Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử San Gimignano (Historic Centre of San Gimignano)
Địa điểm: Siena, vùng Tuscany, Ý (N43 28 5,016 E11 2 30,012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 13,88ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1990; hạng mục i, iii, iv)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu), những người đã đặt tên cho bán đảo này.
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480, với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc) và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ.
Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật. Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.

Bản đồ Ý và vị trí của thành phố San Gimignano
San Gimignano là một thị trấn nhỏ trên một khu đồi thời Trung cổ có tường bao quanh ở Val d'Elsa, tỉnh Siena, vùng Tuscany, miền trung nước Ý; cách thành phố Florence 56 km về phía nam.
Thị trấn có diện tích 138 km2, dân số 7,8 ngàn người (năm 2016).
Đây là vùng đất cao, thống trị cảnh quan xung quanh; có sự khác biệt về độ cao từ 64m (so với mực nước biển) đồng bằng sông Elsa gần Certaldo tới độ cao 631 mét ở khu vực Cornocchio.
Vào thế kỷ thứ 3 TCN tại đây đã có một ngôi làng nhỏ của người Etruscan. Tên San Gimignano có từ năm 450 sau Công nguyên.
Vào thời Trung cổ, San Gimignano là một thị trấn thịnh vượng, nhờ vào vị trí là một điểm chuyển tiếp quan trọng cho những người hành hương đến hoặc đi từ Rome trên con đường hành hương Via Francigena (từ nhà thờ lớn Canterbury ở Anh, qua Pháp và Thụy Sĩ, đến Rome và Apulia, Ý).
Sự giàu có của thành phố còn nhờ vào việc buôn bán các sản phẩm nông nghiệp từ những ngọn đồi màu mỡ lân cận, đặc biệt là nghệ tây (Saffron), được sử dụng trong cả nấu ăn và nhuộm vải và làm rượu Vernaccia.
Năm 1199, thị trấn tự tách khỏi quyền cai quản của các giám mục ở Volterra (trụ sở của các Giám mục, tại vùng Tuscany của Ý), được điều hành bởi chính quyền dân sự (podestà) và bắt đầu làm giàu cho cộng đồng bằng việc xây dựng các nhà thờ và tòa nhà công cộng.
Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, các gia đình quý tộc và thương nhân thuộc tầng lớp trung lưu kiểm soát thị trấn độc lập và tự do này đã xây dựng nhiều ngôi nhà tháp kiên cố như biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực của họ.
Vào cuối thời Trung cổ, tại đây có tới 72 ngôi nhà tháp, cao tới 50m.
Sự cạnh tranh cuối cùng đã được kiềm chế khi hội đồng địa phương quy định rằng không có tòa tháp nào cao hơn tòa tháp liền kề với Tòa hành chính của thành phố (Palazzo Comunale).
Trong khi người bảo trợ chính thức là Thánh Geminianus (mất năm 397, Phó tế/Deacon và Giám mục giáo phận Modena–Nonantola, lãnh thổ giáo hội Công giáo La Mã ở Ý), thị trấn cũng tôn vinh Thánh Fina (Saint Fina/ Serafina, năm 1238 – 1253, sinh ra ở San Gimignano).
San Gimignano phát triển mạnh mẽ cho đến năm 1348, khi bị tấn công bởi Cái chết đen (Black Death, là một đại dịch hạch xảy ra ở Tây Âu Á và Bắc Phi từ năm 1346 – 1353, gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử loài người, 75–200 triệu người, đạt đỉnh điểm ở châu Âu từ năm 1347 – 1351) với khoảng một nửa số người dân Thị trấn đã chết.
Từ đây, Thị trấn bước vào thời kỳ suy tàn. Trong vòng một trăm năm, Thị trấn đã bị hạ cấp ngang với những vùng đất khác dưới sự kiểm soát của Florentine (Trung tâm thương mại và tài chính của châu Âu; nơi khởi nguồn của thời kỳ Phục hưng; từ 1865 đến 1871 là thủ đô của Vương quốc Ý). Tuy nhiên, điều này lại làm Thị trấn tránh khỏi tác động của quá trình đô thị hóa, đã làm biến đổi nhiều thị trấn lịch sử của Ý sau thời Trung cổ.
Có rất ít sự phát triển sau đó, một số dinh thự Gothic được xây dựng lại theo phong cách Florentine, và nhiều tòa tháp đã được giảm chiều cao bằng các ngôi nhà thông thường.
San Gimignano vẫn được bảo tồn ở trạng thái thời Trung cổ cho đến thế kỷ 19, khi địa vị là một khu nghỉ mát du lịch và nghệ thuật bắt đầu được công nhận.
Trung tâm lịch sử San Gimignano nằm trên một gò núi, cao độ xung quanh chân núi khoảng 290 – 310m so với mực nước biển. Cao độ đỉnh của gò núi vào khoảng 344m (tại Pháo đài Rocca).
San Gimignano nổi tiếng với kiến trúc thời Trung cổ, độc đáo trong việc bảo tồn các ngôi nhà tháp, với khung cảnh trên đỉnh đồi và những bức tường bao quanh, tạo thành một đường chân trời đặc sắc.
Thị trấn phát triển xung quanh hai quảng trường chính: Quảng trường Piazza della Cisterna hình tam giác, được trang trí bằng một cái đài phun nước xinh xắn ở trung tâm và Quảng trường Piazza Duomo, có niên đại từ cuối thế kỷ 13 với bố cục phức tạp hơn chứa phần lớn các di tích công cộng và tư nhân.
San Gimignano là thành phố có nhiều tòa tháp, song do chiến tranh và quá trình đô thị hóa, chỉ còn chỉ có 14 ngôi nhà tháp ban đầu còn tồn tại: Tháp chuông của Nhà thờ Collegiata (Campanile della Collegiata); Torri degli Ardinghelli; Torre dei Becci; Torre Campatelli; Torre Chigi; Torre dei Cugnanesi; Torre del Diavolo; Torre Ficarelli; Torre Grossa, 54m (tháp cao nhất); Torre di Palazzo Pellari; Casa-Torre Pesciolini; Torre Pettini; Torre Rognosa, 51m (chiều cao không chế cho các tháp khác); Torri dei Salvucci.
Trong thị trấn có nhiều nhà thờ. Hai nhà thờ chính là Collegiata và Sant'Agostino, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng đầu tiên của Ý.
San Gimignano vẫn giữ được bầu không khí và diện mạo phong kiến, được tô điểm bằng một số cung điện hay dinh thự đáng chú ý trong thế kỷ 12 và 14, như Dinh thự Palazzo Comunale, từng là trụ sở hành chính của Chính quyền dân sự (podestà), hiện là nơi trưng bày tác phẩm của nhiều họa sĩ người Ý nổi tiếng.
Thị trấn San Gimignano có nhiều ví dụ về kiến trúc Romanesque và Gothic với cửa sổ kép dưới một mái vòm, được phân chia bởi các thanh đá. Tại đây lưu giữ nhiều chi tiết kiết trúc bản địa của vùng Siena, ví dụ như trên các ô cửa có hai vòm, một vòm hình bán nguyệt đặt bên dưới một vòm hình bán nguyệt hoặc vòm nhọn.

Phối cảnh tổng thể Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý
Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1990 với tiêu chí):
Tiêu chí (i): Trung tâm Lịch sử San Gimignano có một loạt tuyệt tác nghệ thuật Ý thế kỷ 14 và 15 trong bối cảnh kiến trúc ban đầu của chúng, bao gồm: Bên trong các nhà thờ là bức bích họa Sự phán xét cuối cùng (Last Judgment), Thiên đường và Địa ngục (Heaven and Hell) của Taddeo di Bartolo (vẽ năm 1393), Tử đạo của Thánh Sebastian (Martyrdom of St. Sebastian) của Benozzo Gozzoli (vẽ năm 1465), Cái chết và sự phục sinh của Thánh Fina (Cycle of Santa Fina) của Domenico Ghirlandaio (vẽ năm 1475) và Lễ Truyền tin ở Nhà rửa tội (Annunciation in the Baptistery) của Sebastiano Mainardi (vẽ năm 1482). Các tác phẩm khác có cùng vẻ đẹp nổi bật bao gồm bức bích họa khổng lồ của Benozzo Gozzoli mô tả Thánh Sebastian (vẽ năm 1464) và Thánh Augustine (vẽ năm 1465).
Tiêu chí (iii): San Gimignano là bằng chứng đặc biệt cho nền văn minh thời Trung cổ, vì nó tập hợp lại trong một khu vực nhỏ tất cả các cấu trúc điển hình của cuộc sống đô thị: Quảng trường và đường phố, nhà ở và dinh thự, cũng như giếng và đài phun nước. Các bức bích họa của Memmo di Filippuccio do Thị trấn ủy quyền thực hiện vào năm 1303 để trang trí phòng của Thị trưởng (Podestà, cơ quan tư pháp duy nhất của các đô thị tại Ý thời Trung cổ) trong Dinh thự Popolo (Palazzo del Popolo) là một trong những tài liệu được sao chép thường xuyên nhất, được sử dụng để minh họa đến tận chi tiết cuộc sống hàng ngày đầu thế kỷ 14 tại khu vực.
Tiêu chí (iv): Cảnh quan đô thị của vùng Florence, bị chi phối bởi các tòa tháp của các dinh thự công cộng (Palazzo del Podestà và Palazzo della Signoria), cho thấy các thể chế công cộng đã thắng thế so với quyền lực cá nhân. Sau năm 1250, chiều cao của các ngôi nhà tháp gia đình được cắt giảm định kỳ trong các thành phố.
Trong khi đó, tại Thị trấn San Gimignano, nơi xuất hiện các tòa tháp (Incastellamento) từ năm 998, 14 tòa tháp vẫn sừng sững vươn cao trên các dinh thự, lưu giữ vẻ ngoài của một thị trấn Tuscan phong kiến, do các phe phái đối địch kiểm soát luôn sẵn sàng xung đột. Kiểu kiến trúc xây dựng của các tòa tháp này minh họa cho một thời điểm quan trọng trong lịch sử, mà không thể tìm thấy tương tự ở Florence, Sienna hoặc Bologna, bất chấp chất lượng của những di tích tại các khu vực này.

