Tuần 6 - Ngày 12/09/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha
17/06/2021

Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử Cordoba (Historic Centre of Cordoba)
Địa điểm: Cordoba, Cộng đồng tự trị Andalusia, Spain (N37 52 45,1 W4 46 47)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 80,28ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1984, gia hạn năm 1994, hạng mục i, ii, iii, iv)  

Tây Ban Nha (Spain) là một quốc gia ở Tây Nam Châu Âu với một số vùng lãnh thổ tại eo biển Gibraltar và Đại Tây Dương. 
Lãnh thổ lục địa Châu Âu của Tây Ban Nha nằm trên Bán đảo Iberia (Iberian Peninsula, góc tây nam châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Andorra, một phần nhỏ của Pháp và Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).  
Tây Ban Nha cũng bao gồm hai quần đảo: Quần đảo Canary ngoài khơi Bắc Phi và Quần đảo Balearic ở Địa Trung Hải. Các vùng đất châu Phi gồm Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de latylesra khiến Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có biên giới thực với một quốc gia châu Phi (Maroc).
Một số hòn đảo nhỏ ở Biển Alboran cũng là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha. 
Đất liền của Tây Ban Nha giáp với phía nam và đông biển Địa Trung Hải; về phía bắc và đông bắc giáp 
Pháp, Andorra và Vịnh Biscay; về phía tây và tây bắc lần lượt là Bồ Đào Nha và Đại Tây Dương.
Tây Ban Nha có diện tích 505.990 km2; dân số 47,43 triệu người (năm 2020); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Madrid. 
 

Con người hiện đại đầu tiên đến Bán đảo Iberia vào khoảng 35.000 năm trước.
Các nền văn hóa Iberia cùng với các nền văn hóa Phoenicia, Hy Lạp (Ancient Greece), Celts và Carthage
(Carthaginian Iberia) cổ đại đã phát triển trên bán đảo cho đến khi nằm dưới sự cai trị của La Mã vào khoảng năm 200 trước Công nguyên (TCN).  
Vào cuối thời kỳ Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại năm 395–476/480), người Germanic và các bộ tộc liên minh đã di cư từ Trung Âu đến xâm chiếm Bán đảo Iberia và thiết lập các vương quốc tương đối độc lập ở phía tây của bán đảo. Một trong số họ là người Visigoth, đã hợp nhất tất cả các lãnh thổ độc lập còn lại trên bán đảo, bao gồm cả tỉnh Byzantine của Spania vào Vương quốc Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418 – 721).
Vào đầu thế kỷ 8, Vương quốc Visigothic đã bị chinh phục bởi Vương quốc Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750, thủ đô là Damascus, Syria, Tây Á ngày nay).
Một số vùng đất Cơ đốc giáo ở phía bắc Bán đảo Iberia nằm ngoài sự cai trị của người Hồi giáo, cùng với sự xuất hiện của Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888) đã dẫn đến sự hình thành các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo như León, Castile, Aragon, Navarre và Bồ Đào Nha.

Hơn bảy thế kỷ, sự mở rộng về phía nam Bán đảo Iberia của các vương quốc này lên đến đỉnh điểm với việc Cơ đốc giáo xóa bỏ chính thể Hồi giáo cuối cùng, Vương quốc Granada (Emirate of Granada, tồn tại năm 1230–1492) vào năm 1492, cùng năm Christopher Columbus (nhà thám hiểm người Ý, 1451- 1506) đến Tân Thế giới.  
Quá trình tập hợp chính trị giữa các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo cũng diễn ra ngày sau đó. Vào cuối thế kỷ 15, chứng kiến ​​sự hợp nhất giữa các tiểu vương quốc Castile và Aragon thành Vương quốc Công giáo Tây Ban Nha (Catholic Monarchs of Spain). Sự thống nhất với tiểu vương quốc Navarre diễn ra vào năm 1512.
Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire/ Chế độ quân chủ Thiên chúa giáo Tây Ban Nha, tồn tại năm 1492–1976) đã liên minh với Vương quốc Bồ Đào Nha (Kingdom of Portugal, tồn tại năm 1139–1910) để thành lập Vương triều Hapsburg (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700).
Các nhà cai trị Habsburg đã đạt đến đỉnh cao về ảnh hưởng và quyền lực: Kiểm soát lãnh thổ bao gồm Châu Mỹ, Đông Ấn; các nước Spanish Netherlands, Bỉ, Luxembourg và một phần lãnh thổ hiện thuộc Ý, Pháp và Đức ở Châu Âu; Vương quốc Bồ Đào Nha (từ năm 1580 - 1640) và nhiều vùng lãnh thổ nhỏ khác như Ceuta và Oran ở Bắc Phi. 
Giai đoạn lịch sử Tây Ban Nha này còn được gọi là " Thời đại khám phá " (Age of Discovery). 
 

Vào đầu thời kỳ hiện đại, Tây Ban Nha là một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử, cũng như là một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên; tạo ra một di sản văn hóa và ngôn ngữ lớn với hơn 570 triệu người Hispanophones), khiến tiếng Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ), được nói nhiều thứ hai trên thế giới sau tiếng Quan Thoại Trung Quốc (Mandarin Chinese).
Tây Ban Nha là nơi  số lượng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận lớn thứ ba thế giới. Tính đến tháng 7 năm 2019, Tây Ban Nha có tổng số 48 địa điểm được ghi trong danh sách, chỉ đứng sau Trung Quốc (55) và Ý (55). 

Ngày nay, Tây Ban Nha được chia thành 17 cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị. Các cộng đồng tự trị (vùng, bang) được chia thành 50 tỉnh (khu vực). 

Córdoba là một thành phố thủ phủ của tỉnh Córdoba thuộc Cộng đồng tự trị (vùng) Andalusia, miền nam Tây Ban Nha, nằm tại độ cao 106m so với mực nước biển, diện tích 1253km, dân số 326 ngàn người (năm 2018).  



Bản đồ Tây Ban Nha và vị trí của thành phố Córdoba
 

Córdoba là một khu định cư, nằm ở hai bên sông Guadalquivir, được thành lập bởi người La Mã (Ancient Rome, tồn tại năm 753 TCN - 476 sau Công nguyên) vào thế kỷ thứ 2 TCN.

Thành phố Cordoba là một địa điểm trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng giữa khu vực cao nguyên phía bắc và cảng biển phía nam, nơi sản phẩm hàng hóa từ khai thác mỏ và nông nghiệp được xuất khẩu.
Bằng chứng về thời kỳ La Mã có thể được nhìn thấy qua Cầu La Mã (Puente Romano) với 16 nhịp bắc qua sông Guadalquivir, các cột của đền thờ La Mã, phần còn lại của các bức tường La Mã và chi tiết trang trí trong dinh thự, nhà tắm của người Hồi giáo.

Vào thế kỷ thứ 8, Córdoba trở thành kinh đô của Tiểu vương quốc Córdoba (Emirato de Córdoba, tồn tại năm 756- 929), là phần lãnh thổ mở rộng của Vương triều Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661- 750, thủ đô là Damascus, Syria). Sự thành lập Tiểu vương quốc Córdoba đánh dấu sự khởi đầu 700 năm thống trị của người Hồi giáo trên Bán đảo Iberia.

Trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, Córdoba bị người Hồi giáo phá hủy hầu hết vào năm 711- 712. 

Năm 929, thời vua Abderraman III (trị vì năm 929 – 961), Córdoba trở thành kinh đô của vương quốc độc lập Córdoba (Caliphate of Córdoba, tồn tại năm 929–1031). Vào năm 1000, Vương quốc Córdoba có diện tích khoảng 600.000 km2, dân số khoảng 10 triệu người.


Bản đồ Vương quốc Córdoba (Caliphate of Córdoba) vào khoảng năm 1000

 

Tiếp đó, Córdoba nằm dưới quyền cai trị của Vương triều Tây Ban Nha Hồi giáo (Al-Andalus, tồn tại năm 756 – 1031, là khu vực do người Hồi giáo cai trị trên Bán đảo Iberia).  

