
Thông tin chung:
Công trình: Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí
Địa điểm: xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm hình thành: Thế kỷ 15
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 2020)
Nguyễn Xí (1397-1465) là một vị tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc và là đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê (nước Đại Việt, tồn tại năm 1428 – 1527), được mệnh danh là thiên tài quân sự trong lịch sử Việt Nam.

Lãnh thổ Việt Nam thời Lê Sơ (1428 – 1527)
Nguyễn Xí sinh năm 1397, ông nội là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Nguyễn Hợp đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây, hai cha con Nguyễn Hợp, Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha con Nguyễn Hội, Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá, do đó rất thân quen với Lê Lợi (hoàng đế Đại Việt, sáng lập triều đại Hậu Lê, trị vì năm 1428 – 1433), khi đó còn là phụ đạo ở Lam Sơn.
Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, chống quân xâm lược tàn bạo nhà Minh (triều đại cai trị Trung Quốc từ năm 1368- 1644). Nguyễn Xí và anh trai Nguyễn Biện (năm 1394- 1425) cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi. Ban đầu, cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, nhiều người bỏ đi, chỉ có Nguyễn Xi và một số it tướng lĩnh khác theo Lê Lợi nương náu trên núi.
Năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Tướng Đinh Lễ (Công thần khai quốc nhà Lê Sơ, năm ? – 1427) và Nguyễn Xí là cánh quân đánh Đông Quan (Thăng Long). Tại Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), quân ta đại thắng. 5 vạn quân Minh bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Tổng binh của quân Minh là Vương Thông (năm ? – 1452) cùng các tướng phải chạy về cố thủ ở Đông Quan.
Năm 1427, trong một trận kịch chiến, Đinh Lễ bị giặc giết chết, Nguyễn Xí bị bắt, song sau đó trốn thoát.
Ông lại tiếp tục cầm quân, tham gia trận chiến kéo dài gần 1 năm tại thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang ngày nay). Việc hạ được thành Xương Giang có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là cứ điểm chính trên tuyến viện binh từ Trung Quốc đến Đông Quan. Chiến thắng Xương Giang góp phần kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ. Năm 1429, Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 người, phân thành 9 nhóm. Nguyễn Xí được xếp vào hàng nhóm thứ 5 là Huyện hầu (sau Huyện Thượng hầu, Á Thượng hầu, Hương Thượng hầu và Đình Thượng hầu) và ban quốc tính họ vua – họ Lê. (Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi thuộc nhóm thứ 6 là Á hầu).
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, ông cùng Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân nhận di chiếu của vua phò Thái tử Lê Nguyên Long, lúc đó mới 10 tuổi lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông (vua Đại Việt, trị vì năm 1433 – 1442). Trong giai đoạn này, Nguyễn Xi giữ chức Phụ nhiếp chính và Chính sự kiêm Tri từ tụng.
Năm 1442, Lê Thái Tông mất ở tuổi 20, ông cùng một số quan đại thần nhận di chiếu phò hoàng đế Lê Nhân Tông (vua Đại Việt, trị vì năm 1442- 1459). Vua Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn Thị Anh là Nhiếp chính.Trong giai đoạn này, Nguyễn Xí giữ chức Nhập nội đô đốc, Thiếu bảo tri Quân dân sự, Thái bảo giúp việc chính sự.
Năm 1459, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân làm binh biến giết thái hậu và vua. Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế (trị vì năm 1459 – 1460).
Năm 1460, Nguyễn Xí phát động binh biến, phế bỏ vua Lê Nghi Dân, rước con út của hoàng đế Lê Thái Tông lên ngôi vua tức Lê Thánh Tông (trị vì năm 1460 – 1497), mở ra một thời kỳ thịnh trị của vương triều Đại Việt kéo dài 38 năm. Trong giai đoạn này, Nguyễn Xí được phong nhiều chức tước: Khai phủ Nghi đồng Tam ty; Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương Quân quốc trọng sự Á quận hầu; Sái quận công; Nhập nội Hữu tướng quốc; Thái úy Cương Quốc công.
Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, được truy tặng làm Thái sư.