Phạm vi Di sản Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý

Phối cảnh tổng thể phía đông bắc Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý

Phối cảnh tổng thể phía đông nam Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý

Phối cảnh tổng thể phía tây bắc Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý

Phối cảnh tổng thể phía tây nam Trung tâm lịch sử San Gimignano, Siena, Tuscany, Ý

Sơ đồ các hạng mục công trình chính tại Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Các công trình chính của Trung tâm lịch sử San Gimignano gồm:
Tường thành, cổng và pháo đài
Tường thành
Thị trấn nằm trên sườn đồi với trục chính là bắc – nam, được bao quanh bởi các vòng tường thành. Các bức tường của San Gimignano là một công trình kiến trúc quân sự có niên đại từ thế kỷ 13, gồm có 2 vòng:
Vòng tường thành đầu tiên được xây dựng vào năm 998. Trên bức tường này, một số mái vòm, cổng thành cổ vẫn còn sót lại như Cổng vòm Becci.
Vòng tường thành thứ hai được hình thành vào năm 1251 – 1262. Nhờ thương mại phát triển mạnh mẽ, một số ngôi làng đã được tích hợp vào thị trấn. Bức tường thành được mở rộng để bao bọc các khu phố mới. Tường dài 2.176m, được xây dựng bằng đá, khai thác từ mỏ đá Pecille gần đó và được gia cố bởi các hào rãnh sâu ở phía trước.
Dọc theo bức tường là Pháo đài Montestaffoli (Rocca di Montestaffoli), được xây dựng vào năm 1353 – 1358 và 5 tháp canh (Bastione), được xây dựng theo nhu cầu mới về sử dụng vũ khí, từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16. Các tháp canh này đều nằm tại bức tường thành phía tây, hình tròn với đường kính khoảng 13m.
Hiện tại, nhiều đoạn tường thành và tháp canh vẫn còn được lưu giữ, tạo cho Thị trấn một vẻ ngoài của đô thị thời Phong kiến.

Tháp canh San Francesco và vòng tường thành, bên phải là Cổng San Giovanni, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Cổng
Có 1 cổng vào Trung tâm lịch sử của thành phố, nằm trong Vòng tường thành thứ nhất, có niên đại từ thế kỷ 10:
Cổng vòm Becci (Arco dei Becci, hình vẽ ký hiệu 3). Cổng kết nối với một sân nhỏ, từ đó qua đoạn phố San Giovanni tới phía nam của Quảng trường Cisterna (Piazza della Cisterna). Cổng là một vòm tròn bằng đá; bên trên là một nhà quan sát có mái che nhô ra. Cổng được bảo vệ bởi Tòa tháp Cugnanesi (Torre dei Cugnanesi) bên phía phía tây nam và Tòa tháp Becci (Torre dei Becci) bên phía đông.

Phối cảnh Cổng vòm Becci tại Vòng thành thứ nhất; Phía sau là Tháp Becci; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Có 5 cổng vào Trung tâm lịch sử của thành phố, nằm trong Vòng tường thành thứ hai, niên đại từ thế kỷ 13:
Cổng San Jacopo (Porta San Jacopo, hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại phía đông bắc Thị trấn. Kề liền Nhà thờ San Jacopo (hình vẽ ký hiệu 14). Cổng gồm hai vòm cổng. Một vòm cổng dành cho xe cơ giới và một vòm cổng cho người đi bộ. Cổng xây bằng gạch, phía trên lợp ngói.

Phối cảnh bên ngoài Cổng San Jacopo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Cổng Fonti (Porta delle Fonti, hình vẽ ký hiệu 16) nằm tại phía đông Thị trấn, nối liền với con đường chìm sâu trong nền đất (hai bên là tường chắn đất) dẫn vào trung tâm. Cổng được xây dựng theo theo phong cách của vùng Sienese với đặc điểm điển hình là vòm của các ô cửa bị lõm vào; các ô cửa thường có vòm thấp thứ hai đặt bên dưới vòm hình bán nguyệt hoặc vòm nhọn. Cổng Fonti có hai mái vòm, một mái vòm tròn phía trên và một vòm tròn hạ thấp phía dưới. Phía trên của Cổng là một diềm mái và là nơi quan sát. Các vòm tròn xây bằng gạch. Phần còn lại của Cổng bằng đá. Cạnh Cổng có một nhà nguyện được xây dựng vào năm 1501, đã bị dỡ bỏ vào năm 1930. Một số bức bích họa trong nhà nguyện đã được di dời tới Dinh thự Piazza del Duomo.

Phối cảnh bên ngoài Cổng Fonti, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Cổng San Giovanni (Porta San Giovanni, hình vẽ ký hiệu 18) nằm tại sườn núi phía nam Thị trấn, nối liền với tuyến phố với hai bên là các dãy nhà kề liền; nằm đối diện với Quảng trường Martiri di Monte Maggio (Piazzale Martiri di Monte Maggio). Đây là cổng quan trọng nhất trên bức tường thành San Gimignano; là lối vào lịch sử dành cho những người đến từ Siena, đi qua San Gimignano trên tuyến đường hành hương Via Francigena. Cổng được được hoàn thành vào năm 1262, cũng có hai mái vòm với một mái vòm hạ thấp theo phong cách của vùng Sienese tương tự như Cổng Fonti.
Cổng có một nhà bảo vệ nhô ra tại phía trên. Kề liền Cổng có một nhà thờ nhỏ mang tên Madonna dei Lumi (Chiesa della Madonna dei Lumi), được xây dựng vào năm 1601 và bị phá bỏ một phần vào năm 1922 để mở rộng tuyến phố. Tháp chuông của nhà thờ vẫn có thể nhìn thấy từ bên ngoài cổng thành.

Phối cảnh bên ngoài Cổng San Giovanni, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Cổng Quercecchio (Porta Quercecchio, hình vẽ ký hiệu 19) nằm tại phía tây Thị trấn, hiện chỉ còn lại bức tường cổng bằng đá với một cổng vòm tròn bằng gạch.

Phối cảnh bên ngoài Cổng Quercecchio, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Cổng San Matteo (Porta Matteo, hình vẽ ký hiệu 20) nằm tại phía tây bắc Thị trấn, nối liền tuyến phố với hai bên là dãy nhà kề liền. Các tòa nhà dọc theo tuyến phố này hầu hết có từ thế kỷ 13. Cổng và tuyến phố tạo nên vẻ hấp dẫn về một thị trấn thời Trung cổ. Cổng được xây dựng vào năm 1262, theo phong cách Sienese với cổng có hai dạng vòm, phía trên của Cổng là một diềm mái, tương tự như Cổng Fonti.

Phối cảnh bên ngoài Cổng San Matteo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Pháo đài Montestaffoli
Pháo đài Montestaffoli (Rocca di Montestaffoli) nằm tại phía tây Thị trấn, nằm trên điểm cao nhất, tại cao độ 344m, có tầm nhìn bao quát thành phố và vùng nông thôn xung quanh.
Công trình được người Florentines xây dựng vào thế kỷ 14.
Pháo đài bị dỡ bỏ trong thời kỳ Đại Công quốc Tuscany (Granducato di Toscana, tồn tại năm 1569 – 1859).
Pháo đài chỉ còn lại tàn tích của những bức tường. Một phần Pháo đài được phục hồi vào thế kỷ 20. Gần đây, Pháo đài được sử dụng làm nơi biểu diễn và hòa nhạc vào mùa hè, và trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Pháo đài Rocca, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý; Nhìn từ phía tây

Cổng vào từ phía đông Pháo đài Rocca, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Quảng trường
Trung tâm lịch sử của Thị trấn San Gimignano có 3 quảng trường, chia Trung tâm lịch sử thành hai khu vực: Phía bắc và phía nam.
Quảng trường Cisterna
Quảng trường Cisterna (Piazza della Cisterna, hình vẽ ký hiệu 1) là quảng trường chính của Thị trấn, nơi tập trung các tuyến phố cổ tại phía nam Trung tâm lịch sử; kết nối với quảng trường Piazza del Duomo gần đó bằng một lối đi mở.
Quảng trường được đặt tên theo bể chứa nước ngầm (Cisterna), được xây dựng vào năm 1287. Đây là không gian sử dụng làm chợ, sân khấu cho các lễ hội và giải đấu thể thao.
Quảng trường có hình tam giác và được bao quanh bởi những dinh thự quý tộc và tòa tháp thời Trung cổ có niên đại khác nhau.
Xung quanh Quảng trường có: Dinh thự Tortoli (Palazzo Tortoli, hình vẽ kí hiệu 2) nằm tại phía đông nam; Cổng Arco dei Becci (hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía nam; Dinh thự Podestà (Palazzo del Podestà, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại phía bắc; Dinh thự Popolo (Palazzo Comunale; Pinacoteca Civica, hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía tây.
Dinh thự tại đây là ví dụ điển hình của dinh thự kiểu La Mã và Gothic. Ở trung tâm của Quảng trường có một đài nước, là nguồn cung cấp nước chính cho cư dân thị trấn, có niên đại từ năm 1346. Đài nước có hình dạng bát giác, bằng đá vôi (Travertine).
Nền Quảng trường có độ dốc tự nhiên nhẹ và được lát gạch theo kiểu xương cá.

