Nhà thờ Frieden (Friedenskirche/ Protestant Church of Peace) hay Nhà thờ Tin Lành Hòa Bình nằm tại phía đông Công viên Sanssouci.

Nhà thờ nằm giữa hai khu vườn: Vườn Fidens (Fidensgarten), tại phía đông và Vườn Marly (Marlygarten), tại phía tây. Vườn Fidens chứa Hồ Hòa Bình (Friedensreich) bao quanh mặt phía bắc và đông tòa nhà.

Nhà thờ Tin lành tại Đức (Evangelical Church in Germany/ Evangelische Kirche in Deutschland, viết tắt là EKD) là một liên minh của 20 giáo phái Tin lành (Protestantism), một hình thức của Cơ đốc giáo, tuân theo các nguyên lý thần học của cuộc Cải cách Tin lành, bắt đầu ở Đức vào năm 1517, do Martin Luther (linh mục, nhà thần học người Đức, năm 1483 – 1546) khởi xướng.

 

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1845- 1854, theo nguyện vọng của vua Frederick William IV và được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư của triều đình, Ludwig Persius (người Đức, năm 1803 – 1845) và tiếp đó là kiến ​​trúc sư Friedrich August Stüler (người Đức, năm 1800 – 1865).

Cấu trúc của Nhà thờ như một Tu viện Cơ đốc giáo La Mã, thời Trung cổ, là một quần thể gồm Nhà thờ và các tòa nhà thuộc Tu viện. Vua Frederick William IV mong muốn nhà thờ là sự hòa giải giữa đức tin Công giáo và đức tin Tin lành của người Phổ; Nhà thờ Công giáo cổ xưa Tiểu vương cung thánh đường San Clemente ở Rome (được thánh hiến vào năm 384) đã trở thành một nguồn cảm hứng cho Nhà Thờ Frieden.

Nhà thờ mang phong cách Romanesque (tồn tại vào thế kỷ 6- 11 với các mái vòm nửa hình tròn; vòm thùng).

Quần thể có lối vào chính từ phía đông nam.

Nhà thờ có bố cục theo hướng đông tây.

Gian Hội trường (Nave) có 3 nhịp. Nhịp giữa cao, khoảng 13,5m, nhịp hai bên thấp. Giới hạn nhịp giữa và nhịp hai bên là hàng cột Ionic.

Ban thờ (High Altar) được nhấn mạnh bởi một khối trang trí (Ziborium) như một ngôi đền Hy Lạp – La Mã với 4 cột Corinth bằng đá thạch anh (Jasper).

Phía sau Ban thờ là một không gian bán tròn (Apse) với mái vòm được trang trí bởi bức tranh khảm miêu tả sự tích Chúa Kitô. Bức tranh rộng khoảng 60m2, gắn trên 111 tấm thạch cao. được thực hiện từ đầu thế kỷ 13, mua về từ Venice, Ý và vận chuyển đến Potsdam bằng đường thủy.

Phía dưới Ban thờ là hầm mộ, nơi đặt mộ của vua Frederick William IV (trị vì năm 1840 – 1861) và vợ ông là hoàng hậu và nữ hoàng Elisabeth Ludovika (năm 1801- 1873) cùng một số thành viên của Hoàng gia.

Tháp chuông của Nhà thờ đứng độc lập, cao 42m, 7 tầng, chứa 4 chiếc chuông.  

Phía tây của Nhà thờ là một hiên mở (narthex) và hai sân trong (atrium), một sân trong hình vuông và một sân trong hình chữ nhật.

Bên trong sân hình chữ nhật là Đài phun nước và bức tượng Chúa Kitô đặt bên trên.

Xung quanh sân trong là các công trình thuộc Tu viện Frieden, gồm nhà khách, nhà học, văn phòng của hiệu trưởng.

Phía bắc của Nhà thờ Frieden là lăng Kaiser Friedrich (Kaiser-Friedrich-Mausoleum). Lăng là một tòa nhà mái vòm trên một mặt bằng hình tròn. Trung tâm của Lăng là một quan tài bằng đá cẩm thạch dành cho Friedrich III (Vua Phổ, trị vì 3/1888- 6/1888). Lăng cũng là nơi chơn cất các thành viên của Hoàng tộc Hohenzollern.

 


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Frieden, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Nhà thờ Frieden, nhìn từ phía bắc, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Bên trong Nhà thờ Frieden, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Tòa nhà Bildergleria

Tòa nhà Bildergleria (Bildergalerie/Picture Gallery/ Thư viện tranh) nằm kề liền phía đông Lâu đài Sanssouci.

Công trình được xây dựng vào năm 1755 – 1764, thời Frederick Đại đế, dưới sự giám sát của Johann Gottfried Büring (kiến trúc sư người Đức, năm 1723- 1788).

Frederick Đại đế là người ham mê sưu tập tranh. Thời trẻ, ông thích nghệ thuật đương đại Rococo của Pháp.

Sau khi lên ngôi vào năm 1740, nhà vua sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Phục hưngBaroque; hầu hết là của các nghệ sĩ Ý. Do chiến tranh, phần lớn các bưc tranh trưng bày tại đây đã bị thất lạc.

Bildergleria là một tòa nhà 1 tầng kéo dài, được sơn màu vàng. Phần giữa của tòa nhà được nhấn mạnh bởi một mái vòm. Tại phía nam của tòa nhà, bức tường giữa các cửa sổ đặt các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, mô tả các nhân vật ngụ ngôn từ nghệ thuật và khoa học.

Phòng trưng bày bên trong được thiết kế lộng lẫy với đồ trang trí mạ vàng trên vòm trần nhà. 

Sàn nhà được lát bằng đá cẩm thạch Ý màu trắng và vàng. 

Trên tường sơn màu xanh trưng bày những bức tranh với khung tranh được làm theo phong cách Baroque.

 


Phối cảnh Tòa nhà Bildergleria, nhìn từ phía nam, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức



Bên trong
Tòa nhà Bildergleria, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Tòa nhà Neue Kammern

Tòa nhà Neue Kammern (New Chambers/ Tòa nhà mới) nằm kề liền phía tây Lâu đài Sanssouci. Công trinfh được Frederick Đại đế xây dựng từ năm 1771 – 1775.

Công trình có vai trò như phần bổ sung cân xứng cho Tòa nhà Bildergleria tại phía đông Lâu đài Sanssouci, thay thế cho một nhà kính trồng cam (Orangery) được xây dựng trước đó.

Georg Christian Unger (kiến trúc sư người Đức, năm 1743 – 1799) được giao nhiệm vụ biến nhà kính trồng cam thành một nhà khách.

Tòa nhà có thể coi là một điểm nhấn cuối cùng của phong cách Frederician Rococo (một dạng thức Rococo được phát triển tại Phổ dưới thời trị vì của Frederick Đại đế và kết hợp những ảnh hưởng từ Pháp, Đức và Hà Lan), mặc dù phong cách Tân cổ điển đã trở nên thịnh hành vào thời kỳ này. 

Tòa nhà Neue Kammern có hình thức kiến trúc tương tự như Tòa nhà Bildergleria.

Sự khác biệt cơ bản giữa hai tòa nhà chủ yếu tại nội thất tại phòng khách và phòng khiêu vũ.