Năm 1467, vua Lê Thánh Tông lệnh cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo và cho Trạng nguyên Nguyễn Trực (năm 1417- 1474) viết văn bia phong thần: "Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt trung trinh đại vương".
Các đời vua nhà Nguyễn (Việt Nam, Đại Nam, tồn tại năm 1802- 1945) tiếp sau cũng đều tôn vinh ông.
Không chỉ là nhà quân sự, chính trị tại ba, Nguyễn Xí còn là người góp phần đáng kể vào công cuộc mở mang kinh tế và góp phần hình thành nên nhiều làng xã ở nước ta trong thế kỷ 15.
Trước yêu cầu của việc khôi phục kinh tế sau thời gian dài chiến tranh, nhà Lê thực hiện chính sách khuyến khích người dân khai hoang, lập làng. Cùng với đó, nhiều công thần nhà Lê được cấp tù binh người Minh, người Chăm để khai khẩn các vùng đất hoang.
Năm 1477, vua Lê Thánh Tông ban hành chính thức Chế độ Lộc điền, chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc và quan lại cao cấp. Lộc điền gồm ruộng đất thế nghiệp (đời đời hưởng lộc và truyền lại cho con cháu), cùng với Tứ điền (ruộng ân tứ), ao đầm, bãi dâu (chỉ cho hưởng dụng suốt đời, sau khi chết ba năm phải trả lại cho Nhà nước), Tự điền (ruộng tế; truyền lại con cháu lo việc thờ cúng).
Là một trong những công thần đứng đầu triều Lê, Nguyễn Xí được triều đình ban thưởng hàng nghìn mẫu Lộc điền.
Theo tài liệu của một văn bia tại Nghệ An, Lộc điền của Nguyễn Xí trải trên địa phận 93 xã thuộc 25 huyện với tổng diện tích 5.135 mẫu. Tại Nghệ An, số Lộc điền và ruộng đất ao đầm Nguyễn Xí mua thêm là hơn 1.377 mẫu, trên địa bàn của các phủ Diễn Châu, Anh Đô, Đức Quang và các huyện Chân Lộc, Yên Thành, Nam Đường, Thanh Chương. Đặc biệt, ông rất chú trọng việc khai phá và xây dựng vùng Cửa Lò - Cửa Hội. Vào thế kỷ 15, vùng này biển còn ăn sâu vào đất liền, nhiều nơi còn ngập nước mặn, dân cư còn thưa thớt. Vì vậy, ngoài số Lộc điền được ban cấp, ông sử dụng tù binh người Minh được vua ban cấp, cùng con cháu chiêu mộ dân, khai hoang, lập làng.
Những tù binh người Minh này, dần trở thành cư dân Việt, được Nguyễn Xí ban cho ruộng đất để họ lo việc hương khói và truyền lại cho con cháu.
Khi đánh dẹp quân Chiêm Thành vào năm 1445, nhà Lê bắt được hàng ngàn tù binh về giam ở xứ Bàu Ổ (thuộc phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò ngày nay). Nguyễn Xí cũng sử dụng những tù binh này vào khai khẩn đất đai ở Bàu Ổ. Theo gia phả họ Nguyễn Đình ở xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc) và họ Chế Đình ở phường Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), công cuộc khẩn hoang xứ Bàu Ổ đã dẫn đến sự ra đời của các làng Kim Ổ (thuộc phường Nghi Hương), Thu Lũng (thuộc phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò). Những hàng binh người Chăm này được Nguyễn Xí đối xử như con cháu và cho đổi từ họ Chế thành Chế Đình, Chế Lạc, Chế Du và cho phép lập làng.
Trước những công đức của Nguyễn Xí, dân làng về sau tự nhận là con nuôi (dưỡng tử) của ông. Vì vậy, trong số các chi họ là con cháu của Nguyễn Xí sau này, có 3 chi họ dưỡng tử (con nuôi) là con cháu những tù binh người Minh, người Chăm năm xưa.
Để tạo phúc, Nguyễn Xí còn xuất tiền của, hướng dẫn dân xây đắp đường sá, cầu cống; xây chợ (chợ Sơn tại làng Long Trảo, xóm Kỳ Sơn, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc ngày nay) làm trung tâm giao lưu hàng hóa trong vùng và phát triển cuộc sống của người dân nơi đây.
Dòng họ của ông trở thành dòng họ danh gia vọng tộc. Để răn dạy con cháu đời sau trung với vua, với nước, ông đã viết bản di huấn trình lên vua Lê Thánh Tông chuẩn y, rồi khắc vào bia đá để lưu truyền cho con cháu.
Ông có 16 người con, trong đó có 4 vị là Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Kế Sài, Nguyễn Trọng Đạt và Nguyễn Nhân Thực đã tiếp nối sự nghiệp khẩn hoang, lập làng và tạo phúc của Nguyễn Xí, được người dân tôn thờ làm phúc thần.
Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Thái úy Cương Quốc công Nguyễn Xí đã trở thành huyền thoại. Người dân cho rằng chỉ có bậc thần thánh mới làm được những công tích to lớn và vẹn toàn như vậy. Một trong những sự tích được lan truyền nhiều nhất: Nguyễn Xí chính là hóa thân của ông thần Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An với tài đức mười phân vẹn mười), một trong những nhân vật quan trọng trong Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt.