Phối cảnh tổng thể phía nam Quảng trường Cisterna; phía trên ảnh là Quảng trường Duomo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Quảng trường Cisterna với đài phun nước và các tòa nhà thời Trung cổ bao quanh, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Quảng trường Duomo
Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo, hình vẽ ký hiệu 5) nằm kề liền phía bắc của Quảng trường Cisterna và được nối với nhau bằng một hành lang ngoài trời, nơi tập trung các tuyến phố cổ tại phía nam Trung tâm lịch sử.
Quảng trường Duomo cùng Quảng trường Cisterna là hai quảng trường quan trọng nhất của thị trấn.
Nếu Quảng trường Cisterna được dành cho chợ và lễ hội, thi đấu thể thao, thì Quảng trường Duomo được coi là trung tâm tôn giáo và chính trị của Thị trấn vào thời Trung cổ.
Quảng trường được đặt theo tên của Nhà thờ Collegiate (Collegiata di Santa Maria Assunta), đã tồn tại ở đó từ thế kỷ 11. Diện mạo của Quảng trường hiện tại được hình thành vào thế kỷ 13, trong thời kỳ hoàng kim về nền kinh tế và tầm quan trọng chính trị của San Gimignano.
Quảng trường đối diện với Dinh thự Podestà cũ (Tòa Thị chính cũ /Palazzo Vecchio del Podestà, hình vẽ ký hiệu 4) tại phía đông và nằm tại phía trước của Nhà thờ Collegiate.
Các tòa nhà quan trọng khác trên Quảng trường bao gồm Dinh thự Comunale (Tòa Thị chính mới/ Palazzo Comunale, hình vẽ ký hiệu 6) và Tòa tháp đôi Torri Salvucci (hình vẽ ký hiệu 8).
Quảng trường có mặt nền hơi dốc, lát bằng gạch.

Phối cảnh tổng thể phía bắc Quảng trường Duomo; phía trên ảnh là Quảng trường Cisterna, phía dưới bên trái ảnh là Tòa tháp đôi Torri Salvucci; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Quảng trường Duomo, phía trước Nhà thờ Collegiate, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Quảng trường Agostino
Quảng trường Sant Agostino (Piazza Sant Agostino, hình vẽ ký hiệu 13) là nơi tập trung các tuyến phố cổ tại phía bắc Trung tâm lịch sử San Gimignano. Quảng trường đối diện với Nhà thờ San Pieto tại phía nam và Nhà thờ Sant' Agostino tại phía bắc.
Quảng trường được bao quanh bởi các dãy nhà thời Trung cổ. Trung tâm là một đài nước, xây bằng đá.
Mặt nền Quảng trường được lát bằng gạch.

Phối cảnh tổng thể phía tây Quảng trường Sant Agostino; phía trên ảnh là Nhà thờ Sant' Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Quảng trường Sant Agostino; phía trên ảnh là Nhà thờ Sant' Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Nhà thờ và tu viện
Trung tâm lịch sử của Thị trấn San Gimignano có nhiều nhà thờ và tu viện:
Nhà thờ Collegiata
Nhà thờ Collegiata (Collegiata di Santa Maria Assunta/ Duomo di San Gimignano) nằm tại phía tây của Quảng trường Duomo, là công trình tôn giáo chính của thành phố.
Nhà thờ đầu tiên trên địa điểm này được xây dựng vào thế kỷ thứ 10.
Trong những năm đầu thế kỷ 12, phù hợp với tầm quan trọng của San Gimignano, trên tuyến đường hành hương đến Rome và Via Francigena, Nhà thờ được nâng cấp.
Nhà thờ hiện tại được thánh hiến vào năm 1148 và dành riêng cho Thánh Geminianus (San Gimignano) với sự hiện diện của Giáo hoàng Eugenius III (trị vì năm 1145 – 1153) và 14 vị giám mục.
Quyền lực và uy quyền của thành phố San Gimignano tiếp tục phát triển cho đến khi giành được quyền tự trị từ Thị quốc Volterra (vùng Tusany, Ý).
Nhà thờ sở hữu đất đai và được hưởng nhiều đặc quyền đã được chứng thực bởi các sắc lệnh của Giáo hoàng. Nhà thờ được nâng lên thành cơ sở đại học vào năm 1471.
Trong thế kỷ 13, 14 và 15, Nhà thờ đã trở nên phong phú hơn nhờ việc bổ sung các bức bích họa và tác phẩm điêu khắc.
Đầu phía tây của Nhà thờ đã được Giuliano da Maiano (kiến trúc sư người Ý, năm 1432- 1490) thay đổi và mở rộng trong khoảng thời gian năm 1466 – 1468, bao gồm Nhà nghi lễ, Nhà nguyện Conception (Chapel of Conception) và Nhà nguyện Thánh Fian (Chapel of St Fina).
Nhà thờ hầu như không bị sửa đổi cho đến khi bị hư hại trong Chiến tranh thế giới 2 và được trùng tu lại vào năm 1951.
Nhà thờ là nơi lưu giữ các thánh tích của Thánh Geminianus, vị thánh bảo trợ của thành phố.
Nhà thờ có hình thức kiến trúc theo phong cách La Mã thế kỷ 12 và 13 (Romanesque Architecture với đặc điểm là những mái vòm hình bán nguyệt; vào thế kỷ 12, phát triển theo phong cách Gothic, được đánh dấu bằng những mái vòm nhọn), ngoại trừ 2 nhà nguyện theo phong cách Phục hưng (Renaissance Architecture, thế kỷ 15 – 16, thể hiện sự hồi sinh và phát triển một số yếu tố của văn hóa vật chất và tư tưởng Hy Lạp và La Mã cổ đại, nối tiếp kiến trúc Gothic và được kế tục bởi kiến trúc Baroque; được phát triển đầu tiên ở Florence).
Nhà thờ nằm trên một bệ nền cao 5 bậc so với mặt nền của Quảng trường Duomo ở phía trước; có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía đông.
Mặt tiền của Nhà thờ hiện tại được dựng lên vào năm 1239, bằng đá và có ít trang trí. Hai cửa vòm vào hai gian bên, không có cửa vào gian chính giữa. Phía trên mỗi gian có một cửa sổ tròn dạng hoa hồng (Rose window). Trên đỉnh của gian chính giữa, phía trên cửa sổ tròn có một vòm mái trang trí.
Công trình không có Sảnh hiên (Narthex);
Hội trường/Gian giữa (Nave) gồm 3 gian, nhịp giữa cao, nhịp hai bên thấp, kéo dài 7 bước cột. Phân chia giữa nhịp giữa và nhịp bên bởi hàng 14 cột đá (10 cột hình tròn, 4 cột hình bát giác) với đầu cột theo kiểu Corinth được đơn giản hóa.
Gian Hội trường giao với Gian ngang (Transept): Tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crossing, dạng chữ thập La Mã với nhánh chính kéo dài). Phủ lên trên Gian hội trường và Gian ngang là các mái vòm có niên đại từ giữa thế kỷ 14.
Ở phía bắc của Nhà thờ, ở góc của Gian ngang, là một tháp chuông (Campanile della Collegiata) với mặt bằng hình vuông. Tháp cao vượt mái Nhà thờ với một cửa vòm duy nhất tại mỗi bề mặt. Tòa tháp là một trong nhiều ngôi nhà tháp của thành phố. Ban đầu, Tháp không thuộc Nhà thờ mà thuộc dinh thự của một gia tộc trong thành phố. Đến đầu thế kỷ 13, Tháp mới chuyển thành tháp chuông của Nhà thờ. Ở phía nam của Nhà thờ là Phòng rửa tội (Loggia of the Baptistry), có từ thế kỷ 14 với các cột hình bát giác đỡ mái vòm.
Thánh điện hay Hậu đường, nơi đặt ban thờ, là một hình chữ nhật đơn giản với một cửa sổ hình vòm duy nhất ở cuối Nhà thờ. Mái của Thánh điện là mái vòm bốn phía có niên đại từ giữa thế kỷ 14. Sườn của các mái vòm bố cục theo phong cách La Mã, trang trí bề mặt vòm lại theo phong cách Gothic.
Mặt tiền của công trình rất có ít cửa sổ.
Nội thất của Nhà thờ được nhấn mạnh bởi các màu sắc trang trí, với các viên đá tạo vòm là đá cẩm thạch đen và trắng xen kẽ tạo thành các sọc màu. Tất cả các ngăn của vòm đều được ghép bằng đá lưu ly màu xanh đậm (Lapis lazuli) điểm xuyết những ngôi sao vàng. Các sườn vòm được nhấn mạnh bằng các dải trang trí hình học màu đỏ, trắng và vàng.
Bàn thờ chính của Nhà thờ có một bình thánh lớn bằng đá cẩm thạch và hai thiên thần đang quỳ. Đây là tác phẩm của Benedetto Maiano (nhà điêu khắc Ý, năm 1442 – 1497) được tạo ra cùng lúc với bàn thờ và Nhà nguyện Santa Fina. Phía sau bàn thờ là cây thánh giá lớn bằng gỗ có từ năm 1754.

