Tu viện Daphni, Tu viện Hosios Loukas và Tu viện Nea Moni tại Chios, Hy Lạp
22/01/2023
Thông tin chung: Công trình: Tu viện Daphni, Tu viện Hosios Loukas và Tu viện Nea Moni tại Chios (Monasteries of Daphni, Hosios Loukas and Nea Moni of Chios) Địa điểm: Vùng Attica (Regions of Attica), vùng Trung Hy Lạp (Central Greece) và vùng Bắc Aegean (North Aegean), Hy Lạp (N38 23 43 E22 44 48) Thiết kế kiến trúc: Quy mô: Diện tích Di sản 3,7ha; Vùng đệm 5.815,58 ha Năm xây dựng: Giá trị: Di sản thế giới (1990; hạng mục i; iv)
Hy Lạp (Greece) là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu, cực nam của Balkans; ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Hy Lạp có chung biên giới đất liền với Albania về phía tây bắc, North Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông bắc; giáp biển Aegean ở phía đông, biển Ionian ở phía tây, biển Cretan và Địa Trung Hải ở phía nam. Hy Lạp có diện tích 131957km2, dân số khoảng 10,72 triệu người (năm 2019). Hy Lạp ngày nay được phân thành 7 bang, 13 khu vực với 325 thành phố. Athens là thành phố thủ đô và lớn nhất, thuộc khu vực Attica. Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic. Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), Hy Lạp gồm nhiều thị quốc (thành bang) độc lập, được gọi là poleis (số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy), kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen. Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian (Delian League, thành lập năm 478 TCN). Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II (trị vì năm 359–336 TCN) của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế (Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN) nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa La Mã cổ đại và vẫn còn tác động đến các nền văn minh phương Tây sau này. Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã(Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476) và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp. Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox Church) xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp. Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế OttomanThổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922). Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830. Hy Lạp (Hellenic Republic) là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 18 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (đến năm 2019).
Vào thế kỷ 11 và 12, Byzantine thời kỳ giữa (Middle Period of Byzantine), tại Hy Lạp xuất hiện một loại nhà thờ có cấu trúc tích hợp hình học phức tạp (hình vuông, chữ thập, bát giác, hình tròn, bán tròn, theo cả mặt bằng và chiều cao). Không gian trung tâm của Nhà thờ (Gian giữa) có mặt bằng hình chữ thập Hy Lạp (4 nhánh đều nhau), nằm trong một hình bát giác; Xung quanh hình chữ thập là các không gian mở rộng tạo thành mặt bằng hình vuông. Phía trên của hình chữ thập là các mái dạng vòm thùng. Trung tâm của hình chữ thập là một tháp mái vòm tròn với các bán vòm tại 4 góc. Trong thần học Byzantine, nhà thờ là biểu tượng của vũ trụ Cơ đốc giáo, nhằm phản ánh vẻ huy hoàng của thiên đường. Cấu trúc không gian và bề mặt phức tạp này là nền cho các trang trí bằng đá cẩm thạch cũng như tranh khảm được chuẩn hóa theo từng cấp bậc: Biểu tượng Chúa Kitô trên Thiên đàng, là cấp cao nhất, được mô tả tại các mái vòm Gian giữa và Hậu đường; Các sự kiện từ lịch sử thiêng liêng diễn ra bên dưới, cấp thứ hai, được mô tả tại các mái vòm thấp hơn; Chân dung của các vị thánh với những người thờ phụng xung quanh trên Trái đất, là cấp thấp nhất, được mô tả tại các bức tường. Việc tổ chức chiếu sáng cũng tương tự theo các cấp bậc như vậy. Cấu trúc phức tạp và các trang trí tuyệt đẹp này đã trở thành đặc trưng thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Byzantine (Byzantine Art), là loại hình nghệ thuật vượt qua việc mô phỏng đơn thuần thực tế và luôn liên kết các đối tượng miêu tả bởi một nội dung mang ý nghĩa tượng trưng nào đó. Nổi bật trong số đó là các nhà thờ trong ba tu viện: Tu viện Daphni tại vùng Attica (Regions of Attica) gần thủ đô Athens; Tu viện Hosios Loukas tại vùng Trung Hy Lạp (Central Greece), gần thành phố Thebes; và Tu viện Nea Moni trên đảo Chios tại vùng Bắc Aegean (North Aegean). Mặc dù cách xa nhau về mặt địa lý, ba Tu viện thuộc Byzantine thời kỳ giữa này đều cùng một loại phong cách với đặc điểm kiến trúc và thẩm mỹ giống nhau.