Phối cảnh tổng thể đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Tổng mặt bằng đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Đền thờ Nguyễn Xí
Đền Nguyễn Xí nằm trên khu đất hình chữ nhật, rộng khoảng 100m, sâu khoảng 190m, có bố cục hướng chếch về nam. Các hạng mục chính tại đền thờ Nguyễn Xí gồm:
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại nằm tại giới hạn phía nam của Đền; được dựng lại những năm gần đây, theo kiểu truyền thống. Nghi môn ngoại gồm 3 cổng với 4 trụ biểu. 2 trụ biểu cao giới hạn cổng chính; Cạnh hai trụ biểu thấp là cổng phụ. Sau Nghi môn ngoại là sân phía trước Nghi môn giữa; cạnh đó là bãi đỗ xe.

Nghi môn ngoại mới xây dựng nằm phía trước Quần thể đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Nghi môn giữa
Nghi môn giữa (Nghi môn trung) gồm 2 trụ biểu cách nhau 1,5m tạo thành lối ra vào mang tính tượng trưng. Đỉnh trụ gắn nghê chầu, thân trụ phía trên trang trí đèn lồng, phía dưới trang trí câu đối, đế hình vuông. Hai bên trụ biểu là hai trụ nhỏ và bức tường trên đó đắp hình ngựa.
Phía trước Nghi môn giữa là bức bình phong, được gọi là Bảng hổ, cao 1,2m, dày 0,25m, dài 2m, xây bằng gạch, đá. Trên mặt bức bình phong đắp nổi hình một con hổ trong tư thế ngồi, hai chân trước chụm vào nhau trên một món đá, đầu ngẩng cao, mặt nhìn ra phía trước.
Qua Nghi môn giữa, vào trong chừng 30m là 2 ao hình bán nguyệt thông nhau. Mỗi ao dài 12m, rộng 8m, sâu 1,2m. Trong ao trồng sen. Cầu bắc qua ao dài 3m, mới được xây lại bằng đá xanh.

Nghi môn giữa phía trước Chính điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Nghi môn nội
Nghi môn nội dài 16m, rộng 9m, gồm:
Trụ biểu nằm phía trước và hai bên của Nghi môn nội. Trụ có kích thước to lớn, cao 12m. Đỉnh trụ trang trí 2 tầng ô lồng đèn với 4 góc là 4 trụ lồng đèn nhỏ. Thân trụ rỗng, 4 góc và 2 mặt ngoài trang trí câu đối. 2 mặt trong trang trí các hoa văn rỗng. Đế trụ biểu thắt dạng cổ bồng.
Nghi môn nội có 3 khối cổng.
Khối cổng chính lùi vào trong so với hai cổng phụ, cao 2 tầng. Tầng dưới tạo thành khối bệ với cửa ra vào dạng vòm cuốn cao 2,5m, rộng 2,95m. Tầng trên cao 2m, có mái chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Phía trước, hai bên Khối cổng chính có hai trụ biểu nhỏ.
Hai khối cổng phụ nhỏ, cửa vòm cuốn cao 2,2m, rộng 1m, mái chồng diêm, 2 tầng, 8 mái.
Nghệ thuật trang trí điêu khắc tại Nghi môn nội rất phong phú và đẹp mắt. Ngoài bức tường đắp hình hai nghĩa quân, tay cầm gươm, đầu đội mũ, mình mặc áo giáp, chân đi hài, tại đây còn có các mảng tường đắp ngựa, sư tử, rồng, chim phượng, hạc đứng trên lưng rùa…
Phía trên vòm cửa tầng 2 của Khối cổng chính có đắp 4 chữ Hán: “Thiên Khai Cẩm Sắc” (Trời mở sắc đẹp).
Nhìn chung, Nghi môn nội đền thờ Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An là một công trình nghệ thuật hoành tráng, trang nghiêm và mỹ lệ vào loại hiếm trong các đền thờ cổ còn lại ở Nghệ An.

