Thông tin chung:
Công trình: Lonja de la Seda de Valencia (Sàn giao dịch tơ lụa Valencia)
Địa điểm: Tỉnh và Cộng đồng tự trị Valencia, Spain (N39 28 27,9 E0 22 42,4)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 0,2 ha
Năm hình thành: 1483
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1996, hạng mục i, iv)
Tây Ban Nha (Spain) là một quốc gia ở Tây Nam Châu Âu với một số vùng lãnh thổ tại eo biển Gibraltar và Đại Tây Dương.
Lãnh thổ lục địa Châu Âu của Tây Ban Nha nằm trên Bán đảo Iberia (Iberian Peninsula, góc tây nam châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Andorra, một phần nhỏ của Pháp và Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Tây Ban Nha cũng bao gồm hai quần đảo: Quần đảo Canary ngoài khơi Bắc Phi và Quần đảo Balearic ở Địa Trung Hải. Các vùng đất châu Phi gồm Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de latylesra khiến Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có biên giới thực với một quốc gia châu Phi (Maroc).
Một số hòn đảo nhỏ ở Biển Alboran cũng là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha.
Đất liền của Tây Ban Nha giáp với phía nam và đông biển Địa Trung Hải; về phía bắc và đông bắc giáp Pháp, Andorra và Vịnh Biscay; về phía tây và tây bắc lần lượt là Bồ Đào Nha và Đại Tây Dương.
Tây Ban Nha có diện tích 505.990 km2; dân số 47,43 triệu người (năm 2020); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Madrid.
Con người hiện đại đầu tiên đến Bán đảo Iberia vào khoảng 35.000 năm trước.
Các nền văn hóa Iberia cùng với các nền văn hóa Phoenicia, Hy Lạp (Ancient Greece), Celts và Carthage (Carthaginian Iberia) cổ đại đã phát triển trên bán đảo cho đến khi nằm dưới sự cai trị của La Mã vào khoảng năm 200 trước Công nguyên (TCN).
Vào cuối thời kỳ Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại năm 395–476/480), người Germanic và các bộ tộc liên minh đã di cư từ Trung Âu đến xâm chiếm Bán đảo Iberia và thiết lập các vương quốc tương đối độc lập ở phía tây của bán đảo. Một trong số họ là người Visigoth, đã hợp nhất tất cả các lãnh thổ độc lập còn lại trên bán đảo, bao gồm cả tỉnh Byzantine của Spania vào Vương quốc Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418 – 721).
Vào đầu thế kỷ 8, Vương quốc Visigothic đã bị chinh phục bởi Vương quốc Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750, thủ đô là Damascus, Syria, Tây Á ngày nay).
Một số vùng đất Cơ đốc giáo ở phía bắc Bán đảo Iberia nằm ngoài sự cai trị của người Hồi giáo, cùng với sự xuất hiện của Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888) đã dẫn đến sự hình thành các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo như León, Castile, Aragon, Navarre và Bồ Đào Nha.
Hơn bảy thế kỷ, sự mở rộng về phía nam Bán đảo Iberia của các vương quốc này lên đến đỉnh điểm với việc Cơ đốc giáo xóa bỏ chính thể Hồi giáo cuối cùng, Vương quốc Granada (Emirate of Granada, tồn tại năm 1230–1492) vào năm 1492, cùng năm Christopher Columbus (nhà thám hiểm người Ý, 1451- 1506) đến Tân Thế giới.
Quá trình tập hợp chính trị giữa các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo cũng diễn ra ngày sau đó. Vào cuối thế kỷ 15, chứng kiến sự hợp nhất giữa các tiểu vương quốc Castile và Aragon thành Vương quốc Công giáo Tây Ban Nha (Catholic Monarchs of Spain). Sự thống nhất với tiểu vương quốc Navarre diễn ra vào năm 1512.
Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire/ Chế độ quân chủ Thiên chúa giáo Tây Ban Nha, tồn tại năm 1492–1976) đã liên minh với Vương quốc Bồ Đào Nha (Kingdom of Portugal, tồn tại năm 1139–1910) để thành lập Vương triều Hapsburg (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700).
Các nhà cai trị Habsburg đã đạt đến đỉnh cao về ảnh hưởng và quyền lực: Kiểm soát lãnh thổ bao gồm Châu Mỹ, Đông Ấn; các nước Spanish Netherlands, Bỉ, Luxembourg và một phần lãnh thổ hiện thuộc Ý, Pháp và Đức ở Châu Âu; Vương quốc Bồ Đào Nha (từ năm 1580 - 1640) và nhiều vùng lãnh thổ nhỏ khác như Ceuta và Oran ở Bắc Phi.