Trong những thời kỳ Hồi giáo này, Córdoba chuyển đổi thành một trung tâm giáo dục và học tập hàng đầu thế giới, nơi sản sinh ra những nhân vật lịch sử như: Averroes (học giả, cha đẻ của Chủ nghĩa Duy lý, năm 1126- 1198), Ibn Hazm (học giả, cha đẻ của Tôn giáo So sánh, nhà tư tưởng hàng đầu thế giới Hồi giáo, năm 994- 1064), Al-Zahrawi (bác sĩ, cha đẻ của Phẫu thuật hiện đại với một bộ bách khoa 30 tập về thực hành y tế, năm 936- 1013). Thành phố đạt đến thời kỳ vinh quang nhất, khi khoảng 300 nhà thờ Hồi giáo cùng vô số cung điện, dinh thự và công trình công cộng được xây dựng để sánh ngang với sự lộng lẫy của thành phố Constantinople (kinh đô Đế quốc Byzantine/Đông La Mã, nay là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ), Damascus (kinh đô của Syria) và Baghdad (kinh đô của Iraq).  

Năm 785 Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba (Mosque Cathedral of Córdoba), công trình trung tâm của kinh đô Córdoba được xây dựng.

Vào thế kỷ 13, dưới thời Ferdinand III (vua của Castile, trị vì năm 1217- 1252 và vua của Leon, trị vì năm 1230 – 1252), Nhà thờ Hồi giáo Córdoba trở thành Nhà thờ Công giáo và xuất hiện các công trình phòng thủ mới, đặc biệt là Pháo đài Alcazar Monarch Christian (Alcazar de los Reyes Cristianos) và Tháp Calahorra (Torre Foraleza de la Calahorra). Mặc dù đã mất đi ý nghĩa chính trị dưới sự cai trị của Cơ đốc giáo, nhưng thành phố vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thương mại nhờ khai thác mỏ đồng Sierra Morena gần đó.  

Trung tâm Lịch sử của Cordoba hiện bao gồm các đường phố xung quanh Nhà thờ lớn Hồi giáo Cordoba. Khu vực này mở rộng đến bờ bên kia sông GuadaIquivir (bao gồm Cầu La Mã và Tháp Calahorra) ở phía nam; tuyến phố thương mại cổ Calle San Fernando (Phố Hội Chợ) ở phía đông; đến ranh giới của Trung tâm thương mại ở phía bắc, Pháo đài AIcázar de los Reyes Cristianos và khu vực San Basilio ở phía tây. 

Theo quy mô, cấu trúc quy hoạch và ý nghĩa lịch sử, Trung tâm lịch sử của Cordoba như một biểu hiện sống động của các nền văn hóa khác nhau đã cùng tồn tại hàng ngàn năm: La Mã, Visigoth, Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo; quan hệ của nó với dòng sông Guadalquivir; và là một quần thể có giá trị văn hóa phi thường.  

Trung tâm Lịch sử của Cordoba phản ánh lịch sử phức tạp của đô thị và kiến ​​trúc đạt được trong thời kỳ La Mã và sự huy hoàng của thành phố Hồi giáo trong thế kỷ 8 – 10; trở thành một trong những đại diện cho các địa điểm văn hóa và đô thị chính ở thế giới phương Tây.  

Tại đây vẫn còn lưu giữ được sự hoành tráng và độc đáo nổi bật của các khu dân cư với những ngôi nhà truyền thống được xây dựng bao quanh sân trong (kiểu nhà Casa-patio) và là ví dụ điển hình nhất về nhà ở tại Cordoban; Nơi đây, các công trình nguồn gốc La Mã với nét đặc trưng của vùng Andalucia, được bổ sung và nâng cấp bởi sự hiện diện của nước, thực vật trong cuộc sống hàng ngày.  

Trung tâm Lịch sử của Cordoba tạo ra khung cảnh đô thị và cảnh quan hoàn hảo cho Nhà thờ lớn Hồi giáo Cordoba. Nhà thờ là minh chứng không thể thay thế về sự tồn tại của vương quốc độc lập Córdoba (Caliphate of Córdoba) và là một trong những tượng đài tiêu biểu nhất của kiến ​​trúc tôn giáo Hồi giáo.  

Nhà thờ đại diện cho một thành tựu nghệ thuật độc đáo do kích thước, cũng như sự táo bạo tuyệt đối về cấu trúc vòm đỡ trần nhà.

Đây là nhà thờ lớn thứ hai về diện tích bề mặt, sau Nhà thờ lớn Hồi giáo tại Thánh địa Mecca (Holy Mosque in Mecca, Ả Rập Xê Út); trước đây chỉ có Nhà thờ Hồi giáo Xanh (Blue Mosque/ Sultan Ahmed Mosque, xây dựng năm 1609- 1616) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ là có thể so sánh cùng vị thế.  

Nhà thờ lớn Hồi giáo Cordoba là một kiểu nhà thờ Hồi giáo đặc sắc, thể hiện được sự hiện diện của Hồi giáo ở phương Tây và có ảnh hưởng lớn đối với nghệ thuật Hồi giáo phương Tây kể từ thế kỷ thứ 8, tương tự như ảnh hưởng tới phong cách Tân Moorish (Neo-Moorish Style) vào thế kỷ 19.  

Về kỹ thuật kiến ​​trúc, Trung tâm Lịch sử của Cordoba là môi trường ứng dụng các kỹ thuật xây dựng tiến tiến thời bấy giờ, của cả nền văn minh Ả Rập và Cơ đốc giáo. Công nghệ xây dựng đá và gạch thể hiện tích hợp kỹ thuật của người La Mã và người Visigoth.

Bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật từ bên ngoài, tại đây còn nảy sinh và định hình nhiều thành tựu mới đặc sắc, ví dụ:

Sử dụng vòm kép để nâng đỡ mái nhà, tạo nên các chi tiết chưa từng có trong kiến trúc Hồi giáo.

Sử dụng chi tiết trang trí đầu cột dạng tổ ong (“Honeycomb”), đặc trưng của Nghệ thuật Hồi giáo Caliph (Caliph Art), khác hẳn với chi tiết trang trí đầu cột kiểu Corinth (Corinthian Order), đặc trưng của Nghệ thuật Hy Lạp – La Mã. Chính điều khác biệt này đã có ảnh hưởng lớn đến kiến ​​trúc Tây Ban Nha. 

Tương tự như vậy, việc sử dụng đan xen kết cấu Vòm có gân (Rib Vault) với hệ thống các Vòm hình trứng (Ovulate Arches) đã mang lại sự ổn định và vững chắc cho cấu trúc xây dựng. Sự xuất hiện loại vòm này tại đây là một cột mốc kiến trúc quan trọng, trước cả một trăm năm khi Vòm có gân xuất hiện ở Pháp.  

Trung tâm lịch sử Cordoba, vùng Andalusia, Tây Ban Nha được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí: 

Tiêu chí (i): Nhà thờ lớn Hồi giáo vĩ đại của Cordoba, với kích thước và nội thất bên trong táo bạo, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo không thể bắt chước và là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.

 

Tiêu chí (ii): Với đặc sắc nổi bật, Nhà thờ lớn Hồi giáo Cordoba đã có một ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật Hồi giáo phương Tây từ thế kỷ thứ 8, cũng như sự phát triển của phong cách Tân Moorish (Neo-Moorish Style) thế kỷ 19. 

 

Tiêu chí (iii): Trung tâm Lịch sử Córdoba là bằng chứng độc đáo liên quan đến tồn tại của vương quốc độc lập Córdoba (Caliphate of Córdoba, tồn tại năm 929-1031); Theo truyền thuyết, Córdoba có tới 300 nhà thờ Hồi giáo và vô số cung điện, là đối thủ của các thành phố Hồi giáo vĩ đại như Constantinople, Baghdad.  

 

Tiêu chí (iv): Đây là một ví dụ nổi bật về kiến ​​trúc tôn giáo Hồi giáo.  