Phòng khách và khiêu vũ lớn nhất là Phòng Jasper (Jasper Room) hay Phòng đá hoa cương, nằm giữa tòa nhà, dưới mái vòm. Các bức tường trong phòng được trang trí bằng đá hoa cương Jasper đỏ và đá cẩm thạch Silesian màu xám. Màu sắc tương tự cũng thấy trong thiết kế sàn nhà. Trần nhà trang trí bức tranh miêu tả thần Vệ nữ. Gắn trên các mảng tường đá hoa cương đỏ là các tấm trang trí thời Cổ đại và thế kỷ 18.

Phòng khách và phòng khiêu vũ lớn thứ hai là Phòng trưng bày Ovid (Ovid Gallery) nằm tại phía đông của tòa nhà. Bên trong được trang trí theo phong cách của những căn phòng được tráng gương kiểu Pháp. Dọc theo căn phòng là một chiếc gương kéo dài gần đến trần nhà, đối diện với phía vườn là những cánh cửa kiểu Pháp. Các bức tường được được trang trí bằng những bức phù điêu mạ vàng miêu tả các sự tích của các vị thần La Mã cổ đại.

Kề liền phía bắc của Tòa Neue Kammern là Tàn tích cối xay gió (Historische Mühle). Khi xây dựng Cung điện Sanssouci, Frederick Đại đế đã giữ lại Cối xay gió kiểu Hà Lan, được xây dựng từ năm 1787 – 1791 và tái tạo lại với mong muốn trở thành một điểm mốc sống động của cảnh quan.

 


Phối cảnh tổng thể Tòa nhà Neue Kammern,
Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức; Phía sau là Tàn tích Cối xay gió,



Nội thất Phòng khách Jasper, nhìn về phía Phòng trưng bày Ovid, Tòa nhà Neue Kammern,
Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Bể chứa nước

Bể chứa nước (Normannischer Turm) nằm tại phía bắc Công viên Sanssouci, trên gò núi Ruinenberg.

Bể nước hình tròn, được Frederick Đại đế xây dựng vào năm 1748, với dung tích khoảng 7600m3. Từ bể chứa nước có một hệ thống đường ống dẫn tới các đài phun nước tại phía dưới.

Xung quanh là Bể nước các công trình mang tính trang trí như một tàn tích cổ của một nhà hát La Mã.

 


Bể chứa nước trên gò núi Ruinenberg, xung quanh là công trình trang trí giả cổ, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức

 

Tòa nhà Belvedere

Belvedere (Belvedere auf dem Klausberg) là một nhà nghỉ hay ngôi nhà mùa hè nằm tại phía bắc Công viên Sanssouci.
Công trình được xây dựng vào năm 1770 – 1772 với mặt bằng hình tròn, cao hai tầng; Có 20 cột Ionic bao quanh tầng trệt và 20 cột Corinthian tại tầng trên. Mái vòm trên trần được trang trí bởi 20 bức tượng các nhân vật thần thoại bằng đá sa thạch. Các bức tường xung quanh có 8 cửa vòm.

Tường công trình được trang trí bằng đá cẩm thạch màu trắng và những lọ hoa bằng đá đỏ. Sàn lát gỗ. Trần được trang trí bởi các bức bích họa miêu tả các đám mây và các loại chim khác nhau.

Nội thất đơn giản, gồm 16 chiếc ghế chạm khắc, mạ vàng, bọc da màu đỏ, đệm da màu xanh lá cây.


Nhà nghỉ Belvedere, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức 

 

Ngôi nhà Rồng  

Ngôi nhà Rồng (Drachenhaus) nằm tại phía bắc Công viên Sanssouci, tại phía nam của Tòa nhà Belvedere, được xây dựng từ năm 1770 đến năm 1772 theo phong cách của một ngôi đền Trung Hoa, được gọi là Chinoiserie. Công trình được thiết kế bởi Carl von Gontard (kiến trúc sư Đức, năm 1731- 1791) theo chỉ đạo của Frederick Đại đế, 6 năm sau khi hoàn thành Ngôi nhà Trung Hoa (Chinesisches Haus). Công trình được dự định dành cho những người trồng nho. Nơi đây trở thành một không gian ẩm thực từ năm 1934

Công trình có mặt bằng hình bát giác. Trung tâm là một tháp cao 4 tầng, nhỏ dần về phía trên. Tầng trệt rộng với những bức tường lõm gồm 1 hội trường, 2 phòng nhỏ và khối tháp. 3 tầng tháp phía trên không sử dụng. Các đỉnh của mái cong lõm được trang trí bằng 16 con rồng bằng kim loại mạ vàng. Tòa nhà được sơn màu xanh lá cây.


Ngôi nhà Rồng, Công viên Sanssouci, Potsdam, Đức 

 

Công trình khác tại Công viên Sanssouci

Đền Tình bạn (Temple of Friendship) nằm tại phía nam đại lộ chính của Công viên, được xây dựng vào năm 1768.  

Đền cổ (Antique Temple) nằm tại phía bắc đại lộ chính của Công viên, được xây dựng vào năm 1768 – 1769 để cất giữ bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật cổ điển (hiện vật, tiền xu, đá quý) của Frederick Đại đế (kể từ năm 1921, Đền cổ được sử dụng làm lăng mộ cho hoàng gia Hohenzollern và không mở cửa cho công chúng). Cả hai công trình đều do Carl von Gontard (kiến trúc sư Đức, năm 1731 – 1791).

 

Khu Vườn mới, Cung điện bằng đá cẩm thạch và Lâu đài Cecilienhof 

Khu Vườn mới (Neuer Garten) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, thuộc thành phố Potsdam. Đây là một dải đất hẹp, phía bắc là hồ Jungfernsee, phía đông là hồ Tiefer (Tiefer See), phía tây là công viên mang tên Pfingstberg. Công viên rộng 102,5ha, được Friedrich Wilhelm II (vua Phổ, trị vì năm 1786 – 1797) xây dựng nhằm tương phản với Công viên Công viên Sanssouci theo phong cách Baroque. Khu vườn được thực hiện bởi Johann August Eyserbeck (nhà làm vườn người Đức, năm 1762- 1801).

Trái ngược với khu vườn cảnh rộng lớn kiểu Anh của thế kỷ 19, với các yếu tố chính là cây cối, đồng cỏ và nước, khu vườn theo mô hình của Anh vào cuối thế kỷ 18 được chia thành các khu vườn tương đối khép kín, được trang trí với các tiểu cảnh kiến trúc sân vườn, được mô phỏng theo thiên nhiên. Cây cối và thực vật ở dạng sinh trưởng tự do. Cuộc sống nông thôn cũng được khám phá lại. Những con bò ăn cỏ là một phần hình ảnh của Khu Vườn mới, sữa của chúng được chế biến sữa thành bơ và pho mát trong khu chăn nuôi bò sữa ở phía bắc của Khu vườn.  

Năm 1816, Peter Joseph Lenné (nghệ sĩ làm vườn người Phổ, năm 1789 – 1866) đã được giao thiết kế lại Khu vườn. Trong khi giữ lại một vài phần riêng lẻ, ông đã tạo ra một công viên cảnh quan kiểu Anh với những khu vườn rộng rãi, đồng cỏ và những con đường rộng, nhưng trên hết là các trục chính công viên dẫn đến các không gian mở liền kề như Pfaueninsel, Glienicke, Babelsberg
và Sacrow.

Khu Vườn mới (Neuer Garten) có các công trình chính sau:

 

Cung điện bằng đá cẩm thạch

Cung điện bằng đá cẩm thạch (Marmorpalais) nằm tại phía đông Khu Vườn mới, cạnh hồ Tiefer (Tiefer See).