Giai đoạn lịch sử Tây Ban Nha này còn được gọi là " Thời đại khám phá " (Age of Discovery).
Vào đầu thời kỳ hiện đại, Tây Ban Nha là một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử, cũng như là một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên; tạo ra một di sản văn hóa và ngôn ngữ lớn với hơn 570 triệu người Hispanophones), khiến tiếng Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ), được nói nhiều thứ hai trên thế giới sau tiếng Quan Thoại Trung Quốc (Mandarin Chinese).
Tây Ban Nha là nơi có số lượng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận lớn thứ ba thế giới. Tính đến tháng 7 năm 2019, Tây Ban Nha có tổng số 48 địa điểm được ghi trong danh sách, chỉ đứng sau Trung Quốc (55) và Ý (55).
Ngày nay, Tây Ban Nha được chia thành 17 cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị. Các cộng đồng tự trị (vùng, bang) được chia thành 50 tỉnh (khu vực).
Bản đồ Tây Ban Nha và vị trí của thành phố Valencia
Valencia là thành phố thủ phủ của tỉnh cùng tên và của Cộng đồng tự trị Valencian. Thành phố có diện tích 134,65km2, trên độ cao trung bình 16m so với mực nước biển; dân số đô thị 792 ngàn người (năm 2022); dân số vùng đô thị khoảng 1581 ngàn người (năm 2020). Đây là thành phố đông dân thứ ba ở Tây Ban Nha, sau Madrid và Barcelona.
Valencia là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Tây Ban Nha, kể từ khi được thành lập dưới tên Valentia Edetanorum bởi người La Mã vào năm 138 TCN.
Trong những năm cuối cùng của Đế chế La Mã, vào thế kỷ 4, thành phố bắt đầu hình thành một cộng đồng Cơ đốc giáo nguyên thủy. Để lấp khoảng trống quyền lực do chính quyền của Đế chế La Mã để lại, nhà thờ đã tiếp quản thành phố. Các nhà thờ của Cơ đốc giáo đã dần thay thế các ngôi đền La Mã cũ.
Vào thời kỳ của Vương quốc Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418 – 721), thành phố đã đạt được tầm quan trọng chiến lược với vai trò là nơi đóng quân của quân đội và đặt trụ sở Giám mục của Giáo hội Công giáo.
Vào đầu thế kỷ 8, Vương quốc Visigothic đã bị chinh phục bởi Vương quốc Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750, thủ đô là Damascus, Syria ngày nay), thành phố rơi vào thời kỳ đen tối, bị phá hủy và không có nhiều thông tin.
Sự bùng nổ lớn nhất trong thành phố vào thế kỷ 11, thời kỳ của các tiểu vương quốc hay thị quốc, trong đó có thị quốc Valencia.
Vào thế kỷ 12, Valencia bị chinh phục bởi những người Almoravids Hồi giáo (Đế chế Almoravid, tồn tại năm 1040 - 1147).
Năm 1238, thành phố bị vua James I (trị vì năm 1213 – 1276) của Vương quốc Cơ đốc giáo Aragon (Reino de Aragón, tồn tại năm 1035 – 1707) chinh phục. Vua đã ban hành luật mới cho thành phố và toàn bộ tiểu vương quốc Valencia (Kingdom of Valencia, tồn tại năm 1238 – 1707), hình thành một giai đoạn lịch sử mới, xã hội mới và đặt nền móng văn hóa mới cho người Valencia đến tận ngày nay. Tại thời điểm này, tiểu vương quốc Valencia có dân số 120.000 người theo đạo Hồi, 65.000 người theo đạo Cơ đốc và 2.000 người Do Thái.
Vào thế kỷ 14, Bệnh dịch đen (Cái chết đen năm 1348) và các trận dịch liên tiếp đã tàn phá dân số. Ngoài ra, các cuộc chiến tranh và việc chung sống giữa 3 cộng đồng dân tộc đã gây ra nhiều bất ổn với nhiều cuộc bạo loạn.
Thế kỷ 15 là thời đại hoàng kim của tiểu vương quốc hay thị quốc Valencia về kinh tế, văn hóa và nghệ thuật. Đây trở thành thành phố đông dân nhất của Vương quốc Cơ đốc giáo Aragon.