Phạm vi Di sản Trung tâm lịch sử Cordoba, vùng Andalusia, Tây Ban Nha

Vị trí một số công trình chính trong Trung tâm lịch sử Cordoba, vùng Andalusia, Tây Ban Nha

Di sản Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha gồm các di tích chính:
 

Cầu La Mã

Cầu La Mã (Puente Romano) nằm trên sông Guadalquivir, nối liền khu vực Campo de la Verdad với Barrio de la Catedral. Đây là cây cầu duy nhất của thành phố trong 20 thế kỷ, cho đến khi cầu San Rafael được xây dựng vào giữa thế kỷ 20. 

Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 1 TCN, trong thời kỳ cai trị của người La Mã ở Córdoba. Ban đầu, có thể làm bằng gỗ.

Cấu trúc Cầu hiện nay có niên đại từ cuộc tái thiết của người Moorish (cư dân Hồi giáo tại vùng Maghreb, Bán đảo Iberia, Sicily và Malta thời Trung cổ) vào thế kỷ thứ 8.

Cầu có chiều dài 247m, rộng khoảng 9m với 16 vòm cầu, được xây dựng bằng đá.

Đầu phía phía nam của Cầu là Tháp Calahorra (Calahorra Tower). Tháp có nguồn gốc Hồi giáo, được dựng lên bởi Đế chế Hồi giáo Almohad Caliphate (tồn tại năm 1121–1269, kiểm soát phần lớn bán đảo Iberia và Maghreb, Bắc Phi). Đầu phía bắc của Cầu là Cổng Puerta del Puente. Cổng được xây dựng vào thế kỷ 16, theo phong cách Phục hưng (Renaissance), để kỷ niệm chuyến thăm thành phố của Vua Tây Ban Nha Philip II (trị vì năm 1556 – 1598).

Cầu được trùng tu và cải tạo nhiều lần, đặc biệt vào thế kỷ 10. Hiện tại chỉ còn các vòm thứ 14 và 15, tính từ phía bắc, là còn nguyên bản.

Vào thế kỷ 17, một tác phẩm điêu khắc mô tả Thánh Raphael được đặt ở giữa cầu.

Hiện tại, Cầu La Mã chỉ dành cho người đi bộ.




Phối cảnh Cầu La Mã,
Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

Cổng Puerta del Puente, đầu phía bắc Cầu La Mã, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha
 

Tháp Calahorra

Tháp Calahorra (Torre Calahorra) nằm tại bờ nam sông Guadalquivir, là một pháo đài Hồi giáo, như lối vào và là tháp bảo vệ Cầu La Mã. Công trình được dựng lên trong thời kỳ cai trị của Đế chế Hồi giáo Almohad Caliphate (tồn tại năm 1121–1269).

Tòa tháp có mặt bằng hình khối gồm 2 tháp; giữa có một cổng tò vò, lối vào thành phố.

Bên trong Tòa tháp có các phòng, đặt theo 3 tầng và có một sân tại tầng thượng. Trung tâm tháp là phòng lớn có  mặt bằng hình chữ nhật, các phòng nhỏ hơn có mặt bằng hình vuông bố trí xung quanh.

Bên ngoài và bên trong Tháp hầu như không có trang trí kiến trúc.

Vào năm 1514, giai đoạn xuất hiện thuốc súng, Tòa tháp xuất hiện thêm các lũy vòng ngoài (Barbican).

Tòa tháp đã trải qua nhiều lần thay đổi mục đích sử dụng, ví dụ như nhà tù, trung tâm giáo dục nữ, doanh trại của lực lượng bảo vệ dân sự.

Ngày nay, Tòa tháp trở thành một Bảo tàng (Museo Vivo de al-Ándalus), nơi trưng bày tổng quan văn hóa thời hoàng kim của Córdoba vào thế kỷ 9 – 13, gắn với sự chung sống của các nền văn hóa Cơ đốc, Do Thái và Hồi giáo vùng Andalusia, Tây Ban Nha.


Tháp Calahorra đầu phía nam Cầu La Mã, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Bên trong Tháp Calahorra, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha; Ngày nay trở thành Bảo tàng

 

Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba

Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba (Mosque Cathedral of Córdoba/ Mezquita Catedral) nằm tại bờ bắc sông Guadalquivir, được xây dựng trong thời gian rất ngắn, 2 năm, từ năm 784 - 786.

Vua Abd al-Rahman I (trị vì năm 756- 788, là người sáng lập Vương triều Ả Rập cai trị phần lớn Bán đảo Iberia trong gần 3 thế kỷ) đã cho xây dựng Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba vào năm 785, khi Córdoba là trung tâm của vùng Al-Andalus do người Hồi giáo kiểm soát. Đây cũng là giai đoạn Córdoba trở thành kinh đô của Tiểu quốc Córdoba (Emirato de Córdoba, tồn tại năm 756- 929).

Công trình được mở rộng nhiều lần sau đó cho đến thế kỷ 10.

Nhà thờ Hồi giáo được chuyển đổi thành nhà thờ Công giáo vào năm 1236 khi Córdoba bị lực lượng Thiên chúa giáo của Vương triều Castile (Crown of Castile, tại Bán đảo Iberia, tồn tại năm 1230–1715) chinh phục.

Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba được coi là một di sản quan trọng trong lịch sử kiến trúc Hồi giáo và được nhiều học giả cho là có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc "Moorish" sau này tại khu vực phía tây Địa Trung Hải, thuộc thế giới Hồi giáo. 

Ngày nay, chỉ có những người theo Thiên chúa giáo mới được thờ phụng trong Nhà thờ. Những người theo Hồi giáo vẫn tiếp tục kiến ​​nghị để được phép cầu nguyện tại đây.


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Sơ đồ mặt cắt ngang Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

 

Nhà thờ Hồi giáo Córdoba giai đoạn trước năm 1236

Mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Córdoba ban đầu gồm khu vực cầu nguyện tại phía nam và một sân trong tại phía bắc.

Khu vực cầu nguyện có mặt bằng gần như hình vuông, kích thước 74m x 79m, được xây dựng theo từng giai đoạn, tạo thành 4 khối.

Khối đầu tiên xây dựng vào năm 785 - 786, dưới thời vua Abd ar - Rahman I (Abderramán I, trị vì năm 756 – 788) thuộc Tiểu vương triều Córdoba (Emirate of Córdoba, tồn tại năm 756 – 929), gồm 11 nhịp nhà và các bước gian với hàng cột nhỏ đỡ vòm mái (phong cách Hypostyle). Phía trên mỗi vòm mái lại có một vòm trang trí. Dọc theo tường biên nhà có các bổ trụ tường. Thời gian xây dựng tương đối ngắn, có thể được hỗ trợ bởi việc tái sử dụng vật liệu của người La Mã và người Visigoth hiện có trong khu vực, đặc biệt là hệ thống cột và đầu cột. Thợ xây dựng có thể bao gồm người Iberia địa phương cũng như người gốc Syria (Vương triều Umayyad Caliphate). Có nhiều suy đoán về khởi nguồn của kiểu vòm kép 2 tầng tại đây: Cảm hứng từ rừng cây cọ tại Syria; Sử dụng cột có sẵn không đủ cao để nâng trần lên độ cao mong muốn nên phải bổ sung thêm vòm phụ. Cảm hứng từ mái vòm nhiều tầng của cầu dẫn nước La Mã Milagros (Acueducto de los Milagros tại Merida, Tây Ban Nha)…
 

Khối thứ hai xây dựng vào năm 833-848, dưới thời vua Abd ar - Rahman II (trị vì năm 822 – 852), thuộc Tiểu vương triều Córdoba (Emirate of Córdoba), gồm 11 nhịp nhà, song có số bước gian ít hơn.
 