Cung điện bằng đá cẩm thạch trong Khu Vườn mới ở Potsdam là cung điện mùa hè của vua Friedrich Wilhelm II. Các kiến ​​trúc sư người Đức Carl von Gontard (năm 1731- 1791), Carl Gotthard Langhans (năm 1732 – 1808, công trình nổi tiếng nhất của ông là Cổng Brandenburg ở Berlin) và Michael Philipp Boumann (1747 – 1803) đã xây dựng nó theo phong cách cổ điển sơ khai vào những năm 1787-1793 và 1797.

Vua Friedrich Wilhelm II qua đời trong Cung điện Cẩm thạch vào năm 1797. Cung điện tiếp tục được mở rộng sau đó.

Công trình được coi là cung điện hoàng gia Phổ đầu tiên và duy nhất theo phong cách Chủ nghĩa cổ điển ban đầu. 

Cung điện bằng đá cẩm thạch có bố cục theo hướng tây bắc – đông nam, phía hồ. Tòa nhà gồm 3 khối nhà, nối với nhau bằng một hành lang kín có mặt bằng dạng bán tròn, tạo thành bố cục hình chữ U. Giữa là một sân trong mở ra phía tây bắc.

Khối chính cao 2 tầng có mặt bằng hình vuông. Bên trên có một tháp tròn phục vụ cho việc ngắm cảnh. Phía sau khối nhà chính là bậc thang xuống mặt nước để lên thuyền đi du ngoạn.

2 khối phụ hai bên được sử dụng cho khách mùa hè của Hoàng gia. Công trình cao 1 tầng với một dãy hành lang có cột tại phía sân trong.

Phía nam của Cung điện, sát hồ là Nhà bếp (Küche), được xây dựng như phế tích của một ngôi đền. Có một lối đi ngầm từ nhà bếp tới Phòng ăn của Cung điện.

Mặt tiền của công trình nổi bật bởi màu xám và trắng của đá cẩm thạch đến từ vùng Silesian.

Nội thất của Cung điện bằng đá cẩm thạch, được trang trí theo phong cách cổ điển. Một số tác phẩm được mua lại từ Ý phục vụ cho mục đích này. Nội thất các phòng với các đồ nội thất quý giá cũng được tạo ra theo hướng quan hệ gần gũi với vùng nông thôn bình dị của Khu Vườn mới.

Sau Chiến tranh thế giới I và chế độ quân chủ chấm dứt, Cung điện bằng đá cẩm thạch (Marmorpalais) được mở cửa lại vào năm 1932 như một bảo tàng. Trong Chiến tranh thế giới II, Công trình bị hư hại và sử dụng cho mục đích khác. Từ năm 1990 – 2018, Tòa nhà được phục hồi hoàn toàn và mở cửa cho công chúng.

 


Phối cảnh tổng thể Cung điện
Marmorpalais, New Garden, Potsdam, Đức



Tiền sảnh
Cung điện Marmorpalais, New Garden, Potsdam, Đức



Phòng Hòa nhạc,
Cung điện 
Marmorpalais, New Garden, Potsdam, Đức

 

Lâu đài Cecilienhof 

Lâu đài Cecilienhof (Schloss Cecilienhof) nằm tại phía bắc của Khu Vườn mới, gần hồ Jungfernsee. Công trình do Paul Schultze-Naumburg (kiến trúc sư người Đức, năm 1869 – 1949) thiết kế, được xây dựng từ năm 1914 - 1917 theo cách bài trí của một trang viên theo kiểu kiến trúc Tudor tại Anh (Tudor architecture, sự phát triển cuối cùng của Kiến trúc Trung cổ tại Anh và xứ Wales, thời kỳ Tudor, năm 1485- 1603).

Lâu đài là cung điện cuối cùng được xây dựng bởi hoàng gia Hohenzollern (cai trị Vương quốc Phổ và Đế chế Đức cho đến khi Thế chiến I kết thúc ). Lâu đài còn nổi tiếng vì đã từng là địa điểm của Hội nghị Potsdam năm 1945, nơi các nhà lãnh đạo của Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ đã đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến việc phân chia Châu Âu và Châu Á sau Thế chiến II. 

Ngày nay, các phần của Cecilienhof vẫn được sử dụng làm bảo tàng và khách sạn. 

Cung điện được thiết kế theo cách để có thể ở trong hầu hết thời gian của năm. Công trình chỉ cao 1 – 2 tầng, mái dốc và có nhiều sân trong. Trong đó có một sân trong chính tại trung tâm.

Cung điện có tới 176 phòng. Các phòng công cộng như sảnh, phòng họp , phòng hút thuốc, thư viện, phòng ăn, salon âm nhạc, phòng viết…đặt tại tầng trệt. Phòng ngủ, phòng thay đồ và phòng tắm tại tầng trên.

 


Tổng mặt bằng Lâu đài Cecilienhof
New Garden, Potsdam, Đức 


Phối cảnh tổng thể Lâu đài Cecilienhof
New Garden, Potsdam, Đức 



Sân trong Lâu đài Cecilienhof
New Garden, Potsdam, Đức

Bên trong phòng họp, Lâu đài CecilienhofNew Garden, Potsdam, Đức

 

Công trình khác tại Khu Vườn mới

Tòa nhà Eremitage nằm tại phía bắc của Khu Vườn mới, sát với hồ Jungfernsee. Đó là một gian nhà nhỏ bằng gỗ không có cửa sổ, lấy ánh sáng từ trên mái, kích thước khoảng 7,3m × 5,7m, như một ẩn thất. Công trình được vua Friedrich Wilhelm II thực hiện vào năm 1796. Trái ngược với ngoại thất đơn giản, nội thất được trang trí xa hoa. Sàn được lát bằng đá cẩm thạch đen và trắng; tường được ốp gỗ và được trang trí bằng các bức tượng cổ. Công trình bị phá hủy vào năm 1964 và được khôi phục lại vào năm 2007.

 


Tòa nhà Eremitage,
New Garden, Potsdam, Đức
 

Tòa nhà Meierei nằm tại phía bắc của Khu vườn mới, sát với hồ Jungfernsee, được thực hiện từ năm 1790- 1792. Đây là cơ sở chăn nuôi bò sữa để cung cấp cho hoàng gia và là nơi sản xuất bơ và pho mát. Những năm sau này, công trình được xây dựng thêm tầng, một tòa tháp và trạm bơm (với ống khói) để cấp nước cho Khu vườn mới. Năm 1991, công trình được cải tạp lại và mở cửa cho du khách như một nơi sản xuất bia và nhà hàng.



Tòa nhà Meierei,
New Garden, Potsdam, Đức

 

Nhà Xanh (Grünes Haus) nằm tại phía đông của Khu Vườn mới, sát với hồ Heiliger See. Công trình cao 2 tầng, là nhà ở cho người phục vụ trong Khu Vườn mới.