Ngành công nghiệp địa phương (dệt may dẫn đầu) đã đạt được sự phát triển vượt bậc, trong đó ngành tơ lụa tạo ra hoạt động kinh tế quan trọng. Vào thời điểm này, Taula de canvis, một ngân hàng công cộng của thành phố hỗ trợ các hoạt động thương mại, cũng được thành lập.
Vào cuối thế kỷ 15, Sàn giao dịch Tơ lụa của các thương gia (Lonja de la Seda y de los Mercaderes) đã được dựng lên. Thành phố trở thành một địa điểm thu hút các thương nhân từ khắp châu Âu. Tại đây đã hình thành một cộng đồng mới: Thương nhân – Nghệ nhân – Công nhân (sản xuất tơ lụa, hàng dệt may), cộng đồng quan trọng nhất ở Bán đảo Iberia.
Ngoài ra, Valencia còn trở thành một trung tâm buôn bán nô lệ lớn, chỉ đứng sau Lisbon (Bồ Đào Nha), tạo thành trục Lisbon– Seville (Tây Ban Nha) –Valencia về hoạt động buôn bán nô lệ từ Tây Phi.
Sự bùng nổ kinh tế này đã được phản ánh trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.
Trong thời kỳ này, một số tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của thành phố đã được xây dựng. Xuất hiện những người tài trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc. Việc sản xuất văn bản văn học phát triển mạnh mẽ.
Đầu thế kỷ 16, Đại học Valencia (Universidad de Valencia) được thành lập dưới tên Estudi General. Đây là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Tây Ban Nha, một trường đại học công lập, định hướng giảng dạy và nghiên cứu trong hầu hết các lĩnh vực kiến thức.
Sau khi phát hiện ra châu Mỹ, nền kinh tế châu Âu đã hướng tới Đại Tây Dương chứ không chỉ còn là Địa Trung Hải. Việc khai thác Địa Trung Hải vẫn nằm trong tay của Vương quốc Aragon (gồm tiểu vương quốc Valencia, Catalonia và Majorca), trong khi việc chinh phục và khai thác châu Mỹ là ưu thế của Vương quốc Castile.
Đối mặt với điều này, Valencia lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và ngày càng tồi tệ hơn vào thế kỷ 17.
Tiểu vương quốc Valencia với tư cách là một thực thể pháp lý và chính trị cuối cùng đã kết thúc vào năm 1707, sau Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (War of the Spanish Succession), cuộc tranh giành quyền kiểm soát Đế quốc Tây Ban Nha (Spanish Empire/ Chế độ quân chủ Thiên chúa giáo Tây Ban Nha, tồn tại năm 1492–1976).
Tiểu vương quốc Valencia dần suy tàn và rơi vào tay nhà Bourbon (House of Bourbon). Triều đại Bourbon thống nhất hai vương quốc Castilla và Aragon thành một nhà nước duy nhất, bãi bỏ nhiều đặc quyền và pháp luật khu vực cũ.
Năm 1936, Valencia trở thành thủ đô của Cộng hòa Tây Ban Nha. Sau đó, vào năm 1937, chính phủ chuyển đến Barcelona.
Trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Valencia vẫn là trung tâm dân số, công nghiệp và phát triển của Tây Ban Nha.
Lonja de la Seda de Valencia (Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia), nằm trên bờ biển Địa Trung Hải của Bán đảo Iberia, là tòa nhà tiêu biểu nhất của thành phố Valencia.
La Lonja de la Seda de Valencia là một ví dụ được bảo tồn đặc biệt tốt về một tòa nhà thế tục theo phong cách Gothic muộn (late Gothic style) có giá trị nghệ thuật nổi bật. Công trình là bằng chứng hùng hồn về vai trò của các thương nhân ở Bán đảo Iberia, Địa Trung Hải vào thế kỷ 15 và 16.
Công trình được xây dựng từ năm 1483 theo sáng kiến của Hội đồng thành phố (Consell de la Ciutat/ City Council) và dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pere Compte (người Tây Ban Nha, mất năm 1506) và kiến trúc sư Joan Ivarra (người Tây Ban Nha mất năm 1486). Đây là khu phức hợp ban đầu tại thành phố Valencia được dành riêng cho việc buôn bán tơ lụa (do đó có tên là "Sàn giao dịch tơ lụa"/ "Silk Exchange").