Bản đồ Hy Lạp và vị trí của thành phố Thebes (ký hiệu 1) Athen (ký hiệu 2), và đảo Chios (ký hiệu 3)
Tu viện Daphni (vùng Attica/ Regions of Attica), Tu viện Hosios Loukas (vùng Trung Hy Lạp /Central Greece), và Tu viện Nea Moni tại đảo Chios (vùng Bắc Aegean/North Aegean), Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1990) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Tu viện Daphni, Tu viện Hosios Loukas và Tu viện Nea Moni tại Chios, với những bức tranh khảm đáng ngưỡng mộ trên nền vàng, đại diện cho những thành tựu độc đáo của nghệ thuật Byzantine, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iv): Ba tu viện này là những ví dụ nổi bật về loại hình xây dựng đặc trưng của kiến trúc tôn giáo Byzantine thời kỳ giữa. Tu viện Nea Moni tại Chios là minh họa cách diễn đạt đơn giản nhất: Một nhà thờ có mặt bằng bát giác - hình vuông, không có cánh chữ thập xung quanh. Tu viện Hosios Loukas và Tu viện Daphni phức tạp hơn. Hai Tu viện này có một không gian trung tâm hình bát giác - chữ thập, được bao quanh bởi một loạt các không gian tạo thành mặt bằng hình vuông. Cấu trúc phức tạp này xác định một hệ thống phân cấp về quy mô và chức năng không gian của tòa nhà và cho phép thực hiện việc trang trí với nhiều loại biểu tượng đa dạng hơn. Ba tu viện đã trở thành hình mẫu cho các nhà thờ khác như: Nhà thờ Christianou gần Kyparissia, Nhà thờ Panaghia Likodimou ở Athens, Nhà thờ Saint Sophia ở Monemvasia cùng với Nhà thờ Saints Theodoroi tại Mystras (Di sản thế giới năm 1989). Đây là những nhà thờ tiêu biểu nhờ sự hoàn hảo trong kiến trúc, vẻ đẹp của tranh khảm và tranh vẽ.
Tu viện Hosios Loukas Tu viện Hosios Loukas (Monasteries of Hosios Loukas) nằm tại thị trấn Distomo, phía tây Boeotia, Hy Lạp (N38 24 0.00; E22 45 0.00); Tu viện có diện tích 1,42ha, diện tích vùng đệm 5443,31ha. Boeotia là một trong 74 đơn vị hành chính cấp hai, là các bộ phận của 13 khu vực (bang/vùng) được chia thành các đô thị. Boeotia thuộc khu vực Miền Trung Hy Lạp (Central Greece) với thủ phủ là Livadeia, và thành phố lớn nhất là Thebes. Thị trấn Distomo là một phần của đô thị Distomo-Arachova-Antikyra, có diện tích 131,270 km2, dân số khoảng 3,9 ngàn người (năm 2011). Distomo nằm ở thung lũng phía tây của núi Helicon (một ngọn núi nổi tiếng trong Thần thoại Hy Lạp, cao 1749m so với mực nước biển), ở độ cao khoảng 450m, cách bờ biển vịnh Corinth 5 km về phía bắc, cách thành phố Arachova 9 km về phía đông nam và 105 km về phía tây bắc thủ đô Athens. Nằm về phía đông nam của thị trấn Distomo, cách khoảng 4km là làng Steiri. Ngôi làng nằm tại thung lũng phía tây của núi Helicon, ở độ cao 450m, dân số khoảng 0,7 ngàn người (năm 2011). Quốc lộ Hy Lạp 29 ( Itea -Desfina - Distomo - Hosios Loukas) đi qua làng. Tu viện Hosios Loukas nằm về phía đông nam của làng Steiri, cách khoảng 3,1km; trên mặt đông nam của một sườn núi, thuộc dãy núi Helicon.
Sơ đồ phạm vi Di sản Tu viện Hosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Sơ đồ phạm vi vùng đệm Di sản Tu viện Hosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Hosios Loukas là một tu viện lịch sử được thành lập vào giữa thế kỷ thứ 10, là một trong những di tích quan trọng nhất của nghệ thuật và kiến trúc Byzantine (Byzantine Architecture, là kiến trúc của Đế chế Byzantine/Byzantine Empire hay Đế chế Đông La Mã/Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453). Thời đại Byzantine bắt đầu từ năm 330 sau Công nguyên, khi Constantine Đại đế dời thủ đô La Mã đến Byzantium (sau này là Constantinople), cho đến khi Đế chế Byzantine sụp đổ vào năm 1453. Kiến trúc Byzantine ảnh hưởng đáng kể đến kiến trúc thời Trung cổ sau này trên khắp châu Âu và Cận Đông. Tu viện Hosios Loukas được thành lập bởi ẩn sĩ Lukas (Luke of Steiris/ Luke Thaumaturgus/ Luke of Hellas, năm 896 - 953), là một vị thánh Byzantine vào thế kỷ 10. Lăng mộ của ông được bảo quản trong Tu viện Hosios Loukas.
Tu viện Hosios Loukas được hình thành bởi nguồn tài chính hỗ trợ từ các Hoàng đế Byzantine Romanos II (trị vì năm 959- 963), con trai ông, Hoàng đế Basil II (trị vì năm 976- 1025), Hoàng đế Constantine IX Monomachos (trị vì năm 1042 –1055) và những nhà quý tộc địa phương. Ngoài ra, sự giàu có của Tu viện còn đến từ sự đóng góp của khách thập phương. Theo truyền thuyết, xá lị của Thánh Luke đã tiết ra chất myron, một loại dầu thơm có phép lạ chữa bệnh. Những người hành hương đã đến đây với hy vọng vào sự kỳ diệu và được khuyến khích ngủ bên cạnh lăng mộ để được chữa lành bệnh tật.
Tu viện Hosios Loukas giống như nhiều tu viện Byzantine khác, là một quần thể các tòa nhà có khoảng cách gần nhau, được xây dựng kiên cố, có tường bao quanh. Quần thể có lối vào từ phía nam và phía đông. Tu viện gồm hai nhà thờ: Nhà thờ Thánh Luke tại Stiris (Church of Saint Luke of Stiris/ Katholikon) và nhà thờ nhỏ và cũ hơn dành riêng cho Đức Mẹ Maria (Church of the Mather of God/ Panageia Theotokos); Tại đây còn có nhà ăn, một tháp chuông (tại góc tây nam Quần thể), nhà xưởng, phòng ở của tu sĩ, được đặt xung quanh một sân lớn. Tu viện còn có một nhà chăn nuôi gia súc. Tu viện Hosios Loukas nổi tiếng khắp vùng Byzantium nhờ bố cục phức tạp và lối trang trí xa hoa, được áp dụng một cách tự do trên mọi bề mặt công trình và hầm mộ. Ngoài các bức tranh khảm, chạm khắc, tranh tường, đĩa vàng và bạc, nội thất của các công trình Tu viện còn lưu giữ một số di tích và nghệ thuật tôn giáo thời hậu Byzantine tuyệt đẹp, gồm nhiều loại biểu tượng, đèn chùm, rèm lụa và khăn trải bàn thờ.
Sơ đồ tổng mặt bằng Quần thể Tu viện Hosios Loukas,Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Phối cảnh góc đông nam Quần thể Tu viện Hosios Loukas,Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Tu viện Hosios Loukas là một quần thể nhiều hạng mục công trình, trong đó có hai nhà thờ:
Nhà thờ Đức Mẹ Nhà thờ Đức Mẹ (Church of the Mather of God) hay Nhà thờ Theotokos (Panagia/Đức Trinh Nữ Maria) được xây dựng vào thế kỷ 10, nằm tại phía đông bắc của Tu viện. Dưới thời Đế chế Latinh (Latin Empire, còn được gọi là Đế quốc La-tinh của Constantinople, tồn tại 1204–1261) vào năm 1206, Hồng y Công giáo La Mã Benedict đã công nhận dòng tu Mộ Thánh (Canons Regular of the Holy Sepulchre) tại Tu viện Hosios Loukas.
Nhà thờ Đức Mẹ có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây, tại một sân trong (Open Court). Phía bắc Nhà thờ là một hành lang (Orched over). Tòa nhà là một ví dụ lâu đời nhất về mặt bằng dạng hình vuông chéo (hay bình hành) tại Hy Lạp. Nhà thờ Đức Mẹ gồm các không gian chính sau:
Hiên nhà (Exo – Narthex): Quay về sân trong, gồm 3 gian, tương tự như 3 nhịp nhà của Gian giữa, phân định bởi 2 trụ tường hình chữ nhật. Phủ lên hiên là 3 mái vòm. Phía bắc Hiên là một phòng nguyện. Phía nam Hiên là cửa vào Nhà thờ Thánh Lucke.
Tiền phòng (Narthex): Gồm 3 nhịp và 2 bước gian, giới hạn bởi các bức tường dày. Bước gian bên trong được phân định bởi hai trụ tròn. Tường phía bắc là nơi đặt các hầm mộ (Tomb).
Gian giữa hay Gian Hội trường (Nave): Có mặt bằng hình vuông chéo, gồm 3 nhịp và 3 gian. Nhịp và bước gian trung tâm lớn, nhịp và bước gian hai bên nhỏ, tạo thành hình chữ thập đối xứng (Chữ thập Hy Lạp, nằm trong một hình bát giác). Xung quanh chữ thập là các không gian nhỏ, tạo cho mặt bằng Gian giữa thành hình vuông. Giữa nhà là 4 trụ tròn. Phủ lên trên khối chữ thập là các vòm thùng. Trung tâm chữ thập là một tháp vòm tròn nhô cao với 8 cửa bao quanh. Tường bao quanh tại mặt bắc, nam và tây của Gian giữa là các bức tường dày với các ô cửa sổ; trụ tường bố trí nhô vào phía trong nhà.
Hậu đường (Apse): Gồm 3 không gian có mặt bằng hình móng ngựa. Không gian trung tâm là Bục cao đọc kinh (Bema) với Ban thờ (Holy Table); Không gian phía bắc Ban thờ là Phòng chuẩn bị (Prothesis); Không gian phía nam Ban thờ là Phòng nghi lễ (Diaconicon). Tường bao phía tây của 3 không gian phía sau Ban thờ là hệ thống tường dày với cửa sổ kép.
Vẻ độc đáo của Nhà thờ Đức Mẹ cũng như các công trình khác trong Quần thể Tu viện Hosios Loukas là các bức tường nhà, mái vòm và trang trí nội thất. Các bức tường nhiều màu bằng gạch, đá thường và đá cẩm thạch được xây dựng theo một kỹ thuật truyền thống (Opus mixtum, một loại kỹ thuật xây dựng La Mã cổ đại, bao gồm cả các viên gạch hình thoi). Trên bề mặt tường thể hiện các hoa văn mô phỏng của chữ viết Kufic Ả Rập (Pseudo-Kufic). Trên bề mặt tường có nhiều cửa sổ hình vòm với các lỗ nhỏ cho phép ánh sáng khúc xạ chiếu vào không gian bên trong. Hình dáng bên ngoài và nội thất bên trong được nhấn mạnh bởi những mái vòm. Các mái vòm này được coi như biểu tượng thu nhỏ hình ảnh ba chiều của vũ trụ. Hình ảnh trang trí bên trong Nhà thờ được sắp xếp theo cấp bậc: Cấp cao nhất là biểu tượng Chúa Kitô; Cấp thứ hai là biểu tượng miêu tả các sự kiện lịch sử thiêng liêng; Cấp thứ ba là biểu tượng về các vị thánh và những người thờ phụng.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Đức Mẹ (Theotokos; phía trên ảnh) và Nhà thờ Thánh Luke (Katholikon; phía dưới ảnh), Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Sơ đồ mặt cắt Nhà thờ Đức Mẹ (Theotokos; bên trái ảnh) và Nhà thờ Thánh Luke (Katholikon; bên phải ảnh), Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Phối cảnh lối vào phía đông Nhà thờ Đức Mẹ (bên phải ảnh) và Nhà thờ Thánh Luke (bên trái ảnh), Tu viện Hosios Loukas,Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Phối cảnh lối vào phía nam Nhà thờ Đức Mẹ và Nhà thờ Thánh Luke, Tu viện Hosios Loukas,Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Nội thất Gian Tiền phòng, Nhà thờ Đức Mẹ, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Nội thất Gian Hội trường với tháp mái nhô cao, Nhà thờ Đức Mẹ, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Hình dạng và trang trí tại Tháp mái Gian Hội trường, Nhà thờ Đức Mẹ, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Nhà thờ Thánh Luke tại Stiris Nhà thờ Thánh Luke tại Stiris (Church of Saint Luke of Stiris/ Katholikon) là công trình lâu đời nhất trong quần thể, được xây dựng vào thế kỷ thứ 11- 12, có quy mô lớn hơn Nhà thờ Đức Mẹ. Công trình có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây. Nhà thờ Thánh Luke tại Stiris gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Narthex): Gồm 3 nhịp và 1 bước gian. Bao quanh tiền phòng là các bức tường dày với các ô cửa. Tại bức tường phía bắc của Tiền phòng có đặt các ô mộ (Tomb) chìm sâu vào trong tường.
Gian giữa hay Gian Hội trường (Nave/ Naos): Gồm 3 nhịp và 3 gian. Nhịp và bước gian trung tâm lớn, nhịp và bước gian hai bên nhỏ, tạo thành hình chữ thập đối xứng (Chữ thập Hy Lạp, nằm trong một hình bát giác). Các không gian nhà nguyện, phòng trưng bày tại góc của hình chữ thập tạo cho Gian giữa có mặt bằng hình vuông. Không gian trung tâm của hình chữ thập được giới hạn bởi 4 cột lớn, đỡ mái vòm tròn, rộng 9m với 4 bán vòm nhỏ tại góc. Cấu trúc phức tạp này cho phép xác định một hệ thống phân cấp quy mô, chức năng và thực hiện các biểu tượng trang trí theo từng cấp bậc (tương tự như tại Nhà thờ Đức Mẹ). Tại nhà nguyện góc tây bắc có một khối mộ (Tomb) nằm nhô ra khỏi tường. Nhà nguyện góc tây nam là không gian làm lễ rửa tội (Baptistery). Phía dưới Gian giữa là một tầng hầm. Bên trong có nhiều mộ và không gian dành cho nghi lễ liên quan đến giáo phái chữa bệnh từ xá lị của Thánh Luke. Trong hầm mộ có nhiều bức bích họa, phần lớn được thực hiện vào thế kỷ 11.
Hậu đường (Apse): Là một nhánh của hình chữ thập. Tại đây đặt một Bục cao đọc kinh (Bema) với Ban thờ (Holy Table). Phía sau Ban thờ là một không gian có mặt bằng hình móng ngựa, song tường bao bên ngoài là một phần của hình lục giác. Phía bắc Ban thờ là phòng chuẩn bị (Prothesis). Phía nam Ban thờ là phòng nghi lễ (Diaconicon).
Tường bao của Nhà thờ là những bước tường dày với nhiều mảng màu trang trí bởi màu của các loại gạch, đá. Cửa sổ vòm dạng cửa kép. Nhiều cánh cửa và vòm trên cửa được tạo bởi các lỗ tròn chiếu sáng khúc xạ vào không gian bên trong. Trang trí bên trong Nhà thờ Thánh Luke cũng tương tự như bên trong Nhà thờ Đức Mẹ, tạo vẻ đặc sắc chung của Quần thể. Bên trong Nhà thờ có rất nhiều các bức tranh khảm miêu tả Chúa Kitô, Đức Mẹ, những vị thánh thần và cả các vị thánh địa phương, trong đó có Thánh Loukas.
Phối cảnh mặt tiền phía tây Nhà thờ Thánh Luke, Tu viện Hosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Gian Hội trường với Mái vòm trung tâm,Nhà thờ Thánh Luke, Tu viện Hosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Trần vòm của hầm mộ, Nhà thờ Thánh Luke với tranh khảm và đường viền Byzantine trang trí, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Tranh khảm miêu tả Thánh Luke xứ Steiris, Nhà thờ Thánh Luke, Tu viện Hosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Các công trình khác bên trong Tu viện Các công trình khác bên trong Tu viện Hosios Loukas nằm tại ba mặt, phía đông, bắc và tây của hai Nhà thờ. Tháp chuông của Tu viện bố trí tại góc tây nam, kề liền cổng ra vào phía nam. Tương tự như các Tu viện khác, tại đây còn có nhà ăn, nhà ở của các tu sĩ, xưởng làm việc, nhà chăn nuôi gia súc. Các công trình cao từ 1 đến 2 tầng. Một số công trình chỉ còn lại tàn tích móng và tường. Một số công trình được cải tạo lại, nâng thành 3 tầng. Tường của các công trình có nhiều màu, được xây dựng một phần bằng gạch, một phần đá thường và một phần đá cẩm thạch, tương tự như tường của hai Nhà thờ, tạo cho Tu viện có một kiểu xây dựng thống nhất.
Tàn tích bức tường với hàng cột vòm của công trình bao quanh Sân trong Tu việnHosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Tàn tích bức tường nhiều sắc màu của các công trình bên trong Tu việnHosios Loukas, Distomo, Central Greece, Hy Lạp
Tu viện Daphni Tu viện Daphni (Monasteries of Daphni) nằm cách trung tâm thủ đô Athens 11km về phía tây bắc, ở ngoại ô Chaidari, kề liền phía nam Đại lộ Athinon (N38 1 0.00; E23 37 60.00); trên một khu đất hình vuông có diện tích 0,94ha, mỗi chiều dài khoảng 97m. Tu viện Daphni nằm gần khu rừng cùng tên, trên Con đường thiêng liêng (Sacred Way) dẫn đến Eleusis. Tu viện Daphni được thành lập vào cuối thế kỷ 6 trên địa điểm của Đền thờ Apollo đã bị phá hủy vào năm 395. Một số cột Ionic của Đền thờ vẫn còn lưu lại vì được sử dụng trong Tu viện.
Tu viện là một quần thể công trình theo kiểu lâu đài, có tường bao quanh. Một phần của bức tường phía bắc, cao 8m vẫn còn tồn tại. Trung tâm Tu viện là một nhà thờ. Tu viện bị tàn phá bởi những cuộc xâm lược vào thế kỷ 9, 10 và sau đó được phục dựng lại vào thế kỷ 11, 12. Một nhà thờ mới, một phòng ăn, nhà nguyện cho nghĩa trang và một số công trình khác được xây dựng. Nhà thờ cũ đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại tàn tích móng và tường. Một số phòng nguyện từ Nhà thờ cũ được hợp nhất vào Nhà thờ mới. Nhà thờ mới được Basil II (hoàng đế Byzantine, trị vì năm 976 – 1025) tổ chức xây dựng. Ông đã đưa những người thợ thủ công có tay nghề bậc cao từ Constantinople đến xây dựng. Tu viện Daphni rơi vào tình trạng suy tàn sau khi bị quân viễn chinh người Frank cướp phá vào năm 1205. Khu vực này trở thành một phần của Công quốc Athens dưới thời Othon de la Roche (Lãnh chúa người Frank đầu tiên của Athens vào năm 1204, mất năm 1234). Othon đã trao Tu viện Daphni cho Tu viện Cistercian ở Bellevaux (Bellevaux Abbey, gần Cirey ngày nay, Haute-Saône, Pháp). Trong thời gian này, Tu viện được bổ sung thêm hành lang và mái vòm nhọn theo phong cách Gothic vào mặt tiền của Nhà thờ. Tu viện Daphni trở thành nơi chôn cất của các Hiệp sĩ nổi tiếng. Năm 1458, Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng vùng này, Tu viện Daphni và Công quốc Athens bị bãi bỏ. Nhà thờ được trả lại cho Nhà thờ Chính thống giáo (Orthodox Church) và được các tu sĩ Chính thống giáo sử dụng lại và thay đổi một số tòa nhà. Trong cuộc Cách mạng Hy Lạp (Greek Revolution, Chiến tranh giành độc lập, từ năm 1821 – 1829), công trình được sử dụng như một đơn vị đồn trú. Tu viện bị thiệt hại nặng do động đất vào năm 1889 và 1897.
Sơ đồ phạm vi Di sản Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Sơ đồ tổng mặt bằng Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Phối cảnh tổng thể phía nam Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Nhà thờ tại Tu viện Daphni Nhà thờ tại Tu viện Daphni có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây, về phía sân trong. Nhà thờ gồm các không gian chính:
Tiền phòng (Narthex): Gồm 3 nhịp và 1 bước gian. Bao quanh Tiền phòng là các bức tường dày với các ô cửa.
Hàng hiên (Exo – Narthex) với ba mái vòm nhọn ở mặt tiền phía tây của Tiền phòng đã được thêm vào thế kỷ 13 bởi các Tu sĩ Frankish với các ảnh hưởng của phương Tây. Tại đây còn lưu giữ được cột Ionic trong hàng cột trong ngôi đền thờ Apollo cổ. Bên dưới là một hầm mộ, không mở cửa cho công chúng.
Gian giữa hay Gian Hội trường (Nave/ Naos): Gồm 3 nhịp và 3 gian. Nhịp và bước gian trung tâm lớn, nhịp và bước gian hai bên nhỏ, tạo thành hình chữ thập đối xứng (Chữ thập Hy Lạp). Các không gian nhà nguyện, phòng trưng bày tại góc của hình chữ thập tạo cho Gian giữa có mặt bằng hình vuông. Phủ lên trên khối chữ thập là các vòm thùng. Không gian trung tâm của hình chữ thập được giới hạn bởi 12 cột và trụ tường lớn, đỡ mái từ mặt bằng hình vuông, sang hình bát giác, chuyển tới vòm tròn nhô cao với các cửa bao quanh. Vòm trung tâm rộng 8m, cao 16,5m.
Hậu đường (Apse): Như là một phần của Gian giữa kéo dài, gồm 3 không gian có mặt bằng hình móng ngựa. Không gian trung tâm là Bục cao đọc kinh (Bema) với Ban thờ (Holy Table); Không gian phía bắc và phía nam Ban thờ là các Phòng chuẩn bị và Phòng nghi lễ.
Mặt ngoài của Nhà thờ mang phong cách kỹ thuật cổ xưa Cloisonné, rất phổ biến đối với các nhà thờ Byzantine thời trung cổ ở Hy Lạp. Kỹ thuật xây dựng theo kiểu Cloisonné bao gồm các khối đá hình chữ nhật được ngăn cách hoặc đóng khung ở cả bốn mặt bằng gạch. Các cửa sổ, dạng cửa sổ kép được làm nổi bật bằng các khung hình vòm làm bằng gạch. Sự tương phản giữa màu sáng của những khối đá ốp tường với những viên gạch đỏ xung quanh cửa sổ và mái nhà màu cam tạo nên sự tinh tế và không kém phần sang trọng. Kỹ thuật trang trí theo kiểu Cloisonné bao gồm các đồ vật bằng bằng kim loại, thường bằng vàng. Ngoài ra, tại đây các bức tranh khảm còn được làm nổi bật bởi các các viên đá màu trang trí (Tesserae), được làm bởi các nghệ nhân có tay nghề bậc cao. Nội thất của Tu viện Daphni, ngoài việc chuẩn hóa theo 3 cấp bậc của vũ trụ Cơ đốc giáo, còn có sự tương tác trang nhã giữa không gian và ánh sáng từ những cửa sổ ở tường và chân mái vòm. Càng lên cao, không gian càng sáng sủa hơn. Qua đó tạo ra ấn tượng vượt trội của các bức tranh khảm trang trí ở tại những vòm cao. Nhà thờ có nhiều bức tranh khảm, nổi tiếng nhất là bức tranh miêu tả Christ Pantocrator (Chúa tể của vũ trụ) đang quan sát tất cả từ mái vòm chính của Nhà thờ. Bức khảm này được đánh giá là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất trong nghệ thuật. Chúa Kitô được bao quanh bởi mười sáu Nhà tiên tri ở chân mái vòm.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Phối cảnh phía tây bắc Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp; Hiên chính với các cột Ionic
Phối cảnh phía đông bắc Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Phối cảnh phía đông nam Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Nội thất Gian giữa Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp; trên đỉnh mái vòm là bức tranh miêu tả Christ Pantocrator
Nội thất bên trong với các bức tranh khảm tại Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Một số bức tranh khảm tại Nhà thờ Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Tường thành và các công trình khác bên trong Tu viện Daphni Tu viện có mặt bằng hình vuông, được bảo vệ bởi những bức tường vững chắc, được kiên cố bởi các tháp. Tu viện có hai cổng ra vào, ở mặt đông và tây. Ngày nay, chỉ có bức tường phía bắc vẫn giữ được hình dáng ban đầu. Tường dày hơn 1m, được gia cố bởi các trụ tường. Dọc theo các bức tường là các tòa tháp cổng. 3 tòa tháp tại phía bắc, 1 tòa tháp tại phía tây và 1 tòa tháp tại phía đông. Dọc theo các bức tường phòng thủ phía bắc của Tu viện là những tòa nhà 2 tầng, nơi tiếp khách và nơi ở của các vị tu sĩ. Hiện tại chỉ còn lại tàn tích tường và móng. Tại phía nam của Tu viện có một sân trong hình vuông. Dọc theo hai bên Sân trong là hai tòa nhà với hàng hiên là các cột vòm, là dãy phòng ở cho tu sĩ và các tòa nhà phụ trợ. Hai tòa nhà này đã trải qua một loại lần phục hồi. Tại phía tây của Tu viện là một Nhà nguyện, được thêm vào thế kỷ 18 và hiện bị biến thành bể chứa nước. Tại phía bắc của Nhà thờ là tàn tích của một Nhà ăn, một tòa nhà hình chữ nhật thuôn dài. Phía đông nam của Nhà thờ, cách khoảng 100m là Nghĩa trang của Tu viện với Nhà nguyện Aghios Nicolaos (Chapel of Aghios Nicolaos), được xây dựng vào thế kỷ thứ 9.
Tàn tích bức tường bao phía bắc, Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Tàn tích tường, móng các công trình trong Tu viện Daphni, Attica,Hy Lạp
Tu viện Nea Moni tại Chios Tu viện Nea Moni tại Chios (Monasteries of Nea Moni of Chios) nằm trên núi Provateio Oros, tại trung tâm của đảo Chios, vùng Bắc Aegean/North Aegean), Hy Lạp (N38 22 60.00; E26 4 0.00); có diện tích 1,33ha; diện tích vùng đệm 372,27ha. Tu viện Nea Moni tại Chios cũng như Tu viện Daphni và Tu viện Hosios Loukas nổi tiếng với các bức tranh khảm, là một trong những ví dụ điển hình nhất về nghệ thuật Byzantine (Byzantine Art). Tu viện được xây dựng vào giữa thế kỷ 11, bởi hoàng đế Byzantine Constantine IX Monomachos (trị vì năm 1042- 1055) và vợ của ông, Hoàng hậu Zoe (năm 978 – 1050). Tu viện được dành riêng cho Đức Mẹ (Theotokos).
Nhà thờ chính của Tu viện (Katholikon) được khánh thành vào năm 1049; Tu viện hoàn thành vào năm 1055, sau cái chết của Constantine. Tu viện được các vị hoàng đế ban tặng cho những đặc quyền về cấp đất, miễn thuế và các đặc quyền khác nên đã phát triển thịnh vượng trong thời kỳ Byzantine. Qua nhiều thế kỷ, Tu viện đã tích lũy được của cải đáng kể và trở thành một trong những tu viện giàu có nhất ở vùng Aegean. Vào thời kỳ đỉnh cao, khoảng năm 1300, các điền trang của Tu viện bao phủ một phần ba đảo Chios và ước tính có tới 800 tu sĩ sống tại đây. Sự suy tàn của Tu viện chỉ bắt đầu sau khi người Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đảo Chios vào năm 1822. Tu viện bị thiêu hủy hoàn toàn. Năm 1881, một trận động đất đã gây thêm thiệt hại cho nhà thờ chính, dẫn đến mái vòm bị sập. Tu viện không còn như xưa. Năm 2001, tại đây chỉ có 3 nữ tu sinh sống.
Sơ đồ phạm vi Di sản và vùng đệm Tu viện Nea Moni tại Chios, North Aegean, Hy Lạp
Tổng mặt bằng Tu viện Nea Moni tại Chios, North Aegean, Hy Lạp
Phối cảnh tổng thể phía tây Tu viện Nea Moni tại Chios, North Aegean, Hy Lạp
Sơ đồ mặt bằng Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp (hướng tây tại phía trên của ảnh); Ghi chú: 1. Thánh đường (Sanctuary); 2. Nhà ăn (Refectory); 3. Bể chứa nước hình vòm 15 ngăn (15-bay vaulted cistern); 5. Phòng ở của tu sĩ (Cells); 7. Nhà nguyện S.Pantaleimon (Chapel of S.Pantaleimon); 8. Nhà nguyện S.Croce (Chapel of S.Croce) 9. Nhà tiếp khách (Reception house for guests).
Tu viện có nhiều hạng mục công trình:
Nhà thờ Katholikon Nhà thờ Katholikon là nhà thờ chính hay thánh đường (Sanctuary, hình vẽ ký hiệu 1) của Tu viện dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria. Công trình nằm tại trung tâm của Quần thể, bố cục theo hướng đông – tây. Lối vào chính từ phía tây, thông qua hai cửa phía bắc và nam tại hành lang nối Tháp chuông và Hiên.
Hiên nhà (Exo – Narthex): Gồm 3 gian, tương tự như 3 nhịp nhà của Gian giữa. Hiên được bao kín bởi tường, phân định với Tiền phòng bởi bức tường dày với hai cột trang trí. Phủ lên hiên là 3 mái vòm. Phía bắc và nam Hiên nhà là một phòng nguyện, dạng bán tròn. Phía trước của Hiên nhà là một hành lang nối với Tháp chuông.
Tiền phòng (Narthex): Gồm 3 nhịp và 1 bước gian, giới hạn bởi các bức tường dày. Gian chính giữa bao phủ bởi mái vòm. Gian bên bao phủ bởi hai bán vòm tại hai góc.
Gian giữa hay Gian Hội trường (Nave): Có mặt bằng hình vuông có chiều rộng bằng 3 nhịp nhà. Mái bên trên dạng hình bát giác với các bán vòm tại 4 góc. Phía trên cùng là một vòm tròn nhô cao với các cửa sổ bao quanh.
Hậu đường (Apse): Gồm 3 không gian tương đương với 3 nhịp nhà, tạo thành mặt bằng với 3 hình móng ngựa tại phía đông. Đây là không gian để bố trí chỗ đọc kinh, đặt ban thờ và các phòng chuẩn bị, phòng nghi lễ. Tường bao phía tây của 3 không gian phía sau Ban thờ là hệ thống tường dày với cửa sổ kép tại gian chính và cửa số đơn tại hai bên. Cửa được tạo bởi các lỗ tròn chiếu sáng khúc xạ vào không gian bên trong.
Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 11, song bị hư hại đáng kể trong trận động đất năm 1882, dẫn đến hình thức hiện tại khác so với ban đầu. Tháp chuông nằm đối diện với Hiên nhà được xây dựng vào năm 1900, thay thế tháp chuông cũ hơn được xây dựng vào năm 1512. Ban đầu, hài cốt của người sáng lập Tu viện được lưu giữ trong Hiên, nhưng hầu hết chúng đã bị phá hủy trong cuộc cướp phá năm 1822 bởi người Ottoman. Một phòng tại góc tây bắc của Nhà thờ đã được tân trang lại thành một bảo tàng nhỏ, lưu giữ các hiện vật, hầu hết có niên đại từ thế kỷ 19 sau này.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp (không thể hiện phần Tháp chuông tại phía tây, bên trái ảnh)
Sơ đồ mặt cắt Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Phối cảnh Tháp chuông Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp; Phía sau Tháp chuông là cổng vào Nhà thờ.
Phối cảnh phía đông Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Phối cảnh phía nam Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Bên trong Gian Hội trường,Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Trang trí mái vòm chính Gian hội trường Nhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Trang trí các mái vòm phụ bên trongNhà thờ của Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp Các công trình khác bên trong Tu viện Nea Moni tại Chios Ngoài Nhà thờ chính Katholikon hay Thánh đường (Sanctuary), bên trong Tu viện còn có các công trình: Nhà nguyện S.Pantaleimon (Chapel of S.Pantaleimon, hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại phía tây của Thánh đường. Nhà nguyện S.Croce (Chapel of S.Croce, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía bắc của Thánh đường, sát với tường bao. Nhà ăn (Refectory, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía nam của Thánh đường. Phòng ở của tu sĩ (Cells, hình vẽ ký hiệu 5) bố trí rải rác thành các cụm công trình trong Tu viện. Công trình cao 2 tầng. Nhà tiếp khách (Reception house for guests, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía đông của Thánh đường. Bể chứa nước hình vòm 15 ngăn (15-bay vaulted cistern, hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía tây của Thánh đường, kề liền Nhà nguyện S.Pantaleimon. Ngoài ra, bên ngoài các bức tường, gần nghĩa trang của các tu sĩ, có một nhà nguyện nhỏ thờ Thánh Luca. Các tòa nhà bên trong Tu viện hầu hết trong tình trạng đổ nát, đang được phục dựng lại.
Tàn tích Dãy nhà ở cho tu sĩ, nằm tại phía nam của Nhà thờ, Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp;
Hình ảnh phía tây của Nhà nguyện S.Croce,Tu viện Nea Moni tại Chios, Attica, Hy Lạp
Cấu trúc phức tạp và các trang trí tuyệt đẹp của Di sản Tu viện Daphni, Hosios Loukas và Nea Moni tại Chios, vùng Attica (Regions of Attica), Trung Hy Lạp (Central Greece), Bắc Aegean (North Aegean), Hy Lạp đã trở thành đặc trưng của thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Byzantine, là loại hình nghệ thuật vượt qua việc mô phỏng đơn thuần thực tế và luôn liên kết các đối tượng miêu tả bởi một nội dung mang ý nghĩa tượng trưng nào đó.
“ Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”.