 


Phối cảnh Nhà Xanh,
New Garden, Potsdam, Đức

 

Tòa nhà Orangerie nằm tại phía nam của Khu Vườn mới, dài 86m, là công trình bảo quản các loại thực vật kỳ lạ có giá trị. Công trình được cho là lấy cảm hứng từ thần thoại Ai Cập. Hai sảnh ở phía đông và phía tây dành cho việc bảo quản các loại thực vật. Phòng ở giữa, còn gọi là Palm Hall (được trang trí bằng những cây cọ), được trang trí tinh xảo với các tấm gỗ. Cửa sổ lớn và cửa chính ở phía nam mở ra quang cảnh tuyệt đẹp của khu vườn lâu năm xung quanh công trình. Ngoài bảo quản thực vật, Tòa nhà Orangerie còn là nơi sử dựng các sự kiện khác nhau trong suốt mùa hè (tháng 6 – 9). Phòng Palm Hall thường được sử dụng như một phòng hòa nhạc.

 


Phối cảnh Tòa nhà Orangerie,
 New Garden, Potsdam, Đức


Tòa nhà Holländische Etablissement nằm tại phía nam của Khu vườn mới, gồm 2 công trình cao 1 tầng, xây dựng bằng gạch đỏ, mang phong cách của kiến trúc Hà Lan. Đây là nơi ở của những người phục vụ.


Tòa nhà Holländische EtablissementNew Garden, Potsdam, Đức

Thư viện Gotische (Gotische Bibliothek) nằm tại cực nam của Khu Vườn mới. Công trình cao 2 tầng, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 theo phong cách tân Gothic, sử dụng như một thư viện trong một thời gian dài cho đến khi tất cả sách được chuyển đến Thư viện Potsdam vào những năm 1930. Công trình bị bom phá hủy trong Chiến tranh thế giới 2. Năm 1993, công trình được phục hồi.


Thư viện Gotische, New Garden, Potsdam, Đức

 

Tòa nhà Grotte (Tòa nhà hang động) nằm tại phía bắc của Khu Vườn mới, sát với hồ Jungfernsee. Công trình được xây dựng như một hang động nhân tạo để thư giãn vào những ngày hè ấm áp, được trang trí bằng khoáng chất và vỏ sò vào năm 1792- 1792. Bên trong có các phòng được trang trí gương, kính màu và vỏ sò. 

Nhà Đỏ (Rotes Haus) nằm tại phía nam của Khu vườn mới, sát với hồ Heiliger See, gần Nhà Xanh. Công trình cao 1 tầng với mặt tiền sơn thạch cao màu đỏ, là nhà ở cho người phục vụ trong Khu Vườn mới.


Nhà Kim tự tháp (Pyramide) nằm tại phía nam của Khu Vườn mới. Công trình có hình dạng khác thường (ma thuật) với mái dạng kim tự tháp Ai Cập và trang trí bằng các chữ tượng hình dấu hiệu chiêm tinh. Tòa nhà được xây dựng vào năm 1792, sử dụng làm nơi lưu trữ băng đông lạnh của hồ phục vụ cho việc lưu giữ thực phẩm. Hầm của Tòa nhà sâu 5m dưới lòng đất.
  

 

Công viên Pfingsberg và Lâu đài Belvedere

Công viên Pfingsberg và Lâu đài Belvedere (Schloss Belvedere) nằm kề liền phía tây Khu Vườn mới (Neuer Garten), thuộc thành phố Potsdam. Gò núi Pfingsberg có độ cao 76m, cao nhất tại phần phía tây của Khu Vườn mới. Công viên Pfingsberg được xây dựng từ năm 1847 – 1863 theo sự ủy quyền của Friedrich Wilhelm IV (vua Phổ, trị vì năm 1840 – 1861).

Công viên Pfingsberg có các công trình chính sau:

 

Lâu đài Belvedere

Lâu đài Belvedere là tòa nhà nằm trên đỉnh gò núi Pfingstberg được xây dựng dưới thời Friedrich Wilhelm IV (vua Phổ, trị vì năm 1840 – 1861) như một đài quan sát.

Công trình được xây dựng theo 2 giai đoạn, vào năm 1847 – 1852 và 1860 – 1863.

Thiết kế công trình được thực hiện bởi Ludwig Persius (kiến trúc sư Phổ, năm 1803- 1845) dựa trên bản vẽ thiết kế của nhà vua. Friedrich August Stüler (kiến trúc sư, kỹ sư người Phổ, năm 1800 – 1865) và Ludwig Ferdinand Hesse (kiến trúc sư Đức, năm 1795- 1876) đã được ủy thác công việc xây dựng. Peter Joseph Lenné (kiến trúc sư Phổ, năm 1789 – 1866) quy hoạch và thiết kế các cơ sở vật chất ngoài trời.

Sau Chiến tranh thế giới II, Lâu đài Belvedere bị hư hỏng và đóng cửa vào năm 1961. Năm 1988, Công trình dần được phục hồi.

Lâu đài Belvedere có mặt bằng hình vuông, quay về phía tây nam, phía Khu Vườn mới.

Chính giữa Lâu đài là một sân trong với một hồ nước nằm chính giữa. Hồ này có vai trò là bể trữ nước cho các công trình tại Khu Vườn mới. Nước được bơm từ trạm bơm đặt tại Tòa nhà Meierei thuộc Khu Vườn mới.

Bốn phía sân trong của Lâu đài Belvedere là công trình:

Mặt phía đông nam là cổng vào và hai cầu thang ngoài trời lên tầng trên. Do vườn xung quanh trồng cây dày đặc nên tầm nhìn chỉ đạt được từ tầng trên.

Mặt đông bắc và tây nam là hành lang cao hai tầng. Tầng dưới là tường và trụ gạch lớn. Tầng trên là hàng lang mở để quan sát với hàng cột Corinthian đỡ khung mái dạng vòm tròn. Các hành lang này mang phong cách La Mã, một số chi tiết lấy cảm hứng từ kiến trúc Hy Lạp.

Mặt tây bắc cũng là khối nhà cao 2 tầng, tầng trên là một hành lang mở với các trụ tường dạng vòm đỡ mái. Tại hai góc của khối nhà là hai tòa tháp 3 tầng, vươn cao 25m, mô phỏng theo kiến trúc Phục hưng của Ý. Bên trong mỗi tòa tháp có một phòng quy mô khiêm tốn để giải trí.

 


Phối cảnh tổng thể Lâu đài Belvedere trên gò núi Pfingstberg,
Potsdam, Đức



Mặt trước phía đông nam
Lâu đài Belvedere trên gò núi Pfingstberg, Potsdam, Đức


Sân trong Lâu đài Belvedere trên gò núi Pfingstberg, Potsdam, Đức

 

Đền Pomona

Đền Pomona (Pomonatempel) nằm tại phía đông nam Lâu đài Belvedere, được thiết kế bởi Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781- 1841) vào năm 1800. Công trình được có chức năng là một gian hàng trà, được xây dựng theo hình thức cổ điển. Đền thờ Pomona, nữ thần trái cây của người La Mã. Frederick William III (vua Phổ, trị vì năm 1797 – 1840) đã mua lại khu đất vào năm 1817 cùng với tòa nhà cổ kính. Công trình được gia đình hoàng gia sử dụng cho mục đích lưu trú.

Công trình bị rơi vào quên lãng sau Chiến tranh thế giới II và được phục hồi từ năm 1992.

Đền Pomona có mặt bằng gần như vuông, có sảnh hiên dạng đầu hồi tam giác với hàng 4 cột Ionic đỡ diềm mái. Công trình có sân thượng với lan can bao quanh.

 


Phối cảnh Đền Pomona,
Pfingstberg, Potsdam, Đức

 

Công viên và Cung điện Babelsberg

Công viên Babelsberg (Babelsberg Park) nằm tại đông nam Khu vực Di sản, thuộc thành phố Potsdam.