Phối cảnh mặt trước phía đông Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Sơ đồ cấu trúc Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Tháp chuông Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Nội thất Nhà thờ Collegiata, nhìn về phía đông; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Nội thất Nhà thờ Collegiata, nhìn về phía tây; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Ban thờ Nhà thờ Collegiata; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Nhà thờ nổi tiếng với các trang trí bích họa, phần lớn còn nguyên vẹn, có từ thế kỷ 14. Những bức bích họa này đại diện cho trường phái Sienese, chịu ảnh hưởng của truyền thống Byzantine là Duccio di Buoninsegna (họa sĩ Ý, năm 1255/1260- 1318/1319) và hội họa Thời kỳ Phục hưng sớm (Early Renaissance) là Giotto di Bondone (họa sỹ Ý, năm 1267- 1337).
Các bức bích họa nổi bật bao gồm: Kinh thánh của Người nghèo (Poor Man's Bible), là một tập hợp tác phẩm nghệ thuật để minh họa những lời truyền dạy trong Kinh thánh cho phần lớn người dân còn mù chữ (tương tự như các bức chạm khắc trong những ngôi đình tại Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, là một tập hợp minh họa thế giới thần tiên, đời sống thường nhật của con người và môi trường tự nhiên xung quanh).
Đây là các câu chuyện Kinh thánh phức tạp, trong một hệ thống chung như: Bộ tranh Thời kỳ Cựu Ước và Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước (Old Testament cycle, New Testament cycle); Các câu chuyện đơn lẻ khác như Sự phán xét cuối cùng (Last Judgement), Lễ Truyền tin (Annunciation), Thánh Sebastian (Saint Sebastian), vị thánh địa phương St Fina...
Các bức tranh trong Bộ tranh Thời kỳ Cựu ước (Old Testament cycle) được miêu tả trên bức tường ở lối đi bên trái, tại 6 bước gian, được thực hiện bởi Bartolo di Fredi (họa sĩ người Ý, năm 1330-1410). Nhiều trong số này đã bị hư hại, không còn đầy đủ. Các bức tranh được bố cục thành 3 hàng:
Hàng trên có 6 cảnh là các câu chuyện miêu tả về Sáng tạo: 1. Sáng tạo Bầu trời (Creation of the Firmament); 2. Sáng tạo Con người (Creation of Man); 3. Adam đặt tên cho các con vật (Adam names the animals); 4. Tạo lập đêm giao thừa (Creation of Eve); 5. Chúa ra lệnh cho Adam và Eve không được chạm vào trái cấm (God commands Adam and Eve not to touch the forbidden fruit); 6. Nguyên tội (Original Sin, hiện đã mất).
Hàng giữa có 12 cảnh: 1. Sự trục xuất của Adam và Eve khỏi Vườn Địa Đàng (Expulsion of Adam and Eve from the Garden of Eden; rất không đầy đủ); 2. Cain giết Abel (Cain kills Abel; không còn đầy đủ); 3. Noah và gia đình đóng con tàu (Noah and his family building the Ark); 4. Động vật lên tàu (Animals entering the Ark); 5. Noah và gia đình tạ ơn sau trận Đại hồng thủy (Noah and his family giving thanks after the Great Flood); 6. Cơn say của Noah (Drunkenness of Noah); 7. Sự ra đi của Abraham và Lot rời khỏi xứ của người Chaldeans (Departure of Abraham and Lot from the land of the Chaldeans); 8. Abraham và Lot đường ai nấy đi (Abraham and Lot go separate ways); 9. Giấc mơ của Joseph (Joseph's dream); 10. Joseph bị các anh dìm xuống giếng (Joseph is put into a well by his brothers); 11 và 12. Chuyện Joseph ở Ai Cập (Story of Joseph in Egypt, hiện đã mất).
Hàng thấp có 10 cảnh: 1. Joseph, các anh của Ngài đã bị bắt (Joseph, has his brothers arrested; rất không đầy đủ); 2. Joseph cho gia đình biết danh tính của mình (Joseph makes his identity known to his family; không đầy đủ); 3. Moses biến cây gậy thành con rắn (Moses changes the rod into a serpent); 4. Đội quân của Pharaoh bị nhấn chìm trong Biển Đỏ. (Army of Pharaoh are drowned in the Red Sea; cảnh này chiếm hai phần); 5. Moses trên núi Sinai (Moses on Mount Sinai); 6. Ma quỷ được Chúa gửi đến Job (Devil is sent to Job by God); 7. Đàn ông và bầy gia súc của Job bị giết (Men and herds of Job are killed; 8. Ngôi nhà của Job sụp đổ, các con trai của ông bị giết (House of Job falls, killing his sons); 9. Job cầu nguyện với Chúa (Job prays to God); 10. Job bị ung nhọt, bạn bè đến thăm (Job, plagued by boils, is visited by friends; chưa hoàn thiện); 11. Cảnh không rõ (Lost scene).

Một phần của các bức tranh trong Bộ tranh Thời kỳ Cựu Ước, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Đội quân của Pharaoh bị nhấn chìm trong Biển Đỏ, Bộ tranh Thời kỳ Cựu Ước; của Bartolo di Fredi (họa sỹ Ý, năm 1330 – 1410); Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Các bức tranh trong Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước (New Testament cycle) được miêu tả trên bức tường ở lối đi bên phải, tại 6 bước gian, theo 3 hàng. Các bức tranh do nhiều họa sĩ thực hiện. Các cảnh trong Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước được sắp xếp thành các câu chuyện riêng biệt và không theo khuôn mẫu rõ ràng từ trái sang phải như trong Bộ tranh Cựu Ước ở lối đi bên trái. Nhiều bức tranh trong số này đã bị hư hại. Các bức tranh được bố cục thành 3 hàng:
Hàng trên có 6 cảnh, liên quan đến sự ra đời của Chúa Jesus: 1. Truyền tin (Annunciation); 2 Chúa giáng sinh và sự tôn thờ của những người chăn cừu (Nativity and adoration of the shepherds); 3. Sự tôn thờ của Magi (Adoration of the Magi); 4. Bên trong đền thờ (Presentation at the Temple); 5. Vụ thảm sát những người vô tội (Massacre of the Innocents); 6. Chuyến bay vào Ai Cập (Flight into Egypt).
Hàng giữa có 8 cảnh, liên quan đến cuộc đời của Chúa Jesus: 1. Chúa Jesus giữa các tu sĩ của Đền thờ Jerusalem (Jesus among the Doctors of the Temple of Jerusalem; 2. Lễ rửa tội của Chúa Jesus (Baptism of Jesus); 3. Sự kêu gọi của Peter (Calling of Peter); 4. Đám cưới tại Cana xứ Galilee (Wedding at Cana of Galilee; bị hư hại trong Thế chiến 2); 5. Sự biến hình (Transfiguration); 6. Sự sống lại của Lazarus (Resurrection of Lazarus); 7. Chúa Jesus vào thành Jerusalem (Jesus enters Jerusalem); 8. Mọi người chào đón Chúa Jesus đến Jerusalem (People welcome Jesus to Jerusalem).
Hàng dưới có 8 cảnh trong 4 ô, thể hiện chủ đề về Khổ nạn của Chúa Jesus (Passion of Jesus): 1. Bữa ăn tối cuối cùng (Last Supper); 2. Judas phản bội Chúa Jesus vì 30 miếng bạc (Judas agrees to betray Jesus for thirty pieces of silver); 3. Chúa Jesus cầu nguyện trong vườn Gethsemane (Jesus prays in the Garden of Gethsemane); 4. Nụ hôn của Judas (Kiss of Judas); 5. Chúa Jesus tại Praetorium (Jesus at the Praetorium); 6. Sự tra tấn Chúa Jesus (Scourging of Jesus); 7. Chúa Jesus đội mũ gai và bị chế nhạo (Jesus crowned with thorns and mocked); 8. Chúa Jesus vác thập giá lên đồi Calvary (Jesus carrying the cross to Calvary).

Một phần của các bức tranh trong Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Chúa Giê-su vào thành Jerusalem Jesus enters Jerusalem, của Lippo Memmi (họa sĩ Ý, năm 1291- 1356), Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bữa ăn tối cuối cùng (Last Supper) của Lippo Memmi, Bộ tranh Thời kỳ Tân Ước, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Ngoài các bức tranh trên trong hai tập hợp trên, trong Nhà thờ còn có nhiều bức tranh khác (một phần đã bị phá hủy vào thế kỷ 15). Một trong những bức tranh nổi tiếng trên bức tường bên trong của Mặt tiền, liền kề Gian giữa là Sự phán xét cuối cùng (Last Judgment), được thực hiện bởi Taddeo di Bartolo (họa sĩ người Ý năm 1363- 1422); Bức tranh Tử vì đạo của Thánh Sebastian (Martyrdom of St. Sebastian), được thực hiện bởi Benozzo Gozzoli (họa sĩ người Ý, năm 1421 – 1479) vào năm 1465.