Khối thứ ba xây dựng vào năm 961- 971, dưới thời vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976), thuộc Vương triều Córdoba (Caliphate of Córdoba, tồn tại năm 929–1031); có kích thước mặt bằng như khối xây dựng đầu tiên, song dọc theo tường phía nam có thêm một bức tường cầu nguyện Qibla, Mihrab (hốc tường hình bán nguyệt trong nhà thờ Hồi giáo, là hướng mà người Hồi giáo phải đối mặt khi cầu nguyện) và Maqsura (không gian cầu nguyện giành riêng cho nhà cai trị Hồi giáo và tuỳ tùng, đặt gần Mihrab hoặc bức tường cầu nguyện Qibla). Bức tường cầu nguyện Qibla không hướng về Mecca tại hướng đông mà chếch 51 độ về phía nam. Đây là điều được cho là phổ biến tại nhà thờ Hồi giáo vùng Andalusia.
 

Khối thứ tư xây dựng vào năm 987-988, dưới thời quan chấp chính Al- Mansur (Almanzor, năm 938 – 1002), thuộc Vương triều Córdoba (Caliphate of Córdoba), gồm 8 nhịp nhà và có chiều dài khối nhà bằng cả 3 khối xây dựng đầu tiên và phần phía đông của Sân trong. Thiết kế mái vòm Phòng cầu nguyện vẫn tương tự như các khối nhà xây dựng trước, song chi tiết của các đầu cột đã được đơn giản hóa.

Việc mở rộng diện tích trong giai đoạn này đã biến Nhà thờ Hồi giáo lớn Córdoba trở thành một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thời bấy giờ với diện tích lên đến 23400m2.
 

Sân trong tại phía bắc của Nhà thờ Hồi giáo lớn là sân rộng có tường bao xung quanh, bên trong là vườn cây. Đây được coi là một trong những khu vườn Hồi giáo được trồng liên tục lâu đời nhất trên thế giới.   

Sân trong được đánh giá là sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến trúc và làm vườn; giữa nội thất và ngoại thất, tạo một không gian liên tục, phản ánh sự tinh tế của văn hóa Al-Andalus và Caliphal Córdoba, nơi vào khoảng những năm 1000, là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 1 triệu dân và là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng.

Cây trồng trong vườn là cây cọ, cây bách và cây ô liu (cung cấp dầu cho đèn của Nhà thờ). Nước tưới cho vườn là các tuyến kênh nổi bằng đá (hiện đã bị thay thế bằng các tuyến kênh mới). Bên trong sân có đài phun nước, là nơi để người Hồi giáo làm lễ trước khi vào cầu nguyện.

Cuộc khai quật vào năm 2001, đã phát hiện một bể chứa nước lớn (Aljibe de Almanzor/ Almansur Becken, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía đông của Sân trong, tương ứng với thời kỳ mở rộng dưới thời quan chấp chính Almanzor (vì vậy bể chứa được gọi theo tên ông). Bể sâu khoảng 10m, có sức chứa 1237m3 nước, được tạo bởi 9 mô đun không gian dạng vòm có kích thước mặt bằng 5m x 5m.

Trên tường bao Sân trong, chếch về phía tây bắc là một Tháp cầu nguyện (hình vẽ ký hiệu 1). Tháp được xây dựng vào năm 951-952, dưới thời vua Abd ar - Rahaman III (trị vì năm 929- 961), thuộc Vương triều Caliphate Córdoba.  

Tháp cầu nguyện cao 47m, có phần đế hình vuông với kích thước 8,5m mỗi cạnh. Tháp có hai cầu thang cho lối lên và xuống riêng biệt. Bề mặt của tháp có các bộ cửa sổ hình vòm để trang trí và lấy ánh sáng.
 

Nhà thờ Hồi giáo Córdoba ban đầu có 4 cổng vào: 1 cổng tại trung tâm của bức tường phía bắc của Sân trong; 2 cổng vào tại tường phía đông và tây Sân trong. 1 cổng vào ở giữa bức tường phía tây Khu cầu nguyện (có thể là lối vào của các tiểu vương và quan chức nhà nước). Cổng chính này có tên Bab al-Wuzara/ Cổng Viziers, ngày nay được gọi là Puerta de San Esteban.

Các bức tường bao Nhà thờ được gia cố bởi các trụ tường lớn.
 

Năm 1146, quân đội Cơ đốc giáo của vua Alfonso Vll của Léon và Castile (Alfonso VII of León and Castile, trị vì năm 1126 – 1157) đã chiếm đóng Córdoba và Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba đã bị cướp gần như toàn bộ đồ đạc có giá trị. Vào năm 1162, công trình được phục hồi.


Các cột và mái vòm hai tầng trong phần ban đầu của Nhà thờ Hồi giáo lớn; Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Spain  




Không gian phía trước bức tường cầu nguyện Qibla và hốc cầu nguyện Mihrab
, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha




Mái vòm trong khu vực Phòng cầu nguyện (Maqsura), Nhà thờ lớn Hồi giáo, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Spain


Hốc cầu nguyện (Mihrab); Nhà thờ Hồi giáo lớn, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Spain 


Mặt tiền phía bắc Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Mặt tiền phía bắc của Nhà thờ Hồi giáo Córdoba chạy dọc theo phố Cardenal Herrero, là bức tường với các trụ tường, hệ thống cổng, tháp chuông, tháp làm mát, đài phun nước và ban thờ ngoài trời.

Từ tây sang đông gồm:

Tháp nước làm mát Arca del Agua: Đây là một tháp nước có từ thế kỷ 18, được gắn vào một tòa nhà trên bức tường phía bắc. Tháp có vai trò làm mát không khí bằng nước, sau đó thổi vào công trình. Tháp nổi lên trên mặt nền, có trang trí tại các góc và có một mái vòm trên đỉnh tháp.

Cổng Perdón (Puerta del Perdón, hình vẽ ký hiệu 2): Nằm cạnh Tháp chuông (Tháp cầu nguyện/ Campanario / Torre de Aliminar, hình vẽ ký hiệu 1), mang phong cách nghệ thuật Hồi giáo Mudejar (Sử dụng vật liệu mềm như gạch, thạch cao, gốm hoặc gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho trang trí; Sử dụng một số yếu tố kiến ​​trúc và chủ đề trang trí nhất định). Cổng được xây dựng vào thế kỷ 14  và sau đó được cải tạo vào thế kỷ 17. Tầng dưới là cổng vòm hình móng ngựa. Tầng giữa trang trí bằng vữa cả trên trụ cửa và tường với 3 hốc tường có trang trí bích họa của Antonio del Castillo (họa sĩ Baroque nổi tiếng người Córdoba). Tầng trên có quốc huy của vua Henry II. Cổng Perdón và Tháp chuông là chi tiết kiến trúc nổi bật nhất tại mặt tiền phía bắc.

Cổng Caño Gordo (Puerta del Caño Gordo): Được xây dựng vào thế kỷ 16 và cải tạo vào thế kỷ 18, mang phong cách Tân cổ điển.

Đài phun nước Caño Gordo (Fuente del Caño Gordo): Được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 và gắn vào bức tường phía bắc. Hình thức hiện tại theo kiểu Baroque từ thế kỷ 18, gồm một bồn chứa làm bằng đá cẩm thạch xanh, một vòi nước bằng đồng gắn trên một tấm đá ốp đơn giản, vuông gắn vào tường.

Ban thờ Faroles (Virgen de los Faroles, hình vẽ ký hiệu 3): Là Ban thờ Đức Trinh nữ Maria (Asunción de María), nằm ​​bên ngoài bức tường phía bắc. Ban thờ có mái che và được bảo vệ bởi một hàng rào. Bức tranh thờ là tác phẩm của Julio Romero de Torres (họa sĩ người Tây Ban Nha theo trường phái Tượng trưng, năm 1874- 1930). 


Phối cảnh góc đông bắc Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Tháp chuông và Tháp nước làm mát Arca del Agua, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Perdón, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Caño Gordo, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Ban thờ Faroles, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

Mặt tiền phía đông Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Mặt tiền phía đông của Nhà thờ Hồi giáo Córdoba chạy dọc theo tuyến phố Magistrado González Francés, là bức tường với các trụ tường, hệ thống cổng và đài phun nước.