Phối cảnh tổng thể Nghi môn nội phía trước Chính điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Nghi môn nội, phía trước là cầu đá bắc qua ao bán nguyệt, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Trang trí đỉnh trụ biểu chính phía trước Nghi môn nội, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Trang trí phía trên tháp cổng chính của Nghi môn nội, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Chính điện
Phía sau Nghi môn nội là một sân rộng lát gạch, tiếp đó là khu Chính điện. Đây là một cụm công trình gồm: Tiền tế, Trung điện, Hậu điện và các công trình có liên quan khác.
Tiền tế hay Bái đường có 5 gian, 4 mái. Gian chính giữa rộng 3m; 2 gian hai bên mỗi gian rộng 2,6m, 2 gian phụ phía ngoài cùng mỗi gian rộng 2m. Hiên nhà rộng 1,6m. Kết cấu chính của tòa Tiền tế làm bằng gồ lim, mít, dạ hương. Mái lợp ngói vẩy. Hai đầu hồi là tường xây. Phía trước là hệ thống cửa gỗ lim và mít. Phía sau mở thông vào Sân trong. Trong Bái đường có treo hoành phi, câu đối và cuốn thư. Ở gian chính giữa, có 2 con hạc cao lớn đứng chầu hai bên.

Tòa Tiền tế, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Bên trong tòa Tiền tế, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Sân trong dài 7m, rộng 6m, lát gạch bát tràng. Giữa sân có một bể cạn và nhà đốt vàng hương.
Hai bên mặt phía đông và tây của Sân trong là tòa Tả vu và Hữu vu. Mỗi tòa rộng 3m, dài 9m, kết cấu giống nhau, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc 2 mái, phía sau là tường, phía trước mở thông với Sân trong. Bên trong Tả vu, Hữu vu có khám thờ đặt trên bệ xây rộng 2,2m, dài 2,5m. Đây là nơi thờ 16 người con trai của Nguyễn Xí.
Hai đầu của Tả vu và Hữu vu là Gác chuông, Gác khánh với hình dạng giống nhau theo kiểu chồng diêm 3 tầng. Tầng dưới cao 2,2m, tầng giữa cao 1,6m, tầng trên cao 1,2m. Gác chuông và Gác khánh làm tôn vẻ đẹp cân đối, trang nghiêm của quần thể Chính điện.

Phối cảnh Sân trong phía sau tòa Tiền tế; hai bên là Gác chuông, Gác khánh và Tả vu, Hữu vu; phía sau là tháp Trung điện 3 tầng

Gác chuông, Gác khánh tại Sân trong, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Nội thất Tả vu, Hữu vu, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Trung điện nằm tại vị.trí trung tâm của khu Chính điện, phía trước là Sân trong.
Công trình được xây dựng theo kiểu chồng diêm cao 3 tầng, 12 mái, gọn như một tòa tháp (tương tự như tòa Cửu phẩm trong kiến trúc chùa truyền thống vào thế kỷ 15- 17) với mặt bằng kích thước 5,5m x 5,5m, đặt trên bệ nền cao hơn sân 0,25m.
Bức hoành phi ở chính giữa Trung điện gồm 3 chữ “Nhạc giáng thần” (Khí thiêng của núi đã giáng vào vị thần này) do vua Lê Thánh Tông ban cho.
Trang trí kiến trúc của Trung điện rất công phu.
Tầng dưới không có tường bao quanh. Bên trong, phía trước có một án thư, tiếp đó là một ban thờ và trong cùng là một kiệu thờ. Phía trước ban thờ là hệ thống cửa võng. Cửa võng phía trước dài 3m, cao 1,2m, được chạm thủng và sơn son thiếp vàng.
Tầng trên đặt các ban thờ bằng gỗ.
Các bức chạm thủng trong tòa tháp với các hình cuốn thư, rồng cuộn, chim phượng bay, dơi ngậm chữ Hỷ, sóc ngồi và các họa tiết mây cách điệu…rất sinh động, tinh tế.
Tại đền thờ Nguyễn Xí, cùng với Nghi môn nội, tòa tháp Trung điện là công trình có giá trị nghệ thuật nhất.