Bức bích họa Sự phán xét cuối cùng (Last Judgment), của Taddeo di Bartolo, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức bích họa Thiên đường và Địa ngục (Heaven and Hell) của Taddeo di Bartolo, vẽ vào năm 1393, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Tử vì đạo của Thánh Sebastian (Martyrdom of St. Sebastian) của Benozzo Gozzoli (họa sĩ người Ý, năm 1421 – 1479), vẽ vào năm 1465, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Lễ Truyền tin (Annunciation) của Sebastiano Mainardi (họa sĩ người Ý, năm 1466 – 1513, tại Phòng rửa tội (Loggia of the Baptistry), vẽ năm 1482, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Bên cạnh hệ thống các bức tranh như một câu chuyện kể về Kinh thánh bên trong Gian Hội trường và Hậu đường, tại Nhà thờ Collegiata còn có nhiều bức tranh đặc sắc tại các Nhà nguyện (Chapels), trong đó có Nhà nguyện Thánh Fian (Chapel of St Fina).
Nhà nguyện Thánh Fian nằm tại lối đi bên phải của Nhà thờ Collegiata (Collegiata di Santa Maria Assunta.
Theo truyền thuyết, Fina dei Ciardi (Serafina, năm 1238–1253) là cô gái trẻ nổi tiếng vì lòng mộ đạo, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, mắc một căn bệnh khiến cô trở nên tàn tật. Cô nằm hàng ngày trên một tấm ván gỗ và được hai người phụ nữ chăm sóc. Tám ngày trước khi cô qua đời ở tuổi 15, Fina đã thấy Giáo hoàng Gregory, người đã nói với cô rằng cái chết đang cận kề. Vào ngày cô qua đời, tiếng chuông của Nhà thờ San Gimignano vang lên một cách tự nhiên và những bông hoa lớn màu hoa cà mọc xung quanh thi hài của cô. Một người y tá đã khỏi được chứng tê liệt khi chạm vào tay của Fina. Một cậu bé mù trong dàn hợp xướng cũng đã phục hồi thị lực khi chạm vào chân Fina. Sau khi Fina dei Ciardi (Serafina, năm 1238–1253) qua đời, Bà được tôn vinh thành vị Thánh bảo vệ và bảo trợ của thành phố San Gimignano. Mộ của Bà lúc đó đặt trong một tu viện nhỏ, liền kề với nghĩa trang.
Năm 1325, thành phố San Gimignano đã chấp thuận việc dựng một bàn thờ trong Nhà thờ để chứa thánh tích của bà.
Năm 1457, thành phố quyết định xây dựng một nhà nguyện dành riêng cho Santa Fina để lưu giữ thánh tích của bà. Nhà nguyện được thánh hiến vào năm 1488.
Nhà nguyện được thiết kế bởi Giuliano da Maiano (kiến trúc sư Ý, năm 1432–1490) và Benedetto da Maiano (nhà điêu khắc Ý, năm 1442- 1497) vào năm 1468 - 1472. Nhà nguyện được cho là lấy cảm hứng từ Nhà nguyện Hồng y Bồ Đào Nha tại Nhà thờ San Miniato al Monte ở Florence do Antonio Rossellino (nhà điêu khắc người Ý, năm 1427- 1479) thực hiện.
Nhà nguyện được bao bọc bởi một lan can bằng đá cẩm thạch vào năm 1661; là một không gian kín 3 mặt. Bức tường mỗi mặt là một hốc hình vòm. Tường và trần nhà được trang trí bằng các bức phù điêu và tranh.
Bàn thờ chứa Thánh tích là phù điêu của Benedetto da Maiano miêu tả những cảnh về cuộc đời của Thánh Fina.
Phía trên bàn thờ là tượng thờ với bức chân dung của Thánh Fian. Bán vòm phía trên được trang trí bằng bức phù điêu Đức Mẹ với Chúa Hài đồng giữa hai Thiên thần. Xung quanh các bức tường bên là những hàng ghế ngồi bằng gỗ được chạm khắc và khảm.
Các bức tường bên trong của Nhà nguyện được họa sĩ người Florentine, Domenico Ghirlandaio (năm 1448 – 1494) thực hiện năm 1477 - 1478, cùng lúc với việc Benedetto da Maiano thực hiện tác phẩm điêu khắc.
Các bức tranh trên tường miêu tả sự tích và huyền thoại về Thánh Fina; các nhà tiên tri và các vị thánh khác.
Phong cách của các bức tránh này kết hợp các yếu tố vừa mang tính lịch sử vừa mang tính đương đại, có lẽ được lấy cảm hứng từ Câu chuyện về Thánh Stephen và Thánh John the Baptist của Filippo Lippi (họa sĩ Ý, năm 1406- 1469) ở Nhà thờ lớn Prato (Cathedral of Saint Stephen, Tuscany, Ý).

Nhà nguyện Thánh Fian, nhìn từ bên ngoài, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Ban thờ, bên trong Nhà nguyện Thánh Fian, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Giáo hoàng Gregory tuyên bố cái chết của Thánh Fina (Pope Gregory announces the death of Santa Fina) do họa sĩ Domenico Ghirlandaio (năm 1448 – 1494) thực hiện năm 1477, Nhà nguyện Thánh Fian, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Tang lễ của Thánh Fina (Funeral of Santa Fina), do họa sĩ người Ý Domenico Ghirlandaio (năm 1448 – 1494) thực hiện năm 1473-1475, Nhà nguyện Thánh Fian, Nhà thờ Collegiata, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tu viện Sant Agostino
Tu viện Sant Agostino (Convento Sant'Agostino) nằm tại phía đông bắc của Quảng trường Sant Agostino. Đây là một quần thể công trình dạng cổ điển của người La Mã, bao gồm một nhà thờ và các công trình của Tu viện.
Tu viện là một loạt các dãy nhà bao quanh một sân trong. Nhà thờ của Tu viện nằm tại phía nam của Quần thể.

Tổng mặt bằng Tu viện Sant Agostino, Nhà thờ nằm tại phía nam; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Sơ đồ mặt bằng Tu viện Sant Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Phối cảnh phía nam Nhà thờ Sant Agostino; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Nhà thờ của Tu viện Sant Agostino (Church of St Augustine) là nhà thờ lớn thứ hai ở San Gimignano, sau Nhà thờ Collegiata; thuộc sở hữu của Dòng thánh Augustine (Order of Saint Augustine).
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1280 – 1298; có bố cục chếch theo hướng đông – tây. Lối vào chính tại phía tây.
Nhà thờ nằm trên một bệ nền cao 5 bậc so với mặt nền góc tây nam Quảng trường Sant Agostino.
Nhà thờ có mặt tiền đơn giản, xây bằng gạch, không có trang trí, chỉ có một cửa vòm tại chính giữa. Phía trên là một cửa sổ tròn. Bên trong chỉ có một gian duy nhất theo phong cách Romanesque với một số chi tiết mang phong cách Gothic.
Công trình có một Sảnh hiên (Narthex);
Hội trường/Gian giữa (Nave) gồm 1 gian, kéo dài 3 bước cột. Phủ lên trên là 3 mái vòm. Ở góc phía đông nam của Hội trường, là một tháp chuông nhỏ.
Thánh điện hay Hậu đường, nơi đặt ban thờ, là một một hình chữ nhật đơn giản; phía sau là 3 nhà nguyệt có mặt bằng hình chữ nhật.
Mặt tiền phía nam và phía bắc của nhà thờ có 4 cửa vòm cao lấy ánh sáng vào bên trong.
Cấu trúc đỡ mái nhà, dạng hai mái dốc là một dàn tam giác bằng gỗ.
Nội thất của Gian Hội trường được chi phối bởi Bộ tranh bích họa 17 tấm về Cuộc đời của Thánh Augustine xung quanh Ban thờ cao (High Altar), được vẽ từ năm 1463 – 1467 bởi Benozzo Gozzoli (họa sĩ người Ý, năm 1421- 1479).
Phía sau Ban thờ là bức tranh (Altarpiece) Lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ (Coronation of the Virgin), được vẽ năm 1438 bởi Piero del Pollaiuolo (họa sĩ người Ý, năm 1443 – 1496). Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ nhiều bức bích họa khác.
Nhà nguyện San Bartolo (Cappella di San Bartolo) bên trong Nhà thờ lưu giữ hài cốt của vị thánh Bartolo (Bartolo da San Gimignano, năm 1228 – 1300; chết vì bệnh phong do chăm sóc người nghèo). Bàn thờ tráng lệ trong nhà nguyện là của Benedetto da Maiano (nhà điêu khắc người Ý, năm 1442- 1497).

Nội thất Nhà thờ Sant Agostino; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Một phần Bộ tranh bích họa 17 tấm về Cuộc đời Thánh Augustine của họa sĩ Benozzo Gozzoli; Nhà thờ Sant Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.