Công viên rộng 114 ha, phía tây giáp với hồ Tiefen See trên sông Havel

Công viên được thiết kế đầu tiên bởi nghệ sĩ cảnh quan Peter Joseph Lenné (kiến trúc sư người Phổ, năm 1789 – 1866), tiếp sau là Hermann von Pückler-Muskau (nhà làm vườn người Đức, năm 1785- 1871) và Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781- 1841), theo lệnh của William I (hoàng đế Đức, trị vì năm 1871- 1888).

Công viên được hình thành từ hệ thống các con đường với tầm nhìn ra vùng nông thôn Potsdam, được tăng cường bởi một mạng lưới các con đường hẹp hơn. Công viên ban đầu chỉ rộng 72 ha, đạt đến quy mô hiện tại vào năm 1875. Trong Công viên có nhiều hồ nhỏ, tạo thành các trục thị giác như hồ JungfernseeWeisser See , Krampnitzer See và Griebnitzsee

Sau năm 1989, Công viên dần được phục hồi. 

Công viên Babelsberg có các công trình chính sau:

 

Cung điện Babelsberg

Cung điện Babelsberg (Schloss Babelsberg) nằm tại phía bắc của Công viên Babelsberg, là nơi ở trong mùa hè của hoàng đế Đức William I (trị vì năm 1871- 1888), hoàng hậu Augustas (Augusta Marie Luise Katharina, năm 1811- 1890) và gia đình hoàng gia.

Tòa nhà được xây dựng từ năm 1834- 1849, theo phong cách Phục hưng Gothic của Anh (còn gọi là phong cách Tudor/ Tudorstil) khởi nguồn từ lâu đài Lâu đài Windsor (Windsor Castle) của Anh.

Công trình được thiết kế bởi Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781- 1841).

Cung điện Babelsberg nằm trên một ngọn đồi, dốc xuống hồ Tiefen See tại phía tây bắc, nằm trên 4 bậc nền (Terrasse), được bao quanh bởi các lan can: Trên cùng phía đông nam là bậc nền Voltaireterrasse (liên quan đến cây bồ đề trước đây từng trồng tại ngôi nhà của nhà triết học Pháp Voltaire trong thời gian ông ở lại Hoàng gia Phổ thời Frederick II)Tiếp đó là bậc thềm Porzellanterrasse (các tác phẩm điêu khắc và chỗ ngồi làm bằng sứ; chính giữa có hồ nước hình tròn mang tên Städtebrunnen) và bậc nền Goldene Terrasse (các đường viền của các ô vườn được sơn màu vàng); Thấp nhất là bậc nền Blaue Terrasse (nền được trang trí bởi dải gốm tráng men màu xanh lam).  


Cung điện có diện tích khoảng 1200m2. Chiều rộng tòa nhà thay đổi từ 10 – 15m. Tháp cao nhất 32m.

Công trình được xây dựng theo hai giai đoạn với hai cấu trúc không đối xứng, đặt cạnh nhau. 

Giai đoạn đầu tiên vào năm 1834 - 1841, khối công trình tại phía đông bắc, cao 2 tầng (không kể tầng hầm) được xây dựng, theo thiết kế của Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781- 1841), bao gồm: Hiên che nắng (Pergola); Căn hộ cho hoàng hậu Augustas (Wohnbau Augustas, nằm tại tầng trệt và tầng trên) và căn hộ của hoàng đế William I (Wohnbau Wilhelms, nằm tại tầng trên); Khối trung tâm hình bát giác (Oktogonturm) là Phòng tiệc trà (Teesalons) và Phòng làm việc của William I.  Mặt tiền của công trình bằng đá sa thạch. 

Giai đoạn sau, vào năm 1844- 1849, khối công trình tại phía tây nam, cao 2 tầng (không kể tầng hầm), đặt trên bậc nền cao hơn so với khối trước (Porzellanterrasse), theo thiết kế của Ludwig Persius (kiến trúc sư người Phổ, năm 1803- 1845) và Johann Heinrich Strack (kiến trúc sư người Đức, năm 1805- 1880), bao gồm: Tháp Oktogonturm với Phòng khiêu vũ (Tanzsaals), Phòng ăn (Speisesaalbau), Phòng có tường nhô ra (Erkerbau), Tháp tròn (Dicker Turm) và Tháp bậc thang (Treppenturm). Tại đầu phía tây, một phần tầng trệt là Căn hộ (Appartement) của gia đình hoàng gia.

Mặt tiền của công trình bằng gạch và được sơn thạch cao giống như mặt tiền của khối công trình xây dựng giai đoạn trước.

Cung điện Babelsberg có hình khối như cộng lại của nhiều khối nhà hình chữ nhật, hình tròn, bát giác và được nhấn mạnh bởi nhiều tháp nhỏ hình tròn, hoặc chữ nhật, vươn cao trên mái. Nhìn từ xa, Cung điện có hình dáng như một lâu đài thời Trung cổ.

Mặt tiền của cung điện có khoảng 380 cửa sổ và cửa ra vào. Cửa kính là mảng lớn, không ghép từ nhiều mảnh kính nhỏ như các công trình thời Trung cổ thông thường.

Trên các bậc thềm sân của Cung điện có rất nhiều tượng đài trang trí, như tượng thiên thần (Michaelsdenkmal),  tượng động vật (Tierplastiken).

Từ năm 1860 trở đi, nhà bếp được bố trí nằm bên ngoài Cung điện, trong một khu riêng biệt và kết nối với Cung điện qua một đường hầm dài 300m dưới lòng đất. 

Cung điện Babelsberg trở thành khuôn mẫu cho một số lâu đài khác xây dựng tiếp theo tại Đức.

Sau cái chết của hoàng đế Wilhelm I vào năm 1888, Cung điện mất đi ý nghĩa chính trị và văn hóa.

Vào năm 1927, Công trình chuyển đổi thành bảo tàng. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Cung điện bị sử dụng theo nhiều chức năng khác nhau. Kể từ năm 2013, Cung điện Babelsberg đã được phục dựng lại về mặt tiền và nội thất để công chúng có thể tiếp cận lại với tư cách là một bảo tàng. 



Tổng mặt bằng 
với 4 bậc nền Cung điện Babelsberg, Potsdam, Đức




Sơ đồ mặt bằng 
Cung điện Babelsberg, Potsdam, Đức


Phối cảnh nhìn từ phía bắc Cung điện Babelsberg, 
Potsdam, Đức 

 

Trạm bơm

Trạm bơm (Damfmaschinenhaus) nằm tại phía bắc của Công viên Babelsberg. Đây được coi là thành tựu kỹ thuật của thế kỷ 19. Theo quy hoạch của Ludwig Persius (kiến trúc sư người Phổ, năm 1803- 1845), Trạm bơm được xây dựng vào năm 1843–1845 cùng với việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu dưới sự chỉ đạo của Moritz Gotttreu (kiến trúc sư, kỹ sư người Đức, năm 1813- 1885). Công trình có hình khối đơn giản, được bổ sung bởi các tháp (ống khói) và cửa sổ lồi, tương tự như phong cách kiến trúc của Tòa nhà Meierei (Nhà nuôi bò sữa, cũng do Ludwig Persius thiết kế) nằm tại phía bắc của Khu vườn mới (New Garden, Potsdam).