Từ bắc xuống nam gồm 8 cổng và 1 đài phun nước:

Cổng Grada Redonda (Puerta de la Grada Redonda): Đây là một trong những cổng dẫn vào Sân trong Vườn cam (Patio de los Naranjos). Diện mạo hiện tại của Cổng theo phong cách Churrigueresque (Baroque Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 18) thể hiện lối trang trí công phu.

Đài phun nước Santa Catalina (Puente de Santa Catalina, hình vẽ ký hiệu 4): Được xây dựng vào thế kỷ 18, gắn vào bức tường phía đông, bên cạnh cánh cửa cùng tên; còn được gọi là Đài phun nước Mocosillo. 

Cổng Santa Catalina (Puerta de Santa Catalina): Đây là một trong những cổng dẫn vào Sân trong Vườn cam (Patio de los Naranjos). Cổng theo phong cách Phục hưng, được xây dựng vào thế kỷ 16, bởi Hernán Ruiz II (kiến trúc sư người Tây Ban Nha, nổi bật về kiến trúc Phục hưng Tây Ban Nha, năm 1514- 1569). Cổng phân thành hai tầng. Tầng thấp là cổng vòm hình bán nguyệt, được giới hạn bởi hai cột Corinthian. Tầng trên là một trang trí 3 ô tường với 4 gờ cột phân vị đỡ một mái vòm bên trên. Bên trong các ô tường có các bức tranh tường, hiện đã không còn.

4 Cổng có hình dáng tương tự như nhau, được lấy theo tên của nhà nguyện sau cổng và cùng được phục hồi vào năm 1913 bởi Ricardo Velázquez Bosco (kiến trúc sư Tây Ban Nha, năm 1843- 1923), gồm: Cổng San Juan (Puerta de San Juan); Cổng Baptistery (Puerta del Baptisterio); Cổng San Nicolás và Cổng Concepción Antigua (Puerta de la Concepción Antigua); Cổng San José (Puerta de San José), được phục hồi vào năm 1913 bởi kiến trúc sư Ricardo Velázquez Bosco.

Ngoài ra, dọc theo bức tường phía đông còn có Cổng Sagrario (Puerta del Sagrario, hình vẽ ký hiệu 22) và Cổng Jerusalem (Puerta de Jerusalén).


Cổng Grada Redonda, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Santa Catalina, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng San Juan, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

 

Mặt tiền phía tây Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Mặt tiền phía tây của Nhà thờ Hồi giáo Córdoba chạy dọc theo tuyến phố Calle Torrijos, là bức tường với các trụ tường và hệ thống cổng. Từ bắc xuống nam gồm 8 cổng:

Cổng Leche (Postigo de la Leche, hình vẽ ký hiệu 8): Là một trong những cổng dẫn vào Sân trong Vườn cam (Patio de los Naranjos). Cổng có diện mạo từ thế kỷ 16, do Hernan Ruiz I (kiến trúc sư người Córdoba, năm 1475- 1547) thiết kế.

Cổng Deanes (Puerta de los Deanes, hình vẽ ký hiệu 7): Là một trong những cổng dẫn vào Sân trong Vườn cam (Patio de los Naranjos). Cổng được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 dưới thời vua Abderramán I (trị vì năm 756 – 788) thuộc Tiểu vương triều Córdoba (Emirate of Córdoba, tồn tại năm 756 – 929). Trong số cánh cửa ban đầu, chỉ còn lại một phần của mặt phía trong. 

Cổng San Esteban (Puerta de San Esteban, hình vẽ ký hiệu 9): Được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 bởi vua Abderramán I và sau đó được vua Muhammad I (Tiểu vương triều Córdoba, trị vì năm 852-886) cải tạo lại vào năm 855. Đây là cánh cửa lâu đời nhất trong toàn bộ Nhà thờ và được dùng làm hình mẫu cho phần còn lại của những cánh cửa phụ được xây dựng vào thời điểm đó. Cổng còn được gọi là Puerta de San Sebastián, Puerta de los Visires hoặc Bab al-Wazara.

Cổng San Miguel (Puerta de San Miguel, hình vẽ ký hiệu 10): Được xây dựng trong phần mở rộng do vua Abd ar - Rahman II (trị vì năm 822 – 852) thực hiện. Vào thế kỷ 16, quốc huy đã được gắn vào trên cổng bởi Giám mục Juan Daza (lãnh đạo năm 1505- 1510). Vì vậy, cổng còn được gọi Cổng Giám mục (Puerta de los Obispos).

Cổng Espíritu Santo (Puerta del Espíritu Santo): Được xây dựng trong phần mở rộng do vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976) thực hiện.

Cổng Palacio (Postigo del Palacio, hình vẽ ký hiệu 17): Được xây dựng trong phần mở rộng do vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976) thực hiện; còn được gọi là Puerta de San Pedro hoặc Puerta de la Paloma.

Cổng San Ildefonso (Puerta de San Ildefonso): Được xây trong phần mở rộng do vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976) thực hiện.

Cổng Sabat (Puerta del Sabat): Được xây dựng trong phần mở rộng vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976) thực hiện. Cổng này thông Nhà thờ Hồi giáo với Pháo đài Andalusia (Alcazar) qua một cây cầu đã bị phá bỏ vào thế kỷ 16.




Phối cảnh góc tây nam Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Leche, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Deanes, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng San Esteban, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng San Miguel, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Espíritu Santo, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng Palacio, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Cổng San Ildefonso, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Mặt tiền phía nam Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Mặt tiền phía nam của Nhà thờ Hồi giáo Córdoba chạy dọc theo phố Corregidor Luis de la Cerda, được phân thành hai phần:  

Phần phía tây của mặt tiền phía nam liên quan đến bức tường kép do vua Al- Hakam II (trị vì năm 961- 976) xây dựng, là bức tường cầu nguyện (Quibla) gắn của Nhà thờ Hồi giáo cũ. Tại đây có dãy logia kéo dài dọc theo 5 gian, được xây dựng vào thế kỷ 18 với mục đích cải thiện ánh sáng cho các căn phòng nằm giữa bức tường cầu nguyện. Logia có lan can bằng sắt. 

Phần phía đông của mặt tiền phía nam được xây dựng trong quá trình mở rộng Almanzor, là một bức tường đơn giản với các trụ tường.

Tại đây có Ban công San Clemente (Balcón de San Clemente), được xây dựng vào thế kỷ 16, theo phong cách Plateresque (xuất hiện cuối thời kỳ Gothic và đầu Phục hưng vào cuối thế kỷ 15 tại Tây Ban Nha, là kết quả của điều chỉnh không gian Gothic và sự kết hợp các thành phần trang trí MudejarFlamboyant Gothic và Lombard, cũng như các yếu tố thời kỳ đầu Phục hưng có nguồn gốc Tuscan, Ý); Ban công có lối vào từ nhà nguyện San Clemente cũ, nơi đặt Bảo tàng San Clemente (Museo de San Clemente) hiện nay.

Chính giữa mặt tiền phía nam, tại không gian cầu nguyện Maqsura, nhô lên một tháp hình bát giác của không gian nhà họp (Nhà chương/ Sala Capitular, hình vẽ ký hiệu 20) và nơi lưu giữ các thánh tích (Sacristia).


Dãy logia 5 gian, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Ban công San Clemente, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

 

Sân trong Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Sân trong Nhà thờ Hồi giáo Córdoba tiếp tục được duy trì, song có thêm một tên mới - Sân Vườn Cam (Courtyard of the Oranges/ Patio de los Naranjos).

Tên “Vườn Cam” xuất hiện vào năm 1512, khi cùng nhiều loại cây khác (chanh, mơ, chuối, mía, chà là…) được du nhập vào châu Âu. Cam trong vườn là loại cam có nguồn gốc Đông Nam Á. Quả dùng để làm nước hoa, mứt và làm thuốc. Cây cam trở thành cây chính trong phong cách làm vườn của người Tây Ban Nhà và Hồi giáo, có mặt trên các đường phố, khu vườn và sân trong.