Công trình có mặt bằng hình chữ nhật, gồm khối Hội trường Giao dịch (Sala de Contratación); Tòa tháp và Nhà nguyện (Torre y Capilla); Phòng Lãnh sự quán biển (Sala del Consulado del Mar). Các khối nhà này bao quanh một sân trong mang tên Vườn cam (Patio de los Naranjos / Court of Orange Trees).
Hội trường Giao dịch là một không gian tráng lệ theo phong cách Gothic rực rỡ (Flamboyant Gothic style). Nội thất với ba nhịp, được bao phủ bởi một loạt các vòm chéo nằm trên các cột xoắn ốc thanh mảnh cao gần 16m. Các cửa sổ kiểu Gothic cao vút, tạo ánh sáng rực rỡ chiếu vào bên trong. Nội thất được trang trí lộng lẫy. Sàn nhà được lát bằng đá cẩm thạch Alcublas (Alcublas marble) với nhiều màu sắc khác nhau. Trên các bức tường, một dòng chữ Latinh bằng các ký tự Gothic nhắc nhở các thương nhân về nhiệm vụ của họ với tư cách là thương nhân và là những Cơ đốc nhân tốt; không quay trở lại hoạt động buôn bán cho vay nặng lãi, để có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu.
Mặt tiền phía tây nam của khối Hội trường, hướng ra Quảng trường Chợ (Plaza del Mercado), là ô cửa hùng vĩ, có hình Đức mẹ đồng trinh và huy hiệu của hoàng gia Vương triều Aragon, Tiểu vương quốc Valencia và thành phố. Các cửa sổ tinh tế ở hai bên được bao bọc bởi các chi tiết trang trí. Phía trên là diềm mái dạng lỗ châu mai (crenellated), mang tính trang trí hơn là phòng thủ.
Hình thức kiến trúc này lặp lại tại mặt tiền phía đông bắc của khối Hội trường. Đây là không gian cho các dịch vụ thương mại của Taula de Canvis, tổ chức ngân hàng thành phố đầu tiên được thành lập vào năm 1407. Điểm đặc biệt của khối công trình là các trang trí bằng các đầu thú (Gargoyles) với hình dáng kỳ lạ bố trí tại đầu các máng thoát nước.
Lối vào Nhà nguyện (Capilla), nằm tại tầng trệt của Tháp (Torre), qua Hội trường Giao dịch. Khối nhà có mặt bằng hình vuông, với các nhóm cột góc cạnh đỡ mái vòm. Lối lên các tầng trên của Tháp thông qua một cầu thang xoắn ốc (Escalera Caracol) được thực hiện với sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật.
Khối Lãnh sự quán biển (Consolat de Mar /Consulate of the Sea) được xây dựng vào đầu thế kỷ 16, gồm 3 tầng và một tầng hầm.
Ngoài kiến trúc sư Pere Compte, để xây dựng khối nhà, còn có Joan Corbera (giáo sĩ, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, giám đốc công trình) và Domingo de Urtiaga (kiến trúc sư, thợ đá người Tây Ban Nha). Đây là một khối nhà theo phong cách Gothic muộn (late Gothic style), được trang trí lộng lẫy ở mặt tiền, đặc biệt là ở những tầng trên, nơi các cửa sổ với viền cửa được trang trí người, động vật và được bao quanh bởi các biểu tượng huy chương. Trên mỗi cửa sổ, biểu tượng huy chương thường được nhóm thành cặp hai chiếc. Các huy chương thể hiện những vị thần thương mại trong thần thoại cổ điển, biểu tượng của vương quốc và thành phố.
Tại Phòng vàng (Cambra Dourada/ Golden Room) ở tầng 1, nội thất có những trang trí chạm khắc, được làm phong phú bằng cách mạ vàng.
Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia là một ví dụ điển hình về kiến trúc chức năng cho hoạt động thương mại. Bên trong nhà còn có các trang trí mang tính biểu tượng đề cao phẩm giá của giới thương gia bằng cách khuyến khích họ thực hiện trách nhiệm xã hội quan trọng của mình, đoàn kết với cộng đồng nơi họ sống với sự xác thực, công bằng và trung thực nhất.
Ngoài việc là một ví dụ điển hình về các địa điểm thương mại thời Trung cổ, tòa nhà La Lonja de la Seda de Valencia còn kết hợp các yếu tố của ngôn ngữ kiến trúc mới phát triển ở châu Âu vào cuối thế kỷ 15, kết hợp với những tiến bộ táo bạo nhất trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng như những cột xoắn đáng ngưỡng mộ và các tầng hầm có độ phức tạp đáng kể, tất cả đều bằng đá tự nhiên có chất lượng cao nhất.