Dưới tầng hầm là lò hơi và các phòng máy, xưởng và căn hộ của thợ cơ khí bậc thầy. Tầng trên là căn hộ của một bá tước thuộc triều đình Wilhelm I (hoàng đế Đức, trị vì năm 1871- 1888).

Phòng máy có động cơ 65 mã lực, có thể tạo áp lực cho đài phun nước cao 40m. Từ khi có Trạm bơm, công viên đã nhận được nguồn cung cấp nước đều đặn.

 


Trạm bơm, Công viên Babelsberg,
Potsdam, Đức

 

Lâu đài nhỏ

Lâu đài nhỏ (Kleines Schloss) nằm tại phía tây Công viên Babelsberg, sát hồ Tiefen See. Công trình là một nhà vườn nhỏ, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1833/1834 theo thiết kế của kiến trúc sư Ludwig Persius. Công trình được chỉnh sửa lại vào năm 1841/1842 theo phong cách Phục hưng Gothic của Anh (còn gọi là phong cách Tudor/ Tudorstil) theo mong muốn của Hoàng hậu Augustas.

Tòa nhà màu trắng là nơi ở của gia đình Hoàng tử Friedrich Wilhelm (năm 1831- 1888), sau này là hoàng đế Friedrich III. Sau cái chết của ông vào năm 1888, ngôi nhà rơi vào quên lãng.

 


Lâu đài nhỏ,
Công viên Babelsberg, Potsdam, Đức

 

Công trình khác tại Khu Vườn mới

Công viên Babelsberg có nhiều công trình kiến trúc nhỏ, trong đó có: 

Dinh thự Gerichtslaube (Court Arbor): Nằm tại phía tây Công viên Babelsberg. Đây là một tòa dinh thự của Tòa thị chính Berlin, được xây dựng vào năm 1871. Công trình có quy mô nhỏ, 2 tầng, xây bằng gạch đỏ với các ô cửa sổ kiểu Gothic ở tầng trên. Tại trung tâm của sảnh tầng trệt có cột trụ tượng trưng cho một lùm cây (Arbor), nơi diễn ra các phiên điều trần công khai. Trên đỉnh cột đỡ vòm trần có một bức phù điêu bằng đá miêu tả những thói xấu của con người thông qua các biểu tượng: Sự háu ăn và tà dâm của con lợn; Sự hung hãn của đại bàng; Sự tham lam của loài khỉ...

 


Dinh thự Gerichtslaube,
Công viên Babelsberg, Potsdam, Đức

 

Tháp Flatow (Flatowturm): Nằm tại phía tây Công viên Babelsberg, giữa một hồ nước nhỏ. Công trình nằm trên địa điểm một cối xay gió Hà Lan bị thiêu rụi vào năm 1848. Tháp được xây dựng vào năm 1853- 1856, theo thiết kế của kiến trúc sư Johann Heinrich Strack, dựa theo mô hình tháp Eschenheimer Torturm ở Frankfurt am Main, Đức từ thế kỷ 15. Tòa tháp cao 46m có thể nhìn thấy từ xa. Sau năm 1945, nội thất bên trong công trình đã bị cướp và phá hoại.

 


Tháp Flatow,
Công viên Babelsberg, Potsdam, Đức

 

Ngôi nhà của thủy thủ (Matrosenhaus): Nằm tại phía tây Công viên Babelsberg. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Johann Heinrich Strack, theo phong cách Gothic của Đức, khánh thành vào năm 1842. Tòa nhà là nơi ở của các thủy thủ, những người có nhiệm vụ chăm sóc tàu, thuyền của hoàng gia. Đầu hồi bậc thang của Tòa nhà được bổ sung vào năm 1868.

 


Ngôi nhà của thủy thủ (Matrosenhaus),
Công viên Babelsberg, Potsdam, Đức

 

Cột chiến thắng (Siegensaule): Nằm tại phía tây Công viên Babelsberg. Cột được dựng bởi Wilhelm I (Wilhelm Đại đế, trị vì năm 1871 – 1888) để kỷ niệm chiến thắng năm 1866 trong Chiến tranh Áo – Phổ.

 

Công viên lâu đài Sacrow

Công viên lâu đài Sacrow (Schlosspark Sacrow) nằm tại phía bắc Khu vực Di sản, sát phía bắc hồ Jungfernsee, thuộc thành phố Potsdam.

Công viên lâu đài Sacrow rộng khoảng 24ha với các công trình chính sau:

 

Cung điện Sacrow

Cung điện Sacrow (Schloss Sacrow) nằm tại phía bắc của Công viên.

Công trình được xây dựng vào năm 1773 bởi Johann Ludwig von Hordt (tướng người Phổ, gốc Thụy Điển, năm 1719 – 1798). Ông mua điền trang này vào năm 1773 và xây dựng trên đó một trang viên mới trên địa điểm của một tòa nhà đã có từ trước. Công trình được xây dựng theo phong cách Baroque; đối xứng nghiêm ngặt với 4 hàng cửa sổ ở mỗi bên của trục trung tâm; có một nhà kính lớn, được kết nối trực tiếp với đầu hồi phía nam của tòa nhà. 

Ngôi nhà được đổi chủ nhiều lần. Nơi đây còn được sử dụng để sản xuất đường và chì.

Năm 1840, Friedrich Wilhelm IV (vua Phổ, trị vì năm 1840 – 1861) đã mua bất động sản. Ông cũng ra lệnh kiến trúc sư Ludwig Persius (người Phổ, năm 1803- 1845) xây dựng Nhà thờ Heiland (Heilandskirche) gần đó.

Ludwig Persius đã mở rộng hai tầng ở đầu hồi phía bắc công trình cũ, tạo thành một lối vào kiểu Ý. Một tòa nhà lưu trữ lớn cũng được xây dựng phía sau nhà kính. Hậu cung của công trình được sử dụng làm nơi ở chính thức của vị mục sư của Nhà thờ Heiland.  

Cũng trong thời gian này, Peter Joseph Lenne (nghệ sĩ làm vườn người Phổ, năm 1789- 1866) xây dựng các khu vườn bao quanh lâu đài với các trục thị giác cho phép nhìn ra các cung điện tại những công viên hoàng gia lân cận. Kể từ đó, trang viên tại Sacrow được coi như một cung điện, mặt dù bản thân nhà vua chưa bao giờ tới sống tại đó.

Từ năm 1938, Cung điện được chuyển đổi thành dinh thự với nhiều thay đổi mặt bằng cũng như diện mạo.

Từ năm 1945, dinh thự trở thành nhà trẻ và nhà dưỡng lão.

Sau năm 1990, Cung điện và công viên Sacrow được phục dựng lại như thiết kế ban đầu và thiết lập công trình như một bảo tàng.

 


Cung điện Sacrow,
Potsdam, Đức

 

Nhà thờ Heiland

Nhà thờ Heiland (Heilandskirche/Church of the Redeemer) nằm tại phía nam Công viên, sát bờ hồ Jungfernsee. Công trình được kiến trúc sư Ludwig Persius xây dựng, theo chỉ đạo của Friedrich Wilhelm IV (vua Phổ, trị vì năm 1840 – 1861), người đã mua bất động sản vào năm 1840.

Nhà thờ được xây dựng trên nền của nhà thờ trước đó.

Nhà thờ Heiland được xây dựng vào năm 1841- 1844, là nhà thờ của giáo phái Lutheranism, là một trong những nhánh lớn nhất của đạo Tin Lành (Protestantism).