Sân trong là một khu vực khép kín dài 130m, rộng 50m. 3 mặt tường phía đông, bắc và tây của Sân trong có thêm 3 hành lang.

Sân trong có 6 cổng nối sân với bên ngoài: Mặt tây có Cổng Deanes (Puerta de los Deanes) và Cổng Leche (Postigo de la Leche); Mặt bắc có Cổng Perdón (Puerta del Perdón) và Cổng Caño Gordo (Puerta del Caño Gordo); Mặt đông có Cổng Grada Redonda (Puerta de la Grada Redonda) và Santa Catalina (Puerta de la Santa Catalina).

Bức tường phía nam của Sân trong tiếp giáp với Nhà thờ được tạo thành từ 17 vòm hình móng ngựa. Ban đầu, mái vòm không bịt kín, tạo cho Phòng cầu nguyện thông ra Sân trong. Ngày nay, chỉ có một số vòm được mở ra sân như cổng. Tại đây có Cổng Palmas (Puerta de las Palmas, hình vẽ ký hiệu 6).

Bên trong Sân có hai đài phun nước theo phong cách Baroque: Đài phun nước Santa María (Fuente de Santa María) được xây dựng vào năm 1741; Đài phun nước Cinamomo (Fuente del Cinamomo) được xây dựng vào năm vào năm 1752, giới hạn bởi 4 trụ cột với bệ bằng đá cẩm thạch màu xám.


Phối cảnh Sân trong Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Bức tường phía nam tại Sân trong Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Đài phun nước Santa María, Sân trong Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Đài phun nước Cinamomo, Sân trong Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

 

Tháp chuông Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Tháp cầu nguyện Hồi giáo trước đây đã được chuyển đổi thành Tháp chuông Công giáo (Bell Tower, hình vẽ ký hiệu 1) với cây Thánh giá trên đỉnh tháp. Tháp mới bao quanh tháp cũ, được thiết kế bởi Hernan Ruiz III (kiến trúc sư Tây Ban Nha, năm 1593- 1617) và được xây dựng vào năm 1593- 1617. Tháp chuông cao 54m, là một trong những cấu trúc cao nhất trong thành phố. Trên đỉnh Tháp chuông là tượng Thánh Raphael (được thêm vào năm 1664).

Chân tháp có Cổng Perdón (Puerta del Perdón, hình vẽ ký hiệu 2), là một trong hai cổng phía bắc của Nhà thờ (cùng với Cổng Caño Gordo).

 

Hội trường Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236
Ban đầu toàn bộ nội thất của tòa nhà là một hội trường lớn theo phong cách Hypostyle (là một phòng rộng có mái che được đỡ bởi các hàng cột). Ngoài việc sử dụng cho mục đích cầu nguyện hàng ngày và lễ cầu nguyện đặc biệt vào thứ sáu, Hội trường còn được sử dụng như một trung tâm giáo dục.
Hội trường có trần nhà bằng gỗ, được nâng đỡ bởi một mái vòm kép dựa trên một hệ thống 850 cột bằng đá. Bên cạnh Hội trường có một số phòng nhỏ trong bức tường đôi Quibla. 
Sau năm 1236, cấu trúc Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba chỉ trải qua những sửa đổi nhỏ cho đến khi một dự án xây dựng lớn vào năm 1523- 1607, chèn một khối nhà thờ Công giáo (Capilla Mayor) vào trung tâm của toà nhà, theo sáng kiến của Giám mục Công giáo Alonso Manrique (người Tây Ban Nha, năm 1518-1523).
Đây được đánh giá là sự thay đổi lớn nhất, phá vỡ cấu trúc chung của tòa nhà Hồi giáo.  

Khối Nhà thờ mới được xây dựng theo phong cách Gothic - Phục hưng, gồm Gian Hội trường (Gian giữa/Nave), Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/ Dome, Coro, hình vẽ ký hiệu 11) và Gian ngang (Transept). Gian Hợp xướng giao với Gian ngang tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crucero, hình vẽ ký hiệu 12). Sau cùng là Gian Hậu đường (Apse/ Capilla Mayor, hình vẽ ký hiệu 13).  
Thiết kế được thực hiện bởi Hernan Ruiz I (kiến trúc sư người Córdoba, năm 1475- 1547) và tiếp theo là con trai ông, kiến trúc sư Hernan Ruiz II (năm 1514 – 1569) và Juan de Ochoa (kiến trúc sư người Córdoba, năm 1554- 1606). Công trình được xây dựng trong thời gian dài, trải qua nhiều thế hệ kiến trúc sư và pha trộn giữa các phong cách. Hai kiến trúc sư đầu tiên đã đưa các yếu tố Gothic vào thiết kế thông qua các đường gờ phức tạp trên các mái vòm và trên bàn thờ với chạm khắc hình ảnh các thiên thần, thánh tông đồ và hình ảnh hoàng đế Charles V (vua Tây Ban Nha, trị vì năm 1516 – 1556), Đức mẹ Maria ở trung tâm. 
Kiến trúc sư Juan de Ochoa đưa phong cách Hậu Phục hưng (Mannerist) đang thịnh hành vào thời điểm đó vào công trình với một mái vòm trần hình elip và vòm trần dạng thùng tại Gian Hợp xướng.
Nội thất Gian Hợp xướng được chạm khắc chủ yếu bằng gỗ với các đồ gỗ được chế tác từ năm 1748 – 1757.
Bàn thờ đầu tiên của Nhà thờ mới được lắp đặt vào năm 1236, dưới mái vòm có gân lớn ở rìa của phần mở rộng từ thế kỷ thứ 10 của Khối xây dựng thứ ba.
Vào năm 1816, hốc cầu nguyện Mihrab ban đầu của Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba đã được phát hiện trong quá trình cải tạo Nhà nguyện San Pedro. Từ đây, khởi đầu một quá trình khôi phục và trùng tu lại các yếu tố kiến trúc Hồi giáo tại Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba.  


Bên trong Khối Nhà thờ mới, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Mái vòm tại vị trí giao giữa Gian Hợp xướng và Gian ngang, Khối Nhà thờ mới, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha

Nhà nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Córdoba sau năm 1236

Sau năm 1236, tại Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, không chỉ xuất hiện Khối nhà thờ Công giáo mà còn có các Khối nhà nguyện Công giáo, ví dụ như: 

Nhà nguyện Villaviciosa (Villaviciosa Chapel, hình vẽ ký hiệu 14) nằm tại phía nam của Gian Hội trường, Khối nhà thờ Công giáo. Ban đầu đây là nơi đặt ban thờ và là nhà nguyện chính. Công trình được tạo ra bằng cách phá bỏ một số mái vòm của Nhà thờ Hồi giáo và thay bằng các mái vòm theo phong cách Gothic;

Nhà nguyện Hoàng gia (Capilla Real, hình vẽ ký hiệu 15) nằm kề liền Nhà nguyện Villaviciosa, là nơi đặt thi hài của Fernando IV và Alfonso XI (các vị vua của Castile và León). Nhà nguyện được xây dựng theo phong cách Mudéjar xa hoa với mái vòm có gân rất giống với mái vòm lân cận của Nhà nguyện Villaviciosa và với các bề mặt được trang trí bằng vữa chạm khắc, đặc trưng của kiến trúc Nasrid thời bấy giờ. Kề liền Nhà nguyện Hoàng gia là Nhà nguyện San Pablo (Capilla de San Pablo, hình vẽ ký hiệu 16);

Nhà nguyện Santo (Capilla del Santo) nằm tại phía nam của Nhà thờ lớn Hồi giáo, tại bức tường cầu nguyện (Quibla).

Tại khu vực Macsura (nơi lãnh tụ Hồi giáo giảng đạo, hình vẽ ký hiệu 18) và hốc cầu nguyện Mihrab (hình vẽ ký hiệu 19) đã được chuyển đổi thành nơi lưu giữ các thánh tích và nhà họp (Sacristia/Sala Capitular, hình vẽ ký hiệu 20).

Dọc theo chu vi của Nhà thờ, không chỉ các nhà nguyện mà còn hình thành các phòng cầu nguyện nhỏ (Chapel), được xây dựng gắn với sự tài trợ của tư nhân.