Phía sau Ban thờ là bức tranh (Altarpiece) Lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ, vẽ bởi họa sĩ Piero del Pollaiuolo; Nhà thờ Sant Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.

Nhà nguyện San Bartolo, Nhà thờ Sant Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tu viện Sant Agostino (3 phần của Quần thể) được xây dựng vào năm 1465; bao gồm các công trình cao 2 tầng bố cục xung quanh một sân trong hình vuông. Dọc theo sân trong là một hành lang với hàng cột vòm. Chính giữa sân trong là một đài phun nước.
Các công trình trong Tu viện gồm: Hội trường với các cửa số kiểu Gothic và trần nhà là những mái vòm có đường gân; Phòng sinh hoạt chung, là căn phòng được sưởi ấm duy nhất trong mùa Đông; Phòng ăn và Nhà bếp kề liền; Phòng chứa ngũ cốc, rượu…và Chuồng chăn nuôi gia súc. Cộng đồng tu sĩ sống trên tầng hai của Tu viện. Ngoài ra tại đây còn có Nhà tế bần, Nhà khách với lối đi riêng biệt.
Vào năm 1863, Tu viện trở thành doanh trại. Từ năm 1927, Tu viện được dòng Saint Augustine thuê lại phần lớn.

Sân trong Tu viện Sant Agostino, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Một số nhà thờ khác
Nhà thờ San Pietro (Chiesa di San Pietro in Forliano, hình vẽ ký hiệu 12) nằm tại phía nam Quảng trường Sant Agostino, gần với Tu viện Sant Agostino. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 13.
Nhà thờ trải qua nhiều giai đoạn tu sửa. Vào năm 1918, các bức bích họa trong Nhà thờ đã được phục hồi và mặt tiền được khôi phục theo phong cách ban đầu.
Nhà thờ có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía đông.
Công trình được đặt trên một bệ nền, cao 3 - 4 bậc so với bề mặt hơi dốc của Quảng trường.
Nhà thờ không có Sảnh hiên (Narthex);
Gian Hội trường/Gian giữa (Nave) là không gian chính của Nhà thờ với 1 nhịp nhà.
Phía tây của Gian Hội trường có các nhà nguyện nhô ra cả hai phía nam và bắc của Ban thờ.
Mặt tiền của Nhà thờ bố trí theo kiểu cổ điển đầu thế kỷ 13, có một cổng vòm với một khung cửa tạo bởi các viên đá vôi bao quanh, phía trên cửa trang trí một vòm bằng đá. Trên cùng là một cửa sổ tròn.
Mặt tiền phía bắc và nam đơn giản. Mặt tiền phía bắc Gian Hội trường hầu như không có cửa. Mặt tiền phía nam Gian Hội trường có 3 cửa sổ nhỏ sát mái và một cửa ra vào.
Nhà thờ có một tháp chuông nhỏ nhô lên khỏi mái.
Nội thất lưu giữ được những bức bích họa từ nửa đầu thế kỷ 14 của nghệ sĩ như Memmo di Filippuccio (họa sĩ người Ý, năm 1250 – 1325) và Giovanni d'Asciano (họa sĩ người Ý, thế kỷ 14).

Phối cảnh mặt tiền phía đông của Nhà thờ San Pietro, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.

Nội thất Nhà thờ San Pietro, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Nhà thờ San Lacopo (Chiesa di San Jacopo al Tempio, hình vẽ ký hiệu 14) nằm cạnh Cổng San Jacopo, tại phía đông bắc Thị trấn San Gimignano. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1239 – 1257, liên quan đến một bệnh viện và một học viện. Nhà thờ trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1942, công trình được trùng tu và có diện mạo như hiện tại.
Nhà thờ San Lacopo có quy mô nhỏ, bố cục theo hướng đông tây; lối vào chính từ phía tây.
Nhà thờ gồm một Gian giữa (Hội trường) duy nhất, không có Sảnh hiên, được bao phủ bởi một mái vòm.
Mặt tiền theo chiều đứng gồm hai phần:
Phần dưới xây bằng các phiến đá trầm tích màu ghi nhạt (travertine). Chính giữa mặt tiền là một cổng với vòm trang trí phía trên. Vào thời kỳ đầu, vòm cửa có bức tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng.
Phần trên được xây bằng gạch; chính giữa là một cửa sổ hoa hồng trang trí. Trên đỉnh nóc mái là một bức tường treo một chuông nhỏ, được xây dựng vào thời kỳ sau này.
Gian Hội trường gồm 5 bước gian, phân chia bởi các hàng cột, một phần nằm trong tường và được bao phủ bởi các mái vòm chữ thập. Phía đông của Gian Hội trường là ban thờ. Phía bắc của Gian Hội trường là một hàng hiên và một nhà nguyện.
Trên bức tường phía đông của Nhà thờ có các bức bích họa từ thế kỷ 14: Madonna và hài đồng cùng Thánh cả James, Thánh sứ John (Madonna and Child with Saints James the Greater, John the Evangelist) của Memmo di Filippuccio (họa sĩ người Ý, năm 1250 – 1325); Đóng đinh vào cây thập giá và Hạ thi thể đặt vào mộ (Crocifissione e una Deposizione nel Sepolcro), được cho là của Strauss Madonna (họa sĩ người Ý, thế kỷ 14- 15); Thánh Giovanni Battista và Thánh Jacopo Maggiore của Pier Francesco Fiorentino (họa sĩ người Ý, năm 1444/1445 – 1497).

Mặt tiền Nhà thờ San Lacopo; bên phải ảnh là Cổng San Jacopo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Nội thất Nhà thờ San Lacopo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Nhà thờ San Lorenzo in Ponte (Church of San Lorenzo in Ponte, hình vẽ ký hiệu 17) nằm tại phía đông Thị trấn San Gimignano. Công trình có quy mô nhỏ, hướng ra tuyến đường Via Castello tại phía bắc.
Nhà thờ theo phong cách La Mã này được xây dựng vào thế kỷ 13.
Mặt tiền của Nhà thờ phân thành hai phần: Phần dưới là một cổng vòm, trên là một mái hiên; Phần trên là một cửa sổ kép.
Nhà thờ có một Gian giữa duy nhất bên dưới mái nhà với các vì kèo bằng gỗ và một bức tường treo chuông nhỏ nhô cao trên mái.
Cả nhà thờ và mái vòm đều được trang trí bằng những bức bích họa phong phú, được vẽ vào đầu những năm 1410 bởi Cenni di Francesco (họa sĩ người Ý, năm 1369 – 1415). Một trong số đó là các bức bích họa thể hiện những chi tiết gợi liên tưởng về Thế giới bên kia ở Địa ngục (l'Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso); Bức vẽ Đức Mẹ trong vinh quang (Madonna in Gloria) vẽ năm 1310 của Simone Martini (họa sĩ người Ý, năm 1284 - 1344), được họa sĩ Cenni di Francesco, chỉ để lại khuôn mặt nguyên vẹn, vẽ lại toàn bộ vào năm 1413.

Mặt tiền Nhà thờ San Lorenzo in Ponte, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Nội thất Nhà thờ San Lorenzo in Ponte, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức tranh Đức Mẹ trong vinh quang, Nhà thờ San Lorenzo in Ponte, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Dinh thự và Bảo tàng
Dinh thự Tortoli
Dinh thự Tortoli (Palazzo Tortoli, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía đông nam của Quảng trường Cisterna, có niên đại từ thế kỷ 14.
Công trình cao 3 tầng và một tầng áp mái. Hai bên là các tòa nhà cổ, xây bằng đá và gạch. Tầng trệt được ốp bằng đá, tầng trên bằng gạch khác màu, tạo thành các dải màu xen kẽ.
Tòa nhà được đặc trưng bởi một dãy cửa sổ kép hình vòm nhọn trang nhã với các cột đá cẩm thạch thanh mảnh; phía trên cửa kép là một vòm nhọn với trang trí một vòng tròn, theo phong cách Gothic vùng Sienese. Hiện tòa nhà trở thành một khách sạn.

Phối cảnh Dinh thự Tortoli, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Dinh thự Podestà cũ
Dinh thự Podestà cũ (Dinh Thị trưởng cũ /Palazzo Vecchio del Podestà, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại phía đông Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo), kề liền là Tháp Rognosa(Torre Rognosa). Dinh thự được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 12. Tòa nhà hiện tại được xây dựng lại vào năm 1239 và mở rộng vào năm 1337. Vào thời điểm đó, công trình đã không còn là dinh Thị trưởng (podestà) để nhường chỗ cho tòa nhà mới.
Năm 1537, một nhà hát nhỏ được tạo ra bên trong, được xây dựng lại vào năm 1794 (Teatro dei Leggieri) và được khôi phục vào cuối thế kỷ 20.
Công trình cao 2 tầng.
Tầng dưới cao tương đương với 2 tầng của các dãy nhà kề liền, được làm bằng đá; có 2 mái vòm, một mái vòm nhỏ và một mái vòm lớn.
Tầng trên được xây dựng bằng gạch với 3 cửa sổ vòm tròn.
Mái được trang trí bằng các trụ gạch kiểu lỗ châu mai.
Phía trên cửa sau của sảnh vào có một bức tranh Madonna with Child, các thiên thần và các vị thánh của Sodoma (Giovanni Antonio Bazzi, họa sĩ người Ý, năm 1477 - 1549) vẽ năm 1513.
Nhà hát nhỏ tại tầng dưới có sức chứa khoảng một trăm chỗ ngồi, sân khấu và các dịch vụ, được làm lại hoàn toàn, dành cho biểu diễn thính phòng, văn xuôi và âm nhạc, độc tấu và đọc sách.