La Lonja de la Seda de Valencia tại tỉnh và Cộng đồng tự trị Valencia, Tây Ban Nha được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): La Lonja de la Seda de Valencia là một tuyệt tác, đại diện của nghệ thuật Gothic Châu Âu, một ngôi đền thương mại thực sự, dựa trên một cấu trúc kiến trúc và biểu tượng độc đáo.
Tiêu chí (iv): La Lonja de la Seda de Valencia là một ví dụ nổi bật về tòa nhà thế tục theo phong cách Gothic muộn, minh họa rõ nét cho sức mạnh và sự giàu có của các thành phố thương mại lớn ở Địa Trung Hải.
Sơ đồ vị trí Di sản La Lonja de la Seda de Valencia, Tây Ban Nha
Tổng mặt bằng Di sản La Lonja de la Seda de Valencia, Tây Ban Nha; vị trí phía trên ảnh.
Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia (La Lonja de la Seda de Valencia) nằm tại phía đông bắc Quảng trường Chợ (Placa del Mercat).
Công trình được xây dựng để đáp ứng hoạt động giao dịch những sản phẩm được bán trên thị trường trong thành phố, trước hết là tơ lụa.
Trong quá trình tồn tại, Công trình còn được dành cho những mục đích sử dụng khác nhau và sửa chữa bổ sung nhiều lần. Ví dụ như khối Hội trường Giao dịch đã sử dụng như một kho chứa lúa mì, doanh trại quân đội, bệnh viện, phòng họp của Tòa án Tây Ban Nha…
Công trình là một kiệt tác của kiến trúc Gothic dân sự Valencian (Gótico valenciano). Ý tưởng ban đầu của công trình được cho là của Francesc Baldomar (người Tây Ban Nha, năm 1395-1476, một nhà xây dựng bậc thầy về kiến trúc Gothic Địa Trung Hải). Học trò của ông là kiến trúc sư Pere Compte và kiến trúc sư Joan Ivarra triển khai thực hiện.
Công trình được cho khởi nguồn từ mô hình của Khu chợ tại Palma de Mallorca (Lonja de Palma de Mallorca), Tây Ban Nha, bởi Guillem Sagrera (kiến trúc sư, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, năm 1380 – 1456), theo phong cách Gothic Địa Trung Hải (Gothic Majorcan) vào năm 1420 – 1452. Nội thất Lonja de Palma de Mallorca được tạo bởi một không gian có 4 bước gian cùng chiều cao, được ngăn cách bởi 6 cột xoắn ốc không có đầu cột đỡ các đường gân của mái vòm.
Công trình Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia có mặt bằng gần hình chữ nhật, kích thước 51,47m x 39,10m, diện tích khoảng 2000m2; bố cục theo hướng đông bắc, tây nam, hướng về phía tây nam, ra phía Quảng trường Chợ (Placa del Mercat).
Di sản gồm các khối nhà chính: Hội trường Giao dịch (Sala de Contratación); Tòa tháp và Nhà nguyện (Torre y Capilla); Phòng Lãnh sự quán biển (Sala del Consulado del Mar). Các khối nhà này bao quanh một sân trong mang tên Vườn cam (Patio de los Naranjos / Court of Orange Trees).
Sơ đồ mặt bằng Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Phối cảnh tổng thể phía nam Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Phối cảnh tổng thể phía bắc Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Sơ đồ mặt tiền phía tây nam và mặt cắt Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Phối cảnh mặt tiền phía tây nam Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Sân trong Vườn cam
Sân trong Vườn cam (Pati dels Tarongers/ Patio de los Naranjos), một cái tên gợi tới một loại hoa quả của phương Đông, nằm tại phía tây bắc của Công trình. 3 mặt sân các khối nhà. Riêng mặt phía tây bắc là bức tường đá với cửa (Salida) mở ra ngõ Cordellats (Carrer dels Cordellats) và có một cầu thang ngoài trời lên tầng trên của khối nhà Lãnh sự quán biển (Subida al Salón del Consulado /piso superior). Cầu thang bằng đá được trang trí tinh xảo.
Sân bố cục như một vườn hoa nhỏ. Trung tâm là một bể nước bằng đá hình ngôi sao 8 cánh.