Nội thất Nhà nguyện Villaviciosa với việc xóa bỏ mái vòm cũ và thay bằng mái vòm mới theo phong cách Gothic,
Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha


Nội thất Nhà nguyện Hoàng gia theo phong cách Mudéjar, Nhà thờ lớn Hồi giáo Córdoba, Trung tâm lịch sử Cordoba, Andalusia, Tây Ban Nha
 

Giáo đường Do Thái Córdoba

Sự hiện diện của người Do Thái ở Bán đảo Iberia và cụ thể hơn là ở Córdoba bắt nguồn từ thời kỳ thống trị của người La Mã. Người Do Thái chạy trốn khỏi sự đàn áp ở phương Đông. Đến đây, họ được hưởng một quyền tự do tôn giáo nhất định và bắt đầu xây dựng các giáo đường Do Thái.

 

Giáo đường Do Thái Córdoba (Córdoba Synagogue/Sinagoga de Córdoba) nằm tại bờ bắc sông Guadalquivir, rìa phía tây Khu vực Di sản.

Đây là một di tích lịch sử ở Khu Do Thái tại Córdoba, là một trong ba giáo đường Do thái được bảo tồn ở Tây Ban Nha (Giáo đường Do Thái El Tránsito; Giáo đường Do Thái Santa María la Blanca, cả hai đều ở thành phố Toledo, Tây Ban Nha).

Giáo đường Do Thái Córdoba, cũng như giáo đường Do Thái khác bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quy định của các nhà cai trị Cơ đốc giáo, ví dụ như: Địa vị của người Do Thái trong cộng đồng; Quy mô của giáo đường phải phản ánh sự khiêm tốn và vị trí thấp hơn so với nhà thờ Công giáo…

Giáo đường Do Thái Córdoba được xây dựng vào năm 1315 với trang trí theo phong cách truyền thống Mudejar

Sau khi trục xuất người Do Thái vào năm 1492, Giáo đường Do Thái bị chính quyền thu giữ và chuyển thành Bệnh viện Santo Quiteria, dành cho những người bị bệnh dại (hydrophobia). Năm 1588, tòa nhà được mua lại bởi Hội thợ đóng giày, sử dụng như một trung tâm cộng đồng và nhà nguyện nhỏ; Họ đổi vị thánh bảo trợ của toà nhà thành Santos Crispin-Crispian, vị thánh bảo trợ thợ đóng giày.

Giáo đường Do thái Córdoba trải qua các giai đoạn trùng tu vào năm 1928, 1977. Kể từ năm 1985, công trình mở cửa cho du khách.

Tòa nhà có hình thức mặt đứng bên ngoài đơn giản.

Công trình có lối vào từ phía đường phố, qua một sân nhỏ rộng 25m2, nơi có một tiền sảnh hẹp và từ đó có cầu thang dẫn lên phòng cầu nguyện dành cho phụ nữ nằm phía trên.

Phòng cầu nguyện chính có mặt bằng hình tứ giác, với kích thước dài 7m tại tường phía bắc, 6m tại tường phía nam. Phòng cao thông tầng, tới 11,5m. Lối vào Phòng cầu nguyện thông qua một cửa che rèm tại bức tường phía nam. Bên trong Phòng cầu nguyện có trang trí bằng thạnh cao miêu tả hình tượng hình học, thực vật và  chữ khắc từ Kinh thánh.

Phòng cầu nguyện dành riêng cho phụ nữ có 3 mái vòm rộng, được trang trí bằng vữa công phu, miêu tả hoa văn và chữ Do Thái.


Mặt bằng Giáo đường Do Thái


Hình dáng bên ngoài Giáo đường Do Thái


Bên trong Giáo đường Do Thái

 

Cung điện Alcazar tại Córdoba

Cung điện Alcazar của Monarch Christian (Alcázar of the Christian Kings/ Alcázar de los Reyes Cristianos) nằm tại bờ bắc sông Guadalquivir. Dinh thự thuộc nhóm các di tích Thiên chúa giáo của Khu vực Di sản

Ban đầu, đây là một pháo đài của người Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418- 721); Tiếp đó, đây trở thành dinh thự của các thống đốc Vương triều Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661 – 750, kinh đô Damascus, Syria).

Vương triều Umayyad thất thủ trước Vương triều Abbasid (Abbasid Caliphate, tồn tại năm 750–1258; 1261–1517, một trong những kinh đô là Baghdad, Iraq). Thành viên sống sót của Vương triều Umayyad là Abd ar-Rahman I chạy đến Córdoba, sáng lập Tiểu vương quốc Umayyad Córdoba (Caliphate of Córdoba, tồn tại năm 929–1031) và trở thành tiểu vương (trị vì năm 756 – 788)

Abd ar-Rahman I và những người kế vị của ông đã xây dựng Dinh thự Alcázar, trở thành Cung điện, nơi ở và nắm quyền lực tại vùng Al-Andalus (khu vực do người Hồi giáo cai trị trên Bán đảo Iberia).

Tiếp đó, Cung điện hoàng gia Alcazar được mở rộng với các chức năng sử dụng rộng rãi như: nhà tắm, khu vườn và thư viện. 

Vào thế kỷ thứ 10, Cung điện hoàng gia được chuyển đến địa điểm Madinat al-Zahara bên ngoài thành phố. Nhưng địa điểm này đã bị hủy hoại khi Vương quốc Córdoba (Caliphate of Córdoba, tồn tại năm 929–1031) sụp đổ. Vai trò điều hành quốc gia lại quay lại Cung điện Alcazar.

Năm 1236, lực lượng Thiên chúa giáo chiếm Córdoba trong thời kỳ Reconquista (Thời kỳ Tái chinh phục với việc mở rộng vương quốc Cơ đốc giáo khắp Hispania và sự sụp đổ của Vương quốc Nasrid ở Granada vào năm 1492). Năm 1328, Alfonso XI, vua của Castile và Leon (trị vì năm 1312 – 1350) đã bắt đầu xây dựng lại Cung điện Alcazar.

Cấu trúc Cung điện của Alfonso XI chỉ giữ lại một phần của tàn tích Moorish, nhưng vẫn mang phong cách Hồi giáo do sử dụng phong cách Mudéjar.

Trong chiến tranh, hệ thống phòng thủ với tường và tháp canh của Cung điện Alcázar đã được nâng cấp để đối phó với sự ra đời của thuốc súng.  

Công trình trở thành Cung điện chính của vua Ferdinand (Vương triều Aragon, trị vì năm 1479- 1516) và vợ là Nữ hoàng Isabella (Vương triều Castile, trị vì năm 1474- 1504), cai trị một liên minh giữa hai vương triều, được gọi là Nhà nước Quân chủ Công giáo Tây Ban Nha (Catholic Monarchs of Spain).

Vào năm 1482, Tòa nhà trở thành Tòa án Tây Ban Nha (Spanish Inquisition) và duy trì hoạt động này trong suốt 3 thế kỷ.

Alcázar từng là nơi đồn trú cho quân đội của Napoléon Bonaparte vào năm 1810. Năm 1821, Alcázar trở thành một nhà tù. Từ năm 1950, nơi đây trở thành di tích quốc gia thu hút khách du lịch. Các khu vườn xung quanh dinh thự mới được xây dựng từ giữa thế kỷ 20.

Cung điện Alcazar là một quần thể bảo gồm Khu vực Cung điện Alcazar và Vườn Alcazar.


Phối cảnh tổng thể Quần thể Cung điện Alcazar

 

Khu Cung điện Alcazar   

Cung điện Alcázar nằm trong các bức tường phòng thủ có mặt bằng hình vuông.

4 góc là 4 tòa tháp:  

Tháp Paloma (La torre de la Paloma/ Torre de la Vela) nằm ở góc đông nam của Cung điện. Tháp xây dựng ban đầu đã bị phá bỏ vào giữa thế kỷ 19. Tháp hiện tại là một công trình tái thiết có từ nửa sau thế kỷ 20 với mặt bằng hình vuông.