Mặt tiền Dinh thự Podestà cũ, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Dinh thự Comunale
Dinh thự Comunale (Palazzo Comunale), còn được gọi là Palazzo del Popolo hoặc Palazzo Nuovo del Podestà (hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía tây Quảng trường Cisterna và phía nam của Quảng trường Duomo. Đây là tòa Thị chính mới của thành phố. Phía tây của Tòa nhà là Tháp Grossa (Torre Grossa) là tòa tháp cao nhất ở San Gimignano, cao 54m.
Dinh thự Comunale có từ cuối thế kỷ 13, và được xây dựng trên tàn tích của một tòa nhà hiện có từ năm 1289 đến 1298. Tòa nhà được mở rộng vào thế kỷ 14.
Công trình cao 3 tầng. Mặt tiền tầng trệt xây bằng đá, 2 tầng trên xây bằng gạch.
Mặt tiền được đặc trưng bởi cửa sổ hình vòm với các lỗ đục trên tường (cho giàn giáo) do Giuseppe Partini (kiến trúc sư người Ý, năm 1842- 1895) thực hiện từ năm 1878 - 1881.
Tầng trệt Dinh thự có một sân trong, được xây dựng vào năm 1323 và được trang trí bằng huy hiệu của những người đã giữ chức vụ công trong thành phố. Các văn phòng dân sự chính của Hội đồng thành phố nằm ở tầng trệt.
Ở tầng 1 có một phòng với ban công, là nơi các quan chức có thể phát biểu trước các đám đông tụ tập tại Quảng trường. Tầng này có một Hội trường được gọi là Sala di Dante (Dante Alighieri, nhà thơ, triết gia người Ý, năm 1265- 1311). Bài thơ Thần khúc (Divine Comedy) của ông được coi là một trong những bài thơ quan trọng nhất của thời Trung cổ và là tác phẩm văn học vĩ đại nhất bằng tiếng Ý. Dante đã đến đây vào năm 1299 với tư cách là đại sứ của Cộng hòa Florentine. Căn phòng được trang trí bằng hình ảnh Đức Mẹ uy nghi (Maestà) của Lippo Memmi (họa sĩ người Ý, năm 1291- 1356).
Ngay gần sảnh của Hội trường có các phòng họp nhỏ, bên trong có nhiều vật dụng như ghế gỗ, tượng bán thân được thực hiện vào thế kỷ 15. Từ đây có cầu thang để lên Tháp Grossa.
Bảo tàng Công dân (Museo Civico) nằm tại các tầng trên của Tòa nhà, có thể tiếp cận từ Quảng trường Duomo và từ sân trong phía sau Dinh thự. Sân được xây dựng vào năm 1323 và được trang trí bằng các bức bích họa hoặc các huy hiệu điêu khắc. Ở trung tâm sân có một bể chứa nước, được thực hiện vào năm 1361. Bảo tàng là nơi lưu giữa các tác các tác phẩm nghệ thuật quan trọng của Florentine và Sienese, từ thế kỷ 13 - 16.
Thư viện của Dinh thự nằm trên tầng 2 và chứa các tác phẩm hội hoạ của các họa sĩ người Ý như: Coppo di Marcovaldo (năm 1225 – 1276); Lippo Memmi; Benozzo Gozzoli (năm 1421 – 1479); Filippino Lippi (năm 1457 – 1504); Il Sodoma (năm 1477 – 1549); Pinturicchio (năm 1454 – 1513); Azzo di Masetto, Niccolò di Ser Sozzo (năm 1334 – 1364) ; Taddeo di Bartolo (năm 1363 – 1422), Lorenzo di Niccolò và Benedetto da Maiano (năm 1442 – 1497).

Mặt tiền Dinh thự Comunale; bên phải ảnh là Tháp Grossa, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Sân trong Dinh thự Comunale, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bảo tàng Công dân, Dinh thự Comunale, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bức bích họa Đức Mẹ uy nghi (Maestà) của họa sĩ Lippo Memmi, tại Hội trường Dante Dinh thự Comunale, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Một số dinh thự khác
Ngoài các dinh thự nổi bật trên tại Trung tâm lịch sử San Gimignano còn có một số dinh thự khác:
Dinh thự Cancelleria (Palazzo Cancelleria, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía bắc của Tháp đôi Torri Salvucci (hình vẽ ký hiệu 8).
Dinh thự Pesciolini (Palazzo Pesciolini, hình vẽ ký hiệu 10) nằm tại phía bắc của Dinh thự Cancelleria.
Dinh thự Tinacci (Palazzo Tinacci, hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại phía tây bắc Dinh thự Pesciolini.
Bảo tàng Nghệ thuật Sacra
Bảo tàng Nghệ thuật Sacra (Museo d'arte Sacra, hình vẽ ký hiêu 7) nằm tại phía nam Nhà thờ Collegiata, được thành lập vào năm 1930.
Bộ sựu tập của Bảo tàng đến từ Nhà thờ Collegiata. Đây cũng là nơi lưu giữ các tác phẩm từ các cuộc khai quật từ các nhà thờ trong khu vực.
Công trình cao 2 tầng.
Tầng trệt có một nhà nguyện chứa bia mộ và bàn thờ đá thế kỷ 10- 11 (từ tu viện San Vittore ở Catignano), một cây thánh giá bằng gỗ có từ thế kỷ 14) và một chiếc ghế thế kỷ 15 bằng gỗ chạm khắc. Trong các phòng tiếp theo chứa các bức bích họa của nhiều họa sĩ.
Tầng 1 có 4 phòng, là nơi trưng bày các cây thánh giá và tượng những vị thánh bằng đá, đất nung; các bức bích họa, bức tranh vẽ trên vải về những vị thánh, thiên thần của nhiều họa sĩ. Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ các bộ sưu tập về lễ phục có từ thế kỷ 16 – 19, tác phẩm nghệ thuật của thợ kim hoàn (thế kỷ 13- 19) và tác điêu khắc bằng gỗ đa sắc…

Phối cảnh mặt tiền Bảo tàng Nghệ thuật Sacra, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý

Bên trong Bảo tàng Nghệ thuật Sacra, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
Các tòa tháp
Trung tâm lịch sử San Gimignano vẫn còn lưu giữ được 14 tòa tháp. Các tòa tháp có lẽ là những tháp quan sát, nhà kho cao tầng chứa những đồ quý giá, phô trương sự giàu có của mỗi gia tộc. Sau này, các tòa tháp được sử dụng cho các mục đích khác, như tháp chuông, tháp phòng thủ.
Một số tòa tháp tiêu biểu gồm:
Tháp Rognosa
Tháp Rognosa(Torre Rognosa), còn được gọi là Tháp Đồng hồ (Torre dell'Orologio) hoặc Tháp Podestà (Torre del Podestà), là một trong những tháp cao nhất và được bảo tồn tốt nhất ở San Gimignano. Tháp nằm tại phía đông của Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo) và phía bắc Quảng trường Cisterna (Piazza della Cisterna), thuộc Dinh thị trưởng cũ Podestà (Palazzo vecchio del Podestà).
Tháp được xây dựng vào khoảng năm 1200, thuộc về gia đình Gregori và Oti. Tháp cao 51m và là tòa tháp cao thứ hai trong thị trấn, sau Tháp Grossa (Torre Grossa) cao 54 m.
Tháp có mặt bằng gần như hình vuông và được xây bằng đá.
Tháp chỉ có một cửa sổ nhỏ nhìn ra quảng trường Cisterna. Trên tầng cao nhất, Tháp có một sân thượng, đặt một tháp chuông thế tục (để triệu tập công dân trong trường hợp nguy hiểm và vì những lý do khác không liên quan đến tôn giáo). Sau này, Tháp chuông được dùng để báo giờ.
Theo quy chế năm 1255, chiều cao Tháp Rognosa trở thành chuẩn mực, chiều cao của các tòa nhà trong thành phố cấm không được vượt quá chiều cao của Tháp. Duy nhất có một tháp có chiều cao lớn hơn là Tháp Grossa.

Phối cảnh tổng thể Tháp Rognosa; Bên trái ảnh là Tháp Chigi, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Salvucci
Tháp Salvucci (Torri Salvucci, hình vẽ ký hiệu 8) là tòa tháp đôi nằm ở Quảng trường Delle Erbe (Piazza Delle Erbe), bên cạnh Quảng trường Duomo (Piazza Duomo). Tháp thuộc gia đình Salvuccis, thuộc dòng tộc Guelph (cùng với Ghibelline, là hai dòng tộc đối lập quan trọng trong nền chính trị Ý vào cuối thời Trung cổ, thế kỷ 12- 14).
Tháp được xây dựng với vẻ ngoài uy nghiêm, chiều cao vượt trội nhằm tượng trưng cho quyền lực tối cao của gia đình đối với thành phố. Theo quy định vào năm 1255, không được vượt quá chiều cao 51 mét của Tháp Rognosa, Tháp Torri bị phá dỡ phần trên để giảm chiều cao.
Các tòa tháp đều có hình vuông và rất ít cửa, chỉ có một số cửa sổ hình chữ nhật. Ở tầng trệt, tháp có cổng rất hẹp, được bao bọc bởi một mái vòm nhọn. Hai tòa tháp không cao bằng nhau. Tòa tháp phía nam (Torre Salvucci Maggiore) cao hơn tòa tháp phía bắc. Hiện tại đây có căn hộ cổ trên một số tầng, dành cho khách du lịch.