Nhà thờ bị xuống cấp trong giai đoạn 1961- 1989. Từ năm 1993- 1995, Công trình được trùng tu lại.

Tương tự như Nhà thờ Hòa Bình (Friedenskirche) tại Công viên Sanssouci (Park of Sanssouci), Nhà thờ Heiland là một loại nhà thờ Cơ đốc giáo thời kỳ đầu.

Nhà thờ có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.

Công trình dài 18m, rộng 8m, cao 9m.

Gian Hội trường (Nave) có 3 nhịp. Nhịp giữa rộng và cao, nhịp hai bên thấp, không có tường bao với hàng cột phía ngoài, tạo thành một hàng hiên chạy dọc nhà. Kết cấu đỡ mái bằng khung gỗ.

Phía sau Ban thờ (High Altar) là một không gian bán tròn (Apse) với mái vòm. Phòng thờ đơn giản của Nhà thờ được trang trí bởi những bức bích họa theo phong cách Byzantine ở phần đỉnh. Bàn thờ gỗ xưa đã bị phá hủy vào năm 1961.

Ánh sáng chiếu vào bên trong nhà thờ qua cửa sổ hình vòm tròn trong Ban thờ  cửa sổ hoa hồng trên đầu hồi phía tây. Các bức tường bên ngoài được trang trí bằng bằng gạch vàng, có sọc màu xanh lam. 

Tháp chuông tách khỏi Nhà thờ, cao 20m, bằng gạch, nhìn từ xa trông giống như ống khói của một chiếc tàu hơi nước.



Nhà thờ Heiland, Công viên lâu đài Sacrow, Potsdam, Đức

 

Công viên Klein-Glienicke

Công viên Klein-Glienicke (Park Klein-Glienicke) nằm tại phía đông Khu vực Di sản, sát phía đông hồ Jungfernsee, thuộc thành phố Berlin.

Công viên Klein-Glienicke có các công trình chính sau:

 

Lâu đài Glienicke

Lâu đài Glienicke (Schloss Glienicke) nằm tại phía tây Công viên Klein-Glienicke. Đây là lâu đài mùa hè của hoàng tử Phổ Friedrich Carl Alexander (năm 1801 – 1883).

Hình thức cổ điển của Lâu đài bắt nguồn từ một trang viên có từ năm 1753, dạng một biệt thự Ý. Từ năm 1825, Công trình được chuyển đổi và mở rộng bởi Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư, nhà nghệ thuật, xây dựng người Phổ, năm 1781- 1841).

Sau cái chết của hoàng tử Friedrich Carl Alexander vào năm 1883, tòa nhà bị bỏ quên. Sau Chiến tranh thế giới II, năm 1945, Công trình được sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau. Từ năm 1980, được sử dụng như một bảo tàng cung điện với nhiều di sản về hoàng tử Friedrich Carl Alexander và bảo tàng về nghề làm vườn cung đình đầu tiên tại châu Âu.

Lâu đài là một quần thể công trình cao 2 tầng với các nhóm nhà có bố cục theo hình chữ U.

Mặt tiền và nội thất của các công trình trong Lâu đài thay đổi theo thời gian và chủ sử dụng trong suốt quá trình biến một biệt thự vùng quê thành một lâu đài Tân cổ điển với các phòng điển hình: Tiền sảnh (Vestibül); Sảnh hiên (Gartensaal); Phòng đỏ (Roter Saal); Phòng xanh lá cây (Grüner Salon); Phòng ngủ màu ngọc lam (Schlafzimmer); Phòng trắng (Weißer Salon); Phòng xanh da trời (Blaues Eckzimmer); Phòng làm việc (Arbeitszimmer); Hành lang trên cánh phía tây (Flur im Obergeschoss des Westflügels)…

Ngoài ra, trong Cung điện còn có số nhà phụ của trang viên như nhà ở cho người phục vụ, chuồng ngựa; Nhà  của người huấn luyện ngựa với một tòa tháp có vai trò làm phong phú thêm hình khối của quần thể…

 


Phối cảnh tổng thể Cung điện Glienicke, Berlin, Đức



Phía nam của Cung điện Glienicke với đài phun nước sư tử,
Berlin, Đức

 

Tòa nhà Hofgärtner và Maschinenhaus

Tòa nhà Hofgärtner (Ngôi nhà của người làm vườn) và Maschinenhaus (Trạm bơm)  nằm tại phía tây Công viên Klein-Glienicke, sát hồ.

Trạm bơm được Ludwig Persius (kiến trúc người Phổ, năm 1803- 1845) xây dựng vào năm 1836 – 1838 để đặt hệ thống động cơ hơi nước. Tháp nước (cao tương đương 4 tầng nhà) đặt tách khỏi trạm bơm và có cấu trúc vòm kết nối với ngôi nhà 2 tầng của người làm vườn.

 


Phối cảnh Tòa nhà của người làm vườn và Trạm bơm, Công viên Klein-Glienicke,
Berlin, Đức

 

Lâu đài Jagdschloss

Lâu đài Jagdschloss nằm tại phía nam Công viên Klein-Glienicke, sát hồ. Công trình là một nhà nghỉ săn bắn, được xây dựng lần đầu vào năm 1682- 1684 dưới thời Frederick William (hầu tước của Brandenburg và công tước Phổ, trị vì năm 1640 – 1688) cùng với biệt thự hoàng gia (Cavalier house), chuồng ngựa. Quần thể được thiết kế bởi Charles Philippe Dieussart (kiến trúc sư, nhà điêu khắc người Hà Lan, năm 1625 – 1696).

Khuôn viên lâu đài được hoàn thành vào năm 1693 dưới thời trị vì của Frederick I (vua Phổ, trị vì năm 1701- 1713). Khi Frederick I lên làm vua Phổ vào năm 1701, ông đã cho xây dựng lại Lâu đài theo phong cách Baroque. Vua Phổ Frederick William I (trị vì năm 1713 – 1740) đã sử dụng công trình như một bệnh viện quân sự. Năm 1763, Frederick Đại đế đã tặng Lâu đài cho một nhà sản xuất giấy dán tường và thảm. Lâu đài trở thành nơi sản xuất giấy dán tường và trở thành trại trẻ mồ côi vào năm 1832.

Năm 1850, công trình được hoàng gia mua lại và được cải tạo lại theo phong cách Neo-baroque bởi kiến trúc sư của triều đình Ferdinand von Arnim (người Đức, năm 1814- 1866).

Vào năm 1889-1892, Lâu đài được mở rộng khối trung tâm và thêm một tòa tháp.  

Năm 1939, Lâu đài thuộc quyền sở hữu của thành phố Berlin và từ đó được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Công trình được cải tạo lại vào năm 2005.

Công trình có bố cục hình chữ T với trục đối xứng theo hướng đông bắc – tây nam. Mặt đứng hướng về phía về phía tây bắc; Khối chung cao 3 tầng và khối trung tâm cao 4 tầng. Tòa tháp mặt bằng hình bát giác, nằm tại góc nhà, vươn cao lên khỏi mái.

 


Phối cảnh tổng thể Lâu đài Jagdschloss,
Công viên Klein-Glienicke, Berlin, Đức



Mặt tiền phía tây bắc Lâu đài Jagdschloss,
Công viên Klein-Glienicke, Berlin, Đức 

 

Casino

Casino nằm tại phía tây Công viên Klein-Glienicke, sát hồ. Công trình là một công trình quy mô nhỏ, mặt bằng hình chữ U, cao 2 tầng. Hai bên là hai cánh hàng hiên.