Một góc Sân trong Vườn cam, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Bể nước tại Sân trong Vườn cam, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Cầu thang ngoài trời tại Sân trong Vườn cam, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Hội trường Giao dịch
Hội trường Giao dịch (Salón de Constractacio) nằm tại phía đông nam của Công trình, nằm dọc theo tuyến phố mang tên Pere Comte (Carrer de Pere Comte), là tên của kiến trúc sư người Tây Ban Nha, được coi là bậc thầy của nghệ thuật Gothic Valencian.
Hội trường Giao dịch, là nơi các thương nhân soạn thảo hợp đồng giao dịch.
Khối Hội trường có 3 cửa ra vào (Entrada) tại 3 mặt đông bắc, tây nam và đông nam. Trong đó, cửa vào chính (Entrada principal) tại phía tây nam, hướng ra phía Quảng trường Chợ (Plaza del Mercado). Cửa chính dạng vòm tròn. Hai bên cửa có hai cửa sổ, phù hợp với lưới cột bên trong nhà.
Hội trường là một cấu trúc rộng, kích thước 35,60m x 21,39m; 1 tầng, cao 17,40m ở điểm cao nhất; lưới cột hình vuông gồm 3 nhịp và 5 bước gian. Tổng cộng có 24 cột xoắn, trong đó có 8 cột đứng tự do.
Góc tây nam của khối Hội trường có một cầu thang tròn (Escalera caracol) với tay vịn bằng đá. Cầu thang có đường kính 2,4m.
Bên trong Hội trường lắp đặt Bảng tiền hối đoái và tiền gửi (Taula de Canvis i depòsits), thể hiện các thông tin về khả năng thanh toán và khối lượng hoạt động ngân hàng. Đây là nơi hối phiếu được biết đến đầu tiên ở Tây Ban Nha.
Nội thất Hội trường được trang trí vô cùng xa hoa với các cột có tiết diện hình tròn, dạng xoắn, vươn cao đỡ vòm mái. Tường nhà được trang trí bởi họa tiết thể hiện các truyền thuyết tôn giáo, động vật, chiến binh. Trần nhà được sơn màu xanh lam với những ngôi sao, mô phỏng vòm trời.
Sàn nhà được tạo thành từ những mảnh đá cẩm thạch màu đen, trắng và nâu, được nối với nhau tại một số điểm để tạo thành các ngôi sao 6 cánh và được bao quanh bởi hình vuông.
Ở độ cao 11,20m bên trong có một dòng chữ Latinh được làm vào năm 1498 với các ký tự Gothic, sơn vàng trên nền tối với nội dung: “Đây là một ngôi nhà nổi tiếng, được xây dựng trong 15 năm. Hỡi mọi người, hãy buôn bán không lừa dối bằng lời nói và thề thốt với xung quanh, là sẽ không thất bại; không dùng tiền của mình để cho vay nặng lãi, là tốt biết bao. Người buôn bán hành động theo cách này sẽ tràn đầy của cải và cuối cùng sẽ được hưởng cuộc sống vĩnh cửu”.
Sơ đồ mặt tiền phía đông nam và mặt cắt khối Hội trường, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Mặt tiền khối Hội trường Giao dịch (bên phải ảnh), Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Trang trí hai bên và phía trên cửa chính Hội trường Giao dịch, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Nội thất Hội trường Giao dịch, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Cửa vào Nhà nguyện và lối vào Cầu thang xoắn tại Hội trường Giao dịch, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Nền Hội trường Giao dịch, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Mặt tiền phía tây nam của khối Hội trường, hướng ra Quảng trường Chợ, là mặt tiền chính của khối nhà với các ô cửa hùng vĩ, có hình Đức mẹ đồng trinh (Thánh bảo trợ của Hiệp hội buôn bán) và các tấm khiên huy hiệu của hoàng gia và thành phố. Một trong số đó là tấm khiên huy hiệu nổi tiếng của thành phố nằm tại góc Quảng trường Chợ (Plaza del Mercado) và phố Pere Compte. Tấm khiên thể hiện 2 thiên thần.
Xung quanh diềm mái là các trang trí như lỗ châu mai (Merlon) của pháo đài. Phía dưới diềm mái là những trang trí đầu thú (Gargoyles) với hình dáng kỳ lạ bố trí tại đầu các máng thoát nước.
Mái của Hội trường Giao dịch được đỡ bằng khung gỗ hình tam giác. Có thể vào khu vực này thông qua một cánh cửa từ cầu thang xoắn ốc tại góc Hội trường.