Phối cảnh Tháp đôi Torri Salvucci, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Ardinghelli
Tháp Ardinghelli (Torri degli Ardinghelli) là tòa tháp đôi nằm cạnh Dinh thự Cisterna (Piazza della Cisterna) tại góc của Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo). Tháp thuộc gia đình Ardinghellis, dòng tộc Ghibelline. Gia đình này giàu có nhờ hoạt động thương mại và tài chính, đồng thời có quan hệ thương mại với Lombardy, miền bắc Ý và với phương Đông.
Hai tòa tháp được xây dựng vào thời hoàng kim của San Gimignano, thế kỷ 13. Hai tòa tháp này sau đó bị phá dỡ một phần theo lệnh cấm vào năm 1255, không được phép vượt qua chiều cao của Tháp Rognosa. Ngày nay, chiều cao của tháp chỉ bằng một nửa so với ban đầu.
Hai tòa tháp có mặt bằng hình tứ giác. Tòa tháp phía bắc cao hơn tòa tháp phía nam. Bề mặt của hai tòa tháp khác nhau ở cách bố trí cửa sổ. Cửa số tòa tháp phía bắc hẹp hơn. Cửa sổ tòa tháp phía nam rộng hơn và được bố trí nằm trong một vòm rộng.

Phối cảnh tổng thể Tòa tháp đôi Ardinghelli, phía sau là Tháp Grossa; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Becci
Tháp Becci (Torre dei Becci) nằm tại phía nam Quảng trường chính Cisterna, nằm gần Cổng Becci (Arco dei Becci, hình vẽ ký hiệu 3), thống trị cả đoạn phố San Giovanni tới Quảng trường Cisterna (Piazza della Cisterna).
Tòa tháp có niên đại từ thế kỷ 13, được xây dựng bởi gia tộc Beccis, là một gia đình thương nhân nắm giữ các chức vụ công quan trọng trong thời kỳ hoàng kim của San Gimignano.
Tòa tháp có vẻ ngoài rất đơn giản. Phần đế hình vuông, bề mặt được xây dựng bằng các viên gạch và đá không đều nhau (Filaretto); hầu như không có cửa.

Phối cảnh Tháp Becci nhìn từ Quảng trường Cisterna, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Chigi
Tháp Chigi (Torre Chigi) nằm tại phía đông Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo), đối diện với Nhà thờ Collegiata, gần Tháp Rognosa (Torre Rognosa). Hai bên của Tháp là các tòa nhà thời Trung cổ với các cửa sổ hình hộp được chế tác tinh xảo.
Tòa tháp, mặc dù không cao, nhưng là một trong những tòa tháp đẹp nhất trong thành phố. Tháp được xây dựng vào năm 1280 và thuộc về gia tộc Useppis, hiện thuộc sở hữu của gia tộc Giachi Cilemmi.
Ba tầng đầu tiên của Tháp ốp bằng đá lộ thiên, được cắt thành các khối vuông vức. Các tầng trên được xây bằng gạch. Mặt tiền quay về hướng Quảng trường; có các ô cửa vòm rộng tại hai tầng dưới và ô cửa vòm hẹp tại các tầng trên.
Trên bốn bề mặt tường có các ô vuông nhỏ, là lỗ để dựng giàn giáo hoặc con sơn đỡ ban công bằng gỗ.

Phối cảnh Tháp Chigi nhìn từ Quảng trường Duomo, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Cugnanesi
Tháp Cugnanesi (Torre dei Cugnanesi) nằm giữa tuyến phố San Giovanni (Via San Giovanni) và tuyến phố Quercecchio (Via del Quercecchio), gần với Cổng Becci (Arco dei Becci). Cùng với Dinh thự Cugnanesi (Palazzo dei Cugnanesi) đồ sộ, Tháp là một phần của bộ máy phòng thủ của Cổng Becci .
Tòa tháp có niên đại từ thế kỷ 13 và là một trong những tòa tháp cao nhất trong thành phố. Tóa tháp đồ sộ như một pháo đài, gắn liền với một phần của vòng thành đầu tiên của Thị trấn.

Phối cảnh Tháp Cugnanesi nhìn từ Tháp Grossa, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Diavolo
Tháp Diavolo (Torre del Diavolo) nằm tại phía bắc của Quảng trường Cisterna (Piazza della Cisterna) và là một phần của Dinh thự Cortesi (Palazzo dei Cortesi) liền kề.
Tháp có mặt bằng hình vuông và một cổng vào cao thông 2 tầng.
Tầng gần trên cùng được viền bởi một hàng các con sơn đỡ một ban công bằng gỗ (hiện không còn).
Tầng trên cùng, Tháp thu nhỏ lại kích thước, xung quanh là hàng hiên.
Trên bề mặt Tháp, mỗi tầng có một cửa sổ hẹp, đáp ứng yêu cầu về phòng thủ hơn là lấy ánh sáng.
Tháp được xây dựng bằng đá vôi trắng.

Phối cảnh Tháp Diavolo nhìn từ Quảng trường Cisterna, Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Tháp Grossa
Tháp Grossa (Torre Grossa) là tòa tháp cao nhất ở San Gimignano, nằm ở Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo), tại phía tây của Tòa thị chính Podestà (Palazzo del Podestà) và phía nam của Nhà thờ Collegiata.
Tháp được xây dựng vào năm 1300 – 1311, cao 54m và là tòa tháp cùng với Tháp đôi Salvucci (Torri Salvucci) cho phép công chúng ra vào thăm quan.
Tòa tháp nằm trên một lối đi có mái vòm.
Giống như tất cả các tòa tháp khác của San Gimignano, Tháp có mặt bằng hình vuông. Mặt ngoài được ốp đá.
Trên đỉnh Tháp với tầm nhìn tuyệt vời ra thị trấn và vùng nông thôn xung quanh, có một tháp chuông, được bao quanh bởi một hành lang có lan can bao quanh. Mái của Tháp có hình kim tự tháp như mái của Tháp Rognosa gần đó.

Phối cảnh Tháp Grossa, Bên trái ảnh là Tòa thị chính Podestà; Bên phải ảnh là Nhà thờ Collegiata; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.

Cầu thang bên trong Tháp Grossa; Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý.
Di sản Trung tâm Lịch sử của San Gimignano, tỉnh Siena, vùng Tuscany, Ý hiện vẫn còn lưu giữ bầu không khí và vẻ ngoài phong kiến, là một địa điểm văn hóa có giá trị đặc biệt với sự đồng nhất về kiến trúc và bố cục đô thị ban đầu. Trong nhà thờ lớn cũng như trong các tòa nhà công cộng và tôn giáo lưu giữ một số kiệt tác nghệ thuật Ý có từ thế kỷ 14 và 15. Các tòa nhà trong bức tường của Thị trấn là một ví dụ điển hình về kiến trúc thời Trung cổ chịu ảnh hưởng của phong cách vùng Florentine, Sienese và Pisan từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14.
Nơi đây trở thành một địa điểm văn hóa được miêu tả trong nhiều cuốn tiểu thuyết, tranh vẽ và phim truyền hình.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/550/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Geminianus
https://en.wikipedia.org/wiki/San_Gimignano
https://it.wikipedia.org/wiki/Mura_di_San_Gimignano
https://it.wikipedia.org/wiki/Porta_delle_Fonti
https://it.wikipedia.org/wiki/Porta_San_Giovanni_(San_Gimignano)
https://it.wikipedia.org/wiki/Rocca_di_Montestaffoli
https://en.wikipedia.org/wiki/Piazza_della_Cisterna
https://it.wikipedia.org/wiki/Piazza_del_Duomo_(San_Gimignano)
https://en.wikipedia.org/wiki/Collegiata_di_Santa_Maria_Assunta,_San_Gimignano
https://en.wikipedia.org/wiki/Santa_Fina_Chapel
https://www.newliturgicalmovement.org/2020/11/the-collegiate-church-of-san-gimignano.html#.Y9I73XZByUk
https://en.wikipedia.org/wiki/Sant%27Agostino,_San_Gimignano
https://it.wikipedia.org/wiki/Chiesa_di_San_Pietro_in_Forliano
https://it.wikipedia.org/wiki/Chiesa_di_San_Jacopo_al_Tempio
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Tortoli
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_vecchio_del_Podest%C3%A0
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Comunale,_San_Gimignano
https://it.wikipedia.org/wiki/Museo_d%27arte_sacra_(San_Gimignano)
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_Rognosa
https://it.wikipedia.org/wiki/Torri_dei_Salvucci
https://it.wikipedia.org/wiki/Torri_degli_Ardinghelli
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_dei_Becci
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_dei_Cugnanesi
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_Grossa
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_Chigi
https://it.wikipedia.org/wiki/Torre_del_Diavolo_(San_Gimignano)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|