Tháp Leones (La torre de los Leones) nằm tại góc tây bắc của Cung điện. Cánh cửa dẫn đến chân tháp này hiện được sử dụng làm lối vào cho khách tham quan Cung điện Alcázar. Đây là cổ nhất, có niên đại từ thế kỷ 13, và được đặt theo tên của các đầu thú hình sư tử được tìm thấy ở phần trên cùng của tháp. Tháp có mặt bằng hình vuông, cao hai tầng. Tầng trên có Nhà nguyện San Eustaquio (La capilla de San Eustaquio), là nhà nguyện của các vị Vua Công giáo.

Tháp Homage (La torre del Homenaje), trước đây còn gọi là Tháp đồng hồ (Torre del Reloj), nằm tại góc đông bắc của Cung điện. Tòa tháp có mặt bằng hình bát giác,  Nội thất của tháp mang phong cách Gothic.

Tháp Inquisición (La torre de la Inquisición) có mặt bằng hình bát giác, nằm tại góc tây nam của Cung điện. Đây là nơi kho lưu trữ của Tòa án (Tribunal de la Santa Inquisition). Tháp còn được gọi là Tháp vườn (Torre de los Jardines). 

Bên trong Khu Cung điện Alcázar có một số không gian nổi bật:  

Đại sảnh Mosaics (Salón de los Mosaicos) được xây dựng vào thế kỷ 18, còn được gọi là “Sảnh Mosaics”, với những bức Mosaics ấn tượng có thể tìm thấy trong sảnh. Bên dưới tầng hiện tại của Đại sản vẫn còn lưu giữ được các di tích còn lại của Nhà tắm Hoàng gia.

Sảnh tiếp tân (Sala de Refciones/ Ocean Hall, là một căn phòng hình vuông, nằm bên cạnh Sảnh Mosaics. Trên một bức tường có trang trí một bức tranh khảm La Mã, dành riêng cho Thần Oceanus

Trong Sảnh vẫn còn lưu giữ đồ gỗ nội thất, ví dụ như gế của Gian Hợp xướng có từ thế kỷ 17.

Sân Mosaicos (Mudejar Courtyard) nằm ở phía tây của Cung điện Alcázar. Sân có mặt bằng hình chữ nhật và được bao quanh bởi hàng hiên hình vòm, ngoại trừ mặt phía tây. Mặt phía tây của sân là nơi có bức tường nối Tháp Leones và Tháp Inquisición. Tại đây có cổng đi vào Vườn Alcázar (Jardines del Alcázar). Giữa Sân có một đài phun nước nằm giữa hai hồ nhỏ.

Sân của Phụ nữ (Patio de las mujeres) nằm ở phía đông của Cung điện. Sân mang tên này vào thời gian Alcázar được sử dụng làm nhà tù và nơi này là nơi giam phụ nữ. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di tích khác nhau của các tòa nhà cũ bắt đầu từ thời La Mã. Sân hiện chỉ còn các tàn tích.

Nhà tắm Hoàng gia Doña Leonor ( Baños reales de Doña Leonor) được xây dựng vào năm 1328 bởi vua Alfonso 11 (Vua Tây Ban Nha, trị vị năm 1312 – 1350). Nhà tắm gồm 4 phòng: phòng thay đồ, phòng lạnh, phòng mát và phòng nóng.  


Phối cảnh Khu cung điện Alcazar 


Phối cảnh một góc Khu cung điện Alcazar với Tháp Paloma; phía sau là Tháp Homage


Phối cảnh sân trong Mosaics, Khu cung điện Alcazar


Bên trong Đại sảnh Mosaics, Khu cung điện Alcazar

 

Vườn Alcázar 

Vườn Alcázar (Jardines del Alcázar) nằm tại phía tây nam của Cung điện. Một số vườn hoa và vườn cây ăn quả đã tồn tại từ thế kỷ thứ 10.

Vườn được tưới bằng một hệ thống cấp nước mang tên Albolafia kề liền.

Vào cuối thế kỷ 15, do hoạt động cung cấp nước bị đình trệ, khu vườn ngừng hoạt động.

Khu vườn hiện tại được phục hồi vào khoảng giữa thế kỷ 20 và bị thu hẹp diện tích do xây dựng đường Avenue del Alcázar tại phía đông nam.  

Ngày nay, khu vườn có diện tích khoảng 5,5ha với các loài cây như cọ, bách, cam và chanh, xen kẽ với hồ ao và đài phun nước.

Vườn Alcázar được cấu trúc theo 3 cấp độ: Khu vườn trên cao, Khu vườn giữa và Khu vườn dưới. 

Khu vườn cao trên cao chiếm một không gian giữa Tháp Leones (La torre de los Leones) và Chuồng ngựa Hoàng gia (Caballerizas Reales). Tại đây có một hồ nước được chia làm đôi bởi một cây cầu nhỏ. Từ đây có các bậc đi xuống Khu Vườn giữa.

Khu Vườn giữa nằm ở phía tây nam của Khu vườn trên cao. Tại đây có một hồ nước lớn, hai hồ nước nhỏ và các bậc đi xuống Khu vườn dưới.

Khu vườn dưới chiếm một diện tích lớn nhất. Tại phía tây bắc Khu vườn có hai hồ nước lớn. Vườn có một trục chính theo hướng tây nam – đông bắc, còn được gọi là Đại lộ Nhà vua (Paseo de los Reyes). Chính giữa Đại lộ là một đường nước (kênh nước) với 3 hàng vòi phun.

Dọc theo hai bên đại lộ là hàng cây bách được gọt tỉa hình trụ và một số tác phẩm điêu khắc miêu tả các vị vua đã xây dựng Cung điện. 

Vuông góc với Đại lộ Nhà vua có hai trục đường lớn. Tại sân giao giữa Đại lộ và một trục đường đặt một cụm 3 tượng đại diện cho các vị vua Công giáo tại Andalusia và Christopher Columbus.

Cây và hoa trong vườn được chăm sóc cẩn thận.

Nước cấp cho khu vườn thông qua một Cối xay nước đặt trên sông Guadalquivir.




Phối cảnh Khu vườn trên cao và Khu vườn giữa, Quần thể Cung điện Alcazar


Khu vườn dưới với Đại lộ Nhà vua, Quần thể cung điện Alcazar

 

Chuồng ngựa Hoàng gia

Chuồng ngựa Hoàng gia (Caballerizas Reales/Caballerizas Reales de Córdoba) nằm tại phía bắc sông Guadalquivir, được xây dựng vào năm 1570 theo lệnh của vua Felipe II (vua Tây Ban Nha, trị vì năm 1556 – 1598) với mục đích chăn nuôi ngựa thuần chủng vùng Andalucia, Tây Ban Nha.

Năm 1734, công trình bị hỏa hoạn phá hủy hoàn toàn, sau đó được phục hồi.

Chuồng ngựa Hoàng gia bị người Pháp cướp phá vào năm 1809.

Vào cuối thế kỷ 19, một trường dạy cưỡi ngựa đã được thành lập tại đây.

Khu phức hợp có mặt bằng hình chữ nhật với các công trình bao quanh một sân trong. Chuồng ngựa cao hai tầng với các cột đá sa thạch đỡ vòm trần và vòm mái.

Sân trong hiện là nơi luyện tập và biểu diễn ngựa với khán đài có và không có mái che. 


Phối cảnh Tổ hợp Chuồng ngựa Hoàng gia


Bên trong Chuồng ngựa Hoàng gia

 

Di sản Trung tâm lịch sử Cordoba, vùng Andalusia, Tây Ban Nha là một minh chứng độc đáo về sự tồn tại của vương quốc Hồi giáo độc lập Córdoba vào thế kỷ thứ 10 tại miền nam Tây Ban Nha và châu Âu; là một trong những địa điểm nổi bật về kiến ​​trúc tôn giáo Hồi giáo. Nhà thờ lớn Hồi giáo Cordoba là một trong công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc.  


Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD 
Nguồn: