Tuần -18 - Ngày 29/03/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo – P2
18/01/2021

Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo (Historic Centre of Rome, the Properties of the Holy See in that City Enjoying Extraterritorial Rights and San Paolo Fuori le Mura)
Địa điểm: Roma, vùng Lazio, Ý; Thành quốc Vatican (N41 53 24,8 E12 29 32,3)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 1.430,8 ha
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1980; sửa đổi ranh giới năm 2015; hạng mục i, ii, iii, iv, vi) 

Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh. 
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý có còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia). 
Ý có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome. 

Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý trong lịch sử là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa. 
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu), những người đã đặt tên cho bán đảo này.
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý. 
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753
 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Senate and People).
Cộng hoà La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN) ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á. 
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế  nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480, suy tàn với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc) và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (early Slavs) và Pannonian Avars.

Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian city-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu.
Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến ​​cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.  

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật. 
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng. 
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu. 

Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.  

Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố. 


Bản dồ Ý và vị trí của thành phố Roma, vùng Lazio 

Roma (La Mã) là thành phố thủ đô của Ý và cũng là thủ phủ của khu vực Lazio. Thành phố là nơi định cư chính của con người trong gần 3 thiên niên kỷ, có diện tích 1.285 km2, dân số khoảng 2,86 triệu người (năm 2019).
Thành phố nằm dọc sông Tiber. Bên trong thành phố là Thành quốc Vatican.
Theo Thần thoại La Mã, Rome được thành lập vào năm 753 TCN, liên tiếp trở thành thủ đô của Vương quốc La MãCộng hòa La Mã và Đế chế La Mã và được coi là thành phố Đế quốc và đô thị đầu tiên. Rome còn được gọi là "Caput Mundi " (Thủ đô của thế giới). 
Sau sụp đổ của Đế chế Tây La Mã,  Rome dần nằm dưới sự kiểm soát chính trị của Giáo hoàng và vào thế kỷ thứ 4, trở thành thủ đô của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States) kéo dài cho đến những năm 1870.
Bắt đầu từ thời Phục hưng, hầu như tất cả các Giáo hoàng đều theo đuổi một chương trình kiến ​​trúc và đô thị nhất quán trong hơn bốn trăm năm, nhằm biến thành phố trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật của thế giới. 
Rome trở thành một trong những trung tâm chính của thời kỳ Phục hưng và sau đó là nơi ra đời của cả phong cách Baroque và Tân cổ điển. Các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư nổi tiếng đã biến Rome trở thành trung tâm hoạt động của họ, tạo ra những kiệt tác khắp thành phố.

Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo, thành phố  Rome, Ý được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1980 với tiêu chí):

Tiêu chí (i): Di sản là một loạt các tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người với những giá trị nghệ thuật có một không hai, được tạo ra trong gần ba thiên niên kỷ lịch sử: Các di tích thời cổ đại (như Đấu trường La Mã, Điện Pantheon, Khu phức hợp La Mã và Diễn đàn Hoàng gia), các pháo đài được xây dựng trên nhiều thế kỷ (như các bức tường thành và Lăng mộ Hadrian/Castel Sant'Angelo), sự phát triển đô thị từ thời kỳ Phục hưng và Baroque cho đến thời hiện đại (như Quảng trường Navona, Quảng trường Popolo hình "Cây đinh ba" và Quảng trường Spagna), các tòa nhà dân dụng và tôn giáo với trang trí bằng tranh, khảm và điêu khắc xa hoa (như Điện Capitoline, Cung điện Farnese và Quirinale, Đài tưởng niệm Ara Pacis, Nhà thờ Saint John Lateran, Nhà thờ Saint Mary Major và Nhà thờ Saint Paul’s nằm bên ngoài bức tường thành), tất cả được tạo ra bởi một số nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại. 

Tiêu chí (ii): Qua nhiều thế kỷ, các tác phẩm nghệ thuật tại Rome đã có ảnh hưởng quyết định đến phát triển quy hoạch đô thị, kiến ​​trúc, công nghệ và nghệ thuật trên toàn thế giới. Những thành tựu của Di sản trong lĩnh vực kiến ​​trúc, hội họa và điêu khắc là một hình mẫu phổ quát không chỉ trong thời Cổ đại, mà còn trong các thời kỳ Phục hưng, Baroque và Tân cổ điển. Các tòa nhà cổ điển và nhà thờ, cung điện, quảng trường cùng với các bức tranh và tác phẩm điêu khắc phong phú đã làm Rome trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều người đến chiêm nghiệm. Cũng chính tại Rome, nghệ thuật Baroque đã ra đời, sau đó lan rộng khắp châu Âu và các lục địa khác. 

Tiêu chí (iii): Giá trị của các địa điểm khảo cổ của Rome, trung tâm của nền văn minh mang tên thành phố, được công nhận trên toàn thế giới. Rome đã bảo tồn được một số lượng đặc biệt lớn các di tích cổ xưa, luôn được nhìn thấy và trong tình trạng bảo quản tuyệt vời. Các di tích này là bằng chứng độc đáo cho các thời kỳ phát triển và phong cách nghệ thuật, kiến ​​trúc, thiết kế đô thị khác nhau, đặc trưng cho hơn một ngàn năm lịch sử. 

Tiêu chí (iv): Trung tâm lịch sử của Rome cũng như các tòa nhà của nó là minh chứng cho một chuỗi ba thiên niên kỷ lịch sử không bị gián đoạn. Đặc điểm cụ thể của khu vực này là sự phân tầng ngôn ngữ kiến ​​trúc, nhiều loại hình công trình và những giải pháp quy hoạch đô thị ngay từ ban đầu, được tích hợp hài hòa trong hình thái phức tạp của thành phố. Đáng kể đến là các di tích dân sự quan trọng như công trình diễn đàn, nhà tắm, tường thành và dinh thự; các tòa nhà tôn giáo, từ các vương cung thánh đường Cơ đốc giáo thời kỳ đầu như Saint Mary Major Major, St John Lateran và St Paul's Outside the Walls đến các nhà thờ Baroque; hệ thống nước (câp, thoát nước, đài phun nước thời Phục hưng và Baroque, và những bức tường chắn lũ thế kỷ 19 dọc theo sông Tiber). Sự đa dạng về phong cách và phức tạp này đã kết hợp lại để tạo thành một diện mạo độc đáo và tiếp tục phát triển theo thời gian. 

Tiêu chí (vi): Trong hơn hai nghìn năm, Rome vừa là thủ đô thế tục vừa là thủ đô tôn giáo. Là trung tâm của Đế chế La Mã, nơi mở rộng quyền lực của mình trên khắp thế giới được biết đến thời bấy giờ, thành phố là trung tâm của một nền văn minh rộng lớn được thể hiện rõ nhất trong luật pháp, ngôn ngữ, văn học và hiện vẫn là nền tảng của văn hóa phương Tây. Rome cũng liên kết trực tiếp với lịch sử của đức tin Cơ đốc kể từ khi khởi nguồn. 
Thành phố Vĩnh Cửu (Eternal City) này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, cho đến ngày nay vẫn là biểu tượng và là một trong những điểm đến đáng kính nhất của các cuộc hành hương, bởi đây là nơi đặt Lăng mộ của các vị Tông đồ (Apostles, đồ đệ của Chúa Giê-su), các vị Thánh, các vị Tử vì đạo và sự hiện diện của Giáo hoàng. 

Bản đồ vị trí Khu vực Di sản Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo, thành phố  Rome, Ý

Di sản phân thành: Trung tâm lịch sử thành phố Rome và các công trình bên ngoài Tòa thánh Vatican; Vương cung Thánh đường San Paolo Fuori le Mura.  

Trung tâm lịch sử Thành phố Rome (P1)

Các công trình bên ngoài Tòa thánh Vatican

Di sản Thế giới thuộc Tòa thánh Vatican (World Heritage property in Holy See) là các địa điểm nằm ngoài ranh giới của Thành quốc Vatican tại thành phố Roma với tổng diện tích 38,9ha, bao gồm 14 di tích chính: 

Khu phức hợp San Giovanni tại Latero
Khu phức hợp San Giovanni tại Latero (Complesso di San Giovanni in Latero/Basilica, Palazzo Apostolico Lateranense, edifici an nessi -  Ký hiệu 091- 002a) nằm tại phía đông Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 7,59ha.
Khu phức hợp bao gồm Vương cung thánh đường tại Lateran và các công trình xung quanh như Dinh thự của Giáo hoàng tại Lateran (Palazzo Pontificio del Laterano), Dinh thự Canonici (Palazzo dei Canonici), Đại Chủng viện Giáo hoàng La Mã (Pontificio Seminario Romano Maggiore) và Đại học Giáo hoàng Lateran (Pontificia Università Lateranense). 


Mặt bằng tổng thể Khu phức hợp San Giovanni tại Latero, Roma, Ý

- Vương cung thánh đường Saint John Lateran (Basilica di San Giovanni in Laterano) là Vương cung thánh đường đầu tiên trong số bốn Vương cung thánh đường chính của Vatican; là Vương cung thánh đường quan trọng và lâu đời nhất ở phương Tây. 
Công trình tọa lạc tại trung tâm của Khu phức hợp, trên đồi Celio (Caelian Hills). Đây là địa điểm đặt trụ sở của Tòa thánh Vatican; nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
Công trình được xây dựng vào thế kỷ 4 – Vương cung thánh đường lần 1; có bố cục theo hướng chếch đông – tây. Sảnh chính công trình vào từ phía đông, được trùng tu vào cuối thế kỷ 8.
Vào thế kỷ 10, công trình được xây dựng lại, được gọi là Vương cung thánh đường lần 2. 
Năm 1308, Vương cung Thánh đường lần 2 bị phá hủy hoàn toàn do hỏa hoạn.
Vương cung Thánh đường được xây dựng lại lần 3, tiếp tục duy trì hình thức cổ xưa với 5 nhịp, ngăn cách bởi các hàng cột; phía trước là một sảnh lớn với các hàng cột theo phong cách Cơ đốc giáo thời kỳ đầu. Các mái vòm bên trong với các bức bích họa trang trí cũng theo như cách thức thời kỳ đầu. Năm 1349, tòa nhà bị hư hại do động đất và bị hỏa hoạn vào năm 1361, được phục hồi vào năm 1370. Những năm sau đó, công trình được cải tạo, nâng cấp nhiều lần.
Thời kỳ Baroque (từ đầu thế kỷ 17 - những năm 1740), Vương cung Thánh đường được xây dựng lại lần thứ 4.
Giáo hoàng Innocent X (trị vì năm 1644- 1655) giao công việc này cho Francesco Borromini (kiến trúc sư Ý, gốc Thụy Sĩ, năm 1599 – 1667). Dự án thực hiện trong một thời gian dài.
Trong Vương cung thánh đường xây dựng lại chỉ còn lại sàn nhà, đài hoa và bức khảm tại các apse (hốc vòm tường được phủ bằng vòm bán cầu) của thời Trung cổ.
Francesco Borromini, mặc dù bị ràng buộc bởi các cấu trúc có từ trước, đã tạo ra ở đây một trong những kiệt tác cao nhất của mình với đặc điểm: Tổ chức các không gian kiến trúc với bề mặt vữa trắng cho phép ánh sáng khuếch tán rộng khắp, được đánh giá là các nguồn sáng trí tuệ; Không gian trung tâm của chính điện được bao bọc bởi một trật tự lớn của các cột trụ; Các cửa sổ lớn với khung hình bầu dục được trang trí bằng các họa tiết thực vật…
Mặt tiền và nội thất của công trình tiếp tục được bổ sung vào những năm sau này bởi các nhà điêu khắc và họa sĩ nổi tiếng nhất ở thời kỳ đó (cuối thời kỳ Baroque Rome). Mặt tiền chính hiện nay được hình thành vào năm 1732 theo dự án của Alessandro Galilei (kiến trúc sư, nhà toán học người Ý, năm 1691- 1737).
Cho đến thế kỷ 19, tất cả các Giáo hoàng đều được đăng quang ở Vương cung thánh đường Saint John Lateran. 


Phối cảnh tổng thể Vương cung thánh đường Saint John Lateran, Rome, Ý


Mặt trước Vương cung thánh đường Saint John Lateran, Rome, Ý


Nội thất Vương cung thánh đường Saint John Lateran, Rome, Ý

- Dinh thự của Giáo hoàng tại Lateran (Palazzo Pontificio del Laterano) nằm tại phía bắc của Vương cung thánh đường Saint John Lateran, là một tổ hợp công trình 3 tầng bao quanh một sân trong hình vuông. Dinh thự được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 bởi Giáo hoàng Sixtus V (trị vì năm 1585- 1590), sử dụng làm nhà nghỉ mùa hè.
Tòa nhà hiện tại, nhỏ hơn nhiều so với tòa nhà trước đó, được thiết kế bởi Domenico Fontana (kiến trúc sư người Ý, năm 1543 – 1607) theo phong cách Phục hưng (Renaissance). Dinh thự ngày nay là nơi đặt đại diện của Vatican tại Rome. Bên trong còn có một phần của Bảo tàng Lịch sử Vatican.
Phía tây bắc của công trình là một cột đá biểu tượng (obelisk) bằng đá granit đỏ cao hơn 30m, có lẽ là lớn nhất trên thế giới. Đài tưởng niệm được xây dựng vào thế kỷ 15 TCN tại đền thờ Ammon, Thebes (Karnak), Ai Cập. Tháp được Hoàng đế La Mã Constantius II (trị vì năm 337 – 361) mang đến Rome vào năm 357. Tháp bị vỡ thành 3 mảnh vào năm 1587 và được dựng lên vào năm 1588 bởi Domenico Fontana (kiến trúc sư người Ý, năm 1543- 1607), theo lệnh của Giáo hoàng Sixtus V.


Phối cảnh tổng thể Dinh thự của Giáo hoàng tại Lateran, Roma, Ý

- Đại học Giáo hoàng Lateran (Pontificia Università Lateranense) nằm tại phía tây của Vương cung thánh đường Saint John Lateran. Công trình cao 3- 4 tầng, dạng chữ U, hướng vào sân trong.  


Phối cảnh tổng thể Đại học Giáo hoàng Lateran, Roma, Ý

Khu phức hợp Scala Santa
Khu phức hợp Scala Santa (Complesso della Scala Santa - Ký hiệu 091- 002b) nằm kề liền tại phía đông bắc Vương cung Thánh đường San Giovanni và Dinh thự Lateranense (Palazzo Lateranense); diện tích Di sản 1,01ha.
Đây là một trong những thánh địa nổi tiếng và lừng lẫy nhất trong thế giới Công giáo. 
Khu phức hợp Scala Santa có Thánh tích Cầu thang với 28 bậc dẫn đến Nhà thờ Saint Lawrence (Lawrence là  tên Tổng giám mục Rome, năm 225 - 258), Nhà nguyện (Sancta Sanctorum) của các Giáo hoàng thời kỳ đầu.
Theo truyền thuyết Kitô giáo cổ xưa, Nữ hoàng St. Helena (năm 246/248- 330), mẹ của Hoàng đế La Mã Constantine I (Constantine the Great, cai trị năm 306- 337), vào năm 326, đã đưa cầu thang này từ Jerusalem đến Rome. Đây là nơi Chúa Giêsu đã đi qua vào ngày Ngài bị tuyên án tử hình. Bậc thang chỉ được phép leo lên bằng đầu gối để tôn kính Khổ nạn của Chúa Giêsu. Kể từ đầu những năm 1700, Bậc thang Thánh (Holy Stairs) được bọc trong gỗ để bảo vệ.
Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ hài cốt của các Tông đồ; những biểu tượng và di tích liên quan đến lịch sử Công giáo như đồ vật bằng vàng, bạc, ngà voi, gỗ quý, kim sa, vải, đồ thêu, giấy da, đồ tráng men…vô giá.  
Công trình được trùng tu vào năm 2007 và 2018.

Phối cảnh tổng thể Khu phức hợp Scala Santa, Roma, Ý


Thánh tích Cầu thang dẫn đến Nhà thờ Saint Lawrence, Khu phức hợp Scala Santa, Roma, Ý

Quần thể Nhà thờ Santa Maria Maggiore
Quần thể Nhà thờ Santa Maria Maggiore (Complesso di Santa Maria Maggiore/ Basilica, edifici annessi - Ký hiệu 091- 003) nằm tại phía đông bắc Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 1,04ha.
Hai đầu của Quần thể là hai quảng trường với cột biểu tượng và vòi phun nước.
Tòa nhà sớm nhất trên địa điểm này là Vương cung thánh đường Liberia hay Santa Maria Liberiana, được xây dựng dưới thời Giáo hoàng Celestine I (trị vì năm 422–432), vào năm 432.
Nhà thờ được cải tạo nhiều lần và bị hư hại trong trận động đất năm 1348, song vẫn giữa được cốt lõi của cấu trúc ban đầu.
Quần thể hiện nay do Ferdinando Fuga (kiến trúc sư người Ý, năm 1699 – 1782) thiết kế, theo phong cách Romanesque và Baroque, hoàn thành vào năm 1743.
Quần thể là một trong những nhà thờ Công giáo lớn nhất tại Rome, Ý, gồm nhiều khối nhà:
Hai khối nhà nguyện Cappella Paolina  và Cappella Sistine di Santa Maria Maggiore đặt tại hai bên, đầu phía tây bắc của Quần thể.
Khối chính điện chạy theo hướng tây bắc – đông nam, dài 92m, rộng 30m. Sảnh của Chính điện vào từ quảng trường phía đông nam. Sảnh cao 2 tầng, mỗi tầng tương đương 2 tầng nhà của các công trình phụ trợ. Tầng 1 có 5 cửa ra vào với các cột trang trí hai bên cửa; Tầng 2 có 3 ô cửa ban công.
Kề liền phía bắc của sảnh chính là Tháp chuông kiểu Romanesque, cao 75m; là một trong những tháp chuông cao nhất tại Rome. Tháp chuông được xây dựng năm 1375- 1376; bên trong có 5 quả chuông. Trong đó, 2 quả đúc vào thế kỷ 13 và 3 quả còn lại đúc vào thế kỷ 16-19. Vào đầu thế kỷ 19, tháp được trang bị thêm đồng hồ.
Các công trình phụ hai bên Chính điện có chiều cao 4 tầng và 1 tầng áp mái.
Những bức tranh ghép tại Nhà thờ Santa Maria Maggiore là một trong những hình ảnh đại diện lâu đời nhất về Đức Trinh Nữ Maria trong thời Cổ đại Cơ đốc giáo. Những bức tranh ghép này đã cung cấp cho các nhà sử học cái nhìn sâu sắc về các phong cách nghệ thuật, tôn giáo và xã hội trong thời gian này.
Bên trong nội thất có các vòm (apse), được trang trí bằng các bức tranh khảm tráng lệ các sự tích trong Kinh thánh.
Dưới bàn thờ cao của Vương cung thánh đường là các Thánh tích và lăng mộ của một số vị Thánh.  


Phối cảnh tổng thể Quần thể Nhà thờ Santa Maria Maggiore, Roma, Ý


Phối cảnh mặt trước Nhà thờ Santa Maria Maggiore, Roma, Ý


Nội thất Chính điện, Nhà thờ Santa Maria Maggiore, Roma, Ý 


Nội thất các vòm (apse) với các bức tranh khảm,
Nhà thờ Santa Maria Maggiore, Roma, Ý 

Dinh thự San Calisto tại Trastevere
Dinh thự San Calisto tại Trastevere (Plazzo di San Calisto, in Trastevere - Ký hiệu 091- 004a)
nằm tại phía tây nam Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 2,14ha.
Công trình có mặt bắc hướng ra quảng trường với vòi phun nước Santa Maria (Fontana di Santa Maria in Trastevere).
Tổ hợp công trình là các khối nhà cao 3 tầng và 1 tầng áp mái, bao quanh một sân trong mở về phía bắc.
Tòa nhà lấy theo tên của Nhà thờ San Calisto (Chiesa di San Calisto) kề liền.
Dinh thự ban đầu là nơi ở của các Hồng y có tước hiệu Santa Maria ở Trastevere và được sửa sang lại vào thế kỷ 16 bởi Hồng y Giovanni Gerolamo Morone
Ngày nay, Dinh thự là văn phòng cơ quan ngoại giao của Thành quốc Vatican, các tổ chức Công giáo và là nơi ở của các giám mục. 


Mặt bằng tổng thể Dinh thự San Calisto tại Trastevere, Roma, Ý


Phối cảnh tổng thể Dinh thự San Calisto tại Trastevere, Roma, Ý


Mặt trước Dinh thự San Calisto tại Trastevere, Roma, Ý

Tòa nhà tại Via S.Egidio
Tòa nhà tại Via S.Egidio (Edifici su Via S.Egidio - Ký hiệu 091- 004b) nằm tại phía tây nam Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 0,07ha.
Công trình kề liền Dinh thự San Calisto, . 

Dinh thự Cancelleria
Dinh thự Cancelleria (Plazzo della Cancelleria - Ký hiệu 091- 005) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 0,54ha.
Công trình là nơi đặt Tòa án của Thành quốc Vatican.
Dinh thự hoàn thành vào năm 1513, được xây dựng cho Hồng y Raffaele Riario (người Ý, 1461- 1521). Vào năm 1517, đây trở thành nơi làm việc của chính phủ (Dinh thủ tướng) Vatican.
Dinh thự nằm trong một tổ hợp công trình bao quanh một sân trong.
Mặt tiền dài cao 3 tầng của tòa nhà là sự kết hợp với mặt tiền của Vương cung thánh đường San Lorenzo ở Damaso (Basilica di San Lorenzo in Damaso), tạo thành 2 sảnh ra vào. Sảnh của Dinh thự Cancelleria lớn hơn và có một ban công phía trên.
Dinh thự Cancelleria là công trình đầu tiên tại Rome được xây dựng từ đầu theo phong cách Phục hưng và được đánh giá là một trong những dinh thự đẹp nhất trong thành phố. Vật liệu xây dựng công trình được cho là tận dụng các vật liệu của tàn tích cổ. Sân trong của công trình hình chữ nhật, hai tầng dưới có hành lang với hàng cột.  


Phối cảnh tổng thể Dinh thự Cancelleria, Roma, Ý


Phối cảnh mặt trước
Dinh thự Cancelleria (với sảnh vào lớn bên trái ảnh), Roma, Ý; 


Sân trong Dinh thự Cancelleria, Roma, Ý

Dinh thự Propaganda Fide tại Piazza di Spagna
Dinh thự Propaganda Fide tại Piazza di Spagna (Plazzo di Propaganda Fide, in Piazza di Spagna - Ký hiệu 091- 006); diện tích Di sản 0,48ha.
Công trình nằm tại phía bắc Trung tâm lịch sử thành phố Rome, phía nam của quảng trường Piazza di Spagna và phía bắc của Nhà thờ Sant'Andrea delle Fratte.
Dinh thự là một tổ hợp các khối nhà nhà bao quanh các sân trong, trên một khu đất tam giác.
Dinh thự được thiết kế bởi Gian Lorenzo Bernini (nhà điêu khắc, kiến trúc sư người Ý, 1598 – 1680, được cho là người tạo lập phong cách điêu khắc Baroque) và sau đó là Francesco Borromini (kiến trúc sư người Ý, gốc Thụy Sĩ, 1599 -1667). Công trình được hoàn thành vào năm 1667.
Kể từ năm 1626, đây là trụ sở của Bộ Truyền giáo Phúc âm cho các Dân tộc (Congregation for the Evangelization of Peoples) của Thành quốc Vatican.
Công trình cao 3- 4 tầng. Phần mặt tiền của công trình do Francesco Borromini thiết kế, được xem là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của kiến trúc Baroque Ý. 


Phối cảnh tổng thể Dinh thự Propaganda Fide tại Piazza di Spagna, Roma, Ý


M
ột đoạn mặt tiền với các đường cong lõm và lồi do Francesco Borromini thiết kế, Dinh thự Propaganda Fide tại Piazza di Spagna, Roma, Ý

Dinh thự Maffei
Dinh thự Maffei (Plazzo Maffei/ Plazzo della Pigna - Ký hiệu 091- 007) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 0,31ha.
Công trình bố trí kề liền Nhà thờ Thánh tích Thánh Phanxicô (Santissime Stimmate di San Francesco), được thiết kế vào năm 1580 bởi Giacomo Della Porta (kiến trúc sư, nhà điêu khắc người Ý, 1532- 1602), thay mặt cho Hồng y Marcantonio Maffei (1521 – 1583).
Sau khi Đức Hồng y Maffei qua đời và tòa nhà chưa hoàn thành, bắt đầu một loạt thay đổi dài về quyền sở hữu và sử dụng khác nhau. Vào năm 1746 tòa nhà đã được tân trạng lại bởi Ferdinando Fuga (kiến trúc sư người Ý, 1699 – 1782) với hình dáng theo phong cách Baroque như hiện nay.
Dinh thự là một tổ hợp công trình cao 3 tầng bao quanh một sân trong hình chữ nhật.

 
Phối cảnh tổng thể Dinh thự Maffei, Roma, Ý


Mặt đứng phía sân trong Dinh thự Maffei, Roma, Ý

Dinh thự Convenvertendi
Dinh thự Convenvertendi (Plazzo dei Convenvertendi - Ký hiệu 091- 008) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử thành phố Roma; diện tích Di sản 0,53ha.
Công trình bố trí tại phía bắc trục đường Via della Conciliazione (dài 500m, nối Quảng trường Saint Peter với Pháo đài Castel Sant'Angelo/ Tomb of Hadrian trên bờ Tây của sông Tiber); bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome.
Công trình được hoàn thành vào năm 1517 – 1520.
Dinh thự chuyển qua nhiều chủ sở hữu và được trùng tu nhiều lần.
Năm 1917, Giáo hoàng Benedict đã giao tòa nhà cho Bộ Giáo hội Phương Đông mới thành lập. 
Trong quá trình xây dựng trục đường Via della Conciliazione (1936- 1950), công trình bị phá bỏ và được xây dựng lại.
Tòa nhà ban đầu chỉ được biết đến qua các bản khắc và bản vẽ của những người đương thời.
Tòa nhà hiện tại cao 3 tầng với sân trong. Tầng trệt có các ô cửa sổ hình vuông; tầng 1 có cửa sổ hình vòm, tầng 2 có các ô cửa sổ hình chữ nhật.
Mặt đứng phía trục đường Via della Conciliazione có một lối vào với phần trang trí rộng 3 ô cửa và cao 2 tầng. Phía trên sảnh ra vào có một ban công, được người La Mã coi là trang nhã nhất trong thành phố.
Tại tầng trệt có một bộ sưu tập gồm 120 bức tranh tôn giáo của Nga, phần lớn thuộc họa sĩ Nga Leonida Brailowsky (1872-1937). Một số bức bích họa từ tòa nhà cũ đã được phục hồi trong tòa nhà mới.  


Phối cảnh tổng thể mặt tiền Dinh thự Convenvertendi, Roma, Ý

Dinh thự Propilei Bắc
Dinh thự Propilei Bắc (Plazzo delti dei Propilei Nord- Ký hiệu 091- 009a) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử thành phố Roma; diện tích Di sản 0,52ha.
Công trình bố trí tại phía bắc trục đường Via della Conciliazione (dài 500m, nối Quảng trường Saint Peter với Pháo đài Castel Sant'Angelo/ Tomb of Hadrian trên bờ Tây của sông Tiber); bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome.
Tổ hợp công trình bao gồm các tòa nhà cao 3 tầng với 1 tầng áp mái, bố cục theo chu vi ô đất, bao quanh 4 sân trong.

Dinh thự Propilei Nam
Dinh thự Propilei Nam (Plazzo delti dei Propilei Sud- Ký hiệu 091- 009b) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử thành phố Roma; diện tích Di sản 0,36ha.
Công trình bố trí tại phía nam trục đường Via della Conciliazione (dài 500m, nối Quảng trường Saint Peter với Pháo đài Castel Sant'Angelo/ Tomb of Hadrian trên bờ Tây của sông Tiber); bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome.
Tổ hợp công trình bao gồm các tòa nhà 3 tầng với 1 tầng áp mái, bố cục theo chu vi ô đất, bao quanh 4 sân trong. Trong đó một sân trong có một nhà thờ nhỏ có từ thế kỷ 12 mang tên San Lorenzo in Piscibus. 


Tổng mặt bằng Dinh thự Propilei Bắc và Dinh thự Propilei Nam của trục đường Via della Conciliazione, Roma, Ý


Phối cảnh tổng thể Dinh thự Propilei Bắc và Dinh thự Propilei Nam của trục đường Via della Conciliazione, Roma, Ý

Dinh thự và Nhà hát Pio
Dinh thự và Nhà hát Pio (Plazzo Pio/ Auditorio Pio - Ký hiệu 091- 0010) nằm tại phía tây, bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 0,65ha.
Tổ hợp công trình nằm đối diện với
Lăng mộ Hadrian (Castel Sant'Angelo), gồm Khối dinh thự (Palazzo San Pio X/Plazzi Pio) là nơi đặt văn phòng, đại sứ quán của Thành quốc Vatican và Khối hội trường, nhà hát (Auditorium della Concilazione). 


Phối cảnh Dinh thự và Nhà hát Pio (nằm ngay sau mặt tiền), Roma, Ý 

Khu vực đồi Gianicolo
Khu vực đồi Gianicolo (Immobili sul Gianicolo Pio - Ký hiệu 091- 0011)  nằm tại phía tây bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome, nhìn ra bờ phải sông Tiber; diện tích Di sản 17,97ha.
Đây là một ngọn đồi với cao độ khoảng 88m, nằm tại phía nam của Quảng trường St. Peter (Piazza San Pietro). Tên của ngọn đồi Gianicolo/Janiculum bắt nguồn từ vị vị thần Janus.
Vào năm 477 TCN, trên đỉnh đồi một pháo đài, nằm trong vòng của bức tường phòng thủ Aurelian (Mura Aureliane), được xây dựng vào năm 270 -275 để bảo vệ Roma.
Khu vực Di sản trải dài từ bắc xuống nam.
Quá trình đô thị hóa của Khu vực đồi Janiculum kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19 với các biệt thự, nhà thờ, tu viện quảng trường, đài tưởng niệm và công viên lớn.  


Mặt bằng Khu vực đồi Gianicolo, Roma, Ý

Dinh thự Santo Uffizio
Dinh thự Santo Uffizio (Plazzi del Santo Uffizio/Palace of the Holy Office - Ký hiệu 091- 0012) nằm tại phía tây, bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome; diện tích Di sản 0,4ha.
Công trình đặt tại phía tây nam của Quảng trường St. Peter (Piazza San Pietro).
Đây là nơi làm việc của Bộ Giáo lý Đức tin và các văn phòng khác của Thành quốc Vatican.
Dinh thự được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1514 cho Đức Hồng Y Lorenzo Pucci (năm 1458 – 1531) và lấy tên là Palazzo Pucci. 
Mặt tiền của Dinh thự được xây dựng lại giữa năm 1524 - 1525 bởi các kiến trúc sư Giuliano LeniPietro Roselli và Michelangelo Buonarroti; được hoàn thiện vào năm 1532.
Từ năm 1566 – 1869, công trình được sử dụng như một Toà án Dị giáo và là một nhà tù.
Năm 1921 – 1925, công trình được cải tạo lại sử dụng cho mục đích văn phòng.
Dinh thự có mặt bằng hình chữ nhật với các khối nhà cao 3 tầng bao quanh một sân trong.  


Phối cảnh tổng thể Dinh thự Santo Uffizio, Roma, Ý


Mặt tiền Dinh thự Santo Uffizio, Roma, Ý

Vương cung Thánh đường San Paolo 

Vương cung Thánh đường San Paolo nằm bên ngoài tường thành (San Paolo Fuori le Mura/ Saint Paul's Outside the Walls - Ký hiệu 091- 0013); diện tích Di sản 5,33ha.
Công trình San Paolo Fuori le Mura nằm tại Quảng trường San Paolo (Piazzale San Paolo) phía nam, bên ngoài Trung tâm lịch sử thành phố Rome; về mặt quản lý hành chính thuộc Thành quốc Vatican.
Công trình là một trong 4 Vương cung Thánh đường tại Rome, cùng với Vương cung thánh đường Saint John ở LateranSaint Peter's và Saint Mary Major.
Vương cung Thánh đường đầu tiên được thành lập bởi Hoàng đế La Mã Constantine I (trị vì năm 306- 337), được thánh hiến vào năm 324.
Năm 386, Hoàng đế Theodosius I (trị vì năm 379- 395) đã cho xây dựng một Vương cung Thánh đường to đẹp hơn, được thánh hiến vào năm 402.
Sau đó công trình tiếp tục được xây dựng bổ sung và hoàn thiện nội thất.
Năm 1823, công trình bị hoả hoạn phá huỷ hầu như hoàn toàn.
Năm 1825, Giáo hoàng Leo XII (trị vì năm 1823- 1829) đã cho tái thiết lại công trình. Việc tái thiết được giao cho kiến trúc sư Pasquale Belli (người Roma, năm 1752- 1833), Luigi Poletti (người Ý, năm 1792- 1869). Nhiều tàn tích của công trình sau hoả hoạn đã được sử dụng lại. Công trình được thánh hiến vào năm 1840 và tiếp tục được bổ sung vào những năm sau này.
Vương cung Thánh đường San Paolo hiện tại gồm 3 khối chính:
- Khối phía tây, mặt trước Vương cung Thánh đường, bao gồm một dãy hành lang hình chữ U bao quanh một sân trong (Quadriportico), mỗi cạnh dài 70m, được xây dựng gần đây (1890- 1928).
- Khối phía nam Vương cung Thánh đường, bao gồm các dãy nhà của Tu viện (Cloister, dei Vassalletto) với một sân trong Chiostro, nơi lưu giữ các tàn tích của Vương cung Thánh đường cổ đại và phát hiện khảo cổ của các địa điểm gần đó.
- Khối Chính điện Vương cung Thánh đường, như một khối chữ nhật, dài 150, rộng 80m, chiều rộng nhịp giữa (nave) 30m, cao 73m (tháp chuông). Đây là khối công trình được phục dựng lại từ Vương cung Thánh đường thế kỷ thứ 4. Chính điện có hai sảnh chính tại phía tây, qua sân trong Quadriportico và tại phía bắc qua sảnh Pronao. Các sảnh như một hàng hiên với các hàng cột.
Công trình có một tháp chuông tại phía đông, phía sau Abside (hình bán nguyệt phía sau Chính điện) xây dựng vào năm 1860. Công trình có 5 tầng bậc, mái vòm; theo phong cách Tân cổ điển. 
Không gian lễ đường gồm 5 nhịp, phân chia bởi các hàng cột. Nhịp chính giữa rộng và cao hơn so với 2 nhịp mỗi bên. Nội thất được trang trí các bức tranh khảm, tượng miêu tả các chủ đề liên quan đến các vị Thánh và các bức chân dung của Giáo hoàng bằng phù điêu. Một số chi tiết cột được khảm bằng vàng và thuỷ tinh màu.
Phía sau Gian thờ là các không gian nhà nguyện, bên trong lưu giữ các di vật và bức tranh từ thế kỷ 13. Chính điện cũng là nơi đặt lăng mộ của một số vị Thánh.  


Phối cảnh tổng thể Vương cung Thánh đường San Paolo, Rome, Ý. 


Sơ đồ mặt bằng Vương cung Thánh đường San Paolo, Rome, Ý


Sân trong với những cây cọ và một bức tượng Thánh Paul trước hiên và bức tranh tường tại đầu hồi Khối Chính điện, Vương cung Thánh đường San Paolo, Rome, Ý. 




Nội thất Chính điện, Vương cung thánh đường Saint Paul, Rome, Ý

Ngay từ khi thành lập, Di sản Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo tại Roma, vùng Lazio, Ý; Thành quốc Vatican đã liên tục gắn liền với lịch sử nhân loại. Là thủ đô của một đế chế thống trị thế giới Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ, Rome sau đó trở thành thủ đô tinh thần của thế giới Cơ đốc giáo.

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/91/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Rome
https://en.wikipedia.org/wiki/Historic_district_of_Rome
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ancient_monuments_in_Rome
https://it.wikipedia.org/wiki/Basilica_di_San_Giovanni_in_Laterano
https://en.wikipedia.org/wiki/Archbasilica_of_Saint_John_Lateran
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_del_Laterano
https://en.wikipedia.org/wiki/Scala_Sancta
https://en.wikipedia.org/wiki/Santa_Maria_Maggiore
https://it.wikipedia.org/wiki/Basilica_di_Santa_Maria_Maggiore
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_di_San_Callisto 
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_della_Cancelleria
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_di_Propaganda_Fide
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Maffei_Marescotti
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_dei_Convertendi
https://it.wikipedia.org/wiki/Auditorium_Conciliazione
https://pt.wikipedia.org/wiki/Palazzo_San_Pio_X
https://it.wikipedia.org/wiki/Gianicolo
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_del_Sant%27Uffizio
https://www.monnoroma.it/basilicasanpaolofuorilemura.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Basilica_of_Saint_Paul_Outside_the_Walls

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ   

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi

 

 

Cập nhật ( 18/01/2021 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:

“Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu, kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo sát sao phải là 30 phần- có như thế mới hoàn thành kế hoạch”.

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com