Kết cấu mái Hội trường Giao dịch, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Tấm khiên huy hiệu trang trí góc nhà giao giữa Quảng trường Chợ và phố Pere Compte, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Chi tiết các tượng đầu thú trang trí máng thoát nước mưa, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Tòa tháp và Nhà nguyện
Tòa tháp và Nhà nguyện (Torre y Capilla) nằm giữa Hội trường Giao dịch và Lãnh sự quán biển.
Tháp và Nhà nguyện có mặt bằng hình vuông và cao 3 tầng.
Nhà nguyện nằm tại tầng trệt của Tòa tháp. Bên trong là hệ thống vòm có gân hình ngôi sao đỡ sàn tầng trên. Giao của các gân vòm là các nút trang trí hình tượng thiên thần, nhà truyền giáo, động vật (sư tử, bò đực, đại bàng) và biểu tượng của Thành phố.
Bên trong Nhà nguyện đặt một bàn thờ có cây Thánh giá bằng gỗ và một bồn rửa tội làm bằng đá cẩm thạch Các bức tường được che bằng rèm và thảm trang trí.
Từ Nhà nguyện có lối đi vào tầng trệt của Lãnh sự quán Biển.
Tháp có lối vào từ Hội trường Giao dịch, thông qua một cầu thang xoắn ốc. Tháp cao 2 tầng.
Tầng 1 được xây dựng từ năm 1491 – 1494. Tầng này được chiếu sáng bởi các cửa sổ lớn hướng ra Quảng trường Chợ và ra Sân trong Vườn cam.
Tầng 2 có lối thông với tầng trên của khối Lãnh sự quán biển, thông qua một cầu thang nhỏ bằng gỗ.
Lên sân thượng của tòa Tháp là một cầu thang tròn tại góc của Hội trường Giao dịch.
Không gian Nhà nguyện, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Vòm có gân hình ngôi sao của Nhà nguyện, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Cầu thang lên Tháp, nhìn từ Sân trong Vườn cam, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Cầu thang lên Tháp, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Lãnh sự quán biển
Lãnh sự quán biển (Consolat de Mar /Consulate of the Sea) nằm tại phía tây nam của Di sản, dọc theo Quảng trường Chợ.
Lãnh sự quán biển là một cơ quan bán tư pháp được thành lập ở Vương quốc Aragon (Crown of Aragon, tồn tại năm 1164–1707), sau này lan rộng khắp lưu vực Địa Trung Hải, để quản lý luật hàng hải và thương mại.
Đây là trụ sở của tòa án thương mại hàng hải đầu tiên ở Tây Ban Nha, được thành lập vào năm 1283, nơi các thẩm phán hoặc lãnh sự thương mại tổ chức các phiên họp về các vấn đề hàng hải và thương mại.
Công trình được khởi công từ năm 1498 - 1506 bởi kiến trúc sư Pere Compte tại hai tầng đầu tiên. Tầng ba được thực hiện vào năm 1533 – 1548 bởi Johan Corbera và Domingo de Urtiaga (kiến trúc sư, thợ đá người Tây Ban Nha), người đã hoàn thiện tòa nhà và làm biểu tượng huy chương trang trí cho mặt tiền công trình.
Khối Lãnh sự quán Biển có mặt bằng hình chữ nhật và mang phong cách Gothic kết hợp với các trang trí lộng lẫy và duyên dáng theo phong cách Phục hưng; cao 3 tầng và một tầng hầm.
Tầng hầm được xây dựng bằng đá tự nhiên, có lối vào thông qua một cánh cửa nằm dưới cầu thang dẫn lên tòa Lãnh sự quán biển từ Sân trong Vườn Cam. Tầng hầm được chiếu sáng qua một cửa sổ nhỏ nằm ở mặt tiền nhìn ra Quảng trường Chợ và được mở vào thế kỷ 18.
Tầng trệt đặt Tòa án Thương mại, có một lối vào thông qua một ô cửa vòm từ Sân trong Vườn cam và có một lối vào từ Nhà nguyện (nằm tại tầng trệt của tòa Tháp). Hiện tại, căn phòng này được sử dụng để triển lãm, khác với bố trí ban đầu gắn với phòng xử án và phòng thư ký của tòa án. Căn phòng được bao phủ bởi trần nhà bằng gỗ theo phong cách Phục hưng, có màu sắc tự nhiên được làm vào năm 1503.
Mặt tiền tầng trệt của Lãnh sự quán biển (hướng ra phía Quảng trường Chợ) gồm 4 cửa sổ hình chữ nhật. Mỗi ô cửa chữ nhật có gờ đá chia thành 3 ô cửa nhỏ. Phía trên ô cửa là mảng trang trí và gờ cửa.
Tầng 1 là nơi bố Phòng Vàng (Cambra Dourada/ Golden Room), sử dụng cho hoạt động giao dịch. Phòng được vào từ một cầu thang đá hoành tráng tại Sân trong Vườn cam. Căn phòng này được trang trí bằng trần gỗ nhiều màu và được mạ vàng từ năm 1418 – 1445. Trần được tổ hợp từ 670 mảnh gỗ (panel) ghép lại với nhau.
Mặt tiền tầng 1 của Lãnh sự quán biển (hướng ra phía Quảng trường Chợ) gồm 4 cửa sổ hình chữ nhật, tương tự như 4 ô cửa sổ của tầng trệt nhưng cao hơn.
Tầng 2 chỉ có thể vào được qua một cửa từ tòa Tháp. Đây là vực dành riêng cho quản giáo và nhân viên của Sàn giao dịch.
Mặt tiền tầng 2 bao gồm một khối 8 cửa sổ (trong đó có 1 cửa sổ giả). Bên dưới mỗi cửa sổ là quốc huy của thành phố; Phần trên cửa sổ là các huy chương dạng phù điêu, tượng trưng cho các vị vua và các nhân vật lịch sử khác, tương tự như một ngôi đền thời Phục hưng. Phía trên các bức phù điêu là những bức tường lỗ châu mai (Merlon), được trang trí bằng vương miện hoàng gia và tượng đầu thú (Gargoyles) tại vị trí đặt máng thoát nước mưa.
Các phòng trong Lãnh sự quán Biển vẫn còn duy trì được nhiều đồ đạc ban đầu.
Bên trong tầng hầm, Lãnh sự quán Biển, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Bên trong Tòa án thương mại, Lãnh sự quán Biển, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Bên trong Phòng Vàng, Lãnh sự quán Biển, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Chi tiết trang trí dãy 8 cửa sổ tại mặt đông bắc và tây nam, Lãnh sự quán Biển, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Dãy nhà dọc theo phố Llotja
Dãy nhà dọc theo phố Llotja (Carrer de la Llotja) nằm tại phía đông bắc Công trình.
Đây là một kiến trúc được xây dựng sớm từ thế kỷ 14, là nơi giao dịch các loại dầu nông nghiệp (Llotja de l’Oli/ Lonja del Aceite) và các sản phẩm khác.
Khối nhà cao 1 tầng, bao gồm cả các phòng nhỏ bố trí dọc theo một hành lang giữa.
Khối nhà có một cửa đi thông ra phố Llotja. Các ô cửa sổ trang trí ngày trước đã không còn, được bổ sung bằng các ô cửa sổ nhỏ không trang trí.
Diềm mái còn lưu lại được bức tường lỗ châu mai (Merlon), tương tự như các khối nhà khác.
Mặt tiền dãy nhà dọc theo phố Llotja, Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia, Tây Ban Nha
Di sản La Lonja de la Seda de Valencia tại tỉnh và Cộng đồng tự trị Valencia, Tây Ban Nha là một ví dụ điển hình về địa điểm thương mại thời Trung cổ. Tòa nhà còn kết hợp các yếu tố của ngôn ngữ kiến trúc mới phát triển ở châu Âu vào cuối thế kỷ 15 với những tiến bộ táo bạo nhất trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng.
Sàn giao dịch Tơ lụa Valencia trở thành một tòa nhà biểu tượng cho sự giàu có của Thời đại hoàng kim Valencian (thế kỷ 15), là hình mẫu của cuộc Cách mạng thương mại vào cuối thời Trung cổ và sự phát triển xã hội, cũng như khẳng định vị thế của giai cấp tư sản Valencian.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/782/
https://en.wikipedia.org/wiki/Spain
https://es.wikipedia.org/wiki/Valencia
https://en.wikipedia.org/wiki/Valencia
https://en.wikipedia.org/wiki/Kingdom_of_Valencia
https://es.wikipedia.org/wiki/Lonja_de_la_Seda
https://en.wikipedia.org/wiki/Pere_Compte
https://en.wikipedia.org/wiki/Consulate_of_the_Sea
http://www.jdiezarnal.com/valencialalonja.html
https://conungarabato.wordpress.com/tag/salon-de-contratacion/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|