Tháp Trung điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Kết cấu gỗ bên trong tháp Trung điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Thượng điện nằm trong cùng của Đền, đặt trên một bệ nền cao 0,8m, dài 7m, rộng 6m.
Thượng điện gồm 3 gian. Gian giữa rộng 2,6m, hai bên mỗi gian rộng 2,2m, đầu hồi bít đốc 2 mái.
Mái nhà Thượng điện và Trung điện sát kề nhau có máng nước chung.
Tại Thượng điện, gian giữa thờ cụ Nguyễn Hội (thân phụ của Nguyễn Xí) và vợ, gian bên trái thờ cụ Nguyễn Biện (anh trai của Nguyễn Xí) và vợ, gian bên phải thờ Nguyễn Xí và vợ.

Hậu điện phía sau, kề liền tòa Trung điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An

Ban thờ Nguyễn Xí tại Hậu điện, đền thờ Nguyễn Xí , Nghi Lộc, Nghệ An
Trong quần thể đền thờ Nguyễn Xí còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật như: Bia đá; Kiệu rồng; Hai con hạc (đứng trên lưng rùa); Hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng (một bức ở Bái đường, một bức ở Trung điện); Tượng hổ bằng gỗ mít, (đặt ở hai bên trước Thượng điện); Chuông đồng; Nhiều đồ tế lễ bằng gỗ sơn son thiếp vàng (long ngai, khám thờ, mâm cỗ, ống hương, trống...), bằng sứ, đất nung (độc bình, bát hương, chén tống, bát sứ...), bằng ngà (chén); bằng kim loại (lư hương, chiêng...), bằng vải thêu (cờ ngũ hành, trướng), hoặc bằng giấy (sớ, gia phả); Câu đối, hoành phi, văn bia, đặc biệt là các câu đối khắc gỗ trên các kết cấu gỗ chính của các tòa nhà trong Đền.
Lăng mộ Nguyễn Xí
Lăng mộ Thái úy Cương Quốc công Nguyễn Xí nằm về phía đông của đền thờ Nguyễn Xí, cách khoảng 400m.
Lăng mộ có mặt bằng gần hình vuông rộng 32m, sâu 38m, hướng về phía đông, ra phía biển.
Tại đây có mộ của cụ Nguyễn Hội và Nguyễn Xí. Mộ vẫn giữ nguyên trạng thái đắp đất, không xây kiên cố từ bao đời nay.

Vị trí Lăng mộ Nguyễn Xí trong Quần thể di tích
Phía trước Lăng mộ Nguyễn Xí trong Quần thể di tích
Lễ hội chính tại đền Nguyễn Xí diễn ra vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hằng năm.
Tên của Nguyễn Xí được đặt cho đường phố tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác tại Việt Nam.
Di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là địa điểm gắn với Nguyễn Xí, một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, một danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn với tiền trình lịch sử dân tộc, trong giai đoạn chống giặc Minh, dành độc lập dân tộc và dựng nên triều đại Hậu Lê vào thế kỷ 15.
Di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí là một quần thể kiến trúc, nghệ thuật có giá trị, tiêu biểu cho phát triển kiến trúc và nghệ thuật Việt Nam giai đoạn thế kỷ 15 - 19.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c
_gia_%C4%91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Th%C3%A1i_T%E1%BB%95
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_X%C3%AD
http://dsvh.gov.vn/lang-mo-va-den-tho-nguyen-xi-tinh-nghe-an-3309
http://www.vista.net.vn/diem-du-lich/den-tho-cuong-quoc-cong-nguyen-xi.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_%C3%94ng_Ho%C3%A0ng_M%C6%B0%E1%BB%9Di
https://www.youtube.com/watch?v=tktzhTV9mPA
https://truyenhinhdulich.vn/video/den-tho-thai-su-cuong-quoc-cong-nguyen-xi-14814.html
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|