 

Đảo Pfaueninsel 

Đảo Pfaueninsel (Peacock Island), nằm tại phía đông bắc Khu vực Di sản, như hình một con cá trên hồ Jungfernsee, thuộc thành phố Berlin. Đây cũng là khu vực bảo vệ đặc biệt cho loài chim hoang dã.

Pfaueninsel rộng 67 ha, chủ yếu là rừng với một số khu vực bãi cỏ và cánh đồng.

Vào cuối thế kỷ 17, trên Đảo có một trại nuôi thỏ. Từ năm 1658, tại phía đông của Đảo xuất hiện một xưởng đúc thủy tinh ruby ​​(đỏ) nhân tạo. Năm 1689, xưởng đúc bị phá hủy do hỏa hoạn.

Hòn đảo này vẫn không được sử dụng trong khoảng 100 năm cho đến khi, vào năm 1793, vua Phổ Frederick William II (trị vì năm 1786 – 1797) mua lại Đảo và xây dựng Cung điện Pfaueninsel cho chính mình.

Người kế vị của Frederick William, Frederick William III (vua nước Phổ, trị vì năm 1797 – 1840) đã biến hòn đảo thành một trang viên kiểu mẫu, Vào năm 1821–1834, Trang viên được thiết kế lại bởi Peter Joseph Lenné (kiến trúc sư người Phổ, người định hình sự phát triển của thiết kế sân vườn Đức thế kỷ 19 theo phong cách Tân cổ điển, năm 1789 – 1866) và Karl Friedrich Schinkel (kiến trúc sư người Phổ, năm 1781- 1841). Nhà vua cũng đặt một nhà nuôi động vật theo mô hình của Vườn bách thú Ménagerie du Jardin des Plantes ở Paris, Pháp. Trong đó có cả động vật như cá sấu, trâu, chuột túi, khỉ, tắc kè hoa, sói, đại bàng, sư tử, lạc đà không bướu (lamas), gấu, hải ly, công… Số lượng động vật đạt đỉnh điểm là hơn 900 con, từ hơn 100 loài.

Các tòa nhà trong Trang viên được thiết kế theo phong cách biệt thự Ý và bao gồm cả hang động và chuồng chim (vẫn còn cho đến ngày nay). Năm 1844, khi Sở thú Berlin được thành lập, các con vật đã được chuyển đến đây.

 

Đảo Pfaueninsel có các công trình chính sau:

 

Cung điện Pfaueninsel

Cung điện Pfaueninsel (Schloss Pfaueninsel) nằm tại phía nam Đảo Pfaueninsel, sát hồ.

Năm 1794 - 1797, Friedrich Wilhelm II đã xây dựng một cung điện mùa hè cho riêng mình tương tự như Cung điện bằng đá cẩm thạch (Marmorpalais) trong Khu Vườn mới ở Potsdam.

Lâu đài sau đó được sử dụng bởi người kế vị Frederick William III.

Lâu đài được thiết kế như một kiến ​​trúc hoang sơ, lãng mạn, và một trong những yêu cầu của nhà vua là tòa nhà phải được làm bằng gỗ Phổ. Thiết kế do Michael Philipp Boumann (kiến trúc sư người Đức, năm 1747- 1803) và thợ mộc bậc thầy Johann Gottlieb Brendel đảm nhiệm.

Công trình có hình thức kiến trúc đặc biệt: Gồm một khối lập phương 2 tầng. Hai góc có hai tháp tròn, được nối với nhau bằng một cây cầu, ban đầu bằng gỗ, sau đó thay thế bằng sắt rèn vào đầu nam 1807.

Công trình có nội thất đơn giản nhưng được trang bị theo tiêu chuẩn rất cao. Các đồ đạc gần như hoàn toàn nguyên vẹn cho đến ngày nay.


Cung điện 
Pfaueninsel, 
Đảo Pfaueninsel, Berlin, Đức

 

Tòa nhà Meierei

Tòa nhà Meierei là nơi chế biến sữa, nằm tại phía bắc Đảo Pfaueninsel, được xây dựng cùng lúc với Cung điện Pfaueninsel, vào năm 1794- 1795.

Mặt ngoài của tòa nhà gợi nhớ đến một tu viện đổ nát. 

Công trình gồm hai khối với mặt bằng hình chữ nhật. Một khối cao 1 tầng và một khối cao 2 tầng.

Ở tầng trệt là một chuồng bò sữa. Vua Phổ có thể tham gia vắt sữa và các thành viên hoàng gia có thể đánh kem sữa tạo thành bơ.

 


Phối cảnh Tòa nhà Meierei, Đảo Pfaueninsel, Berlin, Đức

 

Di sản Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin, Đứcmột tổng thể nghệ thuật với bản chất chiết trung và mang lại cảm giác độc đáo; thể hiện sự thống nhất lịch sử của cảnh quan, quyền lực nhà nước và văn hóa; một trong những ví dụ độc đáo về thiết kế cảnh quan dựa trên nền tảng của các ý tưởng quân chủ của nhà nước Phổ.  

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/532/
https://en.wikipedia.org/wiki/Germany
https://en.wikipedia.org/wiki/Palaces_and_Parks_of_Potsdam_and_Berlin
https://en.wikipedia.org/wiki/Sanssouci
https://en.wikipedia.org/wiki/Sanssouci_Park
https://www.spsg.de/en/palaces-gardens/object/sanssouci-palace/
https://en.wikipedia.org/wiki/New_Palace,_Potsdam
https://en.wikipedia.org/wiki/Ruinenberg
https://en.wikipedia.org/wiki/Roman_Baths_(Potsdam)
https://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_House_(Potsdam)
https://en.wikipedia.org/wiki/Charlottenhof_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_Peace,_Potsdam
https://de.wikipedia.org/wiki/Neue_Kammern
https://de.wikipedia.org/wiki/Historische_M%C3%BChle_von_Sanssouci
https://en.wikipedia.org/wiki/Belvedere_auf_dem_Klausberg
https://de.wikipedia.org/wiki/Drachenhaus_(Potsdam)
https://de.wikipedia.org/wiki/Neuer_Garten
https://de.wikipedia.org/wiki/Marmorpalais
https://www.spsg.de/schloesser-gaerten/objekt/marmorpalais/
https://en.wikipedia.org/wiki/Cecilienhof
https://en.wikipedia.org/wiki/Dairy_in_the_New_Garden
https://en.wikipedia.org/wiki/Belvedere_on_the_Pfingstberg
https://de.wikipedia.org/wiki/Pomonatempel
https://en.wikipedia.org/wiki/Babelsberg_Park
https://de.wikipedia.org/wiki/Schloss_Babelsberg
https://de.wikipedia.org/wiki/Park_Babelsberg
https://de.wikipedia.org/wiki/Schloss_Sacrow
https://de.wikipedia.org/wiki/Heilandskirche_am_Port_von_Sacrow
https://de.wikipedia.org/wiki/Schloss_Glienicke
https://en.wikipedia.org/wiki/Pfaueninsel
https://de.wikipedia.org/wiki/Schloss_Pfaueninsel
 

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ           

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi


Cập nhật ( 13/11/2022 )
 
Tin mới đưa:

“Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là Tà.

Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà.

Làm việc Chính là người Thiện”.

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com